Quảng Trị tìm cách khôi phục bãi tắm đẹp nhất tỉnh 

UBND tỉnh Quảng Trị đã mời các nhà khoa học đến nghiên cứu, hiến kế khôi phục bãi tắm Cửa Tùng, nơi từng được người Pháp xem là "Nữ hoàng các bãi tắm".

Bãi tắm Cửa Tùng nằm ở phía đông bắc tỉnh Quảng Trị, cạnh cửa sông Bến Hải, thuộc thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, có hình cánh cung với bãi cát mịn trắng xóa. Thời hoàng kim, bãi dài 700 m, bờ cát rộng 25-30 m, ra xa đến 100 m nước vẫn còn ngang ngực, phía trong là đồi đất đỏ với hàng phi lao xanh tạo nên cảnh quan hài hòa, mát mẻ.

Bãi tắm Cửa Tùng từng được mệnh danh là Nữ hoàng các bãi tắm. Ảnh: Hoàng Táo

Bãi tắm Cửa Tùng tháng 11/2022. Ảnh: Hoàng Táo

Tại hội thảo cuối tháng 10, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Trị Hà Sĩ Đồng đánh giá bãi tắm có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển tổng thể tỉnh Quảng Trị, là điểm đến nức tiếng của tỉnh, thu hút khách du lịch Thái Lan, Lào... trên hành lang kinh tế Đông Tây. Tuy nhiên, từ 2003 trở lại đây, tỉnh xây dựng nhiều công trình ở cửa sông Bến Hải gồm đê kè chắn sóng phía bắc và nam, cảng cá Cửa Tùng, cầu Cửa Tùng... khiến dòng chảy thay đổi, bãi tắm Cửa Tùng bị xâm thực, cát dần bị cuốn trôi.

Hiện nay vào mùa hè, bãi tắm chỉ rộng 5-7 m, bờ cát ngày càng dốc làm giảm lượng khách du lịch, ảnh hưởng đến dân sinh, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Từ năm 2010 đến nay, Quảng Trị mời nhiều nhà khoa học nghiên cứu dòng chảy, tác động của tự nhiên và con người đến bãi tắm, đề xuất phương án khôi phục.

Thực hiện hai nghiên cứu vào năm 2010 và 2019, tiến sĩ Nguyễn Quang Hưng (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận xét, tác động của hai bờ kè nam và bắc cửa sông Bến Hải có thể nhìn thấy rõ rệt. Tại bờ kè phía nam, lượng cát trắng mịn bị bờ kè giữ lại, khiến bãi tắm Cửa Tùng ở phía bắc thiếu hụt lượng cát bổ sung hàng năm, dẫn đến mất hẳn lớp cát trắng mịn, thay vào đó là cát vàng thô, bãi bị xói mòn.

Nhóm tiến sĩ Hưng đề xuất nuôi bãi, lấy nguồn cát trắng phía nam cửa sông Bến Hải đổ ở bãi tắm Cửa Tùng với khối lượng 200.000-300.000 m3, kết hợp làm đê chắn sóng ngầm ngoài khơi, dài 100-150 m, cách bờ khoảng 200 m. Diện tích nuôi bãi có hai phương án là 20 và 32 ha nhằm tái tạo cảnh quan cho Cửa Tùng, với thời gian nuôi bãi khá dài.

Bãi tắm bị xâm thực mạnh, bãi cát chỉ rộng 5-7 m vào mùa hè. Ảnh: Hoàng Táo

Bãi tắm bị xâm thực mạnh, bãi cát chỉ rộng 5-7 m vào mùa hè. Ảnh: Hoàng Táo

Tương tự, PGS.TS Trần Thanh Tùng (Đại học Thủy lợi) đề xuất giải pháp làm đê chắn sóng và đê ngầm ngoài khơi bãi tắm Cửa Tùng, kết hợp nuôi bãi bằng bổ sung cát. Việc xây dựng đê ngầm ngoài khơi vừa làm giảm năng lượng sóng đánh vào bãi biển, vừa hạn chế vận chuyển cát đi nơi khác, kéo dài tuổi thọ dự án nuôi bãi. Vật liệu khôi phục, tôn tạo bãi biển có thể là cát trắng bị bồi lắng do đê chắn sóng ở phía nam cửa sông Bến Hải.

Ông Hà Sĩ Đồng cho hay các ý kiến này có ý nghĩa quan trọng giúp tỉnh Quảng Trị tháo gỡ vướng mắc trong quá trình khắc phục xâm thực bãi tắm Cửa Tùng, từ đó tìm ra giải pháp tối ưu khôi phục. Tỉnh Quảng Trị hiện mới ghi nhận các phương án chứ chưa đưa ra dự án cụ thể.

Trong bối cảnh khó khăn về nguồn thu, ông Đồng mong muốn có sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành, tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà nghiên cứu... chung tay trong việc khắc phục xâm thực bãi tắm Cửa Tùng.

 

Hoàng Táo

177 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 645
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 645
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78022306