Hình ảnh tại buổi giao lưu
Nói về những giá trị cốt lõi, những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh, PGS. TS Phạm Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: nội dung tư tưởng, giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh là kết tinh tinh hoa văn hóa của dân tộc ta và của cả nhân loại. Trên quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản vô giá, mãi mãi soi đường cho cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng Đảng,PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, Đảng đã thấm nhuần quan điểm Hồ Chí Minh về rèn luyện Đảng trở thành một đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân.
Để rèn luyện cán bộ, đảng viên, rèn luyện Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, GS.TS. Nhà giáo ưu tú Mạch Quang Thắng cho biết, Bác Hồ đã căn dặn: cán bộ, đảng viên phải suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Tổ quốc. “Suốt đời” ở đây tức là không phải là đoạn này ta tốt, đoạn sau lại không tốt. Bác Hồ có nói, đảng viên phải là những người “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”; cán bộ, đảng viên phải làm đày tớ, làm công bộc cho dân. Bác căn dặn phải luôn luôn tu dưỡng rèn luyện để nâng cao phẩm chất và năng lực, có lúc Bác nói là “vừa hồng, vừa chuyên”. Đó là cả phẩm chất, cả năng lực, hai điều này không thể tách rời với nhau. Phẩm chất, năng lực là sự tổng hợp của nhiều yếu tố trong rèn luyện về phẩm chất, về kỹ năng, về chuyên môn. Những lời căn dặn của Bác luôn mang tính thời sự và có ý nghĩa rất sâu sắc.
Tuy nhiên, trên thực tế, “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên có những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Theo GS. TS Nhà giáo ưu tú Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đó là những người không gương mẫu trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đó là những người có lối sống trác táng, lối sống ăn tiêu xa hoa lãng phí, những người đứng trước quần chúng nói những điều cao cả, nhưng bản thân mình thì có lối sống không phù hợp...
Nêu rõ hơn về những biểu hiện suy thoái trong cuộc sống thực tiễn hiện nay, PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Bác Hồ thường nói cán bộ là cái gốc của cách mạng, mọi việc tốt xấu đều ở nơi cán bộ cả. Thế mà cán bộ của chúng ta thiếu tu dưỡng, thiếu rèn luyện thì chắc chắn sẽ gây ra hậu quả.
Trong thời gian vừa qua, các phương tiện truyền thông đã đưa nhiều tin, bài liên quan đến những trường hợp bổ nhiệm cán bộ, và ai cũng núp dưới cái mác “đúng quy trình” nhưng mà cuối cùng lại cho ra kết quả không đúng, như vậy phải xem lại “quy trình”. Tư tưởng của Bác về trọng dụng người tài được thể hiện rất rõ. Bác luôn muốn có người tài, nhưng người tài phải đi luôn luôn có đức. Nếu người tài được trọng dụng mà không có đức thì có khi lại có hại cho đất nước. Thời kỳ của Bác, nhiều người có quan điểm ngược với Bác, nhưng Bác vẫn đưa vào Chính phủ với mục tiêu phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước. Điều này thì thế hệ sau phải học và làm theo Bác.
Lấy ví dụ cụ thể về tư tưởng này, PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà cho biết, đầu năm 1946, Chính phủ liên hiệp lâm thời được thành lập thay cho Chính phủ kháng chiến, thì trong Chính phủ mới có những người không phải là đảng viên Cộng sản. Tiêu biểu có hai trường hợp là cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, sau này làm quyền Chủ tịch nước khi Bác Hồ sang thăm Pháp; và luật sư Phan Anh, sau này là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Khi đó, không phải có một cơ quan nào ngồi làm “quy trình” từ dưới lên trên, mà do Bác, Bác theo dõi, cảm nhận, đánh giá và đề nghị ra giúp dân, giúp nước. Với cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bác viết thư đề nghị cụ ra giúp đỡ Chính phủ mới, nhưng cụ từ chối. Khi Bác đặt vấn đề một lần nữa thì cụ quyết định ra tận Hà Nội để từ chối chính thức. Nhưng khi ra Hà Nội gặp Bác và cảm nhận ở Bác có một tâm hồn rộng lớn bao la, một sự chân thành thì cụ Huỳnh Thúc Kháng đã nhận lời và hoàn thành rất tốt chức trách của mình. Đó không phải là làm theo “quy trình” như cách hiểu của chúng ta hiện nay nhưng lại cho ra đáp số rất đúng.
PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà khẳng định: “Như vậy, việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác là rất quan trọng, trong đó phải đặc biệt chú ý đến công tác cán bộ”.
Đề cập đến những vụ việc, những biểu hiện cụ thể hiện nay đang đi ngược lại quan điểm và cảnh báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS. TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương cho biết, Bác Hồ chủ trương cần, kiệm, liêm, chính để chí công vô tư. Gần đây, những trường hợp lãng phí nghiêm trọng tiền của dân, của Nhà nước từ những dự án kéo dài, đắp chiếu bỏ hoang gây lãng phí tiền của Nhà nước, của nhân dân trái với tinh thần cần, kiệm, liêm, chính của Bác.
Về mặt đạo đức, thể hiện sự vô trách nhiệm, cũng là một phương diện của vô đạo đức; thể hiện sự yếu kém trong quản lý, kiểm soát, điều hành, phân bổ, vận dụng nguồn lực của xã hội, đất nước.
Bác Hồ đã dặn: Mỗi đồng tiền, bát gạo của dân là mồ hôi nước mắt của dân, thương dân thì phải tiết kiệm; lãng phí là không thương dân; tham ô, tham nhũng là có tội với dân, ăn cắp của dân, hại dân, hại nước.
Từ ngay những ngày đầu chính thể, trong một tác phẩm rất nổi tiếng “Quốc lệnh”, Bác viết 10 điều khen thưởng cho những người có công thì rất trọng hậu, xứng đáng để động viên, tạo động lực phát triển. Nhưng 10 điều trừng phạt, Người rất nghiêm khắc, từ điều phạt thứ nhất đến điều phạt thứ 10, tất cả việt gian, phản quốc, tham ô, tham nhũng, hại dân, hại nước đến mức vi phạm đạo đức nghiêm trọng phải trừng trị, Người ghi mức án cao nhất là tử hình.
GS. TS Hoàng Chí Bảo cho biết, trong cuộc đời của Bác, những năm tháng Bác đứng đầu Chính phủ, Nhà nước, Bác đã phải đau đớn ký những án tử hình, hoặc bác những bản án không được ân xá, thậm chí bắt thi hành bản án ngay, đau đớn mấy cũng phải chấp nhận để giữ cho chế độ trong sạch.
Bác nói: Chống lại cái ác là vì bảo vệ cái thiện, mà cái thiện lớn nhất là nhân dân. Nếu không trừng trị cái ác, dung dưỡng cái ác là làm hại cái thiện, hại dân. Đây chính là điều bây giờ chúng ta phải thức tỉnh, phải thực hiện.
Rõ ràng, tệ lãng phí, tham ô, tham nhũng thông qua những hoạt động kinh tế, dự án… làm thất thoát tiền của Nhà nước, của nhân dân. Như vậy, đúng là hiện tượng suy thoái cả về đạo đức, lối sống, cả về chính trị, cho nên phải nghiêm trị theo quyết tâm của Đảng ta hiện nay. Và như vậy, mới thực hiện việc học tập và làm theo Bác một cách nhất quán là nói đi đôi với làm.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, PGS. TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Trưởng bộ phận chuyên trách giúp việc Chỉ thị 05, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, chủ trương học tập và làm theo tấm gương của Bác là một quá trình liên tục trong nhiều khóa Đại hội Đảng từ trước đến nay: Khóa IX có Chỉ thị 23 của Ban Bí thư yêu cầu đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới, khóa X có Chỉ thị 06, khóa XI có Chỉ thị 03 tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; gần đây nhất là Chỉ thị 05 (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh …
Sau một năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, nhận thức về nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được nâng lên. Việc thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị đang đi dần vào cuộc sống, trở nên thiết thực hơn và ngày càng xuất hiện nhiều cách làm hay, kinh nghiệm quý; xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực, nhiều đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên gương mẫu, đi đầu trong học tập và làm theo Bác, tác phong công tác gần dân, sát dân, vì dân, “nói đi đôi với làm”, “nói ít, làm nhiều”, làm việc khoa học... được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Cùng với đó, việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW tiếp tục góp phần vào kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, góp phần giải quyết có hiệu quả nhiều vụ việc nổi cộm, phức tạp ở các địa phương, đơn vị./.
Hoa Hiền