Quảng Trị triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ 

Mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có 8.393,16km, bao gồm 10 tuyến quốc lộ với 380 km chiều dài, 23 tuyến đường tỉnh cùng với hệ thống đường huyện, đường xã, đường giao thông nông thôn. Các tuyến quốc lộ được đầu tư nâng cấp, các tuyến đường tỉnh, đường huyện nối các trung tâm kinh tế được nhựa hóa; kết cấu mặt đường được đầu tư đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; 100% số xã trên toàn tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã. Tuy nhiên, số lượng người và phương tiện lưu thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua gia tăng đáng kể, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp thời gây áp lực lớn đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn.

Theo số liệu của Ban An toàn Giao thông tỉnh, trong những năm qua, phương tiện giao thông trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, bình quân mỗi năm tăng gần 33.359 xe. Trong đó, mô tô tăng 27.365 xe/năm, ô tô tăng 5.994 xe/năm; tính đến hết năm 2023 Quảng Trị đang quản lý 38.793 ôtô; 494.867 môtô, xe máy; 19.774 mô tô điện, xe máy điện. (không kể số mô tô, xe máy, ô tô đăng ký ở các tỉnh khác và xe của Quân đội hoạt động trên địa bàn). Tuy nhiên công tác đảm bảo TTATGT luôn được các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm, lực lượng trực tiếp thực thi pháp luật trên địa bàn tỉnh triển khai các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn; phát huy tinh thần, trách nhiệm; làm tốt công tác tham mưu; tăng cường lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tổ chức tuần tra, kiểm soát, bảo đảm tốt công tác TTATGT trên địa bàn tỉnh.

Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan thành viên Ban ATGT tỉnh bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ được giao để tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Chính phủ, kế hoạch thực hiện của các Bộ, ngành liên quan về bảo đảm TTATGT.

Công tác tuyên truyền về ATGT tiếp tục được quan tâm, góp phần nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông trong việc chấp hành pháp luật về TT ATGT.  Ban ATGT tỉnh đã phối hợp cùng với các cơ quan thành viên Ban ATGT tỉnh và UBND, Ban ATGT các huyện, thành phố, thị xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT cho giáo viên, học sinh và Nhân dân trên địa bàn tham gia đạt kết quả tốt. Duy trì, nhân rộng và triển khai các mô hình ATGT tại các địa phương, điển hình như mô hình “An toàn giao thông” tại TP Đông Hà, “Cổng trường ATGT” tại huyện Hải Lăng, huyện Đakrông, huyện Gio Linh; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức chương trình phát thanh trực tiếp hàng tuần, đã được thính giả nghe đài theo dõi và tương tác đạt hiệu quả cao; Phát tờ rơi tuyên truyền cho các chủ xe, lái xe, hộ dân sinh sống dọc tuyến giao thông. Tổ chức chương trình “Xuân yêu thương” tuyên truyền, phổ biến pháp luật kết hợp tặng quà cho các trường học trên địa bàn các huyện Hướng Hóa, Đakrông. Xây dựng các loạt phóng sự, tin, bài, hình ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình TTATGT và công tác triển khai thực hiện của lực lượng CSGT.

UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương liên quan thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính trên lĩnh vực thực thi pháp luật về TTATGT, qua đó đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT.

Sở Giao thông vận tải thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; thường xuyên kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đào tạo, sát hạch lái xe các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe trên địa bàn; yêu cầu các đơn vị đào tạo, sát hạch lái xe khắc phục những nội dung tồn tại, hạn chế; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm; đảm bảo công tác đào tạo, cấp GPLX theo quy định của pháp luật, phục vụ tốt nhu cầu của người dân.

Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo TTATGT trong hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải; cử cán bộ theo dõi, quản lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình thực hiện việc trích xuất dữ liệu của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn, đồng thời đưa ra hình thức xử lý như: chấn chỉnh, nhắc nhở đối với các phương tiện vi phạm lần đầu; ban hành các Quyết định thu hồi phù hiệu kinh doanh vận tải đối với những trường hợp vi về quá tốc độ giới hạn, quá thời gian lái xe liên tục theo quy định tại Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT; tăng cường phối hợp với Công an tỉnh xác minh thông tin GPLX của người vi phạm để tiếp nhận và cập nhật đầy đủ vào phần mềm quản lý theo quy định đồng thời phục vụ việc tra cứu thông tin để xét duyệt cấp đổi GPLX.

Công an tỉnh huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, hệ thống camera giám sát để phát hiện xử lý vi phạm về TTATGT; phối hợp và tổ chức thực hiện các chuyên án đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm trên các tuyến giao thông; xây dựng các phương án cụ thể nhằm bố trí lực lượng, tổ chức chỉ huy, điều khiển thực hiện tuần tra, kiểm soát giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông; tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ huy và năng lực thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT của các lực lượng chức năng, lực lượng chuyên trách, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trong thời gian vừa qua, Sở Giao thông vận tải tích cực phối hợp với Công an tỉnh, Khu Quản lý Đường bộ II và UBND cấp huyện, UBND cấp xã kiểm tra hiện trường các vị trí mất ATGT trên các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh và thống nhất biện pháp khắc phục, xử lý các kiến nghị của cử tri cũng như chính quyền địa phương các bất cập về an toàn giao thông, điều chỉnh đóng mở dải phân cách giữa, đấu nối từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và nhà dân vào Quốc lộ; phân luồng các phương tiện, điều chỉnh tốc độ tối đa cho phép, vị trí cấm dừng, cấm đỗ, tăng cường hệ thống chiếu sáng, ATGT một số đoạn tuyến; kiểm tra để đưa ra các phương án xử lý đối với các điểm, đoạn tuyến bất cập về an toàn giao thông… Thực hiện có hiệu quả các Kế hoạch phối hợp liên ngành giữa Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải và Khu Quản lý Đường bộ II về công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm liên quan đến tải trọng, khổ giới hạn, hành vi cơi, nới thành thùng trên các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh, góp phần hạn chế tình trạng mất TTATGT do các phương tiện chở hàng quá khổ, quá tải gây ra.

Với các giải pháp cụ thể, những cách làm thiết thực, hiệu quả, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có nhiều chuyển biến tích cực, số vụ tai nạn giao thông đã được kiềm chế và kéo giảm rõ rệt. Tuy nhiên, để kiềm chế và kéo giảm hơn nữa số vụ tai nạn giao thông thì bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng chức năng cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cấp, các ngành và các tổ chức, đoàn thể trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt các quy định về TTATGT đường bộ đến mọi người dân để nhân dân hiểu, nâng cao nhận thức tham gia giao thông an toàn, lành mạnh, văn minh và nêu cao trách nhiệm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hành lang an toàn đường bộ, người dân không tự ý mở đường tạm đấu nối vào quốc lộ, cao tốc, sử dụng trái phép đất của đường bộ; đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm nhằm răn đe giáo dục. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ và đáp ứng với sự phát triển của giao thông vận tải. Bố trí nguồn lực quản lý, bảo trì hệ thống giao thông vận tải đáp ứng nhu cầu. Xây dựng Quốc lộ 1 có các tuyến tránh các đô thị, thị trấn có mật độ phương tiện nội bộ cao trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tăng cường đầu tư nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với mục tiêu chuyển đổi số quốc gia trong hoạt động quản lý, giám sát, điều hành hệ thống giao thông đường bộ. Vĩnh Long

 

 

51 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1710
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1710
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77462404