Quan điểm của đồng chí Lê Duẩn về đường lối cách mạng miền Nam của Đảng qua tác phẩm “Thư vào Nam” 

Năm 1985, nhân kỷ niệm 10 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, Nhà xuất bản Sự Thật đã tập hợp các bức điện, thư nói trên xuất bản thành cuốn sách với tiêu đề Thư vào Nam.

Trong Thư vào Nam, đồng chí Lê Duẩn nêu lên những vấn đề hết sức cơ bản về đường lối cách mạng miền Nam của Đảng. Xuyên suốt hơn 30 bức thư, điện của đồng chí Lê Duẩn gửi tới chiến trường là quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đánh thắng nhiều loại chiến lược, chiến thuật của địch áp dụng ở miền Nam, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đồng chí Lê Duẩn luôn thể hiện quyết tâm và tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ và cho rằng sự nghiệp giải phóng miền Nam dù lâu dài, gian khổ đến mấy, cuối cùng cũng “nhất định giành được thắng lợi hoàn toàn” và trong bất cứ tình thế nào, nhân dân ta cũng phải thắng. Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ không bao giờ chịu mất nước, không bao giờ chịu đầu hàng” vì thế, “nhất định quần chúng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng tiên phong có đủ lực lượng và phương pháp để đấu tranh giành thắng lợi”.

Tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến, bởi theo đồng chí Lê Duẩn, chúng ta có “ý chí quyết đánh, quyết thắng của toàn dân ta từ Bắc chí Nam, từ đảng viên đến quần chúng. Sự lãnh đạo của Đảng ta, một Đảng dày dạn trong đấu tranh cách mạng, nắm vững quy luật của chiến tranh nhân dân. Và sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của anh em bầu bạn trên khắp thế giới”.

Tư tưởng đó, quyết tâm đó không chỉ dựa trên ý chí chủ quan mà có căn cứ khách quan, không đơn thuần là vấn đề tình cảm và ý chí mà trước hết là cả vấn đề trí tuệ, vấn đề khoa học.

Quyết tâm đó được xây dựng trên cơ sở phân tích khách quan và khoa học trên tinh thần cách mạng tiến công, tình hình lực lượng so sánh giữa ta và địch trong toàn cuộc chiến tranh cũng như tình hình cụ thể cuộc đấu tranh giữa bên trong từng thời kỳ, trên mỗi chiến trường; trên cơ sở đó, cụ thể hóa đường lối chiến lược, phương pháp cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam; đề ra một cách sáng tạo những chủ trương đúng đắn trên các mặt đấu tranh, phù hợp với tình hình cụ thể để đánh bại địch từng bước, phát triển lực lượng của ta, tạo nên những bước ngoặt làm chuyển biến cục diện chiến trường, rồi nắm chắc thời cơ, đánh đòn quyết định, đánh bại địch hoàn toàn, giành thắng lợi trọn vẹn.

Trong Thư vào Nam đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ: “Quyết tâm của Đảng và nhân dân ta đánh thắng giặc Mỹ xâm lược trong bất kỳ loại chiến tranh nào là dựa trên sự phân tích lực lượng so sánh giữa ta và địch, đánh giá đúng chỗ mạnh, chỗ yếu của Mỹ, để không phạm sai lầm chủ quan, khinh địch, đồng thời để có quyết tâm đầy đủ, có cách đánh tốt nhất giành thắng lợi cuối cùng”.

Phân tích lực lượng so sánh giữa ta và địch, đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ: “Nhìn chung tiềm lực kinh tế, quân sự thì phải nói là Mỹ mạnh hơn ta. Riêng ngân sách quân sự của Mỹ hằng năm hiện nay là 50 tỷ đôla, trong khi đó, giá trị tổng sản lượng công nông nghiệp của miền Bắc nước ta hằng  năm chỉ trên một tỷ đô la. Nhưng tại sao ta vẫn cho là Mỹ yếu? Nói đến mạnh, yếu là nói về lực lượng so sánh cụ thể, trong thời gian và không gian nhất định, chứ không phải là một bài tính đơn giản, máy móc. Chúng ta nhận định rằng hiện nay ở Việt Nam, Mỹ yếu cả về chính trị và quân sự ”. Đồng chí khẳng định: “Hiện nay, nói về sức mạnh quân sự thì đáng chú ý nhất là sức mạnh của chiến tranh nguyên tử và sức mạnh của chiến tranh nhân dân. Chỗ mạnh của Mỹ là vũ khí nguyên tử thì chúng không dùng được. Còn chỗ mạnh của ta là chiến tranh nhân dân thì Mỹ không có. Phát huy ưu thế này và những kinh nghiệm tích lũy được, chúng ta nhất định đánh thắng bất kỳ tên xâm lược nào, dù đó là đế quốc Mỹ”.

- Thư vào Nam chỉ rõ mục tiêu của cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam là lật đổ ngụy quyền tay sai đánh bại chiến tranh xâm lược thực dân mới của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam. Căn cứ vào lực lượng so sánh ở Đông Nam Á và thế giới đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ: "Chúng ta đã đề ra yêu cầu đánh lùi đế quốc Mỹ bằng cách đánh đổ chính quyền tay sai, thiết lập một chính quyền độc lập và trung lập ở miền Nam". Đó là chiến thuật hay, thích hợp, đúng mức. Cố gắng hạn chế và thắng địch ở chiến trường miền Nam không cho chiến tranh lan ra miền Bắc. Đó là một phương hướng phấn đấu theo đường lối chiến lược và sách lược đã định phù hợp với so sánh lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường và trên thế giới.

- Về con đường tiến lên của cách mạng miền Nam- vấn đề cốt tử của cách mạng miền Nam mà Đảng ta đã giành nhiều năm nghiên cứu. Trong các bức thư chỉ đạo cách mạng miền Nam, đồng chí Lê Duẩn giải thích rõ hơn những nội dung liên quan đến vấn đề này. Đồng chí khẳng định: "Cách mạng miền Nam không  thể tiến hành bằng cách trường kỳ đấu tranh vũ trang, lấy nông thôn bao vây thành thị tiến lên dùng lực lượng quân sự giải phóng toàn bộ đất nước như Trung Quốc đã làm, mà đi theo con đường của Việt Nam, nghĩa là có khởi nghĩa bộ phận, lập căn cứ địa, có chiến tranh du kích, rồi tiến lên tổng khởi nghĩa, chủ yếu dùng lực lượng chính trị có phối hợp với lực lượng vũ trang để giành chính quyền về tay nhân dân. Ở đây lực lượng chính trị đóng vai trò chính, có sự tham gia phối hợp của lực lượng vũ trang và đấu tranh vũ trang, trong một mức độ nhất định gần như Cách mạng tháng Mười Nga hoặc như Cách mạng tháng Tám của ta".

Nói về khả năng giành thắng lợi bằng Tổng khởi nghĩa - đồng chí Lê Duẩn nhắc nhở: "Không thể quan niệm khởi nghĩa một cách giáo điều như trong Cách mạng tháng Tám - nghĩa là phải diễn ra đồng loạt, nhanh, gọn - mà phải rút ra từ Cách mạng tháng Tám cái nội dung cơ bản, cái cốt lõi của nó để vận dụng vào bước phát triển mới của cuộc đấu tranh cách mạng miền Nam". Đồng chí nhắc lại kinh nghiệm lịch sử: "Ở nước Nga, sau khởi nghĩa vũ trang, phải tiến hành chiến tranh 3 năm mới giành được toàn thắng. Ở Trung Quốc thì lập căn cứ nông thôn, đánh lâu dài, lấy tiêu diệt sinh lực địch làm chính mới tiến lên đánh chiếm thành thị. Ở Việt Nam sau khi cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám thành công phải kháng chiến 9 năm, đánh trận quyết định ở Điện Biên Phủ làm thay đổi hẳn lực lượng so sánh, chúng ta mới giành được thắng lợi. Nhưng vì ta chưa mạnh tuyệt đối và trong điều kiện quốc tế lúc đó, chúng ta mới chỉ giải phóng được nửa nước. Cách mạng miền Nam không thể phát triển ngoài quy luật chung đó. Đừng ai nghĩ rằng chỉ có một khả năng khởi nghĩa là xong là cách mạng đã thành công".

Trên cơ sở quan niệm về khởi nghĩa và chiến tranh cách mạng như vậy, đồng chí Lê Duẩn nêu ra hàng loạt những vấn đề chiến lược, sách lược và phương pháp tiến hành chiến tranh cách mạng ở miền Nam.

Đồng chí thường xuyên nhấn mạnh vấn đề “nắm vững hơn nữa việc xây dựng lực lượng vũ trang”, “xây dựng căn cứ địa”, “xây dựng thực lực của ta”, “nắm vững phương pháp đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh quân sự”. Đồng chí cho rằng: “Tổng khởi nghĩa nhất thiết phải kết hợp với tổng công kích”, và “tổng công kích về quân sự phải đi trước một bước”. Kinh nghiệm đấu tranh cách mạng trên thế giới đã từng chỉ rõ, “khởi nghĩa không thể thành công được nếu địch không bị thất bại về quân sự, còn sử dụng được công cụ bạo lực để chống lại cách mạng”.

Về phương pháp cách mạng miền Nam, với những nét lớn được phác họa đúng đắn ngay từ đầu, đã được đồng chí Lê Duẩn cụ thể hóa và phát triển dần trong thực hiện, từ chưa hoàn chỉnh đến hoàn chỉnh, từng được khái quát ngắn gọn trong một công thức gồm bốn đoạn: “Khởi nghĩa từng phần – quân sự, chính trị kết hợp – ba vùng chiến lược – tổng công kích, tổng khởi nghĩa”.

Đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh: “Xuất phát từ tình hình hiện nay và kinh nghiệm trước đây của cách mạng, chúng ta đề ra chủ trương đánh địch bằng cả hai lực lượng chính trị và quân sự, tiến tới tổng khởi nghĩa, tổng công kích để giải phóng miền Nam. Ta phải phát động quần chúng đấu tranh chính trị, phát triển lực lượng chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang, đánh địch cả về chính trị và quân sự, thực hiện nhiệm vụ chiến lược quan trọng là tiêu diệt sinh lực địch, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền”.

Đồng chí Lê Duẩn nhắc nhở: “Phải có thực lực, đồng thời chúng ta cũng phải biết nắm thời cơ, bất ngờ tiến công địch, khởi nghĩa từng phần, đánh thắng địch từng bước, tiến lên đánh thắng địch trên toàn chiến trường, khởi nghĩa giành toàn bộ chính quyền”.

Từ thực tiễn cách mạng miền Nam và từ kinh nghiệm Cách mạng tháng Mười Nga và Cách mạng tháng Tám của Việt Nam, đồng chí Lê Duẩn đã chỉ rõ: “Trong trường hợp của miền Nam, muốn tiến tới tổng khởi nghĩa thì phải làm cho quân đội địch bị đánh bại, mà ở đây, quân địch bị đánh bại chủ yếu là do lực lượng vũ trang cách mạng của ta”.

Đồng chí yêu cầu các cấp lãnh đạo chiến trường cần phải nắm vững phương châm đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh quân sự. Đồng chí chỉ ra rằng, khởi nghĩa nhất thiết phải kết hợp với tổng công kích và tổng công kích phải đi trước một bước. Kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, kết hợp khởi nghĩa của quần chúng với chiến tranh cách mạng sẽ là nội dung mới, hình thức mới của chiến tranh giải phóng ở miền Nam. Trong đó đấu tranh quân sự phải được đẩy lên ngang tầm với đấu tranh chính trị. Càng về sau thì đấu tranh quân sự càng trở thành cuộc đọ sức chủ yếu giữa ta và địch.

Toàn bộ Thư vào Nam cho thấy, đồng chí Lê Duẩn – qua thực tiễn chỉ đạo các chiến trường, từ nhận định tình hình đến đề ra chủ trương và biện pháp – đã phát triển hết sức phong phú lý luận của cả hai mặt đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, của sự kết hợp hai mặt đấu tranh đó, cũng như của việc xây dựng thực lực cách mạng, trên từng chiến trường, qua các thời kỳ khác nhau, để giành thắng lợi cuối cùng cho cách mạng miền Nam.

Về đấu tranh chính trị và khởi nghĩa, đồng chí Lê Duẩn kiên trì nhấn mạnh vai trò của hình thức đấu tranh cơ bản đó trong mọi thời kỳ của cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam, phê phán những nhận thức tư tưởng không đúng, coi nhẹ đấu tranh chính trị. Đồng chí đã nêu lên nhiều vấn đề về khẩu hiệu đấu tranh chính trị và kinh tế, về các hình thức đấu tranh bất hợp pháp, nửa hợp pháp và hợp pháp, về các tổ chức bí mật, nửa công khai, biến tướng và công khai…

Vận dụng và phát triển những luận điểm về khởi nghĩa vũ trang của  Mác và Lê-nin vào hoàn cảnh và điều kiện của chiến tranh cách mạng miền Nam, đồng thời xuất phát từ đặc điểm của khởi nghĩa ở miền Nam, trong Thư vào Nam  đồng chí Lê Duẩn đã đưa ra nhiều ý kiến quan trọng về khởi nghĩa ở nông thôn và thành thị, khởi nghĩa từng phần và Tổng khởi nghĩa, đặc biệt là những luận điểm mới về khởi nghĩa trong chiến tranh, kết hợp khởi nghĩa với chiến tranh.

Về đấu tranh vũ trang và chiến tranh cách mạng, đồng chí Lê Duẩn luôn luôn khẳng định “vai trò ngày càng quyết định của đấu tranh quân sự”. Đồng chí đã đề cập nhiều vấn đề về nghệ thuật quân sự, về phong trào chiến tranh du kích cũng như về tác chiến của các binh đoàn chủ lực và sự kết hợp hai phương thức tiến hành chiến tranh đó. “Phải sử dụng quả đấm quân sự rất mạnh, phát triển chiến tranh du kích trong vùng sau lưng địch, để đánh thắng lực lượng quân sự của Mỹ - ngụy”. Đồng chí chỉ rõ, “Quy luật chiến tranh cách mạng ở nước ta cũng như ở cả Đông Dương là nổi dậy và tiến công, tiến công và nổi dậy, đi đến tổng tiến công và nổi dậy để đánh bại quân thù”. Ba đòn chiến lược của chiến tranh nhân dân ở miền Nam đã hình thành và kết hợp chặt chẽ với nhau: các chiến dịch tiến công của bộ đội chủ lực trên chiến trường rừng núi có lựa chọn; các chiến dịch tổng hợp tiến công và nổi dậy trên vùng nông thôn đồng bằng đông dân, các cuộc đấu tranh chính trị ở thành thị. “Phải đồng thời thực hiện ba đòn chiến lược trên ba hướng”.

Về xây dựng lực lượng cách mạng, xây dựng căn cứ địa, đồng chí Lê Duẩn luôn luôn nhấn mạnh xây dựng cả lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, cả lực lượng công khai và lực lượng bí mật, lực lượng trong đông đảo quần chúng cơ bản và những lực lượng trung gian có thể tranh thủ được, những phe nhóm có ít nhiều cảm tình với cách mạng, có khả năng đi chung với nhân dân trong những hành động nhất định, trong những thời điểm nhất định; về lực lượng vũ trang, xây dựng cả dân quân du kích, bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực (chủ lực của Khu, của Miền và của Bộ từ miền Bắc đưa vào); về căn cứ địa và hậu phương, thì xây dựng cả căn cứ địa của khu, căn cứ, hậu phương của cả nước. Trong nhiều thư, đồng chí còn khẳng định phải xây dựng lực lượng dự bị chiến lược, cả lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, để kịp thời giành thắng lợi quyết định trong quá trình phát triển lâu dài của chiến tranh.

- Một trong những sáng tạo lớn của đồng chí Lê Duẩn thể hiện trong Thư vào Nam là vấn đề tạo thời cơ và nắm bắt thời cơ, lý luận về kết thúc chiến tranh, thắng địch một cách bất ngờ và nghệ thuật giải quyết vấn đề cực kỳ trọng yếu này. Đồng chí chỉ rõ, ta không những quyết đánh và quyết thắng Mỹ mà còn phải biết đánh và biết thắng: “Đã biết mở đầu đúng, biết đánh lâu dài thì chúng ta phải biết kết thúc đúng”. Phải làm cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nhận rõ ý nghĩa vĩ đại của cuộc chống Mỹ, cứu nước để thêm tự hào và tin tưởng, luôn luôn xác định quyết tâm chiến đấu không gì lay chuyển nổi, dù trải qua khó khăn, gian khổ thế nào, cũng đạp bằng tất cả để giành lấy thắng lợi cuối cùng. Đồng chí nhấn mạnh: “Trên bước đường tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn, những trận đánh cuối cùng của ta cũng phải là những trận bất ngờ được tính toán, chuẩn bị chu đáo và đầy đủ nhất”. “Yếu tố bất ngờ cũng là một vấn đề có tính quy luật trong cuộc chiến đấu ngay go, quyết liệt giữa ta và địch”. Quan điểm sáng tạo đó của đồng chí Lê Duẩn đã được chứng minh  bằng thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Sau khi Hiệp định Pari được ký kết, so sánh lực lượng có sự thay đổi lớn có lợi cho ta. Nhận định chính xác đặc điểm tình hình, đánh giá đúng so sánh lực lượng trên chiến trường, Đảng ta đã có những quyết định đúng đắn có ý nghĩa quyết định thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Các quyết định lịch sử của Đảng trong thời kỳ này thể hiện rõ lý luận về tạo thời cơ, nắm bắt thời cơ kết thúc chiến tranh, thắng địch một cách bất ngờ của đồng chí Lê Duẩn.

Các quyết định lịch sử của Đảng trong thời kỳ này được đồng chí Lê Duẩn giải thích rõ trong các bức thư, điện gửi các đồng chí lãnh đạo chiến trường miền Nam. Trong thư gửi đồng chí Phạm Hùng (bảy Cường), Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư trung ương cục miền Nam ngày 10-10-1974, sau khi phân tích tình hình, so sánh lực lượng giữa ta và địch, đồng chí Lê Duẩn nhận định: “Lúc này chúng ta đang có thời cơ. Hai mươi năm chiến đấu mới tạo được thời cơ này, chúng ta phải biết nắm lấy để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn” … “Thời cơ này đòi hỏi phải làm nhanh, làm gọn, làm triệt để nhưng phải khôn khéo. Có như thế mới tạo được bất ngờ, không ai kịp trở tay”. Đồng chí nhấn mạnh: “Thời cơ này không cho phép lừng chừng, do dự”. Đồng chí Lê Duẩn kết luận: "Nhiệm vụ sắp tới của chúng ta là nắm vững thời cơ lịch sử, mở nhiều chiến dịch tổng hợp liên tiếp đánh những trận quyết định, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc".

Các bức điện gửi vào chiến trường trong những ngày tháng 3, 4-1975  thể hiện sự chỉ đạo sắc bén, táo bạo của đồng chí Lê Duẩn nhằm thực hiện thắng lợi những quyết định lịch sử của Đảng nói trên. Nội dung các bức điện nói trên thể hiện tinh thần tiến công kiên quyết, thần tốc với tất cả sự tính toán, cân nhắc đầy đủ để chắc thắng. Ngày 22-4-1975, đồng chí Lê Duẩn điện chỉ thị cho các đồng chí chỉ huy ở mặt trận: "Thời cơ để mở cuộc tiến công về quân sự và chính trị vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày để kịp thời phát động tiến công. Hành động trong lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn. Nếu để chậm sẽ không có lợi cả về quân sự và chính trị".

Trong bức điện gửi các đồng chí trong Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh lúc 10 giờ ngày 29-4- 1975, đồng chí Lê Duẩn chỉ thị: "Các anh ra lệnh cho quân ta tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch, tiến công với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân đội địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của chúng".

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 toàn thắng là đỉnh cao thành công nổi bật về nghệ thuật nắm thời cơ, từ thời cơ này tiến lên tạo ra và nắm lấy thời cơ tiếp theo, liên tục, kiên quyết với khẩu hiệu “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ” để tạo ra và giành lấy thời cơ cuối cùng kết thúc chiến tranh một cách kịp thời, trọn vẹn và có lợi nhất.

Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gắn liền với tên tuổi đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành trung ương -  nhà lý luận chiến lược và chỉ đạo thực tiễn sáng tạo sắc bén, táo bạo. Nguyễn Thị Thu Hà

812 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1173
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1173
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77059610