Quảng Trị chú trọng chăm lo đời sống cho người có công với cách mạng 

Tính đến đầu tháng 7/2018, Sở Lao động – Thương binh & Xã hội tỉnh Quảng Trị đang quản lý 120.178 hồ sơ đối tượng người có công. Chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan xác định công tác thương binh, liệt sỹ, người có công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Chăm sóc người có công với cách mạng không chỉ là vấn đề đạo lý, truyền thống mà còn là vấn đề chính trị, tư tưởng, tình cảm, vấn đề xã hội nhân văn cao quý có ý nghĩa lâu dài. Chính vì thế, trong những năm qua, công tác chính sách cho người có công trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho người có công.

Toàn tỉnh hiện có 120.178 người có công với cách mạng đã được xác nhận. Trong đó có 18.898 liệt sỹ, 11.477 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 2.450 bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 4.135 người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và hàng chục ngàn người có công với cách mạng. Hiện tỉnh Quảng Trị đang thực hiện chi trả trợ cấp cho 20.964 người có công với cách mạng và thân nhân hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi với tổng số tiền chi trả hàng tháng trên 29 tỷ đồng. Đồng thời, chính quyền địa phương thường xuyên thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách với số tiền trên 8,9 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, để thể hiện sự quan tâm, chăm lo sức khỏe cho người có công, thân nhân người có công, chính quyền địa phương cũng tiến hành cấp phát thẻ BHYT miễn phí với tổng số tiền cho hoạt động này là 17,6 tỷ đồng/năm.

Song song với việc thực hiện các chính sách ưu đãi, tỉnh cũng thực hiện tốt công tác chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với đất nước qua các hoạt động ý nghĩa như: nhận đỡ đầu; hỗ trợ đào tạo nghề; giải quyết việc làm... Thời gian qua, hàng ngàn gia đình chính sách neo đơn, hộ chính sách thuộc diện hộ nghèo được hưởng chế độ chính sách ưu đãi trong phát triển kinh tế. Sau khi sản xuất, kinh doanh thành công, thu lại lợi nhuận, các hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Từ đó, tạo điều kiện giúp đỡ các gia đình người có công với cách mạng phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bên cạnh đó, các chương trình và phong trào tình nghĩa đã và đang được đẩy mạnh trong toàn dân và trở thành một hoạt động chính trị-xã hội mang tính xã hội hóa cao. Nhiều chương trình, phong trào được thực hiện thường xuyên, tạo được hiệu ứng, sức lan tỏa lớn. Đây cũng là nguồn động viên để những người có công với cách mạng tiếp tục sống, cống hiến cho đất nước và mãi là niềm tự hào của người dân Quảng Trị.

Đặc biệt, tỉnh Quảng Trị hiện đang thay mặt cả nước chăm sóc gần 600.000 mộ liệt sỹ là con em của các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ngoài ra, tỉnh vẫn còn một số hồ sơ đề nghị xác nhận người có công tồn đọng, đối với số hồ sơ này, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch, thành lập BCĐ, Tổ xác minh và triển khai thực hiện. Qua đó, 8 hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ và 2 hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh theo Quyết định 408/QĐ-LĐTBXH đã được tổng hợp.

Nhằm làm tốt chính sách cho người có công, tỉnh cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho những người có công đã có tuổi, già yếu, người có hoàn cảnh khó khăn... Để mọi tầng lớp nhân dân quan tâm, có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác chăm sóc, phụng dưỡng, giúp đỡ người có công với cách mạng, ngành LĐ-TB&XH đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành trong tỉnh tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thương binh, liệt sỹ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chính sách hậu phương quân đội một cách sâu rộng trong quần chúng nhân dân, đặc biệt là trong thế hệ trẻ, giáo dục thanh thiếu niên truyền thống yêu nước của dân tộc, uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây...

Và khi nhìn lại những thành quả trong công tác chăm lo đời sống cho người có công với cách mạng thì không thể không nhắc đến đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách nói chung và chính sách cho người có công nói riêng. Họ đa phần là những người trẻ tuổi, tuy chưa có kinh nghiệm dày dặn nhưng được đánh giá là sáng tạo, nhạy bén trong tư duy. Đội ngũ cán bộ năng động, nhiệt huyết, tận tâm, tận lực trong công tác chuyên môn và luôn cố gắng, nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu các văn bản pháp luật về chính sách người có công qua các thời kỳ. Chính điều này đã góp phần không nhỏ để công tác chăm lo đời sống cho người có công đạt hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Thế Hậu, Trưởng phòng Phòng Người có công, Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết: “Thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố trong công tác xử lý hồ sơ, chăm sóc người có công trên địa bàn tỉnh. Đồng thời chủ động nắm bắt tình hình công tác chính sách người có công, từ đó nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý công việc cũng như các kế hoạch cần thiết để phục vụ tốt hơn nữa cho đời sống của các đối tượng chính sách người có công”.

Quảng Trị và cả đất nước luôn ghi nhớ công lao to lớn mà những người có công đã cống hiến, hy sinh. Sống trong hòa bình hôm nay, chúng ta vẫn luôn khắc ghi hình ảnh những người lính gian khổ, ngày đêm chiến đấu để bảo vệ chủ quyền đất nước. “Uống nước nhớ nguồn”, đạo lý khắc sâu trong tâm tưởng của mỗi người con đất Việt và trong tháng 7, khi ngày Thương binh liệt sỹ (27/7) cận kề, chúng ta càng biết ơn hơn những người có công với đất nước. Và mong rằng, mọi nỗ lực, cố gắng của toàn thể chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục là chỗ dựa tinh thần và vật chất vững bền cho người có công với cách mạng. Thảo Nhi

1113 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 767
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 767
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76841423