Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng vấn đề lớn nhất hiện nay là giảm tỉ lệ ca F0 diễn tiến nặng (ảnh: TTBCTP)

Chiều 20/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác của Chính phủ có buổi làm việc với TP Hồ Chí Minh về kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 5.

Thông tin về kế hoạch tiêm vắc xin đợt 5 của TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức cho biết, tổng số lượng vắc xin được phân bổ đợt này là hơn 930.000 liều gồm 03 loại vắc xin: Astrazeneca, Moderna và Pfizer. Ngoài các điểm tiêm tại các quận - huyện và TP Thủ Đức, Thành phố cũng triển khai tiêm vắc xin tại Bệnh viện Tri Phương, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Theo kế hoạch, mỗi phường/xã sẽ tổ chức ít nhất 2 điểm tiêm; tại các điểm tiêm đều bố trí các tổ cấp cứu túc trực để đảm bảo xử lý kịp thời mọi tình huống xảy ra. Tại nơi phong tỏa sẽ không tổ chức tiêm nhưng ngay khi gỡ phong tỏa sẽ lập tức tổ chức tiêm cho người dân.
Đồng chí Dương Anh Đức cho biết, trong đợt tiêm này, toàn Thành phố sẽ vận hành 615 điểm tiêm, với 120 người/ngày/điểm tiêm. Tùy theo tình hình ổn định sẽ tăng số lượng lên 200 người/điểm tiêm/ngày. Nếu tiến độ đảm bảo thì khoảng trong 2 tuần, Thành phố sẽ tiêm xong 930.000 liều.

Theo kế hoạch, trong 1-2 ngày tới, Thành phố sẽ bắt đầu tổ chức tiêm vắc xin đợt 5 với đối tượng ưu tiên là những người người mắc các bệnh nền (bệnh thận mãn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường); người trên 65 tuổi; người thuộc diện chính sách và có công và đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người yếu thế; người làm việc trong cơ sở y tế, ngành y tế; người tham gia trực tiếp phòng chống dịch (thành viên ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, người làm việc ở khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, tổ COVID dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...).

Đánh giá về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định, trong 02 ngày qua tại Thành phố đã giảm số lượng ca mắc nhưng vẫn chưa thật sự khả quan, trong 7-10 ngày tới đỉnh dịch có đạt được hay không phụ thuộc vào sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền và sự đồng hành, chung sức của người dân Thành phố.

Về vấn đề vắc xin, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, người dân không nên so sánh các loại vắc-xin, vì chất lượng tất cả như nhau, được Tổ chức y tế thế giới và Bộ Y tế đánh giá đều có hiệu quả. Việc phân bổ vắc-xin gì cho đối tượng nào phải căn cứ theo khuyến cáo của loại vắc-xin đó. Có loại dùng cho người già, nhưng có loại dùng cho người trẻ…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ chia sẻ với những khó khăn hiện nay của lãnh đạo, chính quyền và Nhân dân TP Hồ Chí Minh.

Chính phủ đánh giá cao sự chuẩn bị các kế hoạch dự phòng cho mọi tình huống của TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua; Thành phố phải kiên trì thực hiện giãn cách nghiêm ngặt và có biện pháp mạnh mẽ hơn ở một số địa bàn để làm chậm tốc độ lây lan.

Cho rằng, vấn đề lớn nhất hiện nay là giảm tỉ lệ ca F0 diễn tiến nặng, theo Phó Thủ tướng, Thành phố đã nỗ lực giải quyết nhanh các vấn đề phát sinh và trang thiết bị y tế cho các khu điều trị. Theo tình hình dịch bệnh, dự báo số ca diễn tiến nặng sẽ còn tăng, ngành Y tế Thành phố cần tiếp tục theo dõi sát và đảm bảo các điều kiện về thể chất, tinh thần cho người bệnh. Đồng thời, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương có chính sách mua sắm đặc biệt các vật tư y tế, tạo điều kiện tối đa trang thiết bị cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Về vấn đề vắc xin, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, đây giải pháp căn cơ để kiểm soát, phòng dịch COVID-19 hiệu quả và cũng là mối quan tâm nhất hiện nay. Tuy nhiên, quá trình đàm phán để mua vắc xin rất dài, đã được thực hiện từ tháng 8/2020 với rất nhiều hãng sản xuất. Theo hợp đồng đã ký, cuối năm 2021 Việt Nam có đủ lượng vắc xin tiêm cho 70% người dân, tạo miễn dịch cộng đồng.

Từ nay đến tháng 8/2021 chưa có lượng vắc xin về nhiều nhưng Chính phủ và Bộ Y tế sẽ tiếp tục ưu tiên lớn nhất cho TP Hồ Chí Minh với mong muốn Thành phố sớm vượt qua khó khăn, dịch bệnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho hay, TP đang thực hiện lấy ý kiến các chuyên gia, các Bộ - ngành liên quan để chuẩn bị cho tình huống siết chặt hơn Chỉ thị 16 nhằm thực hiện cho bằng được là mục tiêu đề ra là ngăn chặn, kéo giảm sự lây lan trong cộng đồng hiện nay.

“TP Hồ Chí Minh mong muốn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và tổ công tác đặc biệt gồm lãnh đạo các bộ cùng chia sẻ, bàn bạc kịp thời để thống nhất các giải pháp hiệu quả hơn, cùng thực hiện giải pháp giãn cách theo Chỉ thị 16 có siết chặt, nâng cao, tăng cường để đạt kết quả như kế hoạch đề ra”, đồng chí Nguyễn Văn Nên bày tỏ.

 
V.Lê