Quảng Trị sau 50 năm ngày giải phóng quê hương - Dấu ấn niềm tự hào 

(TG) - Ngày 1/5/1972, Quảng Trị là tỉnh miền Nam đầu tiên được giải phóng. Đây là thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng.

50 năm kể từ ngày quê hương được giải phóng, hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới; đặc biệt hơn 30 năm sau ngày tỉnh Quảng Trị được lập lại (1989-2022), Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị đã không ngừng phấn đấu và để lại những dấu ấn tự hào.

Nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Giai đoạn 2015 - 2020, GRDP tăng bình quân 7,16%/năm. Năm 2021, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh  đạt 6,5%; đứng thứ 3 trong các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, đứng thứ 18 trong cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 57,5 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước hơn 5.511 tỷ đồng (cao nhất từ trước tới nay). Giá trị sản xuất nông nghiệp những năm đầu tỉnh lập lại chiếm tỷ trọng 62,3%, đến nay chỉ còn 27,89%, nhưng tổng giá trị tăng gần 40 lần. Sản lượng lương thực có hạt năm 2021 đạt 29,46 vạn tấn, tăng gấp 3 lần. Năm 1989, toàn tỉnh chỉ có khoảng 666 ha cây hồ tiêu, 738,7 ha cà phê, đến nay đã có 2.400ha hồ tiêu; 4500,3ha cà phê. Riêng cây cao su được chú trọng phát triển mạnh từ 4178,4ha, đến nay có 19.100ha, tăng hơn 4 lần. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Toàn tỉnh có 63/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 62,3%; 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, xếp thứ 36/63 tỉnh, thành phố. Sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm ( từ 2016 – 2020) đạt 11,42%, năm 2021 đạt 15,07 %.

Với mục tiêu xây dựng Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030, tỉnh đã tập trung công tác quy hoạch phát triển điện năng, đề xuất các dự án năng lượng vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai thực hiện. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 19 dự án điện gió với tổng công suất 671,1MW; 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 127MW và 11 dự án thủy điện với tổng công suất 167,5MW được đưa vào vận hành thương mại; nâng tổng công suất phát điện trên địa bàn tỉnh lên 965,6MW.

Công tác vận động, thu hút, kêu gọi các dự án đầu tư trọng điểm, các nhà đầu tư chiến lược đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Trong giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh Quảng Trị đã thu hút được 320 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 143.340 tỷ đồng, riêng năm 2021 đã có 70 dự án được cấp chủ trương đầu tư với tổng vốn khoảng 72 nghìn tỷ đồng, cao hơn 2,6 lần so với năm 2020. 

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới. Một số hạng mục công trình giao thông quan trọng kết nối Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị với Hành lang kinh tế Đông - Tây, Khu kinh tế - thương mại Lao Bảo, tam giác du lịch biển Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ đã được bổ sung vào quy hoạch và đang từng bước triển khai thực hiện. Hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư, tạo sự liên kết vùng, miền và khu vực. Hạ tầng điện được phát triển rộng khắp. Hạ tầng cấp, thoát nước được đảm bảo cấp nước cho thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị, các thị trấn huyện lỵ và một số xã. Hạ tầng bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển. Hạ tầng truyền dẫn sóng phát thanh, truyền hình được mở rộng. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp từng bước được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư và triển khai thực hiện các dự án.

Quang cảnh Lễ thượng cờ “Thống nhất non sông” tại Kỳ đài Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải. Ảnh tư liệu: Thanh Thuỷ/TTXVN

Quang cảnh Lễ thượng cờ “Thống nhất non sông” tại Kỳ đài Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải. Ảnh tư liệu: Thanh Thuỷ/TTXVN

Quy mô, mạng lưới giáo dục được mở rộng, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân có nhiều tiến bộ, hệ thống mạng lưới y tế phát triển nhanh, hoạt động có hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Cơ sở khám, chữa bệnh được tăng cường và có bước phát triển. Năm 1989, toàn tỉnh chỉ có 650 giường bệnh, cơ sở vật chất phục vụ khám, chữa bệnh còn nghèo nàn, thiếu thốn. Việc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn. Đến nay, các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, trạm y tế xã đều được nâng cấp, xây dựng mới, được đầu tư trang bị nhiều thiết bị khám, chửa bệnh đồng bộ, hiện đại. Đến nay, 80% cơ sở y tế được xây dựng kiên cố, đạt 30 giường bệnh và 10 bác sĩ trên 1 vạn dân.125/125 xã, phường có trạm y tế, trong đó 95% trạm y tế có bác sỹ, 100% trạm đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Để hiện thực hóa mục tiêu, đến năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao và năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước, tỉnh Quảng Trị đang có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt từ chiến lược phát triển, kiến tạo hành lang phát triển đến các giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Trong thời gian qua, với niềm tin, khí thế và động lực mới, với những định hướng chiến lược và hành lang kiến tạo phát triển rõ ràng, cụ thể, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, hy vọng tỉnh Quảng Trị sẽ có những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian không xa./.

Trần Thị Lệ Thu

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị

349 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 674
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 674
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77416983