QUẢNG TRỊ TRÊN ĐƯỜNG ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN (Kỳ 2) 

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (2001 – 2005) tiến hành vào thời điểm có ý nghĩa lịch sử to lớn. Loài người kết thúc thế kỷ XX, bước vào thế kỷ XXI. Tuy các nguy cơ và thách thức vẫn còn gay gắt, nhưng công cuộc đổi mới do Đảng đề xướng và lãnh đạo sau 15 năm giành được nhiều thành tựu to lớn và rất quan trọng. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang đi vào thế kỷ XXI với nhiều triển vọng tốt đẹp. Ở tỉnh ta, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, khó khăn, thử thách cũng rất nặng nề, nhất là thiên tai dồn dập xảy ra, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà đã nỗ lực phấn đấu giành được nhiều thành tựu quan trọng.

Đại hội đánh giá: Nền kinh tế phát triển một bước mới, nhịp độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 8,5% (KH 12%), một số chỉ tiêu quan trọng đã được hoàn thành, tiềm lực kinh tế nhà nước của tỉnh và nhân dân được tăng cường đáng kể. Sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp có nhiều tiến bộ: Năng suất lúa tăng cao (từ 31,5 tạ/ha năm 1995 lên 41,6 tạ/ha năm 2000). Sản lượng lương thực vượt chỉ tiêu của Đại hội XII đề ra (21,7 vạn tấn/ 17-18 vạn tấn). Ngành chăn nuôi ổn định và có bước tiến bộ; năng lực đánh bắt tăng nhanh, trong 5 năm, công suất đánh bắt đã tăng từ 35.700CV lên 37.580CV. Ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn có bước phát triển, góp phần thúca đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Kinh tế miền núi và định canh, định cư thực hiện tích cực và có kết quả bước đầu. Báo cáo chính trị đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII nêu rõ: “Trong điều kiện thiên tai liên tiếp xảy ra, nhất là hạn hán kéo dài năm 1998 và lũ lụt lịch sử cuối năm 1999 gây hậu quả nặng nề, nhưng với sự nỗ lực khắc phục của Đảng bộ và nhân dân, kinh tế nông nghiệp vấn đạt được những thành tựu quan trọng. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp bước đầu chuyển dịch theo hướng tích cực. Thành tựu đó phản ánh hướng phát triển nông nghiệp những năm qua là đúng đắn và có hiệu quả”.

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng. Giá trị sản xuất tăng bình quân 13,6%, một số thế mạnh về sản xuất công nghiệp được phát huy.

Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được ưu tiên đầu tư và đã đạt nhiều thành tựu quan trọng phục vụ tốt phát triển kinh tế và dân sinh. Tổng đầu tư 5 năm đạt 1.935 tỉ đồng. Điện phát triển nhanh, hệ thống giao thông được nâng cấp và xây dựng mới ở cả thành thị và nông thôn; thủy lợi được đầu tư và phát triển mạnh; bưu chính viễn thông phát triển nhanh. Văn hóa – xã hội đạt tiến bộ quan trọng, có ý nghĩa nhiều mặt. Đời sống tinh thần của nhân dân phong phú hơn. Sự nghiệp giáo dục – đào tạo, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, các chính sách xã hội triển khai tích cực và có hiệu quả. Chương trình xóa đói giảm nghèo triển khai mạnh mẽ, khoa học công nghệ phục vụ ngày càng nhiều hơn cho sự phát triển.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đánh giá: “Nhìn tổng quát, bộ mặt kinh tế - xã hội của tỉnh sau hơn 10 năm (1990 – 2000) đổi mới và phát triển đã thay đổi rõ rệt, cơ sở vật chất và văn hóa tinh thần tạo ra to lớn, hình thành mặt bằng mới với nhiều thuận lợi, là tiền đề quan trọng để bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm 2001 – 2005” (Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XIII). 

Đại hội cũng nêu rõ những hạn chế, yếu kém, đó là nền kinh tế phát triển chưa cân đối, thiếu vững chắc, hiệu quả còn thấp, chưa tạo ra được ngành kinh tế mũi nhọn, có nguồn thu ổn định. Mức tăng trưởng chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, chưa tạo được bước đột phá trong công nghiệp, sản xuất hàng hóa chậm phát triển. tình trạng tụt hậu xa hơn của nền kinh tế so với các vùng phát triển trong nước vẫn là một thách thức to lớn. Một số vấn đề văn hóa, xã hội bức xúc chưa giải quyết tốt, đời sống văn hóa ở cơ sở còn nghèo. Việc làm và đời sống của nhân dân ở một số vùng còn khó khăn.

Trên cơ sở xác định những thuận lợi và khó khăn, Đại hội XIII đề ra nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp phát triển sát đúng trong 5 năm tới. Mục tiêu tổng quát là: Phát huy kết quả đạt được 5 năm qua và nắm vững yêu cầu cao của thời kỳ mới, quyết tâm phấn đấu đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khai thác tốt các lợi thế, tranh thủ thời cơ đưa nền kinh tế phát triển nhanh và vững chắc hơn. Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, giải quyết tốt việc làm, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong đời sống nhân dân, nhất là những vùng khó khăn. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tăng cường quốc phòng – an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Đại hội Đảng bộ lần thứ XIII nhấn mạnh những nhiệm vụ: tiếp tục phát triển công nghiệp là yêu cầu trọng tâm trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế; Phát triển cơ sở hạ tầng là tiền đề cơ bản để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng cường mạnh mẽ hoạt động đối ngoại, kinh tế đối ngoại; đổi mới công tác tài chính, đổi mới các hoạt động của HTX theo luật; mở rông quy mô, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa… Đó là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (2005 – 2010) được tiến hành trong không khí toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh ta đang đẩy mạnh phong trào thi đua hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2001 - 2005, lập thành tích cao nhất chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng.

Đại hội đánh giá: Vượt lên khó khăn, thách thức, 5 năm qua Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị đã phấn đấu tích cực, giành được những thành tựu quan trọng về nhiều mặt, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Kinh tế tăng trưởng khá, chuyển dịch cơ cấu đúng định hướng; cơ chế, chính sách về huy động nguồn lực, thu hút đầu tư bước đầu được tạo lập và tổ chức thực hiện có hiệu quả.

 Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) bình quân 5 năm 2001-2005 đạt 8,7% (thời kỳ 1996-2000 bình quân đạt 8,5%); trong đó khu vực nông - lâm - ngư nghiệp tăng 4,5%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 21,9%, khu vực thương mại - du lịch - dịch vụ tăng 6,8%.

GDP bình quân đầu người năm 2005 đạt 5,16 triệu đồng, bằng 1,77 lần so với năm 2000.

Tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh chưa đạt mục tiêu đề ra là 10-11%, song trong bối cảnh có nhiều biến động của thời tiết, giá cả thị trường, dịch cúm gia cầm… thì đây là kết quả đáng khích lệ.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng từ 15,08% năm 2000 tăng lên 23,7%  năm 2005 (mục tiêu 25 - 26%); ngành nông - lâm - ngư nghiệp  từ 44,9% năm 2000 giảm xuống còn 36,8 % năm 2005 (mục tiêu 36 - 37%); ngành dịch vụ năm 2005 đạt 39,5% (mục tiêu 35 - 37%).

Trong khu vực nông - lâm - thuỷ sản, tỷ trọng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp giảm từ 83,1% năm 2000 xuống còn 79,1% năm 2005; ngành thủy sản tăng từ 10,9% năm 2000 lên 16% năm 2005.

Tỷ trọng lao động trong khu vực nông - lâm - ngư nghiệp từ 68,23% năm 2001 giảm còn 62,7% năm 2005. Lao động các ngành công nghiệp - xây dựng  từ 9,1% năm 2001 tăng lên 10,4% năm 2005. Lao động ngành thương mại - dịch vụ từ 12,7% năm 2001 tăng lên 26,9% năm 2005.

Nguồn lực huy động cho đầu tư phát triển, nhất là nguồn vốn đầu tư tăng so với 5 năm trước. Vốn đầu tư huy động so với GDP đạt 45%, tốc độ tăng bình quân 21,3%/năm.

Sản xuất nông - lâm - thuỷ sản phát triển khá toàn diện và liên tục đạt được những kết quả quan trọng. Nổi bật là sản xuất lương thực tăng bình quân hàng năm 1,7%, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch mạnh. Nhiều giống cây trồng mới đưa vào sản xuất cho năng suất và giá trị cao. Từng bước hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp, vùng nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến.

Công nghiệp có bước phát triển tích cực, thương mại – du lịch – dịch vụ tiếp tục phát triển khá ổn định. Tình hình đầu tư phát triển và kinh tế đối ngoại có nhiều tiến bộ. Tổng vốn đầu tư phát triên 5 năm đạt trên 5.600 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nước ngoài chiếm 17%, vốn trong nước 83% tăng 3 lần so với thời kỳ 1996 – 2000. Hầu hết các công trình thuộc kế hoạch 5 năm được triển khai thực hiện, nhiều công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng đã được đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả. Các dự án, công trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tăng khá so với thời kỳ 1996 – 2000. Các công trình quan trọng trên nhiều lĩnh vực đã được đầu tư xây dựng, góp phần tăng năng lực sản xuất.

Khoa học công nghệ có bước phát triển mới. Nhiều đề tài, dự án khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất và đời sống đã được triển khai. Công nghệ tin học bước đầu được ứng dụng phục vụ tốt  sản xuất kinh doanh, quản lý kinh tế - xã hội và cải cách hành chính. Các hoạt động vệ sinh môi trường được quan tâm, việc bảo vệ môi trường được chú trọng, nhiều vi phạm đã được xử lý tích cực. Công tác đo lường chất lượng có tiến bộ.

Văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ, mục tiêu chăm lo con người, giải quyết chính sách xã hội được quan tâm toàn diện, đời sống tinh thần của nhân dân được cải thiện.

Tuy nhiên, Đại hội cũng chỉ ra nền kinh tế của tỉnh còn có những hạn chế, yếu kém, đó là:

Nhịp độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với khả năng phát triển; chất lượng tăng trưởng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Một số ngành, lĩnh vực chưa tạo được bước đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thu nhập bình quân đầu người tăng chậm; Nền kinh tế của tỉnh so với các tỉnh trong cả nước còn có khoảng cách khá xa.

Nông nghiệp chủ yếu vẫn là sản xuất lương thực. Chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá còn chậm và phân tán. Tiềm năng kinh tế của vùng núi, vùng biển, vùng cát chưa được đầu tư khai thác đúng mức.

Thuỷ sản chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, chưa khai thác tốt hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ đã được đầu tư. Hiệu quả chương trình đánh bắt xa bờ đạt thấp, nợ vay khê đọng còn lớn. Nền công nghiệp nhỏ bé và phát triển chậm. Đầu tư phát triển công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thiết bị công nghệ lạc hậu, thiếu đội ngũ quản lý giỏi và công nhân kỹ thuật lành nghề. Công nghiệp hóa nông thôn phát triển chậm. Một số cơ sở sản xuất công nghiệp chưa phát huy hiệu quả, đầu tư kéo dài và gặp khó khăn do thiếu vốn.

 Hoạt động du lịch đang ở dạng sơ khai, tỷ trọng đóng góp trong cơ cấu kinh tế thấp, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của tỉnh.

Tình hình tài chính vẫn còn nhiều khó khăn, nổi lên là thu chi ngân sách mất cân đối nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến tích lũy nội bộ nền kinh tế và đầu tư phát triển.

Đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư trực tiếp cho phát triển kinh tế vẫn còn thiếu tập trung. Một số dự án chưa tuân thủ quy hoạch, còn lãng phí và thất thoát vốn đầu tư. Công tác quy hoạch và quản lý đô thị còn nhiều bất cập và yếu kém. Môi trường đầu tư thiếu hấp dẫn, nguồn vốn đầu tư hạn chế, mất cân đối ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển. Một số tồn tại, hạn chế như chất lượng công trình, năng lực các Ban quản lý dự án, công tác giải phóng mặt bằng, quản lý khai thác sử dụng sau đầu tư... vẫn chậm được khắc phục. Việc quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường chưa chặt chẽ nên chưa phát huy hiệu quả đầu tư.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV cũng đánh giá khái quát 15 năm thực hiện hiện công cuộc đổi mới tỉnh nhà, đó là:

 Hơn 15 năm tính từ ngày lập lại tỉnh, cùng cả nước trên con đường đổi mới, Quảng Trị đã đi lên, lập được những thành tựu nỗi bật:

 Nông nghiệp phát triển khá toàn diện. Diện tích các loại cây trồng liên tục được mở rộng; năng suất, sản lượng không ngừng được nâng cao. Từ chỗ Trung ương phải trợ cấp lương thực, đến nay không những đảm bảo an ninh lương thực mà còn có sản phẩm hàng hoá bán ra ngoài địa bàn. Các loại cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày, đặc biệt là cao su, hồ tiêu, cà phê đã phát triển thành các vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nuôi trồng thuỷ, hải sản phát triển khá.

Công nghiệp những ngày đầu lập lại tỉnh chưa có gì đáng kể, đến nay đã được đầu tư phát triển đúng hướng, nhất là công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất chế biến nông - lâm - thuỷ sản, sản xuất hàng tiêu dùng.... Giá trị sản xuất công nghiệp ngày càng cao, tỷ trọng đóng góp vào GDP có mức tăng trưởng đáng kể. Trên địa bàn toàn tỉnh đã hình thành các khu công nghiệp như khu công nghiệp Nam Đông Hà, Quán Ngang.

 Thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế của tỉnh. Cơ chế, chính sách đầu tư cho phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch tiếp tục được đổi mới, bước đầu thu hút được nhiều dự án cho đầu tư phát triển, nhất là đối với khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo.

 Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội từ chỗ thấp kém, thiếu thốn đến nay đã có tiến bộ vượt bậc, tạo tiền đề cơ bản cho phát triển của thời kỳ trước mắt, chuẩn bị điều kiện cho bước phát triển những năm tiếp theo. Một số cơ sở hạ tầng quan trọng như quốc lộ 9, đường Hồ Chí Minh, đường ven biển, các khu dịch vụ hậu cần nghề cá, các tuyến đường giao thông về trung tâm xã và cụm dân cư miền núi, hệ thống các công trình thuỷ lợi, đê kè được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới đáp ứng ngày càng tốt hơn cho yêu cầu phát triển sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần phát triển kinh tế, cải tạo môi trường sinh thái. Hệ thống chợ được đẩy mạnh xây dựng. Điện lưới quốc gia, bưu chính viễn thông, trường học, cơ sở y tế khám chữa bệnh, các di tích lịch sử và các kết cấu hạ tầng khác được tăng cường đáng kể, góp phần quan trọng nâng cao năng lực phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân.

Sự nghiệp giáo dục - đào tạo đạt được những tiến bộ đáng trân trọng, mặt bằng dân trí được nâng cao. Văn hoá - xã hội với nhiều hoạt động thiết thực, đi vào chiều sâu tạo dựng được nền tảng phục vụ tốt cho sự nghiệp xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư tiếp tục phát triển, đảm bảo số lượng và chất lượng. Công tác xoá đói giảm nghèo, hỗ trợ nhà ở cho gia đình chính sách, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số và các hộ nghèo thuộc các đối tượng khác trong xã hội, chính sách đối với các gia đình có công, thương binh, liệt sĩ, các bậc lão thành cách mạng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt... được toàn xã hội quan tâm, tích cực thực hiện.

Sự nghiệp y tế, công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân được đẩy mạnh. Các dịch bệnh nguy hiểm được phát hiện và dập tắt kịp thời góp phần đảm bảo sức khoẻ, an toàn tính mạng và tài sản nhân dân.

Đời sống đại bộ phận nhân dân được cải thiện đáng kể, bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều đổi thay, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trên cơ sở đó, Đại hội đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và quan điểm chỉ đạo trong 5 năm tới:

1. Mục tiêu tổng quát: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ, toàn diện, vững chắc trên tất cả các lĩnh vực. Tập trung huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội; giữ vững quốc phòng an ninh; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; hiệu lực quản lý, điều hành của các cấp chính quyền; vai trò hoạt động và giám sát của mặt trận và các đoàn thể nhân dân, phấn đấu đưa tỉnh   thoát khỏi nhóm tỉnh nghèo của cả nước.

2. Quan điểm tư tưởng chỉ đạo: Phát triển nhanh gắn với đảm bảo tính hiệu quả và bền vững trên cơ sở xác định vùng kinh tế động lực, khâu đột phá, ngành kinh tế mũi nhọn. Đầu tư phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ xã hội, tạo dựng tiền đề cho bước phát triển nhanh thời kỳ sau 2010.

Đặc biệt, Đại hội đã thảo luận và quyết định tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế toàn diện, vững chắc, sớm rút ngắn khoảng cách so với các tỉnh trong cả nước với những định hướng đúng đắn:

- Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hoá là cơ sở, nền tảng của nền kinh tế. Tập trung chỉ đạo đầu tư phát triển toàn diện, đồng bộ trên cả 3 vùng, trong đó đặc biệt chú trọng đầu tư khai thác chiều sâu, đa dạng hóa cây con, chuyên canh, thâm canh, nhằm không ngừng nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, coi đó là thước đo phát triển kinh tế trong nông - lâm - ngư nghiệp. Tốc độ tăng trưởng nông- lâm-ngư nghiệp bình quân đạt 4%/năm.

- Phát triển công nghiệp - xây dựng là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên số  một của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm tạo động lực quan trọng và cơ bản cho chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế của tỉnh.Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 25%/năm.

- Thương mại - du lịch -  dịch vụ giữ vị trí quan trọng, phấn đấu sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo bước đột phá cho thời kỳ sau năm 2010. Tốc độ tăng trưởng thương mại-du lịch-dịch vụ bình quân đạt 8,4%./năm.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (2010 – 2015) diễn ra bối cảnh bối cảnh tình hình thế giới đang có những biến đổi nhanh và khó lường; cơ hội và thách thức luôn đan xen; song hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ yếu của thời đại. Khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển mạnh mẽ; kinh tế tri thức phát triển nhanh...

Ở trong nước, chính trị - xã hội ổn định; khối đại đoàn kết dân tộc tiếp tục được tăng cường; quốc phòng - an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại, vị thế đất nước được mở rộng và nâng cao…Tuy vậy, các thế lực thù địch tiếp tục chống đối, tăng cường hoạt động. Tiêu cực xã hội, tội phạm và trật tự an toàn xã hội còn phức tạp.

Đối với tỉnh ta, những thành tựu của 25 năm đổi mới và hơn 20 năm lập lại tỉnh và đặc biệt là sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV là những tiền đề cơ bản và quan trọng cho quá trình phát triển trong những năm tới. Sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng được tăng cường, sức mạnh tổng hợp toàn dân ngày càng được phát huy tốt hơn; tiềm lực kinh tế và kết cấu hạ tầng đã được cải thiện. Kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện của các cấp uỷ đảng, chính quyền được tích luỹ. Tuy nhiên, những hạn chế, yếu kém về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vẫn là những khó khăn không nhỏ trong quá trình phát triển của tỉnh thời gian tới.

Chủ đề của Đại hội là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, tăng cường đoàn kết, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực, đưa Quảng Trị phát triển nhanh và bền vững”.

Đại hội đánh giá: Nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá; tốc độ tăng (GDP) bình quân hàng năm giai đoạn 2006 - 2010 đạt 10,8% (chỉ tiêu Đại hội XIV là 11 - 12%); GDP bình quân đầu người năm 2010 ước đạt 16 triệu đồng, tương đương 845 USD ( chỉ tiêu Đại hội XIV đề ra là 10 triệu đồng, tương đương 620- 650 USD), vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIV đề ra. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2010 ước đạt trên 850 tỷ, tăng bình quân hàng năm là 15,5% ( chỉ tiêu Đại hội XIV là: năm 2010 thu đạt 600 tỷ đồng và tăng 14- 15%/năm), vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIV đề ra.

Nông nghiệp tiếp tục phát triển toàn diện và theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thiên tai bất thường nhưng giá trị của ngành nông - lâm - ngư nghiệp vẫn tăng bình quân 5 năm là 3,5%/năm ( chỉ tiêu Đại hội XIV là 4%). An ninh lương thực được đảm bảo, sản lượng lương thực có hạt đạt trên 22 vạn tấn/năm (chỉ tiêu Đại hội XIV là 22 vạn tấn/năm).

Sản lượng nông, thủy sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao tăng nhanh (Giai đoạn 2005 - 2010, sản lượng cao su tăng bình quân 15,2%/năm, hồ tiêu tăng 8,4%/năm, cà phê tăng 0,9%/năm, lạc tăng 4,2%/năm, thuỷ sản tăng 8,1%/năm, sản lượng lúa chất lượng cao tăng nhanh). Trồng, chăm sóc, bảo vệ và kinh doanh nghề rừng phát triển khá. Tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 46,5% năm 2010 (chỉ tiêu Đại hội XIV là 43%).

Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển. Bình quân 5 năm giá trị của ngành công nghiệp - xây dựng tăng 21%/năm,  giá trị sản xuất tăng 23,7%/năm (chỉ tiêu Đại hội XIV là 25%). Kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp và một số cụm công nghiệp làng nghề được tập trung đầu tư xây dựng. Đã đầu tư khởi công xây dựng một số dự án quan trọng như: Nhà máy sản xuất xi măng 60 vạn tấn/năm, nhà máy bia Hà Nội - Quảng Trị. Một số dự án lớn đã hoàn thành đi vào khai thác như: công trình thủy lợi - thủy điện Quảng Trị, trạm nghiền clinke 25 vạn tấn/năm, xí nghiệp may Hoà Thọ…

Thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển cả về quy mô, ngành nghề, thị trường, hạ tầng kỹ thuật và hiệu quả kinh doanh. Tốc độ tăng giá trị của ngành bình quân 5 năm đạt 8,4% (đạt chỉ tiêu Đại hội XIV và cao hơn giai đoạn 2001- 2005 ( tăng 6,7%)). Tổng giá trị xuất khẩu 5 năm đạt 160 triệu USD. Hạ tầng du lịch phát triển, kinh doanh đa dạng, ở một số trung tâm đã có sự khởi sắc như Cửa Việt, Cửa Tùng, Đông Hà, Khe Sanh - Lao Bảo. Dịch vụ vận tải, thông tin liên lạc, bưu chính - viễn thông, bảo hiểm, tư vấn... phát triển cả số lượng và chất lượng. Hệ thống ngân hàng được mở rộng phục vụ tốt cho phát triển sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội và hội nhập kinh tế. Lĩnh vực tài chính có nhiều tiến bộ, đã chú trọng việc phát triển và nuôi dưỡng nguồn thu, cải tiến phương pháp thu thuế. Đẩy mạnh phân cấp quản lý ngân sách cho cấp huyện và cấp xã, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn chi ngân sách.

 Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng:Công nghiệp và xây dựng tăng từ 25,6% năm 2005 lên 37,5% năm 2010; Nông - lâm - ngư nghiệp giảm từ 35,9% năm 2005 xuống 27,4% năm 2010; Dịch vụ chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế nên giá trị giảm từ 38,5% xuống 35,1% ( Cơ cấu kinh tế theo Nghị quyết Đại hội XIV đến năm 2010: dịch vụ 38 - 40%; công nghiệp - xây dựng 33 - 35%; nông - lâm - ngư nghiệp 25 - 27%).

 Tỷ trọng giá trị trong GDP của khu vực kinh tế ngoài nhà nước từ 72,9% năm 2005 tăng lên 83% năm 2010.

Tỷ trọng lao động ngành nông - lâm - ngư nghiệp trong tổng số lao động xã hội giảm từ 62,8% năm 2005 xuống 55% năm 2010; lao động trong ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng từ 37,2% năm 2005 lên 45% năm 2010.

 Đầu tư phát triển toàn xã hội tăng nhanh, quản lý và sử dụng vốn ngày càng hiệu quả hơn. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm 2005- 2010 đã huy động được 17.497 tỷ đồng, gấp gần 3 lần giai đoạn 2000 - 2005, tăng bình quân hàng năm trên 20%, vượt chỉ tiêu Đại hội XIV( chỉ tiêu Đại hội XIV là 12.000 tỷ đồng).

 Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có sự phát triển khá toàn diện: Hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp, nhiều tuyến đường chiến lược như: đường ven biển, đường biên giới, đường đến các trung tâm kinh tế - xã hội của các vùng, cùng nhiều công trình cầu quan trọng được đầu tư, trong đó nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng ( như các tuyến đường miền núi: Lao Bảo - Hướng Phùng; đường vào trung tâm các xã: Pa Tầng, Ba Nang, A Vao, Hải Phúc, Ba Lòng, Vĩnh Ô; đường ven biển: Cửa Việt - Cửa Tùng, Vĩnh Thái - Vĩnh Kim; Hải An - Hải Khê; đường nội thị Đông Hà: đường Hùng Vương nối dài, đường 9D; cầu Cửa Tùng, cầu Cửa Việt…).

 Hệ thống thuỷ lợi, điện, được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới đồng bộ hơn, tăng năng lực tưới tiêu và an toàn hồ chứa. Có khoảng 98% tổng số hộ trong tỉnh sử dụng điện lưới.

Hệ thống bưu chính - viễn thông phát triển mạnh, tỷ lệ người dân sử dụng Internet và điện thoại tăng nhanh (Thuê bao điện thoại 55 máy/100 người dân; Internet 3 thuê bao/100 người dân)

Hạ tầng đô thị được tập trung đầu tư và phát triển. Thị xã Đông Hà được nâng cấp lên thành phố; thị xã Quảng Trị được mở rộng địa giới hành chính; thành lập mới thị trấn Cửa Việt, thị trấn Cửa Tùng…Nhiều công trình phúc lợi xã hội khác được tập trung đầu tư, phục vụ tốt hơn đời sống xã hội, tăng tiềm lực quốc phòng - an ninh...

Đại hội đã chỉ ra những hạn chế: Quy mô nền kinh tế còn nhỏ bé, chất lượng tăng trưởng chưa cao, thiếu bền vững. Cân đối ngân sách còn gặp nhiều khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người tuy có tăng nhưng chỉ bằng 62% so với bình quân chung của cả nước.

  Công tác quy hoạch chưa toàn diện, thiếu tính chiến lược dài hạn; quản lý thực hiện quy hoạch còn thiếu đồng bộ. Nguồn lực phát triển chưa được khai thác tốt. Doanh nghiệp tăng về số lượng nhưng quy mô nhỏ, sức cạnh tranh thấp, kinh tế tập thể còn yếu.  Hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư chưa cao. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, thiếu các công trình quan trọng để tạo sự bứt phá và quyết định cho phát triển kinh tế - xã hội. Môi trường đầu tư thiếu hấp dẫn.

Đại hội đã đề ra mục tiêu tổng quát phát triển trong 5 năm tới là: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, tăng cường khối đại đoàn kết, tạo sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, huy động mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá, gắn phát triển kinh tế với giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, môi trường, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, đưa Quảng Trị phát triển nhanh, bền vững. Đại hội đã xác định nhiệm vụ quan trọng trên lĩnh vực kinh tế, đó là:

- Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; tích cực đầu tư chiều sâu, gắn với giải quyết các vấn đề nông dân, nông thôn. Phấn đấu tốc độ tăng giá trị của ngành nông nghiệp đạt 3,5 - 4%/năm.

 - Đẩy mạnh phát triển công nghiệp - xây dựng theo hướng hiện đại, vững chắc gắn với bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Phấn đấu tốc độ tăng giá trị công nghiệp - xây dựng bình quân đạt 18 - 19%/năm.

- Nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, tạo bước phát triển mạnh dịch vụ du lịch, đưa tốc độ tăng trưởng giá trị thương mại dịch vụ bình quân đạt từ 10 - 11%/năm.

- Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng; phấn đấu huy động tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm 2011 - 2015 đạt trên 45 nghìn tỷ đồng.

                                                                              Phan Văn Lãn

730 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 527
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 527
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77459746