Tập trung thúc đẩy phát triển chăn nuôi 6 tháng cuối năm 

(ĐCSVN) - Để đạt được các mục tiêu đề ra, trong 6 tháng cuối năm, toàn ngành Chăn nuôi sẽ tập trung triển khai các giải pháp về chăn nuôi an toàn sinh học, nâng cao năng lực sản xuất và kiểm soát chất lượng con giống, đồng thời, tăng cường các kênh theo dõi sát diễn biến về nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi…

 

 Thị trường thịt lợn hơi có nhiều biến động trong 6 tháng đầu năm 2023 (Ảnh minh họa: B.T)

Thị trường sản phẩm chăn nuôi nhiều biến động

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 6 tháng đầu năm 2023, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, nhưng dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát, nguy cơ các chủng virus cúm và dịch bệnh khác xâm nhiễm từ nước ngoài. Giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao trong khi đó, giá các loại sản phẩm chăn nuôi nhất là thịt lợn hơi đã tăng trở lại nhưng vẫn ở mức thấp.

Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, thời điểm cuối tháng 6/2023, so với cùng kỳ năm 2022, đàn trâu ước giảm 1,7%, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 61,2 nghìn tấn, giảm 0,9%. Đàn bò ước tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2022, sản lượng thịt bò ước đạt 245,3 nghìn tấn, tăng gần 2,6% so với cùng kỳ; sản lượng sữa đạt 662,8 triệu lít, tăng 8,4%.

Đối với đàn lợn, ước tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng sản lượng thịt lợn 6 tháng đầu năm ước đạt 2.326 nghìn tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ.

Về đàn gia cầm, ước tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng thịt gia cầm 6 tháng đạt 1.042 nghìn tấn, tăng 4,8%; trứng đạt 9,096 tỷ quả, tăng 4,2% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, theo Cục Chăn nuôi, trong 6 tháng đầu năm, thị trường sản phẩm chăn nuôi có nhiều biến động. Trong đó, đối với giá thịt lợn hơi xuất chuồng trong tháng 1, 2/2023 dao động trung bình 51.000 - 52.000 đồng/kg, giá bắt đầu giảm từ tháng 3 (trung bình còn 49.000 đồng/kg), tăng trở lại từ cuối tháng 4, sang tháng 5/2023 giá trung bình là 55.300 đồng/kg. Giá lợn hơi trung bình tháng 6/2023 đạt 59.000 đồng/kg và hiện nay đang dao động trung bình quanh mức 61.000 đồng/kg. Giá sản phẩm thấp hơn giá thành sản xuất từ tháng 1 đến tháng 5/2023 đã tác động đến tốc độ tăng trưởng số lượng đàn lợn của cả nước (giảm từ 10,4% tháng 1 xuống còn 2,5% tháng 6/2023), đặc biệt là những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ.

Đối với giá sản phẩm gia cầm, với gà lông màu, trong 4 tháng đầu năm 2023 giá thịt gà lông màu hơi xuất chuồng chăn nuôi công nghiệp ngắn ngày khá đồng nhất giữa 3 miền. Từ tháng 5 đến nay, giá biến động mạnh giữa các miền, đặc biệt giá gà lông màu miền Nam giảm mạnh trong tháng 5 và tháng 6. Nhìn chung, giá thịt gà lông màu ngắn ngày trong 6 tháng đầu năm đều thấp hơn giá thành sản xuất.

Đối với chăn nuôi gà lông trắng, giá bán sản phẩm thấp hơn giá thành sản xuất diễn ra trong suốt 6 tháng năm 2023. Giá trung bình 6 tháng đầu năm khoảng 25,9 nghìn đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất 32-35 nghìn đồng/kg. Điều này khiến doanh nghiệp, hộ chăn nuôi thua lỗ triền miên. Giá giữa các miền cũng có biến động với mức chênh lệch lớn giữa các miền từ 2,5 đến 12 nghìn đồng/kg. Trong 5 tháng đầu năm, nếu như giá ở miền Bắc cao hơn 2 miền còn lại thì sang tháng 6 đến nay, giá gà ở miền Bắc thấp hơn 2 miền.

Giá trứng gia cầm được duy trì ổn định. Nhìn chung giá trứng gà trung bình 6 tháng đầu năm giữa 3 miền là 1.950 đồng/quả; giá trứng vịt trung bình 2.420 đồng/quả.

Đánh giá của Cục Chăn nuôi cho thấy, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về dịch bệnh, thị trường, nhưng sản xuất chăn nuôi cơ bản vẫn ổn định và tăng trưởng tốt; đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong nước và một phần dành cho xuất khẩu, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Theo dõi sát diễn biến nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi

Theo Cục Chăn nuôi, trong 6 tháng cuối năm, ngành chăn nuôi sẽ còn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao.

Ngoài ra, vấn đề toàn cầu hóa về thị trường, việc hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới thông qua 16 hiệp định thương mại tư do thế hệ mới đã ký, và 2 hiệp định còn đang trong giai đoạn đàm phán, trong đó, khu vực CPTTP và EVFTA đều là những nước có không gian chăn nuôi lớn hơn Việt Nam, sẽ càng gia tăng áp lực về thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Cạnh tranh ngày càng lớn về giá, về chất lượng, đa dạng sản phẩm trước bối cảnh sản phẩm chăn nuôi của Mỹ và châu Âu như thịt gà, thịt lợn xuất vào thị trường Việt Nam.

Trong 6 tháng cuối năm, ngành Chăn nuôi phấn đấu đạt được các mục tiêu: Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng khoảng 3,5-4% so với năm 2022. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7,6 triệu tấn, tăng 3,4% (trong đó, sản lượng thịt lợn hơi tăng 3,4%; sản lượng thịt gia cầm tăng 3%); sản lượng trứng các loại tăng khoảng 3,9%; sản lượng sữa tăng khoảng 7,2%; sản lượng mật ong tăng khoảng 12,5%.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, theo Cục Chăn nuôi, toàn ngành sẽ tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học trên các đối tượng vật nuôi, nhất là đối với chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm; chỉ đạo phát triển một số giống bản địa, giống đặc sản.

Đi cùng với đó là việc nâng cao năng lực sản xuất và kiểm soát chất lượng con giống, tăng cường kiểm tra công tác quản lý chất lượng giống của các địa phương, cơ sở chăn nuôi giống lợn, gia cầm cấp cụ kỵ, ông bà; tiếp tục rà soát hệ thống sản xuất giống vật nuôi. Kiểm định chất lượng giống gia cầm.

Đồng thời, phối hợp với Cục Thú y và các đơn vị liên quan trong triển khai phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi, bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm và đặc biệt là bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.

Đáng chú ý, tăng cường các kênh theo dõi sát diễn biến về nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới, có biện pháp chỉ đạo kịp thời nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi trong bối cảnh giá vật tư đầu vào ở mức cao và đảm bảo về chất lượng thức ăn chăn nuôi.

Cục Chăn nuôi cũng cho biết, sẽ đẩy mạnh triển khai công tác quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, kiểm soát sử dụng chất cấm, kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi. Tăng cường giám sát quản lý chất lượng vật tư lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là kiểm soát an toàn thực phẩm. Tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới. Phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan tiến hành xử lý các vụ việc vi phạm về chất lượng giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi…

Nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị, ngành Chăn nuôi cần bám sát 5 đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gồm: Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi; phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi; phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển khoa học – công nghệ, khuyến nông trong chăn nuôi và tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đây là những đề án được xây dựng rất công phu, khoa học, trên cơ sở của Chiến lược, là “rường cột” để thực hiện chiến lược về giống, công nghiệp giống, thức ăn, môi trường, thiết bị chăn nuôi, chế biến, khoa học công nghệ,… Từ đó, đóng góp cho sự phát triển của ngành chăn nuôi./.

 
B.T
144 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 866
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 866
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77194055