Tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện chế độ kế toán hành chính sự nghiệp 

(ĐCSVN) – Bộ Tài chính đang nghiên cứu sửa đổi chế độ kế toán hành chính sự nghiệp theo Thông tư 107/2017/TT-BTC. Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan để xin ý kiến về những nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện.

 

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Bộ Tài chính (Ảnh: M.P) 

Ngày 2/11, tại Hà Nội,  Câu Lạc bộ kế toán trưởng toàn quốc và Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) phối hợp tổ chức Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Trao đổi vướng mắc trong quá trình thực hiện Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp theo Thông tư 107/2017/TT-BTC”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Vũ Đức Chính, Cục trưởng Cục Quản lý kế toán (QLKT) (Bộ Tài chính) chia sẻ, ngày 10/10/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 107/2017/TT-BTC về chế độ kế toán hành chính sự nghiệp. Sau 4 năm thực hiện, Thông tư 107/2017/TT-BTC đã bộc lộ một số vướng mắc cần sửa đổi để phù hợp với các cơ chế tài chính mới ban hành; thực tế về yêu cầu quản lý, nhu cầu về thông tin, số liệu tại các đơn vị và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính tại đơn vị sự nghiệp công lập và năm 2021, Bộ Tài chính đã ban hành 5 chuẩn mực kế toán công đầu tiên, tạo ra các khuôn mẫu, mực thước để chế độ kế toán trong đó có chế độ kế toán hành chính sự nghiệp, đòi hỏi cần có những điều chỉnh để đảm bảo phù hợp.

“Hiện nay, Bộ Tài chính đang nghiên cứu sửa đổi chế độ kế toán hành chính sự nghiệp theo Thông tư 107/2017/TT-BTC. Ngày 19/4/2021, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan để xin ý kiến về những nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư 107/2017/TT-BTC. Đến nay, đã nhận được gần 60 ý kiến tham gia của các đơn vị là Sở Tài chính đại diện cho các đơn vị kế toán tại các địa phương và gần 20 ý kiến của các Bộ, ngành. Các ý kiến phản ánh vướng mắc về một số nội dung cụ thể tại Thông tư 107/2017/TT-BTC và phản ánh nhu cầu cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Thông tư này.” - ông Vũ Đức Chính cho hay.

Tại Hội thảo lần này, Ban tổ chức sẽ tập trung trình bày các vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư 107 và dự kiến hướng sửa đổi, bổ sung; đưa ra các yêu cầu về cơ chế tài chính mới ban hành liên quan đến kế toán hành chính sự nghiệp và liên quan trực tiếp đến việc sửa đổi Thông tư 107. Đồng thời, dành thời gian báo cáo về các nội dung liên quan đến chuẩn mực kế toán công.

Theo ông Vũ Đức Chính, dự kiến đến năm 2024, sẽ ban hành 21 chuẩn mực kế toán công – đây các chuẩn mực cơ bản, có tác động trực tiếp đến công tác kế toán cũng trình bày thông tin trên báo cáo tài chính của đơn vị và báo cáo tài chính của Chính phủ. Những nội dung của chuẩn mực là các khuôn mẫu, mực thước để điều chỉnh các chế độ kế toán đảm bảo phù hợp. Trong các chuẩn mực này, có thể có những nội dung không phù hợp, không giống các quy định của cơ chế tài chính, Bộ Tài chính coi rằng đây là những định hướng để cơ chế tài chính có thể vận dụng, sửa đổi để phù hợp với thông lệ tốt của quốc tế đang áp dụng.”

Cục trưởng Cục QLKT đề nghị các đại biểu tham dự tham gia ý kiến để làm rõ hơn các vướng mắc thực tế khi thực hiện Thông tư 107 tại đơn vị mình; trong đó, nêu rõ khó khăn, đề xuất nếu Bộ Tài chính ban hành Thông tư mới sửa đổi Thông tư 107 thì đơn vị có thể sẽ gặp khó khăn, vướng mắc nào. Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, nghiên cứu, đưa ra phương án sửa đổi, ban hành Thông tư thay thế hoặc sửa đổi một phần, hoặc bổ sung một phần Thông tư 107/2017/TT-BTC một cách phù hợp nhất, vừa đảm bảo công tác quản lý, vừa đảm bảo tính khả thi cho các đơn vị trong quá trình thực hiện.

Theo bà Hồ Thị Vinh, Phòng quản lý giám sát kế toán nhà nước, Cục QLKT, qua quá trình tổng hợp ý kiến từ các đơn vị liên quan, khi thực hiện Thông tư 107/2017/TT-BTC các đơn vị gặp vướng mắc trong việc hạch toán tài sản cố định; hạch toán chi thu nhập tăng thêm, chi bổ sung thu nhập; hạch toán nguồn cải cách tiền lương; hạch toán hoạt động liên doanh, liên kết; báo cáo kết quả hoạt động và báo cáo lưu chuyển tiền tệ;…Đơn cử, nguồn cải cách tiền lương được hình thành từ nhiều nguồn (nguồn thu sản xuất kinh doanh, dịch vụ; từ dự toán mà đơn vị phải tiết kiệm chi thường xuyên; từ nguồn thu phí được khấu trừ, để lại; từ các nguồn hoạt động khác phải quyết toán) nhưng theo quy định hiện tại, mỗi nguồn lại được quản lý, hạch toán vào các tài khoản khác nhau. Do đó, vấn đề đặt ra khi sửa đổi Thông tư 107/2017/TT-BTC là đưa ra cách hạch toán thống nhất, phù hợp. Ngoài ra, một số nội dung quan trọng cũng chưa được hướng dẫn trong Thông tư 107/2017/TT-BTC như: việc hạch toán dự phòng; hoạt động mang tính chất sản xuất kinh doanh, dịch vụ ở cơ quan nhà nước (như bán ấn chỉ); việc xử lý các nguồn thu được để lại; hướng dẫn hoàn thuế thu nhập cá nhân; hạch toán ngoại tệ;…đòi hỏi khi sửa đổi, bổ sung Thông tư 107/2017/TT-BTC cần có hướng quy định cụ thể hơn.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã nghe đại diện các đơn vị chuyên môn của Cục QLKT trình bày những nội dung hướng dẫn tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập có ảnh hưởng trực tiếp đến việc sửa đổi Thông tư 107/2017/TT-BTC; một số nội dung dự kiến hướng dẫn chuẩn mực kế toán công Việt Nam….

 
M.P
520 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1093
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1093
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77019983