Quảng Trị: Khát vọng hòa bình và phát triển 

Nằm ở trung độ của đất nước, cái tên Quảng Trị có từ đời Gia Long nhưng mảnh đất này hiển nhiên đã tồn tại từ nghìn năm trên bản đồ nước Văn Lang. Có người đã viết rằng “Trên cái giang sơn dằng dặc như chiếc võng này, có một điểm chùng quằn xuống, thắt lại, mừng như là hội tụ, đau như là chia ly, nghèo như chẳng còn gì nghèo hơn, giàu như thể gia tài ông cha dồn lại. Ấy là Quảng Trị” . Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Quảng Trị từng là tuyến đầu chống giặc ngoại xâm, nơi thắp lên hy vọng và niềm tin bất diệt về độc lập, thống nhất. Cho nên, không ai khác Quảng Trị là vùng đất của thông điệp những giá trị của khát vọng hòa bình và phát triển.

Với vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, trong gần ½ thế kỷ (1930-1975) Việt Nam đối đầu với hai kẻ thù hung hãn nhất thế kỷ XX thì đã có hơn 20 năm mảnh đất này đứng ở tuyến đầu, là bãi chiến trường, một vùng đất lửa, nơi diễn ra cuộc đụng đầu lịch sử giữa hai thế lực mang tầm vóc thời đại. Chiến tranh đã để lại hậu quả nặng nề, đau thương, mất mát cho đất và người Quảng Trị. Những tên đất, tên làng và biết bao con người quả cảm, ý chí quật cường với khát vọng hòa bình…đã đi vào lịch sử gắn liền với chiến công hiển hách, địa danh nổi tiếng trong thế kỷ XX.

          Đó là cầu Hiền Lương- Sông Bến Hải, giới tuyến tạm thời chia cắt Việt Nam làm thành hai miền suốt 21 năm (1954 - 1975) đằng đẵng. Vĩnh Linh được coi là tuyến lửa, người dân Vĩnh Linh hàng ngày, hàng giờ phải đối mặt với một cuộc hủy diệt man rợ và tàn khốc chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh thế giới. Trung bình mỗi người dân phải hứng chịu 7 tấn bom và 800 quả đại bác. Đây là nơi chứng kiến nổi đau thế kỷ của dân tộc, cũng là nơi thể hiện rõ nhất ý chí kiên cường bất khuất, khát vọng hòa bình của người Việt Nam, của người Quảng Trị trước sự bạo tàn của kẻ thù để giành lại độc lập, thống nhất đất nước.

Đó là địa đạo Vịnh Mốc, một “chiến khu trong lòng đất” vô cùng độc đáo, thể hiện sức sống bền bỉ, bất diệt và ý chí kiên cường vô song của người Quảng Trị- người Việt Nam ở đầu chiến tuyến. Vịnh Mốc diện tích chưa đầy 1km­2 với 300 dân và 82 nóc nhà nhưng đã phải hứng chịu một khối lượng bom đạn khổng lồ của hơn 1.003 trận oanh kích rải thảm. Đó là chưa kể pháo từ Hạm đội 7 bắn vào, từ Cồn Tiên, Dốc Miếu bắn sang và các loại bom thừa chúng tống xuống sau mỗi lần đi oanh tạc trở về căn cứ. Đó là hàng rào điện tử Mc.Namara hay còn được gọi là phòng tuyến Magénol Phương Đông- một hệ thống phòng ngự hỗn hợp bao gồm nhiều phương tiện chiến tranh và thiết bị điện tử hiện đại nhất…Đó là Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào… Mỹ - Ngụy ra sức ném bom rải thảm nhằm tiêu diệt quân và dân ta. Bom đạn của địch rải xuống dường như không sinh vật nào sống nổi nhưng quân và dân ta vẫn kiên trì, anh dũng chiến đấu giải phóng quê hương. Đặc biệt là 81 ngày đêm của Thành cổ Quảng Trị (từ tháng 28/6/1972 đến 16/9/1972). Chỉ một Thành cổ Quảng Trị nhỏ bé chu vi chỉ hơn 2.000 mét mà kẻ thù đã huy động vào đây những sư đoàn thiện chiến nhất, những đơn vị binh chủng trang bị tối tân nhất, lại được quân Mỹ giúp sức tối đa về hoả lực; trút xuống 328 tấn bom đạn tương đương 7 quả bom nguyên tử ném xuống Hirôsima năm 1945. Nhưng chính chiến công giữ vững Thành cổ trong 81 ngày đêm đã góp phần quan trọng làm nên thắng lợi ở Hội nghị Paris chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, mở ra cơ hội hòa bình. Thành Cổ Quảng Trị đã trở thành trung tâm thu hút sự đồng cảm, sẻ chia của nhân dân cả nước và thế giới bởi tính chất hung bạo của kẻ thù và tinh thần anh dũng vô song của đồng bào và chiến sĩ ta. Hàng vạn chiến sỹ, đồng bào đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu này. Thành cổ Quảng Trị là một biểu tượng tiêu biểu về khát vọng hòa bình, độc lập của dân tộc Việt Nam. Đánh giá sự kiện này, đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư của Đảng ta nói: “Chúng ta chịu được không phải vì chúng ta gang thép, vì gang thép cũng cháy với bom đạn của chúng, mà chính ta là con người, con người thực sự, con người Việt Nam với truyền thống 4.000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại”.

          Toàn tỉnh hiện có 72 nghĩa trang Liệt sĩ, trong đó có 02 nghĩa trang Quốc gia (Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9) với hơn 55.000 mộ Liệt sĩ là con em của 52 tỉnh, thành phố trong cả nước. Toàn tỉnh có trên 120.000 người có công với cách mạng đã được xác nhận, trong đó có 2.855 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 19.204 liệt sĩ; 12.128 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 3.089 bệnh binh, 14.364 người có công, 5.105 người tham gia hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học, 59.675 người được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến và hàng chục ngàn người là các đối tượng có công với cách mạng khác được giải quyết trợ cấp ưu đãi. Tính đến ngày 30/01/2024, toàn tỉnh có 16.875 người có công với cách mạng và thân nhân gia đình chính sách.

Những con số đó đã cho chúng ta thấy rằng Quảng Trị là mảnh đất chứng kiến, cảm nhận và thấu hiểu nổi đau chiến tranh, nổi đau chia cắt, không gì bù đắp! Quảng Trị cũng là nơi thể hiện cao nhất, đầy đủ nhất khát vọng sống, khát vọng hòa bình, khát vọng thống nhất, độc lập tự do.

Cuộc chiến tranh tàn khốc đã để lại cho Quảng Trị hậu quả nặng nề: trên 95% làng mạc bị tàn phá, hủy diệt, là một trong những địa phương có mật độ ô nhiễm bom mìn lớn nhất cả nước. Thêm vào đó, thiên tai dồn dập làm cho mảnh đất này “nghèo như chẳng còn gì nghèo hơn”.  “Ấy là một vùng quê nghèo, rộp bỏng gió Lào, cát trắng và đồi trọc… là chốn để qua chứ không phải là nơi đến[1]

Vậy mà gần 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, đặc biệt 35 năm sau ngày lập lại tỉnh,  Quảng Trị đã đổi thay, đổi thay đến ngoạn mục, nung nấu khát vọng phát triển.

Hai chữ “Quảng Trị” không còn là địa danh của một địa phương mà đã trở thành biểu tượng chung của cả nước, niềm tự hào chung về một thời hào hùng và khát vọng hoà bình của dân tộc Việt Nam anh hùng.

PGS.TS. Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Trung ương đã từng phát biểu rằng: “Không nơi nào trên thế giới lại có nhiều đau thương như Quảng Trị. Nơi này đang sở hữu một tài sản vô cùng quý giá, đó là hệ thống rất nhiều điểm di tích lịch sử có giá trị. Do vậy, đất nước Việt Nam cần phải đền ơn Quảng Trị bằng việc xây dựng thương hiệu du lịch vì hòa bình của loài người”. Ông Trần Quốc Khánh, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hoá và UNESCO trong một bài phát biểu đã nói: “Hoà bình là giá trị chung của nhân loại, do đó nó không phải của riêng Việt Nam. Tuy vậy Việt Nam là đất nước hết sức mong muốn vì hoà bình và Quảng Trị là nơi xứng đáng nhất để nói về hoà bình.” Ông Nguyễn Quốc Hưng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ: Ở Việt Nam nếu phải chọn một vùng đất là biểu trưng của sự mất mát đau thương, của khát vọng hòa bình để là nơi tổ chức Festival “Vì Hòa bình” thì nên chọn Quảng Trị. Bởi trong 20 năm chống Mỹ cứu nước, chiến trường Quảng Trị là đối đầu khốc liệt, tàn phá đau thương nhất của cuộc chiến.

 Năm 2018, nhân kỷ niệm 45 năm ngày ký Hiệp định Paris, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước là một trong bốn người ký Hiệp định Paris- Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam đã chỉ đạo cơ quan này phối hợp với tỉnh Quảng Trị tổ chức đêm giao lưu nghệ thuật “Khát vọng Hòa Bình” và tổ chức tọa đàm ngày hòa bình tại Quảng Trị. Đồng thời đề nghị lấy Quảng Trị, mà điểm nhấn là Thành cổ, làm nơi diễn ra lễ hội hòa bình và là nơi giao lưu quốc tế vì tình hữu nghị các dân tộc. Tháng 1/2018, tỉnh Quảng Trị đã chọn thị xã Quảng Trị để tổ chức chương trình “Khúc ca hòa bình”. Tháng 9/2019, thị xã Quảng Trị tổ chức chương trình “Thành cổ Quảng Trị - Khát vọng hòa bình”. Đây là những hoạt động đầu tiên trong chuỗi ý tưởng về xây dựng thị xã Quảng Trị nói riêng, tỉnh Quảng Trị nói chung trở thành một biểu tượng cho khát vọng hòa bình và điểm đến của du lịch hòa bình. Quảng Trị là nơi rất thích hợp để nói lên "khát vọng hòa bình"

Lễ hội vì Hòa Bình nhằm tôn vinh giá trị của hòa bình, kêu gọi mọi người chung tay đấu tranh, gìn giữ, xây dựng cuộc sống hòa bình, thịnh vượng, bền vững cho quê hương đất nước và nhân loại. Lễ hội vì Hòa Bình là dịp để tưởng niệm, tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc; tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh, những mất mát đau thương do chiến tranh gây ra. Việc tổ chức lễ hội nhằm xây dựng Quảng Trị trở thành một không gian văn hóa vì hòa bình, là biểu tượng sức sống mãnh liệt của nhân loại ngay trên mảnh đất bị hủy diệt do chiến tranh và sẽ là nơi hội ngộ của bạn bè bốn phương; nơi họp mặt, chia sẻ của những thành phố, dân tộc từng chịu chung số phận như Quảng Trị trên toàn thế giới, như thành phố Rotterdam (Hà Lan), Dresden, Cologne, Berlin (Đức), London (Anh), Stalingrad (Nga), Hiroshima, Nagasaki (Nhật Bản)… Ngoài ra, lễ hội “Hòa bình tại Quảng Trị” còn nhằm giới thiệu, quảng bá, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam và mảnh đất, con người Quảng Trị, thu hút du khách trong nước và quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị. Trí Ánh

 

      [1] Ấn tượng Quảng Trị- Đình Kính

99 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 859
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 859
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 84187995