Thị trường dược liệu: Vẫn còn ‘vàng thau lẫn lộn’ 

(Chinhphu.vn) - Những vùng quy hoạch, chăm sóc, khai thác khép kín, truy xuất được nguồn gốc của các tổ chức, viện trường hay doanh nghiệp hiện mới chỉ là thiểu số so với khối lượng dược liệu khổng lồ được mua bán tấp nập hằng ngày trên thị trường hiện nay.

Tràn lan dược liệu giả, dược liệu kém chất lượng

Với gần 4.000 loài dược liệu cùng rất nhiều nhà chuyên môn và doanh nghiệp (DN) trong ngành nhưng cho đến nay, ngành công nghiệp dược liệu Việt Nam vẫn chưa đủ “thanh thế” để xây dựng nên các thương hiệu dược liệu hoặc dược phẩm được thừa nhận rộng rãi, đặc biệt là ở thị trường quốc tế. Số dược liệu Việt Nam có thể khai thác, thương mại hóa và xuất khẩu được vẫn chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.

Theo PGS. TS. Trương Thị Đẹp, Trưởng Bộ môn Thực vật, Khoa Dược, Đại học Y Dược TPHCM, dược liệu tại Việt Nam hiện đang bị giới chuyên môn cho là chưa có nguồn gốc rõ ràng. Những vùng quy hoạch, chăm sóc, khai thác khép kín, truy xuất được nguồn gốc của các tổ chức, viện trường hay DN lại mới chỉ là thiểu số so với khối lượng dược liệu khổng lồ được mua bán tấp nập hằng ngày trên thị trường hiện nay. “Hàm lượng hoạt chất triterpenonid toàn phần - một trong những “thước đo” chất lượng của nấm linh chi - qua thu thập mẫu ngẫu nhiên trên thị trường, là khá khác nhau. Rất nhiều mẫu chẳng có tí hoạt chất nào, chỉ là ‘xác dược liệu’ chứ không còn là dược liệu nữa”.

Tự điều tra về chất lượng cây thuốc ở một “phố dược liệu” ở TPHCM, TS. Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Cây dược liệu Việt Nam, cũng cho hay phần lớn dược liệu ở đây được nhập từ Trung Quốc, “không chỉ 80% đều là ‘xác dược liệu’ mà còn thấy rất nhiều vi sinh vật, vi khuẩn sinh sôi trong đó”.

Đáng tiếc là giữa thực tế ấy, không ít DN dược phẩm tại Việt Nam cũng chưa mặn mà tìm kiếm sự hỗ trợ của các nhà chuyên môn để tự nâng cao uy tín và chất lượng. Nếu chi khoảng 5 triệu đồng, DN đã có được “lý lịch khoa học” bài bản của một loại thảo dược nguyên liệu để có thể sàng lọc, chọn lựa và tìm đúng loại mình cần. “Đây không phải là mức giá cao nhưng cũng có những DN chỉ khi bị Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) “tuýt còi” thì mới tìm tới các nhà khoa học”, vị PGS đến từ Đại học Y Dược TPHCM trầm ngâm chia sẻ.

TS. Nguyễn Văn Minh còn cho rằng “nhiều công ty dược liệu Việt Nam lúc ban đầu rất quan tâm tới uy tín nhưng về sau lại bê bối”. Tình trạng trồng dược liệu theo nông pháp hóa học với thuốc trừ sâu, phân bón cũng tràn lan. Nhà khoa học đồng thời là doanh nhân này tin rằng “đã là dược liệu thì phải được trồng trọt hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ”. Vì vậy, dù Trung tâm Bảo tồn Cây dược liệu đã có vùng trồng hàng nghìn hecta trên cả nước nhưng trong những trường hợp cần thiết, để khẳng định tên tuổi, tránh “vàng thau lẫn lộn”, đơn vị này này vẫn chọn cách lập công ty ở Mỹ, sản xuất dược liệu rồi chuyển về Việt Nam.

Lỗi của cả người bán lẫn người dùng

Nói một cách công tâm, sau tất cả những “điểm trừ” mà các nhà chuyên môn “chấm” cho “phố dược liệu”, không có nghĩa rằng tất cả dược liệu ở đây đều là hàng giả, hàng kém chất lượng ngay từ khi được nhập về bởi người bán nhiều khi cũng chưa đủ hiểu biết để đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cần thiết trong khâu bảo quản.

TS. Lê Chiến Phương thuộc Phòng Công nghệ biến đổi sinh học, Viện Sinh học Nhiệt đới cho hay hiện tượng vi sinh vật sống trong một môi trường chết nhưng thực ra không chết là khá phổ biến. Nghĩa là dược liệu có dược tính kém không hẳn do khâu trồng trọt, sơ chế, vận chuyển mà còn ở khâu bảo quản.
 
Dược liệu dù tốt tới đâu đi nữa nhưng nếu không tuân thủ nghiêm ngặt điều kiện bảo quản về không khí, độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng, bao bì… thì dược tính cũng sẽ tiêu biến dần. Dược liệu mà cứ để ngoài không khí tự nhiên với đặc trưng thời tiết nóng ẩm như Việt Nam thì quá trình oxy hóa sẽ diễn ra rất nhanh, đến khi nào hết dược tính thì thôi”, vị chuyên gia về công nghệ sinh học và bảo quản thực phẩm, dược liệu giải thích thêm.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Văn Năm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Y Dược học Dân tộc TPHCM cũng tán đồng lý giải này khi cho rằng “cây thuốc mà cứ bỏ trong bao bố khơi khơi, hoặc ‘phơi’ ra ngoài nắng, hay cất ở những nơi có thể bị côn trùng, vi khuẩn thâm nhập thì làm sao mà phát huy tác dụng được”.

Ngoài ra, dược liệu có được chất lượng tốt hay không còn phụ thuộc vào thổ nhưỡng vùng trồng nữa. “Cũng là trinh nữ hoàng cung nhưng dược tính của cây khi trồng ở mỗi nơi mỗi khác. Cây dừa cạn trồng ở TPHCM thì hầu như không có dược tính gì”, TS. Nguyễn Văn Minh nêu thêm lý giải.

Người bán đã thế, người dùng cũng chưa khá hơn là bao. Tâm lý sính ngoại và sùng bái “truyền thuyết” khiến nhiều người sẵn sàng “chi đậm” với dược liệu nhập ngoại. “Sử dụng dược liệu cũng cần chọn lọc, tìm hiểu thông tin khoa học, đừng quá ‘cuồng’ trước những đồn thổi về đặc tính thần kỳ của một vài loại thảo dược nào đó. Chẳng hạn, đông trùng hạ thảo là loại thuốc quý, rất tốt, giá bán tại Hong Kong là 4.000 USD/kg, nhưng cũng không chắc là hàng thật”, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thảo Dược Xanh Đặng Đức Thành khuyến cáo.

Rất nhiều người dùng cũng tin rằng uống thuốc đông y không “bổ bề ngang thì cũng tràn bề dọc”, rằng thuốc đông y thì chả bao giờ có hại. Vậy là người ta rỉ tai nhau tự tìm kiếm dược liệu ngoài thiên nhiên hoặc… tự trồng rồi sử dụng. Thực tế thì sao? Theo PGS. TS Trương Thị Đẹp, chưa nói tới “tiền mất tật mang”, rủi ro đầu tiên là uống “thuốc” hoài mà chẳng thấy tác dụng gì, chỉ tốn kém thời gian, công sức.

“Ví dụ như cây hoa ngũ sắc được người ta mách nhau tìm kiếm và sử dụng khá phổ biến, nhưng thực ra hầu hết chỉ tìm được một loài cỏ ngoại lai xâm lấn có hình thức rất giống mà thôi. Ngay cả với sinh viên y dược, khi thực hành cũng hay nhầm lẫn”. Tương tự, vị chuyên gia này còn kê ra hàng loạt vị thuốc đang được người dân tìm kiếm rất nhiều theo con đường “truyền miệng” như xạ đen, bạch hoa xà thiệt thảo, hoài sơn…

Thống kê mới nhất của Viện Dược liệu cho thấy gần 50% số loài thực vật ở Việt Nam là cây thuốc (lớn hơn rất nhiều so với dữ liệu có được hồi năm 2006 - mới khoảng 30%). Thế nên, chúng ta có quyền hy vọng về một ngành dược liệu phát triển tới mức có thể đưa đông y và tây y “xích lại gần nhau” như Nhật Bản đang làm. Nhưng đó chắc chắn là một ước mơ cần đến rất nhiều nỗ lực - không chỉ là nhiệm vụ ở cấp nhà nước, chính phủ hay của riêng giới khoa học, mà còn là sự ủng hộ và đồng hành đúng cách của đông đảo người dân và DN.

Phương Hiền

595 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1032
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1032
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 85263629