Thiên tai gây nhiều thiệt hại về người và tài sản trong năm 2022 

(ĐCSVN) - Tính đến ngày 28/12/2022, thiên tai đã làm 175 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế ước khoảng 19.453 tỷ đồng, gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với cùng kỳ năm 2021.

 

Chiều 30/12, tại Hà Nội, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến, từ đầu năm 2022 đến nay, thiên tai trên thế giới và khu vực diễn ra rất phức tạp. Nhiều trận thiên tai diễn ra với quy mô lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, vượt mức lịch sử gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản kinh tế. Điển hình như: nắng nóng, hạn hán kéo dài, nghiêm trọng nhất trong vòng 500 năm tại châu Âu làm hơn 20.000 người chết. Siêu bão Ian đổ bộ vào Mỹ cuối tháng 9 làm 154 người chết, thiệt hại trên 50 tỷ USD. Lũ lụt lịch sử trong tháng 7-8 tại Pakistan làm gần 1.700 người chết, trận động đất với độ lớn 5,6 độ richter tại Indonesia làm 321 người chết,…

Ở nước ta, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật từ những tháng đầu năm và trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tai, trong đó, điển hình có 1.057 trận thiên tai. Mưa lớn kéo dài ở miền Bắc đã gây sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, ngập lụt đô thị, khu công nghiệp (tháng 4,5,6). Các hồ chứa Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang đã phải vận hành xả lũ và duy trì trong một thời gian khá dài. Tại khu vực miền Trung, liên tiếp 3 cơn bão đổ bộ và mưa lũ sau bão gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, trong đó, bão số 4 (Noru) đạt cường độ mạnh nhất, cấp 14-15, giật cấp 17, gần đạt cấp siêu bão trên biển Đông, suy yếu nhanh và đổ bộ Đà Nẵng- Quảng Nam ngày 28/9 đã gây mưa rất lớn tại các tỉnh Nam đồng bằng Bắc bộ và từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi. Trong đó, riêng Nghệ An, mưa rất lớn 300-500mm.

Đồng thời, mưa lớn sau bão số 5 đã gây lũ trên báo động 3 trên các sông từ Quảng Bình – Thừa Thiên Huế; ngập lụt đặc biệt nghiêm trọng, có nơi tới 1,5-2m tại Đà Nẵng. Triều cường, kết hợp gió mạnh trên biển gây sóng lớn từ 1,5-2m tại khu vực biển Tây gây tràn và sạt lở đê biển Tây, tỉnh Cà Mau; nhiều trận động đất xảy ra liên tiếp trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum,…

Tính đến ngày 28/12/2022, thiên tai đã làm 175 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế ước khoảng 19.453 tỷ đồng, gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với cùng kỳ năm 2021.

Trong năm 2022, triển khai ứng phó với thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã thường xuyên theo dõi, cập nhật về dự báo, cảnh báo tình hình thiên tai trong nước và khu vực để tham mưu kịp thời Lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, đảm bảo chủ động ứng phó hiệu quả với thiên tai. Trong đó, tổ chức 30 đoàn công tác chỉ đạo ứng phó thiên tai tại hiện trường. Tổ chức tập huấn, diễn tập công tác ứng phó với thiên tai và động đất trong trường học tại tỉnh Kon Tum. Phối hợp với các nhà mạng di động tổ chức nhắn tin gần 6,47 triệu tin SMS, 78,9 triệu tin Zalo cảnh báo tới người dân khu vực nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai,…

 Đại tá Nguyễn Đình Hưng– Trưởng phòng cứu hộ cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: B.T)

Phát biểu tại Hội nghị, Đại tá Nguyễn Đình Hưng– Trưởng phòng cứu hộ cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho rằng, năm 2022, thiệt hại do thiên tai gây ra tương đối nặng nề.

Trong năm 2022, triển khai ứng phó với thiên tai, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã điều động trên 10 nghìn cán bộ, chiến sĩ cùng rất nhiều phương tiện phối hợp với các địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai. Trong đó, đã hướng dẫn cho hàng trăm nghìn phương tiện trên biển nắm bắt được thời tiết, diễn biến bão để chủ động phòng tránh; cứu hộ cứu nạn được nhiều người,…

Dự báo tình hình thiên tai còn nhiều diễn biến phức tạp trong năm 2023, do đó, để triển khai tốt công tác phòng chống thiên tai, Đại tá Nguyễn Đình Hưng kiến nghị các cơ quan chuyên môn Trung ương nghiên cứu mở rộng khu neo đậu tàu thuyền để đảm bảo neo đậu tránh trú bão.

“Hiện nay, ở các tỉnh gần như là quá tải, khi có bão, ấp thấp nhiệt đới, không có chỗ cho các phương tiện neo đậu, nhất là các phương tiện ở lận cận vào. Quá trình sắp xếp neo đậu khó khăn, khi có bão gió mạnh, việc tàu thuyền va đập là điều khó tránh khỏi” – Đại tá Nguyễn Đình Hưng nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Hoàng Đức Cường cho rằng, trước những thách thức của thiên tai, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong năm 2023 cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các đơn vị của Tổng cục khí tượng Thủy văn và Tổng cục Phòng chống thiên tai, nhất là đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới, khai thác các dữ liệu về dự báo, cảnh báo thiên tai. Đồng thời, thực hiện tốt hơn công tác truyền thông phòng chống thiên tai để thông tin kịp thời đến với người dân, tăng cường kỹ năng nhận biết, ứng phó với thiên tai của người dân, giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, trong năm 2023, toàn ngành sẽ tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến của thiên tai, nhất là lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi, mưa, lũ lớn, bão mạnh; bảo vệ an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập xung yếu; tham mưu kịp thời, chính xác cho Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai để chỉ đạo các địa phương, Bộ, ngành chuẩn bị sẵn sàng ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời, hiệu quả. Báo cáo, tổng hợp thiệt hại, đề xuất các biện pháp khắc phục thiên tai khẩn cấp, hỗ trợ tập trung, dài hạn. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng đưa người dân và địa phương bị thiệt hại sớm ổn định đời sống, sản xuất,…/.

 
B.T
94 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 729
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 729
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77488735