Tái cơ cấu toàn diện nền nông nghiệp 

(ĐCSVN) - Trong khi cuộc giải cứu thịt lợn theo hướng “toàn dân ăn thịt lợn” đang rầm rộ thì một số người đã nghi ngại các thị trường khác như thịt bò, thịt gà, thủy sản... liệu có sụp đổ như trong cỗ bài domino. Và thực tế cho thấy, ngành hàng thứ 2 bắt đầu “chịu đòn” khi “cơn bão” giảm giá bắt đầu tràn qua với mặt hàng trứng gia cầm, thịt gà…

Theo một số chủ trang trại, gần 1 tháng nay, giá gà công nghiệp bắt tại chuồng chỉ từ 19 - 20 nghìn đồng/kg, giá trứng giảm sâu chỉ còn khoảng 900 - 1000 đồng/quả. Trong khi đó, số lượng gà công nghiệp hiện nay đã lên tới hàng chục triệu con nhưng lượng tiêu thụ khá chậm. Giá trứng và thịt gà công nghiệp đang ở giai đoạn “rẻ chưa từng thấy”… Thực tế này cùng với việc “giải cứu” lợn, dưa hấu, chuối... thời gian qua thật sự là một hồi chuông dài cảnh báo về sự bất ổn định của nông sản. Thực trạng sản xuất chạy theo số lượng, bảo quản sau thu hoạch yếu khiến chất lượng nông sản không đáp ứng yêu cầu thị trường đang dẫn đến những cuộc khủng hoảng thừa...

Với 70% dân số sống bằng nghề nông, chiếm khoảng 60% lao động của cả nước, nhưng nông sản Việt vẫn quẩn quanh với câu chuyện “được mùa mất giá”, rồi vấn đề “giải cứu”. Chuyện dưa hấu không có thị trường tiêu thụ, cà phê trồng vượt diện tích quy hoạch và giá thịt lợn giảm mạnh… là bài học đắt giá cho nền sản xuất phá vỡ tính kế hoạch, không tuân thủ quy luật thị trường. Là vựa lúa của thế giới, nhưng giá trị gạo xuất khẩu của chúng ta vẫn chịu cảnh lép vế so với các nước trong khu vực... Thực tế này cũng cho thấy ngành nông nghiệp đang có rất nhiều vấn đề.

Thách thức của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay là làm sao để không còn những chiến dịch giải cứu nông sản “đến hẹn lại lên” như trong mấy năm gần đây. Và muốn giải quyết vấn đề này phải xuất phát từ gốc của nó. Trên thực tế, chính sách cho nông nghiệp của chúng ta không phải là thiếu, chỉ đạo về “tam nông” thậm chí là nhiều nhưng nhà nông vẫn cứ gặp hết khó khăn này đến “trở ngại” kia. Trải qua “năm nắng, mười sương” mới làm ra được sản phẩm, nhưng “người quê” vẫn khắc khoải với cụm từ “may nhờ, rủi chịu”. Câu hỏi đặt ra là, vì sao một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa như nước ta lại thường xuyên “va vấp” những “sát hạch” của thị trường mà kết quả bao giờ cũng là “điểm kém”, trong khi chúng ta có đầy đủ các bộ phận chuyên môn, hiệp hội ngành nghề để có thể giúp đỡ được nông dân?

Sản xuất theo tín hiệu thị trường, sản xuất theo hợp đồng hay “liên kết 4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) là những “bài tủ” đã được nhiều cấp, nhiều ngành chỉ ra lâu nay nhưng với những gì đang diễn ra trên thị trường nông sản, thì có vẻ nông dân hay chủ các trang trại chưa bao giờ “thuộc bài”, chứ đừng nói “trúng tủ”. Bởi mối liên kết mang tên “4 nhà” hiện khá lỏng lẻo, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên. Sản xuất nông nghiệp hiện gặp nhiều rủi ro, lợi nhuận không cao, nên chả mấy doanh nghiệp mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này. Còn những doanh nghiệp đầu tư nhiều lúc lại không làm tốt vai của mình mà lại là “nhà” hưởng lợi nhiều nhất trong khâu liên kết. Phải nhìn rõ, mối liên kết nhà nông - doanh nghiệp còn quá lỏng lẻo, chưa thật sự “vì nhau”.

Mặt khác, theo ngành nông nghiệp và công thương, mặc dù nông dân đã liên kết với doanh nghiệp lớn sản xuất theo quy trình và yêu cầu của nhà nhập khẩu, song trong nhiều trường hợp, hầu hết họ vẫn “tự bơi” theo thị trường mà không nắm bắt được thông tin, dự báo của các cơ quan có trách nhiệm. Ai là người tìm kiếm thị trường? Ai là người xây dựng thương hiệu? Vì vậy, họ vẫn là người thua thiệt nên không đầu tư sản xuất theo hướng bền vững, chỉ chạy theo những cái lợi nhìn thấy trước mắt. Nhiều chuyên gia cho rằng, đó là hệ quả của một nền nông nghiệp thiếu chiến lược, thiếu tổ chức sản xuất bài bản, chuyên nghiệp. 

Muốn thay đổi, Việt Nam phải có nền nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa, làm ra những sản phẩm thị trường cần chứ không phải sản xuất những sản phẩm mà chúng ta có. Có như vậy, chúng ta mới vượt qua được tình cảnh “chung tay giải cứu nông sản” như thời gian vừa qua. Thực tiễn cho thấy phương thức sản xuất manh mún đã không còn phù hợp. 

Điều quan trọng cần thay đổi đó chính là chính sách về đất đai. Theo nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, có khoảng 99% chủ sử dụng đất ở Việt Nam có diện tích nhỏ hơn 4 ha và 94% trong số đó thuộc đất không sinh lời hoặc sinh lời rất ít (không phải là đất đai màu mỡ). Chỉ có 4% các hộ sử dụng đất với diện tích từ 2 đến 4 ha. Để có nền nông nghiệp quy mô lớn, chất lượng cao thì phải thay đổi nền sản xuất nhỏ lẻ bằng cách tích tụ, tập trung đất đai. Vấn đề này đã được bàn đến tại nhiều hội nghị lớn nhỏ thời gian qua và thực tế đã có nhiều mô hình tập trung đất đai chứng minh tính hiệu quả của nó. Vì điều kiện tiên quyết để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất là diện tích phải đủ rộng thì mới áp dụng được ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, phải hướng đến nền nông nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Điều không kém phần quan trọng nữa đó là phải điều tiết từ chính sách, từ quy hoạch, cơ chế cho việc vận hành; phải tổ chức lại sản xuất gắn với thị trường; phải đáp ứng các điều kiện khắt khe về an toàn thực phẩm để xây dựng thương hiệu nông sản. Bên cạnh đó là những “cú hích” từ chính sách hỗ trợ vốn cho người sản xuất, xúc tiến thương mại; tăng cường sự tham gia của nông dân vào đầu tư công cho nông nghiệp ngay từ giai đoạn chuẩn bị, thực hiện và giám sát dự án; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp…

Thiết nghĩ, tái cơ cấu toàn diện nền nông nghiệp là yêu cầu tất yếu mà thực tiễn cuộc sống đã đặt ra. Nhưng tái cơ cấu nông nghiệp không phải là một cuộc cách mạng, một sự chuyển đổi sang giai đoạn mới mà trước khi thực hiện các giải pháp nêu thì điều tiên quyết cần thực hiện là phải đổi mới trong nhận thức. Lo cho nhà nông hãy nói ít, làm nhiều./.

Thu Hà

482 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 718
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 718
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86330940