QUẢNG TRỊ TRÊN ĐƯỜNG ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN (Kỳ 1) 

Ngày 30/6/1989, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quyết định tách tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế. Sau 13 năm hợp nhất, tỉnh Quảng Trị được tái lập và bắt đầu công cuộc xây dựng, kiến thiết tỉnh nhà.

Tính đến nay, chặng đường xây dựng, đổi mới và phát triển đã gần 33 năm, trải qua 6 kỳ đại hội đảng bộ tỉnh. Từ một tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh, đối tượng chính sách lớn, xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, nhưng với sự đoàn kết, đồng lòng, khắc phục mọi khó khăn, thử thách, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong toàn tỉnh đã nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết của các kỳ đại hội đảng bộ tỉnh đề ra và đạt được những thành tựu quan trọng, làm thay đổi diện mạo quê hương, đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (1991) đã thực hiện dân chủ rộng rãi trong Đảng, đại biểu dự Đại hội đã nêu cao trách nhiệm trước Đảng bộ và nhân dân, tập trung thảo luận đánh giá đúng thực trạng tình hình của tỉnh nhà, khẳng định những kết quả đạt được trong quá trình đổi mới, chỉ rõ những thiếu sót, khuyết điểm và có những quyết định đúng đắn về mục tiêu, nhiệm vụ trong những năm tới. Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nêu rõ: “Những năm qua Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta thực hiện đường lối đổi mới của Đại hội lần thứ VI của Đảng, các nghị quyết của Trung ương và của Tỉnh uỷ trong tình hình quốc tế diễn biến hết sức phức tạp, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch điên cuồng chống phá cách mạng thế giới và cách mạng nước ta. Đất nước ta tuy đã dành được những thành tựu bước đầu rất quan trọng trong quá trình đổi mới, nhưng vẫn chưa ra khỏi khủng hoảng kinh tế- xã hội. Ở tỉnh ta, cơ sở vật chất kỹ thuật quá thiếu thốn, hậu quả chiến tranh còn nặng nề, thiên tai dồn dập. Trong hoàn cảnh ấy, giữa năm 1989 tỉnh mới được lập lại, nhiều công việc phải làm lại từ đầu, phải mất một số thời gian để ổn định tổ chức, đảng bộ, nhân dân tỉnh ta phát huy truyền thống đoàn kết đề cao ý thức tự lực tự cường, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, được sự lãnh đạo của Trung ương, sự giúp đỡ của các ngành, địa phương trong nước và bạn bè quốc tế, chúng ta đã giành được những kết quả có ý nghĩa quan trọng"1.

Đại hội đã đánh giá những kết quả đạt được: Sản lượng lương thực năm 1989 của tỉnh là 13 vạn tấn, cả giai đoạn 1986 – 1990 cao hơn 5 năm trước hơn 5 vạn tấn. Một số hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, hộ nông dân thâm canh lúa giỏi, đạt năng suất ổn định 40-50 tạ/ha/vụ.

Đối với ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp: tỉnh chủ trương củng cố, đổi mới phương thức quản lý ở một xí nghiệp, chuyển một số xí nghiệp thuộc huyện, thị lên tỉnh quản lý, tập trung đầu tư mở rộng đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng mới một số xí nghiệp khác. Nhờ đó, một xí nghiệp bước đầu làm ăn có hiệu quả, chứng tỏ tỉnh đã có chủ trương đúng đắn và có cách làm thích hợp, mở ra khả năng phát triển trong những năm tới. Nhiều hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp làm ăn có hiệu quả được điều chỉnh quy mô, thay đổi phương thức quản lý nên sản xuất năng động hơn, thu hút thêm lao động, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Sản lượng điện thương phẩm bình quân đầu người tăng 3 lần so với năm 1989.

Xây dựng cơ bản  đã đổi mới một bước về huy động nguồn và thu hút lực lượng xây dựng có kỹ thuật, tập trung cho những công trình có trọng điểm, phục vụ sản xuất đời sống như các công trình thuỷ lợi, giao thông, các xí nghiệp, công nghiệp, xí nghiệp nước, nhà văn hoá, đài phát thanh, các trường học, phòng khám bệnh…..Thị xã Đông Hà, thị xã Quảng Trị và các thị trấn huyện lỵ đang từng bước xây dựng theo hướng đô thị hoá. Nhiều công trình phường xã, huyện đã huy động được nguồn vốn của Nhà nước, tập thể và nhân dân, nhờ đó tốc độ xây dựng  tăng nhanh.

Báo cáo chính trị của Đại hội cũng nêu ra những hạn chế, khuyết điểm, đó là: “Sản xuất nông nghiệp vẫn còn mang tính tự cấp, tự túc. Sản xuất lương thực chưa ổn định nhất là sản lượng màu. Trình độ thâm canh và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật chưa đều. Đất nông nghiệp quản lý chưa chặt chẽ, sử dụng chưa hợp lý, diện tích canh tác hàng năm giảm dần. Tình trạng tranh chấp ruộng đất còn xảy ra một số nơi, có vụ nghiêm trọng. Thiếu chính sách và biện pháp cụ thể để khai thác thế mạnh vùng gò đồi, vùng núi. Hệ thống dịch vụ nông nghiệp phát triển chưa rộng khắp. Thuỷ lợi chưa bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp ổn định, ở nhiều vùng còn khó khăn. Mạng lưới bảo vệ thực vật, thú y ở cơ sở quá mỏng. Chất lượng và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi còn quá thấp. Phong trào trồng cây phát triển chưa đều. Việc bảo vệ, quản lý rừng còn nhiều, giao đất, giao rừng còn ít. Định canh định cư còn tiến triển chậm. Trang thiết bị nghề cá còn thấp kém. Chưa ngăn chặn được tệ nạn đánh bắt bừa bãi làm huỷ hoại nguồn hải sản, nhất là các loại đặc sản quý hiếm. Phong trào nuôi trồng thuỷ hải sản xuất khẩu của nhân dân  phát triển chậm”3.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá những thành tựu đạt được, những hạn chế, khuyết điểm, Đại hội đã đề ra 4 nhiệm vụ chủ yếu trên lĩnh vực kinh tế, đó là:

1- Nông - lâm - ngư nghiệp:

Sản xuất nông lâm ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến giữ vai trò trọng yếu trong nền kinh tế của tỉnh, lấy lương thực thực phẩm và nông sản xuất khẩu làm trọng tâm, khai thác tiềm năng kinh tế các vùng, tạo ra các sản phẩm hàng hoá mũi nhọn, gắn với việc xây dựng nông thôn mới.

Nâng cao hiệu suất các công trình thuỷ lợi hiện có. Đẩy mạnh phong trào nhân dân và Nhà nước cùng làm để xây dựng thêm các công trình thuỷ lợi và cải tạo đồng ruộng. Tiếp tục hoàn chỉnh công trình Nam Thạch Hãn. Tập trung sức xây dựng sớm đưa công trình Trúc Kinh vào sử dụng. Phấn đấu đến năm 1995 có 18 ngàn ha gieo cấy lúa 02 vụ (tăng 3 ngàn ha so với năm 1991).

Đầu tư thâm canh các vùng lúa cao sản, chú ý nâng độ đồng đều giữa các vùng, hết sức coi trọng khâu thời vụ. Chọn cây trồng thích hợp cho những vùng khó khăn lâu dài về thuỷ lợi. Khuyến khích phát triển mạnh cây màu. Quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, giao quyền sự dụng ruộng đất cho nông dân theo đúng luật pháp quy định.  Giải quyết tốt việc tranh chấp ruộng đất. Phấn đấu đưa tổng sản lượng lương thực đến năm 1995 đạt từ 15 đến 16 vạn tấn.

Phát triển cây công nghiệp dài ngày và ngắn ngày: phù hợp với các loại đất đai và nhu cầu của thị trường như cao su, cà phê, hồ tiêu, chè, dứa, ớt đậu đỗ. Phát triển mạnh kinh tế vườn, chú trọng cây ăn quả.

Phát triển mạnh chăn nuôi trâu bò, lợn gia, cầm, tôm cá trong hộ gia đình là chính. Hướng dẫn, khuyến khích nhân dân áp dụng các biện pháp giống chế biến thức ăn, phòng chống dịch bệnh và cải tiến phương thức nuôi dưỡng. Gắn phát triển chăn nuôi với chế biến và tiêu thụ sản phẩm làm cho chăn nuôi trở thành ngành sản xuất kinh doanh hàng hoá lớn.

Nhiệm vụ của ngành lâm nghiệp là bảo vệ cho được vốn rừng hiện có, chủ động phòng chống cháy rừng và chặt phá rừng trai phép, bằng nhiều nguồn vốn tập trung trồng rừng phòng hộ, rừng kinh tế và trồng cây phân tán. Sử dụng hợp lý, có hiệu quả đất trống, đồi trọc. Giao đất giao rừng đến tận hộ gia đình để sản xuất kinh doanh.Tiến hành định canh định cư một cách vững chắc. Tăng cường cơ sở vật chất và phương tiện phát triển nghề rừng.

Thực hiện nhiệm vụ phát triển nông, lâm nghiệp trên đây phải hướng mạnh vào việc khai thác tiềm năng đất đai rộng lớn của vùng gò đồi bằng việc khuyến khích nhân dân xây dựng, phát triển nông lâm trại và lập các dự án gọi vốn đầu tư trong và ngoài nước đề hình thành các vùng sản xuất hàng hoá.

Động viên nhân dân sắm thêm thuyền lưới đủ sức mở rộng ngư trường và nuôi trồng thuỷ sản. Ưu tiên đầu tư cho nuôi trồng và đánh bắt để xuất khẩu. Đẩy mạnh khai thác  đi đôi với bảo vệ tài nguyên biển, nhất là vùng sinh trưởng tôm hùm. Gắn khai thác nuôi trồng với chế biến; coi trọng sản xuất màu, chăn nuôi, trồng cây lâm nghiệp, phát triển ngành nghề và xây dựng văn hoá- xã hội ở vùng biển. Tranh thủ các nguồn thu vồn đầu tư và viện trợ bên ngoài tăng thêm cơ sở vật chất kỹ thuật. Phấn đấu đến năm 1995 đánh bắt hải sản đạt 6.000 tấn/năm và đạt giá trị trên 2 triệu đô la xuất khẩu.

Các ngành dịch vụ phấn đấu vươn lên đáp ứng ngày càng cao yêu cầu sản xuất nông nghiệp. Nhanh chóng xây dựng các cơ sở giống. Củng cố bảo vệ mạng lưới bảo vệ thực vật, thú y, tăng cường công tác dự thính, dự báo; kịp thời phòng trừ dịch bệnh. Mở rộng hệ thống dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp từ tỉnh đến tận hợp tác xã và hộ nông dân. Các ban quản lý hợp tác xã phải làm được vai trò hướng dẫn và dịch vụ cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện các hình thức tín dụng đến tận hộ gia đình. Giải quyết tốt nợ đọng trong HTX.

2- Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Tập trung đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông lâm- hải sản, sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Đẩy mạnh việc sản xuất vật liệu xây dựng. Phát triển dịch vụ sửa chữa cơ khí,điện…Mở mang ngành nghề trong nông thôn và các thị xã, thị trấn. Tiếp tục đầu tư nâng cấp mở rộng các xí nghiệp làm ăn có hiệu quả để tạo ra các sản phẩm mũi nhọn. Bằng các hình thức liên doanh, liên kết thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài để xây dựng thêm một số xí nghiệp sản xuất các mặt hàng mới bằng công nghệ tiên tiến.

3- Xây dựng cơ bản kết cấu hạ tầng

Động viên và khai thác tốt các nguồn vốn, thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tiếp tục xây dựng thêm cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống. Tiếp tục mở rộng, nâng cấp quốc lộ, 1, quốc lộ 9 và các tuyến đường liên huyện, liên xã, chú trọng đường miên núi, miền biển. Hoàn thành xây dựng cầu Đông Hà, chuẩn bị đầu tư xây dựng cầu Hiền Lương và các cầu quan trọng khác. Nâng cao hiệu quả sử dụng luồng Đông Hà- Cửa Việt. Đề nghị Hội đồng Bộ trưởng và Bộ giao thông vận tải- Bưu điện nghiên cứu phục hồi Cảng Cửa Việt.

Phấn đấu hành thành các đường điện 35KV Cam Lộ- Khe Sanh- Hiền Lương- Cửa Tùng và các đường dây 35KV khác. Phát triển mạnh mạng lưới 10KV và 04KV để đưa điện về nông thôn. Phát triển thuỷ điện nhỏ ở miền núi. Đề nghị Trung ương đầu tư khảo sát xây dựng Thuỷ điện Rào Quán.

Tập trung vốn thi công đúng tiến độ các công trình trọng điểm (thuỷ lợi Trúc Kinh, Bệnh viện tỉnh, Chợ Đông Hà, và các công trình phúc lợi công cộng khác. Đầu tư thích đáng cho công tác quy hoạch- đầu tư khảo sát lập luận chứng kinh tế kỹ thuật các công trình xây dựng những năm sau. từng bước hiện đại hoá mạng liên lạc bưu điện nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế, bảo đảm nhanh chóng, chính xác, an toàn, thuận lợi, phụ vụ đắc lực cho kinh tế- xã hội- quốc phòng- an ninh.

4- Thương mại - Tài chính- Ngân hàng

Sắp xếp tổ chức thương nghiệp- quốc doanh (bao gồm nội- ngoại thương, vật tư, ăn uống dịch vu- du lịch, lương thực) đổi mới phương thức hoạt động phù hợp với cơ chế thị trường và đặc điểm của địa phương. Gắn thị trường thành thị với nông thôn.

 Đại hội đánh giá tổng quát: Mặc dù chỉ sau hơn 2 năm lập lại tỉnh, trong hoàn cảnh chưa ổn định, nền kinh tế thấp kém, nhiều khó khăn gay gắt đặt ra: Làm chưa đủ ăn, thu chưa đủ chi, lao động chưa có việc làm còn nhiều, kinh tế nông nghiệp bấp bênh, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp nhỏ bé, cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng thấp kém, nhưng qua hơn 4 năm đổi mới, chủ yếu là 2 năm lập lại tỉnh, chúng ta đã bước đầu vận dụng cơ chế quản lý mới, đổi mới cơ cấu đầu tư, tăng thêm một khối lượng đáng kể cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng, nền kinh tế xã hội tỉnh nhà có bước phát triển mới, tạo điều kiện đi lên cho những năm sau. Đời sống nhân dân tuy còn nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung tương đối ổn định, có nơi cải thiện hơn trước.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 1996 – 2000 được tổ chức trong bối cảnh đất nước có những chuyển biến sâu sắc, sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã giành được nhiều thành tựu to lớn. Ở tỉnh ta, từ ngày lập lại đến nay, nhất là từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Đảng bộ và nhân dân đã khắc phục nhiều khó khăn, thử thách, phấn đấu thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội, mang lại những kết quả quan trọng. Chủ đề của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII là: Đoàn kết, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, quyết tâm vượt qua đói nghèo, từng bước đẩy lùi nguy cơ tụt hậu xa hơn, tiến lên cùng với đà phát triển chung của cả nước. Đại hội đánh giá tình hình năm 5 qua (1991 – 1995), vạch ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu kế hoạch 5 năm 1996-2000.

Về tình hình thực hiện một số nội dung cơ bản của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra:

Trên lĩnh vực kinh tế: Bình quân 5 năm 1991-1995 tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm đạt 6,0% (so với mục tiêu 4,5%), nông nghiệp tăng 3,5%, sản lượng lương thực năm 1995 đạt 15,3 vạn tấn (cao hơn mục tiêu 15 vạn tấn), công nghiệp - TTCN tăng 12%, thương mại dịch vụ tăng 15%, tổng thu ngân sách tăng 36%, cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng được tăng cường.

Ngư nghiệp: Nhân dân đã chủ động tạo vốn, mua sắm phương tiện làm nghề nên năng lực đánh bắt tăng khá nhanh (từ 7400 CV năm 1991 lên 17000 CV năm 1995). Sản lượng hải sản đánh bắt năm 1995 đạt 7500 tấn, tăng 50% so với năm 1990. Nghề nuôi tôm cá nước lợ, nước ngọt, sông đầm tự nhiên và bán tự nhiên được mở ra ở một số vùng. Chế biến thủy hải sản tập trung và phân tán từng bước phát triển.

Lâm nghiệp: Trên cơ sở xây dựng quy hoạch tổng quan lâm nghiệp đến năm 2010, nhiều dự án trồng rừng được triển khai tích cực. 5 năm qua đã trồng mới 13.000 ha rừng tập trung, 8 triệu cây phân tán, làm tăng tỷ lệ che phủ thảm thực vật từ 18% năm 1990 lên 23% năm 1995. Đã giao 136 ngàn ha rừng và đất rừng cho các đơn vị quốc doanh, tập thể, hộ gia đình quản lý, bảo vệ và sản xuất, thực hiện chuyển dần lâm nghiệp truyền thống sang lâm nghiệp xã hội. Công tác bảo vệ rừng có khá hơn trước, tệ phá rừng giảm, khai thác rừng tự nhiên được hạn chế.

Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp: Từng bước thích ứng với cơ chế thị trường tìm hướng đi lên, đã đạt được bước phát triển mới. Một số xí nghiệp quốc doanh được củng cố về tổ chức và tăng năng lực sản xuất kinh doanh nên đã đứng vững và có phát triển. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp tăng bình quân hàng năm 12%, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp quốc doanh chiếm 47%. Một số sản phẩm có khối lượng khá như: xi măng, bia, gạch, ngói, thủy sản đông lạnh, nước máy, điện... Tiểu thủ công nghiệp có phát triển ở thị xã, thị trấn, thị tứ và một vài vùng nông thôn. Các lĩnh vực dịch vụ, cơ khí sửa chữa, sản xuất công cụ cầm tay... được mở ra phục vụ một phần nhu cầu sản xuất đời sống và giải quyết được việc làm cho một bộ phận người lao động. Đời sống vật chất và văn hoá tinh thần chuyển biến tích cực, bộ mặt đô thị, nông thôn và một số miền núi, miền biển đã khởi sắc.

Công tác giáo dục đào tạo, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin báo chí có nhiều tiến bộ, hoạt động khoa học – công nghệ đã có nhiều dự án hướng vào phục vụ kinh tế - dân sinh. Việc chăm lo sức khỏe nhân dân được chú trọng, chương trình quốc gia dân số - kế hoạch hóa gia đình được các tầng lớp nhân dân đồng tình và phát triển rộng rãi. An ninh chính trị được giữ vững. Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội được phát động và duy trì ngày càng đi vào chiều sâu, có nề nếp và mang lại hiệu quả thiết thực.

Đại hội đã chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, đó là: Nền kinh tế có tăng trưởng nhưng thiếu vững chắc, cơ cầu kinh tế chuyển dịch chậm, kinh tế hàng hoá chưa phát triển, hiệu quả đầu tư chưa cao, nguy cơ tụt hậu xa hơn đang đặt ra gay gắt. Công tác điều tra cơ bản và chuẩn bị đầu tư chưa quan tâm đúng mức, thiếu các dự án chiến lược mũi nhọn. Bố trí cơ cấu đầu tư chưa hợp lý, còn dàn trải; thiếu đồng bộ, thủ tục lập và thẩm định, phê duyệt và quyết định phương án, cấp pháp và quyết toán vốn chưa chặt chẽ, thiếu khoa học, không kịp thời gâu lãng phí, thất thoát. Kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài còn ít. Công tác quy hoạch làm chậm, quy hoạch đô thị thiếu hoàn chỉnh, quản lý quy hoạch yếu kém. Văn hóa xã hội nhiều vấn đề gay gắt đặt ra chưa được giải quyết; các mục tiêu giáo dục- đào tạo chưa đạt như mong muốn; hoạt động văn hoá cơ sở yếu, các tệ nạn xã hội, một số hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, nhiều sản phẩm văn hoá nước ngoài không phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc chưa được ngăn chặn tích cực; còn những biểu hiện tiêu cực về nếp sống văn hoá, đạo đức trong quan hệ gia đình và xã hội. Điều kiện khám và chữa bệnh còn thiếu thốn, thiếu thầy thuốc giỏi, chuyên gia đầu đàn và cán bộ y tế cơ sở, thái độ trách nhiệm phục vụ người bệnh của một số cán bộ y tế chưa tốt. Việc tu viện phí, và sử dụng kinh phí bảo hiểm y tế chưa thật hợp lý. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh còn có mặt chưa bảo đảm, kỷ cương pháp luật và trật tự an toàn xã hội còn vi phạm. Năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý điều hành của Nhà nước, hiệu quả hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể, tổ chức xã hội chưa nâng lên ngang tầm nhiệm vụ.

Đại hội đã đánh giá tổng quát là: “Hơn 5 năm qua, trong bối cảnh của một tỉnh mới lập lại, điểm xuất pháp rất thấp, nhiều khó khăn khách quan thường xuyên tác động bất lợi, nhưng bằng tình thần đoàn kết, sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh căn bản ổn định và có bước phát triển quan trọng, trên một số mặt, một số lĩnh vực đã tiến bộ rõ rệt. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu có ý nghĩa ấy, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cũng bộc lộ nhiều yếu kém đòi hỏi phải phấn đấu quyết liệt hơn nữa mới có thể thoát khỏi tình trạng nghèo nàn chậm phát triển”.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nêu cao tinh thần trách nhiệm, Đại hội đã xác định những thuận lợi, khó khăn, thách thức bước vào thực hiện nhiệm vụ 1996 – 2000, đó là:

- Thách thức lớn nhất vẫn là nguy cơ tụt hậu xa hơn so với sự phát triển của cả nước. Hậu quả chiến tranh còn nặng nề, điểm xuất phát quá thấp, nền kinh tế mất cân đối lớn, lực lượng sản xuất phát triển chậm, đại bộ phận nhân dân sản xuất thuần nông, ngành nghề nông thôn chậm phát triển, lao động thiếu việc làm còn nhiều, đời sống một bộ phận dân cư ở những vùng điều kiện sản xuất khó khăn và ở miền núi chưa được đảm  bảo.. Điều kiện tự nhiên, thời tiết khắc nghiệt luôn luôn tạo ra những bất trắc khó lường.

- Cơ sở hạ tầng thấp kém và thiếu thốn, đô thị mới hình thành, công nghiệp còn nhỏ bé, tiểu thủ công nghiệp phát triển chậm và phân tán, chưa tạo được các mũi nhọn kinh tế có khả năng đóng góp nguồn thu lớn và ổn định cho ngân sách.

- Mặt trái của cơ chế thị trường, những tiêu cực xã hội chưa được đẩy lùi cũng là những khó khăn thách thức quá trình đổi mới đang được đạt ra.

- Một số tổ chức bộ máy và cán bộ chưa được kiện toàn và củng cố, nhiều cán bộ còn nghèo tri thức khoa học và năng lực tổ chức thực tiễn. Trong nhiều ngành chuyên môn còn thiếu cán bộ đầu đàn và chuyên gia giỏi.

Tuy nhiên, tỉnh cũng có những thuận lợi rất cơ bản:

- Các công trình kinh tế - xã hội đầu tư xây dựng trong những năm qua lần lượt đưa vào sử dụng sẽ phát huy hiệu quả nhiều mặt, tạo thêm nguồn lực mới thúc đẩy sự phát triển nhanh hơn kinh tế - xã hội của địa phương.

- Đời sống chính trị xã hội ổn định, truyền thống đoàn kết của Đảng bộ và nhân dân được phát huy, cùng với những kinh nghiệm được tích luỹ trong lãnh đạo và điều hành, cũng như hướng đi ngày càng rõ hơn, càng củng cố thêm niềm tin và quyết tâm đẩy mạnh công cuộc đổi mới, nhất là lĩnh vực kinh tế.

- Cơ chế chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước ngày càng hoàn thiện và đi vào cuộc sống, là động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 1996 - 2000.

Trên cơ sở phân tích tình hình của tỉnh, rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã đề ra phương hướng và mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới là:

“Tập trung mọi lực lượng, vượt qua khó khăn, đẩy lùi thách thức, tranh thủ thời cơ, phát huy lợi thế, phát triển nền kinh tế từng bước vững chắc tiến lên ngang mức trung bình của cả nước; giải quyết những vấn đề bức xúc về xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; phấn đấu không còn đói, giảm bớt nghèo, tăng hộ khá, sớm hình thành cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - nông nghiệp - thương mại - dịch vụ”.

Đại hội đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể: Tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế nông nghiệp và cải biến cơ cấu kinh tế nông thôn, trong đó thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá kinh tế nông nghiệp bằng chuyển đổi mạnh cơ cầu cây trồng, vật nuôi, ngành nghề theo hướng sản xuất hàng hoá phù hợp với môi trường và điều kiện sinh thái từng vùng, áp dụng công nghệ sinh học và kỹ thuật sản xuất mới, phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững gắn với công nghiệp chế biến. Ổn định diện tích trồng lúa; đưa vào gieo trồng một số giống lúa có năng suất cao. Tập trung khai thác kinh tế vùng gò đồi, miền núi, hình thành và mở rộng vùng chuyên canh cây công nghiệp ngắn và dài ngày, cây ăn quả. Đẩy mạnh chăn nuôi, đưa chăn nuôi từng bước trở thành ngành sản xuất chính. Xác định ngành thuỷ sản là một trong những mũi nhọn kinh tế trọng yếu cần tập trung khai thác có hiệu quả. Nhiệm vụ chủ yếu và thường xuyên của ngành lâm nghiệp là thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, chăm sóc rừng hiện có; tiến hành phục hồi, tái sinh, bổ sung cây bản địa và điều chế làm giàu rừng, hạn chế khai thác rừng tự nhiên, tổ chức khai thác đúng quy trình quy phạm; tranh thủ và huy động các nguồn vốn, các chương trình mở rộng diện tích trồng mới phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, vùng cát ven biển. Phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản, TTCN và ngành nghề ở nông thôn để thu hút lao động dôi thừa trong nông nghiệp, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập kinh tế gia đình.

Đáng chú ý là Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã có chủ trương và giải pháp cụ thể để giải quyết việc làm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng làm tiền đề để phát triển; tăng cường kinh tế đối ngoại, mở rộng thương mại, dịch vụ du lịch.

Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong Báo cáo chính trị tại Đại hội là: Cần thấu suốt tư tưởng: Đặt mục tiêu chuyển đổi cơ cầu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, quyết tâm vượt qua thách thức, đẩy lùi nghèo đói là nhiệm vụ trọng tâm làm cơ sở chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Coi đổi mới tổ chức và công tác cán bộ là yếu tố có tính quyết định đến tiến trình đổi mới.  Nhiệm vụ đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân ta hết sức nặng nề. Khẩu hiệu hành động lúc này là: Tranh thủ thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, khai thác triệt để các nguồn lực vật chất và tinh thần, đẩy nhanh nhịp độ phát triển, thực hiện tốt nhiệm vụ và mục tiêu đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII và đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra, tạo thêm thế và lực để bước vào thời kỳ mới, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phan Văn Lãn

-------------------------------------------                                                                            

1. Báo cáo của BCH Đảng bộ tỉnh tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI

623 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 658
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 658
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77458928