Quan hệ hợp tác Việt Nam với các nước châu Phi đạt kết quả tích cực 

(ĐCSVN) - Cho đến nay, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước châu Phi đã đạt được kết quả đáng khích lệ, Việt Nam đã 2 lần tổ chức Diễn đàn hợp tác Việt Nam – châu Phi vào các năm 2003 và 2010, thực hiện nhiều dự án hợp tác nông nghiệp và thủy sản tại châu Phi, góp phần vào việc bảo đảm an ninh lương thực cho các nước châu Phi...

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ê-ti-ô-pi-a, 16h00 ngày 24/8/2018 theo giờ địa phương (20h00 giờ Việt Nam), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến thăm trụ sở liên minh châu Phi (AU) và có buổi hội kiến với Quyền Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Bà A-mi-ra Eo-pha-điu Mô-ha-mét Eo-pha-điu (Amira Elfadil Mohammed Elfadil).

Bà Quyền Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) cảm ơn Chủ tịch nước dành thời gian thăm AU, chúc mừng Việt Nam phát triển mạnh mẽ, là nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á; đánh giá cao Việt Nam đã tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên Hiệp Quốc, góp phần duy trì hoà bình ở châu Phi.

Bà Quyền Chủ tịch cho biết vừa qua AU đã thông qua chiến lược phát triển vì lợi ích và sự thịnh vượng của người dân Châu Phi; các nước châu Phi đã ký hiệp định thành lập khu vực tự do châu Phi và nghị định thư chuyển dịch tự do. Bà cũng đánh giá cao quan hệ hợp tác với Việt Nam, xác định những lĩnh vực ưu tiên như chế biến, nông nghiệp, khai khoáng du lịch…mong muốn Việt Nam là cầu nối với Châu Á, đặc biệt là các nước Đông Nam Á. Bà Quyền Chủ tịch EU cảm ơn Việt Nam đã hỗ trợ người dân các nước Châu Phi thông qua công nghệ viễn thông, qua đó duy trì đoàn kết nội khối và khẳng định AU sẵn sàng phối hợp với Việt nam trên các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc và Khối Pháp ngữ.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ vui mừng lần đầu tiên dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến thăm trụ sở của Liên minh châu Phi (AU). Chủ tịch nước chúc mừng thành tựu của nhân dân các nước Châu Phi trong phát triển kinh tế và duy trì môi trường hoà bình và ổn định ở Châu Phi; khẳng định Việt Nam và các nước châu Phi đã luôn sát cánh ủng hộ và tương trợ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và trong sự nghiệp phát triển kinh tế ngày nay. Chính sách nhất quán của Việt Nam là coi trọng quan hệ với các nước châu Phi.

Chủ tịch nước cũng đánh giá cao vai trò và những đóng góp tích cực của AU trong các hoạt động đảm bảo hòa bình, an ninh, ổn định ở châu lục và trên thế giới. Chủ tịch nước mong muốn các nước đang phát triển như các nước châu Phi và Việt Nam đoàn kết, ủng hộ lẫn nhau để tăng cường hơn nữa tiếng nói và vai trò ảnh hưởng tại các cơ chế đa phương như tại Liên hợp quốc, trong phong trào Không liên kết và khuôn khổ hợp tác Nam – Nam; đề nghị các nước Châu Phi ủng hộ Việt Nam ứng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế Việt Nam cũng đã gửi các sỹ quan tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc ở châu Phi.

Cho đến nay, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước châu Phi đã đạt được kết quả đáng khích lệ, Việt Nam đã 2 lần tổ chức Diễn đàn hợp tác Việt Nam – châu Phi vào các năm 2003 và 2010, thực hiện nhiều dự án hợp tác nông nghiệp và thủy sản tại châu Phi, góp phần vào việc bảo đảm an ninh lương thực cho các nước châu Phi, tiêu biểu là các dự án với Mô-dăm-bích, Xê-nê-gan, Bê-nanh, Cộng hòa Công-gô, Ghi-nê…. Nhiều thế hệ chuyên gia của Việt Nam trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp đã và đang làm việc tại một số nước châu Phi như Ăng-gô-la, Mô-dăm-bích…, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân châu Phi.

Hai nhà Lãnh đạo cho rằng mặc dù đã có một số chuyển biến tích cực, kim ngạch thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và châu Phi vẫn còn rất khiêm tốn. Do đó để thúc đẩy hợp tác, hai bên cần thiết lập cơ chế đối thoại thường kỳ để triển khai hợp tác đồng bộ, quy mô lớn với khu vực cũng như để tăng cường phối hợp trên các diễn đàn quốc tế cùng bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển. Hai lãnh đạo nhất trí sẽ nghiên cứu mô hình hợp tác hiệu quả, tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm như hoạt động gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ liên hợp quốc, phát triển nông nghiệp, giáo dục, hệ thống hạ tầng, công nghệ thông tin, viễn thông…vì lợi ích của nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước Châu Phi, góp phần vào phát triển và thịnh vượng ở mỗi khu vực và trên thế giới.

* Cùng ngày Phu nhân Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Thị Hiền đã đến thăm và tặng quà cho các bệnh nhân tại Quỹ Hamlin Fistula E-ti-ô-pi-a. Quỹ Hamlin Fistula Ethiopia là một tổ chức từ thiện chuyên điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh rò sau sinh, được thành lập vào năm 1974 khi tại E-ti-ô-pi-a có hàng nghìn người mắc căn bệnh này. 

* Trong khuôn khổ chuyến thăm, ngày 24/8/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương Việt Nam phối hợp Bộ Ngoại giao Ê-ti-o-pia đồng chủ trì tổ chức Toạ đàm kinh tế Việt Nam – Ê-ti-ô-pi-a với sự tham dự của hơn 300 doanh nghiệp hai nước.

Cùng ngày, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh gặp và làm việc với Bộ trưởng Thương mại Ê-ti-ô-p-ia Melaku Alebel; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường có cuộc gặp và làm việc với Bộ trưởng Nông nghiệp và Chăn nuôi Ê-ti-ô-pia Shiferaw Shigute; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đẩu tư Nguyễn Trí Dũng gặp và làm việc với hai Thứ trưởng Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Ê-ti-ô-pi-a Sisay Tola Yadete và Mebra Mariam Kallo.

 

Mạnh Hùng

699 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 639
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 639
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 79612307