Hình ảnh tại Hội thảo. (Ảnh: HH)

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Quốc hội; Tòng Thị Phóng, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội; Phạm Minh Chính, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đồng chủ trì Hội thảo.

Nhiều nơi không có cán bộ nữ tham gia tập thể lãnh đạo chủ chốt

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, công tác  cán bộ nữ, cán bộ người dân tôc thiểu số tuy đã có những tiến bộ đáng kể trong những năm gần đây nhưng cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, hết sức đáng lo ngại. Các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước liên quan đến công tác cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số còn chậm được cụ thể hóa, chưa thống nhất và thiếu đồng bộ. Công tác tuyển dụng, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đề bạt, bố trí, sử dụng, luân chuyển cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số còn thấp, chưa tương xứng với tỷ lệ dân số nữ, người dân tộc thiểu số, ở nhiều nơi chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Số lượng cán bộ giữ các chức danh lãnh đạo chủ cốt ở các ban, bộ, ngành và địa phương chưa cao, cơ cấu không đồng đều, nhiều nơi mất cân đối nghiêm trọng (10 cơ quan đảng ở Trung ương, 11 Bộ và cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, 5 Ủy ban thuộc Quốc hội, 43 tỉnh thành phố không có cán bộ nữ tham gia tập thể lãnh đạo chủ chốt, 47, tỉnh, thành phố không có cán bộ dân tộc thiểu số dự nguồn cho các nhiệm kỳ tiếp theo). Chất lượng đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ dân tộc tuy đã được nâng lên một bước nhưng vẫn chưa theo kịp yêu cầu, thực tiễn đặt ra.

Thực trạng hiện nay cho thấy, để đạt được mục tiêu đã đề ra trong các chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, cần tìm ra những giải pháp sáng tạo, thiết thực mang tính đột phá, có tính khả thi cao, kịp thời tăng cường cả về số lượng và chất lượng cán bộ nữ, cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số, khắc phục được những hạn chế, yếu kém từ nhiều nhiệm kỳ nay trong công tác cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số.

Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đề nghị các đại biểu dự Hội thảo tập trung thảo luận, tích cực tham gia góp ý kiến, hiến kế tìm ra những giải pháp đột phá, khả thi, những kiến nghị, đề xuất có tính thực tiễn cao trong đó chú trọng tới nhóm giải pháp về công tác tuyên truyền, định hướng, nâng cao nhận thức; nhóm giải pháp về tăng cường công tác quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số; nhóm giải pháp, kiến nghị đề xuất về cơ chế, chính sách đặc thù.

Tại Hội thảo, ý kiến của các đại biểu đã tập trung phân tích những hạn chế và nguyên nhân hạn chế khiến công tác cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số chưa đạt tỷ lệ như yêu cầu đề ra. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, ngay từ khâu tuyển dụng, cán bộ, viên chức nữ, dân tộc thiểu số đã chưa có sự bình đẳng. Tiếp đó là các tiêu chuẩn về trình độ, độ tuổi đi học tập, đào tạo cán bộ lãnh đạo cũng chưa được tính đến yếu tố về giới và vùng miền. Có ý kiến cho rằng, có những cấp ủy chưa kiên quyết trong việc bảo đảm tỷ lệ cán bộ lãnh đạo là nữ, là người dân tộc thiểu số…

Hiện thực hóa quyết tâm bảo đảm tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số

Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, đây là lần đầu tiên có Hội thảo chuyên đề về công tác cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số nhằm đánh giá công tác cán bộ nói chung và cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số nói riêng. Qua đó, tạo sự thống nhất, kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ trương của Đảng và việc thực thi các chính sách về cán bộ của chính quyền và sự giám sát việc thực hiện Luật cán bộ, công chức, viên chức.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Nghị quyết số 11- NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;  Nghị quyết 24 –NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc; Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị, Hướng dẫn số 26 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự cấp ủy là cơ sở quan trọng để các cấp ủy, địa phương tổng kết, đánh giá thực trạng công tác cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số trong thời gian qua.

Báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương và nhiều ý kiến tại Hội thảo đã cho thấy: vai trò của cán bộ nữ ngày càng được nâng cao; nhiều đồng chí đã được bầu giữ các chức vụ cao; tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số tham gia các chức danh lãnh đạo ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều bất cập và kết quả đạt được chưa tương xứng với mục tiêu, yêu cầu đề ra trong các nghị quyết, chỉ thị.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Trên thực tế, có nhiều địa phương làm tốt, nhưng có những tỉnh đồng bào dân tộc thiểu số đông nhưng tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số tham gia lãnh đạo chưa cao; có những tỉnh không có cán bộ nữ tham gia lãnh đạo chủ chốt. Câu hỏi đặt ra là cùng một mặt bằng chính sách, chế độ thì sao có địa phương làm tốt, có địa phương chưa làm tốt. Nguyên nhân do nhận thức hay do giải pháp?”.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, trong thời gian tới, cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về công tác cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số, về bình đẳng giới, về bình đẳng, đòan kết giữa các dân tộc. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo các cấp ủy, cơ quan, đơn vị và toàn thể cán bộ, công chức các ngành, các cấp về vấn đề này. Cần có những chương trình, kế hoạch cụ thể thiết thực và hiệu quả để xây dựng, quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số phát triển.

“Ban Tổ chức cần “điểm danh” những nơi làm chưa tốt công tác cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số. Và để chuẩn bị cho kỳ bầu cử các chức danh lãnh đạo cho nhiệm kỳ tới thì cần có chương trình, kế hoạch, đề án gì, chương trình hành động gì, phát hiện nguồn, đào tạo ra sao, luân chuyển, sử dụng như thế nào phải làm ngay từ bây giờ. Chúng ta phải lựa chọn, giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn để tham gia cấp ủy, lãnh đạo quản lý, tham gia Quốc hội để tạo cơ hội, điều kiện cho cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số được đóng góp năng lực” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cùng với đó, theo Chủ tịch Quốc hội, bản thân cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số cần thấy rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình, không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện để khẳng định vai trò, năng lực của mình.

Cùng với việc hoàn thiện hơn nữa các chính sách nhằm quan tâm đến cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số, trước mắt, cần có giải pháp đột phá bằng cách cụ thể hóa việc không được phê duyệt đề án nhân sự nếu chưa đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ dân tộc trước mỗi kỳ bầu cử. Nơi nào bầu chưa có cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số thì kiên quyết để khuyết để chờ bổ sung…

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ban Tổ chức Trung ương phối hợp các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị tiếp tục đánh giá sát thực tình hình cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, khẩn trương và thường xuyên rà soát lại các chính sách, pháp luật để đề nghị Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội, các cơ quan hữu quan trong việc tổng kết, điều chỉnh, bổ sung các chính sách, pháp luật và các giải pháp về tăng cường công tác cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp hơn với yêu cầu về công tác này trong tình hình mới./.

Hiền Hòa