Tận dụng cơ hội cơ cấu lại lao động sau dịch COVID-19 

(Chinhphu.vn) – Khi dịch COVID-19 được kiểm soát sẽ tạo ra nhiều cơ hội lớn để thị trường lao động phát triển. Đó là cơ hội để các doanh nghiệp sắp xếp cơ cấu sản xuất, kinh doanh phù hợp với cuộc cách mạng 4.0, cơ hội điều chỉnh phân bổ, cơ cấu lại lao động giữa các vùng, các ngành kinh tế, góp phần nâng cao năng suất, thúc đẩy chuyển đổi kinh tế số.

 

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh trao đổi về chương trình phục hồi thị trường lao động

Đây là nhận định được đưa ra tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Triển khai giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch” do Báo Nhân dân phối hợp Bộ LĐTB&XH tổ chức ngày 17/11.

7 nhóm giải pháp phục hồi, phát triển thị trường lao động

Trao đổi về chương trình hỗ trợ phục hồi thị trường lao động và an sinh xã hộiThứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết Bộ đang dự thảo chương trình gồm 7 nhóm giải pháp lớn với những cơ chế chính sách tập trung vào những nội dung, gồm: Hỗ trợ trực tiếp người lao động giúp chi trả chi phí đi lại, nhu yếu phẩm, tiền điện, tiền nước, chi phí xét nghiệm… Hiện nay, các doanh nghiệp đi vào sản xuất phải xét nghiệm rất nhiều.

Hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động; đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng người lao động, cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh. “Một số nơi thiếu lao động, biện pháp hỗ trợ này bảo đảm nguồn cung cho doanh nghiệp. Có thực tế là, hai bên có cung hoặc có cầu nhưng đôi khi không gặp nhau, chúng ta hoàn toàn có thể giúp cho việc kết nối này nhanh hơn”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhận định.

Áp dụng khoa học công nghệ cũng là giải pháp bền vững, từ đó hiện đại hóa thị trường lao động, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động việc làm, có kết nối chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia của Bộ Công an.

Bên cạnh đó, 2 nhóm giải pháp lớn cần triển khai là bảo đảm điều kiện về nơi sinh sống cho người lao động và xây dựng quan hệ giữa người lao động hài hòa, tiến bộ.

“Nguồn kinh phí thực hiện chương trình khá lớn, Bộ LĐTB&XH đang trình Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu để bố trí kinh phí đủ để thực hiện 7 giải pháp này. Ngoài ngân sách Trung ương, chúng ta cần huy động ngân sách địa phương và huy động xã hội hóa”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh thông tin.

Chia sẻ câu chuyện của địa phương, Giám đốc Sở LĐTB&XH TPHCM Lê Minh Tấn cho biết, quý I/2022 rơi vào thời điểm đón Tết Nguyên đán, đây cũng là thời điểm hằng năm các doanh nghiệp cần tuyển nhiều nhân sự để bổ sung lực lượng lao động chuyển đổi việc làm hoặc người lao động về quê chưa quay trở lại sau Tết. Nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến nhu cầu nhân lực quý I/2022, TPHCM cần khoảng 75.000 chỗ làm việc cho việc phát triển và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

Ông Lê Minh Tấn cho rằng đối với lao động ngừng việc do doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất hoặc có người lao động về quê, các doanh nghiệp cần thực hiện biện pháp "giữ chân" lao động như: Chủ động giữ thông tin, liên lạc để sẵn sàng kêu gọi người lao động quay trở lại sản xuất khi tình hình dịch được kiểm soát thông qua lập các nhóm trên mạng xã hội, internet với người lao động; thực hiện chế độ hỗ trợ cho người lao động (trả lương ngừng việc, hỗ trợ bằng tiền đối với một số ngày nhất định khi tạm hoãn, nghỉ việc không lương); áp dụng các biện pháp ngừng việc có trả lương hoặc tạm hoãn/nghỉ việc không lương thay cho việc chấm dứt hợp đồng lao động…

Đối với các tỉnh, thành phố cần thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc trong các doanh nghiệp cần có thông tin dữ liệu về việc làm như ngành, nghề có nhu cầu lao động, các yêu cầu về chuyên môn, tay nghề, tiền lương, thu nhập và các chính sách hỗ trợ người lao động làm việc trong các doanh nghiệp.

“Nguy cơ thiếu hụt lao động sẽ được ngăn chặn nếu như có các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe cho người lao động trong điều kiện trạng thái bình thường mới”, ông Lê Minh Tấn nhận định.

Biến thách thức thành cơ hội phát triển

Đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam, thị trường lao động bị chia cắt cục bộ giữa các vùng, các địa phương, gây ra thiếu lao động cho sản xuất kinh doanh. Mỗi nơi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cho nên việc đi lại giao lưu giữa các vùng cũng khó khăn hơn, gia tăng sự mất cân đối cung cầu lao động cục bộ, gây ra áp lực về giải quyết việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng, khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát sẽ tạo ra nhiều cơ hội lớn để thị trường lao động phát triển. Đó là cơ hội để các doanh nghiệp sắp xếp cơ cấu sản xuất kinh doanh phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội điều chỉnh phân bổ lại lao động giữa các vùng, các ngành kinh tế, góp phần nâng cao năng suất, thúc đẩy chuyển đổi kinh tế số, kinh tế xanh. Đó là cơ hội phát triển các hình thức giao dịch việc làm, cơ hội đổi mới giáo dục nghề nghiệp, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Đề cập đến “bài học sau đại dịch” Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cho rằng câu chuyện thiếu lao động cục bộ chủ yếu diễn ra với các doanh nghiệp trẻ, mới thành lập ở khu công nghiệp, không tuyển dụng được lao động địa phương và có sự di dời lao động từ địa phương khác tới. Nhưng với những doanh nghiệp có truyền thống, có tuổi đời lâu năm, có chế độ an sinh xã hội tốt và tham gia đầy đủ với cơ quan quản lý Nhà nước, phần lớn chỉ tuyển lao động xung quanh địa phương. Bản thân các doanh nghiệp cũng bố trí, hình thành lâu đời khu trọ mang tính chất tự quản.

“Chúng tôi nhận thấy rõ ràng bài học về việc có một hệ thống an sinh vững vàng, chính sách đãi ngộ nội tại của doanh nghiệp hoàn chỉnh sẽ là điều kiện cơ bản để thị trường lao động, lực lượng lao động phát triển bền vững”.

Tại một số địa phương, việc kết hợp các chính sách an sinh và duy trì sản xuất phù hợp cũng là giải pháp hữu hiệu để tận dụng cơ hội giữ ổn định thị trường lao động. Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Bình Dương cho biết đến nay, tỉnh Bình Dương có 750.000 người lao động trở lại làm việc (bằng 71% so với số lao động cuối tháng 4/2021; trong các khu công nghiệp có 87% lao động đã trở lại làm việc). Dự kiến tới cuối tháng 11, có khoảng hơn 1 triệu người lao động sẽ trở lại làm việc.

Hiện nay, các doanh nghiệp trở lại sản xuất theo phương án phòng, chống dịch (3 xanh, 3 tại chỗ, 3 tại chỗ chuyển sang 3 xanh) vẫn chưa sử dụng hết số lao động theo công suất của doanh nghiệp đang tập trung liên hệ và sử dụng nguồn lao động trước đây của doanh nghiệp hiện ở Bình Dương hoặc tuyển dụng người lao động đang ở Bình Dương (được tiêm ngừa theo quy định).

Dự báo tình hình thị trường lao động tỉnh Bình Dương sẽ không có tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng trong tháng 12/2021 và quý I/ 2022; nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp sẽ tăng mạnh từ quý II/2022 để đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Thu Cúc

164 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 781
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 782
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77140414