Quảng Trị: Đánh giá thực trạng cung ứng và tiêu thụ đất đắp công trình 

(Xây dựng) – Nhằm đánh giá thực trạng năng lực cung ứng và tiêu thụ đất đắp công trình, mới đây Đoàn công tác của tỉnh Quảng Trị gồm đại diện nhiều Sở, ngành đã có chuyến kiểm tra điều kiện hoạt động của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng và đơn vị cung ứng vật liệu đất đắp phục vụ các công trình có nhu cầu sử dụng đất đắp lớn trên địa bàn tỉnh.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra công trường, điều kiện năng lực hoạt động của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng và đơn vị cung ứng vật liệu đất đắp của 12 công trình có nhu cầu sử dụng đất đắp lớn trên địa bàn tỉnh; kiểm tra tình hình triển khai, khả năng cung ứng đất đắp tại 1 đơn vị được phép khai thác và 6 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2023 của UBND tỉnh Quảng Trị.

Thực trạng cho thấy, các doanh nghiệp khai thác, tận thu đất đắp ở các lòng hồ đang rơi vào tình trạng đất khai thác tiêu thụ rất ế ẩm, có nhiều doanh nghiệp còn tồn đọng lớn khối lượng đất đắp được khai thác từ lòng hồ lên. Xin được đơn cử như: Công ty TNHH Trung Tính Phát tại hồ chứa nước Ái Tử, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong khoảng 40.000m3 đất đắp; Công ty Cổ phần Thành An tại hồ La Ngà, huyện Vĩnh Linh khoảng 31.000m3 đất đắp… Ông Phạm Sương - Giám đốc Công ty TNHH MTV Toàn Thịnh Quảng Trị cho hay, doanh nghiệp ông được UBND tỉnh cho phép khai thác năm 2023 tại mỏ đất Hải Lệ 1, thuộc địa bàn thị xã Quảng Trị, với trữ lượng được phép khai thác là 2.712.522m3 đất làm vật liệu san lấp, công suất khai thác 100.000m3/năm. Dự kiến khả năng cung ứng trong năm 2023 và 2024. Tuy nhiên, trong mấy tháng nay, hầu như công ty phải ngưng hoạt động với lý do là không có khách hàng tiêu thụ.

Tại 6 dự án khai thác mỏ đất đã được UBND tỉnh Quảng Trị chấp thuận chủ trương đầu tư trong năm 2023, tổng trữ lượng dự kiến cung cấp ra thị trường khoảng 9.307.824m3 đất làm vật liệu san lấp; công suất khai thác 820.000m3/năm. Các nhà đầu tư đang khẩn trương triển khai các thủ tục theo quy định, cơ bản đảm bảo theo tiến độ dự án.

Như vậy, đến gần cuối năm 2023, sau khi 6 dự án nói trên đi vào hoạt động, thì nguồn cung ứng đất đắp của các doanh nghiệp khai thác mỏ là rất lớn. Nếu như đến lúc đó, tình trạng tiêu thụ đất đắp công trình vẫn có nhu cầu thấp như hiện nay, thì các doanh nghiệp cung ứng chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Điều này trái ngược với tình hình cung cấp đất đắp công trình so với năm 2022, tình trạng thiếu và khan hiếm nguồn đất đắp công trình rất trầm trọng là nguyên nhân dẫn đến nhiều công trình, dự án bị chậm tiến độ, thậm chí giá đất đắp theo đó mà tăng đột biến nên nhà thầu bị thua lỗ ngay trên công trình.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng các mỏ đất tiêu thụ đất đắp ế ẩm, theo ông Phan Văn Thắng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị, do các công trình, dự án triển khai thi công chậm so với tiến độ. Nhiều công trình/gói thầu không tập trung đầy đủ nhân lực, máy móc, thiết bị theo hồ sơ tiến độ thi công, phần lớn do vướng mặt bằng thi công, thiếu nguồn vốn bố trí năm 2023, một phần do các đơn vị thi công chưa quyết liệt, tập trung thi công trong phần vốn đã tạm ứng/bố trí. Cụ thể, công trình cơ sở hạ tầng Khu đô thị phía Đông hồ Đập Thanh, thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng, đến nay đã khởi công thực hiện một số hạng mục san nền, thoát nước; công trường đang dừng thi công do thiếu vốn bố trí trong năm 2023; tiến độ thi công chậm so với tiến độ tại hồ sơ dự thầu được chấp thuận; khối lượng đất đắp cho toàn công trình 98.316m3, hiện nay thi công chỉ được 4.000m3, nhu cầu đất đắp còn lại quá lớn lên đến gần 100.000m3. Cùng với đó, công trình đường nối thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ với các vùng trọng điểm kinh tế huyện Cam Lộ, công tác GPMB hoàn thành đạt 55%. Tổng khối lượng đất đắp cho toàn công trình 146.708m3, hiện nay chỉ mới thi công được 10.008m3; nhu cầu đất đắp còn lại 136.700m3. Tuy nhiên, nguồn đất đắp lấy từ nạo vét lòng hồ Hà Thượng, hồ Trúc Kinh, hồ Đá Lã, hồ Nghĩa Hy trên địa bàn huyện Cam Lộ và huyện Gio Linh; điều kiện, chất lượng và trữ lượng khai thác đất đắp tại thời điểm kiểm tra đáp ứng yêu cầu, đủ cung cấp cho công trình, nhưng khối lượng đất đắp đưa vào công trình còn hạn chế, không đảm bảo theo hồ sơ tiến độ do chưa có đủ mặt bằng sạch để thi công toàn tuyến.

Công trình đường Trần Nguyên Hãn, thành phố Đông Hà giai đoạn 2, do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, chỉ hoàn thành đạt 60%. Do đó, đến nay khối lượng thi công đất đắp chỉ mới được 5.000m3, trong khi đó đất đắp cho toàn công trình là 48.184m3; khối lượng đất đắp còn lại phải thực hiện là 43.184m3.

Công trình đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây, tỉnh Quảng Trị - Giai đoạn 1, Dự án gồm 4 gói thầu xây lắp, hiện nay đã lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng xây lắp 4/4 gói, nhưng đến nay, công trình chỉ đang thi công các hạng mục cầu thuộc Gói thầu VB-XL04. Toàn bộ 4 gói thầu chưa có mặt bằng để triển khai thi công phần đường, nên tại thời điểm kiểm tra vẫn chưa có nhu cầu về đất đắp thực tế, mặc dù khối lượng đất đắp dự kiến cần cho các gói thầu là 1.800.000m3

Trước thực trạng những tồn tại, khó khăn về năng lực hoạt động của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng và đơn vị cung ứng vật liệu đất đắp, phục vụ các công trình có nhu cầu sử dụng đất đắp lớn trên địa bàn, đoàn kiểm tra đã đưa ra các kiến nghị. Trong đó, Đoàn kiểm tra đã đề xuất với UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư, chính quyền địa phương khẩn trương đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng theo đúng tiến độ đã lập, có kế hoạch triển khai cụ thể các công tác đang chậm tiến độ, để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công, đặc biệt là các công trình sử dụng nguồn vốn Trung ương hỗ trợ.

Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát tình hình giải ngân nguồn vốn, các khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện từng dự án, thời gian thực hiện dự án để có phương án tham mưu cấp có thẩm quyền điều chuyển vốn từ dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, gặp vướng mắc lớn khó tháo gỡ, sang dự án có điều kiện thi công thuận lợi đảm bảo theo quy định.

Đồng thời, trước tình hình tiến độ và nguồn vốn bố trí gặp nhiều khó khăn, đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo Sở Tài chính (cơ quan thường trực Quỹ Phát triển đất tỉnh) xem xét, tham mưu UBND tỉnh, đồng ý cho các đơn vị chủ đầu tư tạm ứng, vay vốn từ Quỹ Phát triển đất tỉnh trong kế hoạch năm 2023, để bổ sung nguồn vốn cho dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án…

Hữu Tiến

 

 

https://baoxaydung.com.vn/quang-tri-danh-gia-thuc-trang-cung-ung-va-tieu-thu-dat-dap-cong-trinh-362133.html

163 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 724
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 724
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77225197