Sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Ê-ti-ô-pi-a 

(ĐCSVN) - Tổng thống Ê-ti-ô-pi-a Tét-xô-mê nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch nước Trần Đại Quang và đoàn đại biểu cấp cao thăm cấp Nhà nước tới Ê-ti-ô-pi-a, khẳng định đây là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng vì Chủ tịch nước Trần Đại Quang là nguyên thủ đầu tiên của Việt Nam thăm Ê-ti-ô-pi-a từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1976.

Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ê-ti-ô-pi-a, Ngài Mu-la-tu Tét-xô-mê (Mulatu Teshome), ngày 23/8, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước đến Ê-ti-ô-pi-a. 

14h theo giờ địa phương (18h cùng ngày theo giờ Hà Nội), lễ đón chính thức Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đã được tổ chức trọng thể theo nghi thức dành cho Nguyên thủ quốc gia tại sân bay quốc tế Bôn tại Thủ đô A-đít A-ba-ba. Ra sân bay đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Phu nhân và Đoàn có Tổng thống Mu-la-tu Tét-xô-mê và Phu nhân cùng nhiều quan chức cấp cao của Ê-ti-ô-pi-a. Đại sứ Việt Nam tại Tan-da-ni-a kiêm nhiệm Ê-ti-ô-pi-a Nguyễn Kim Doanh, cùng toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán đã ra sân bay đón đoàn. 

16h cùng ngày, tại Phủ Tổng thống Ê-ti-ô-pi-a, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có cuộc hội đàm với Tống thống Mu-la-tu Tét-xô-mê.

Tổng thống Tét-xô-mê nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch nước Trần Đại Quang và đoàn đại biểu cấp cao thăm cấp Nhà nước tới Ê-ti-ô-pi-a, khẳng định đây là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng vì Chủ tịch nước Trần Đại Quang là nguyên thủ đầu tiên của Việt Nam thăm Ê-ti-ô-pi-a từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1976. Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ vui mừng lần đầu tiên được đến thăm đất nước Ê-ti-ô-pi-a, cảm ơn sự đón tiếp nồng nhiệt và trọng thị mà lãnh đạo và nhân dân Ê-ti-ô-pi-a dành cho đoàn. 

Hai bên đã trao đổi về tình hình mỗi nước, khu vực, cũng như phương hướng và các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác song phương.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc mừng Ê-ti-ô-pi-a đã có những bước phát triển rất ấn tượng trong thời gian qua, đưa Ê-ti-ô-pi-a trở thành một trong những hình mẫu tại châu Phi về phát triển kinh tế, với tốc độ tăng trưởng đạt trung bình 10% liên tục trong hơn 10 năm qua, cải thiện đáng kể đời sống nhân dân cũng như mở ra nhiều triển vọng hợp tác với các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Chủ tịch nước đánh giá cao vai trò và những đóng góp tích cực của Ê-ti-ô-pi-a trong Liên minh Châu Phi cũng như trong khuôn khổ Liên hợp quốc như hoạt động gìn giữ hoà bình, bảo đảm an ninh, ổn định cho khu vực và trên thế giới.

Tổng thống Mu-la-tu Tét-xô-mê đánh giá cao chuyến thăm lần đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đến Ê-ti-ô-pi-a và tin tưởng chuyến thăm sẽ tạo xung lực mới cho quan hệ hợp tác hai nước phát triển sâu rộng trong thời gian tới. Tổng thống bày tỏ nhân dân Ê-ti-ô-pi-a nói chung và cá nhân Tổng thống nói riêng luôn ngưỡng mộ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như những thành tựu to lớn đạt được trong xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.

Tổng thống Ê-ti-ô-pi-a bày tỏ ấn tượng đặc biệt về việc Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nước có tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định trong thời gian qua và là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về nông sản, gạo, cà phê… Tổng thống mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực Việt Nam có kinh nghiệm và trình độ cao như nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản… 

Hội đàm cấp cao giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mu-la-tu Tét-xô-mê.
Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Hai bên cho rằng Việt Nam và Ê-ti-ô-pi-a có mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực hai bên có tiềm năng và nhu cầu; nhất trí tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước đầu tư kinh doanh tại thị trường của nhau; xác lập các biện pháp thanh toán phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường khảo sát thị trường, chia sẻ thông tin chính sách; xem xét tiến cử Lãnh sự danh dự tạo thêm kênh kết nối và khai thác kịp thời các cơ hội hợp tác kinh tế. Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, thúc đẩy hợp tác Quốc hội, địa phương và giao lưu nhân dân, thúc đẩy giao lưu văn hóa, thể thao để tăng cường hiểu biết lẫn nhau. 

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trân trọng mời Tổng thống Mu-la-tu Tét-xô-mê thăm chính thức Việt Nam và Ngài Tổng thống đã vui vẻ nhận lời.

Sau cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mu-la-tu Tét-xô-mê đã chứng kiến lễ trao đổi các văn kiện hợp tác gồm: Hiệp định Miễn thị thực cho người mang hộ chiếu Ngoại giao và Công vụ, Bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao, Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Ủy ban Đầu tư Ê-ti-ô-pi-a và có buổi gặp gỡ báo chí.

Tối cùng ngày theo giờ địa phương, tại Phủ Tổng thống Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ê-ti-ô-pi-a, Tổng thống Mu-la-tu Tét-xô-mê và Phu nhân đã chủ trì tiệc chiêu đãi trọng thể chào mừng chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.

*Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có cuộc hội kiến Thủ tướng Ê-ti-ô-pi-a A-bi A-mét. 

Thủ tướng A-bi A-mét nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch nước Trần Đại Quang lần đầu tiên thăm cấp Nhà nước tới Ê-ti-ô-pi-a, tin tưởng chuyến thăm sẽ tăng cường lòng tin chính trị và sự hiểu biết giữa hai nước, tạo tiền đề đưa quan hệ hợp tác Việt Nam – Ê-ti-ô-pi-a lên một mức phát triển mới, thực chất, hiệu quả, đáp ứng thiết thực nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội kiến Thủ tướng Ê-ti-ô-pi-a. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc mừng Ngài A-bi A-mét vừa được bầu làm Chủ tịch Đảng Mặt trận Cách mạng Dân chủ Nhân dân Ê-ti-ô-pi-a và Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ê-ti-ô-pi-a, hoan nghênh những nỗ lực của Ngài Thủ tướng, Chính phủ Ê-ti-ô-pi-a trong việc cải cách mạnh mẽ kinh tế, xây dựng môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác thông qua việc thúc đẩy trao đổi đoàn trên các kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và giao lưu nhân dân. Về hợp tác kinh tế, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng A-bi A-mét nhất trí Việt Nam và Ê-ti-ô-pi-a đều là những quốc gia có khoảng 100 triệu dân, có thị trường rộng lớn và nguồn cung ứng lao động dồi dào, tốc độ phát triển cao. Do đó hai bên sẽ cùng nhau nỗ lực khai thác tốt hơn các cơ hội hợp tác, tăng cường trao đổi thương mại mở rộng danh mục các mặt hàng thế mạnh của mỗi nước với chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh; tăng cường chia sẻ thông tin, tạo điều kiện và cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước xúc tiến đầu tư, kinh doanh.

Chủ tịch nước đề nghị Ê-ti-ô-pi-a tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó Tập đoàn Viễn thông – Quân đội Viettel, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư tại Ê-ti-ô-pi-a trong các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh và kinh nghiệm như viễn thông, thương mại, nông nghiệp, hàng không, xây dựng thủy điện vừa và nhỏ…

Về hợp tác nông nghiệp, hai bên cho rằng cần tranh thủ tận dụng kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác nông nghiệp của Việt Nam để áp dụng vào phát triển nông nghiệp cho Ê-ti-ô-pi-a, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, phục vụ mục tiêu phát triển nông nghiệp của Ê-ti-ô-pi-a.

Thủ tướng A-bi A-mét nhấn mạnh với 80% dân số Ê-ti-ô-pi-a sống bằng nghề nông, Ê-ti-ô-pia rất ưu tiên phát triển nông nghiệp, đánh giá cao kinh nghiệm và trình độ phát triển nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt về lúa gạo và cà phê; mong muốn Việt Nam hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp và coi đây là hướng hợp tác chính giữa hai nước trong thời gian tới.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao sự năng động và tích cực của Ê-ti-ô-pi-a trong vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giai đoạn 2017-2018, cũng như vai trò quan trọng của Ê-ti-ô-pi-a tại châu Phi, Chủ tịch nước đề nghị Ê-ti-ô-pi-a hỗ trợ thúc đẩy, làm cầu nối trong quan hệ giữa các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng với các nước châu Phi và Liên minh Châu Phi, đồng thời đề nghị hai nước tăng cường phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế, trong khuôn khổ Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, hợp tác Nam – Nam... cũng như việc chia sẻ kinh nghiệm trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã chuyển lời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mời Thủ tướng A-bi A-mét sang thăm Việt Nam trong thời gian thích hợp./. 

Mạnh Hùng

405 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 917
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 917
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 79008931