Rừng đầu nguồn Quảng Trị vẫn "âm thầm" bị "xẻ thịt" 

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xảy ra nhiều vụ phá rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn. Có nhiều nguyên nhân, trong đó một trong những nguyên nhân chủ yếu là do phương pháp quản trị của các cơ quan chức năng liên quan thiếu tính khoa học và thực tiễn; chưa sâu sát, quyết liệt trong việc điều tra, giải quyết các nguyên nhân phá rừng.

Thống kê của Sở NN&PTNT Quảng Trị, hiện toàn tỉnh có gần 253.000ha rừng, trong đó rừng tự nhiên hơn 140.000ha, rừng trồng hơn 112.000ha. Ngoài ra, có gần 41.000ha đất được quy hoạch để phát triển rừng. Đáng chú ý, trong số diện tích rừng kể trên, rừng đặc dụng chiếm hơn 60.000ha, rừng phòng hộ gần 67.000ha. Tuy nhiên, trong những năm qua, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng thường bị “lâm tặc” lén lút khai thác trái phép.

Rừng đầu nguồn Quảng Trị vẫn

Rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải bị chặt phá.

Ông Hồ Xuân Hoè, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị cho biết, năm 2019, đơn vị đã ra quyết định kỷ luật về mặt Đảng đối với Chi bộ Ban quản lý (BQL) Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Đakrông (đóng tại xã Tà Long, huyện miền núi Đakrông) và một số lãnh đạo, cán bộ công tác tại Hạt Kiểm lâm khu BTTN này, do thiếu kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong phạm vi trực tiếp lãnh đạo, quản lý hoặc phân công phụ trách.

Cụ thể, liên tục trong nhiều tháng đầu năm 2019, rừng Khu BTTN Đakrông tại địa bàn các xã Tà Long, Húc Nghì bị khai thác trái phép và xâm hại nghiêm trọng nhưng 2 đơn vị kể trên đã không phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Trong đó, tại các Tiểu khu rừng 724A, 719 nằm trên địa bàn Tà Long bị khai thác, chặt phá trái phép hàng loạt.

Tháng 8/2021, Sở NN&PTNT Quảng Trị tiếp tục ra quyết định kỷ luật đối với 3 cán bộ thuộc BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải, do để xảy ra phá rừng trên địa bàn mình quản lý, bảo vệ một thời gian dài nhưng không báo cáo. Cụ thể, kỷ luật khiển trách đối với ông Trần Quang Long, Trưởng phòng quản lý, bảo vệ rừng và kỹ thuật; ông Nguyễn Ngọc Linh, Phó Trạm quản lý, bảo vệ rừng Tiểu khu 604; ông Nguyễn Đăng Quốc, Phó Trạm quản lý, bảo vệ rừng Vĩnh Hà- Vĩnh Ô (Vĩnh Linh). Trước đó, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, hơn 100 cây rừng với gần 90m3 gỗ quý tròn các loại tại vùng rừng phòng hộ đầu nguồn sông Bến Hải, thuộc địa phận 2 huyện Vĩnh Linh và Gio Linh, đã bị một số kẻ xấu đốn hạ, cửa xẻ thành nhiều phách gỗ vận chuyển về xuôi…

Tìm hiểu được biết, rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải có trên 21.000ha nằm địabàn2 huyện Vĩnh Linh và Gio Linh. Do nhiều bất cập trong công tác quy hoạch, quản lý đất rừng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất rừng cho các tổ chức, cá nhân ở đây nên xảy ra tình trạng đất rừng bị lấn chiếm, tranh chấp dai dẳng nhiều năm không giải quyết được.

Cùng với đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng của các cơ quan Nhà nước trên các địa bàn còn tồn tại, nảy sinh nhiều bất cập; thậm chí có dấu hiệu buông lỏng, dẫn đến rừng này thường trong tình trạng bị chặt phá, lén lút khai thác gỗ trái phép.

Ông Hồ Văn Đàn, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh bức xúc nói rằng, Vĩnh Ô hiện có 7 thôn, 372 hộ dân, với 1.416 nhân khẩu, trong đó người Vân Kiều chiếm 95%. Do địa hình đồi núi chia cắt, toàn xã chỉ có 40ha lúa nước, 13ha hoa màu. Sau bão, lụt năm 2020, nhiều diện tích đất bị bồi lấp không sản xuất được, nên hiện chỉ còn chưa tới 25ha lúa và 10ha hoa màu. Trong khi đó, địa phương mang tiếng có diện tích đất tự nhiên lớn, với gần 8.600ha, nhưng thực tế đất rừng và rừng của QBL rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải đã chiếm tới 7.000ha, xã còn lại chỉ gần 1.600ha. Vì thế, người dân sinh sống trên địa bàn với các loại hình tổ chức sản xuất chủ yếu là trồng lúa và rừng kinh tế, lại thiếu đất đai nghiêm trọng.

“Thực tế khi cơ quan chức năng đo đạc, cấp Giấy CNQSD đất rừng cho BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải, đã không thông báo, phối hợp chính quyền, ngành chức năng địa phương kiểm tra, xác minh nguồn gốc đất để thống nhất với dân. Vì thế, sau các đợt trồng rừng theo chương trình JICA của Nhật, đơn vị này đã kê khai luôn diện tích rừng của nhiều hộ dân ở Vĩnh Ô đã trồng, chăm sóc trước đó. Hậu quả, đến chu kỳ khai thác, người của BQL rừng phòng hộ kể trên ngăn cản không cho người dân ở đây khai thác, dẫn đến tình trạng tranh chấp kéo dài, cũng là nguyên nhân khiến sinh kế của bà con gặp khó khăn và xảy ra tình trạng âm ỉ lấn chiếm đất rừng và khai thác cây rừng trái phép”, ông Đàn nói thêm.

Theo ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, để hạn chế tối đa tình trạng xâm lấn đất rừng, khai thác gỗ rừng trái phép, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành công văn gửi Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh, yêu cầu tăng cường các biện pháp cấp bách đấu tranh, ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng.

Trong đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp tại địa phương, xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đồng thời, chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành cấp tỉnh và các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; chỉ đạo các lực lượng, cơ quan chức năng trên địa bàn, đặc biệt là Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng, Kiểm lâm tổ chức truy quét, ngăn chặn tình trạng phá rừng.

 
Thanh Bình

 

https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/rung-dau-nguon-quang-tri-van-am-tham-bi-xe-thit-i635421/

478 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 670
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 670
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78132585