Quan điểm của Đảng ta về kinh tế số và phát triển kinh tế số 

Ở nước ta thuật ngữ kinh tế số được chính thức đề cập trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước gần đây. Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019, của Bộ Chính trị “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã xác định: “nội dung cốt lõi của chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta là thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số”.

Tinh thần này được nhấn mạnh trong văn kiện Đại hội XIII: “Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”1. Trong các văn kiện của Đảng và nhà nước cũng đã xác định rõ: Kinh tế số là hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế2.

Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019, của Bộ Chính trị xác định: Phát triển kinh tế số là trụ cột, nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia những năm tiếp theo và đề ra mục tiêu vào năm 2025 kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội và tăng lên 30% vào năm 2030. Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 14/01/2020, của Thủ tướng Chính phủ “Về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam” đã khẳng định: Dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số3, chuyển đổi số đang tạo ra không gian phát triển mới - kinh tế số, xã hội số, chính phủ điện tử. Đặc biệt, chuyển đổi số mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam phát triển đột phá, nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển đang bắt đầu quá trình chuyển đổi số. Trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đã xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế số và xã hội số được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển Quốc gia.

Về quan điểm phát triển kinh tế số, Đảng đã xác định rõ lộ trình và với quan điểm: “từng bước phát triển kinh tế số”, “phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”, phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP và năm 2030, kinh tế số chiếm trên 30% GDP.

Quyết định chỉ rõ, trong quá trình phát triển, với những mô hình đã chín muồi, đã chứng minh được hiệu quả thực tiễn thì nhanh chóng nhân rộng, đẩy mạnh triển khai. Với những mô hình mới chưa có quy định rõ ràng thì cho phép thí điểm, vừa làm vừa hoàn thiện mô hình trước khi triển khai nhân rộng. Cùng với đó, cần tập trung phát triển toàn diện các yếu tố nền móng cho kinh tế số, xã hội số và xác định một số ngành, lĩnh vực trọng tâm cần tập trung triển khai. Phát triển kinh tế số và xã hội số phải gắn liền với xây dựng và củng cố chủ quyền số quốc gia. Chủ động hội nhập quốc tế, mở cửa thị trường cân đối với phát triển sản xuất trong nước, thu hút nguồn lực đầu tư một cách chọn lọc, phù hợp với chiến lược quốc gia. Quản lý rủi ro trong quá trình chuyển đổi lên môi trường số, phát triển kinh tế số và xã hội số an toàn. Bảo vệ người dân, doanh nghiệp trước những nguy cơ, rủi ro, tác nhân xấu xâm hại tới lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp đồng thời chú trọng bảo vệ trẻ em và các đối tượng yếu thế trên môi trường mạng4.

Phát triển kinh tế số trở thành xu thế tất yếu và là phương thức để thực hiện phát triển nhanh, bền vững tiến tới hiện thực hoá mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Việt Nam đang có lợi thế nhất định, với môi trường chính trị, xã hội ổn định, cùng với nền tảng kinh tế vĩ mô được củng cố vững chắc, có dân số trẻ, nhanh nhạy trong nắm bắt công nghệ, nằm trong tốp đầu các quốc gia có tốc độ tăng trưởng về số người dùng Internet, điện thoại thông minh, và sử dụng mạng xã hội; tính cách người Việt Nam thích ứng nhanh với sự thay đổi, thích sử dụng công nghệ5.

Để phát triển kinh tế số hiệu quả, là một bộ phận của nền kinh tế Việt Nam, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, chú trọng tuyên truyền, nâng cao hiểu biết về kinh tế số, tạo sự đồng thuận xã hội trong quyết tâm chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

Hai là, đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó cần cập nhật, bổ sung các chương trình đào tạo về công nghệ số, nền tảng số, từ mã hóa đến tư duy thiết kế và các kỹ năng số cần thiết cho tương lai trong nhà trường. Việc đào tạo cần gắn với nhu cầu thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực theo yêu cầu phát triển. Đẩy mạnh xã hội hoá nhằm huy động nguồn lực cho đào tạo. Thực hiện các chính sách ưu đãi phù hợp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Ba là, cần có hệ thống quy định mới cho phù hợp, bảo đảm lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân, có vậy mới thúc đẩy kinh tế số phát triển. Định hướng và chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam cũng đã được xác định rõ ràng, vấn đề là thể chế hoá thành các luật và các quy định đồng bộ.

Bốn là, hợp tác huy động các nguồn lực, trong đó nhà nước cần có các chương trình hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp về điều kiện tài chính cũng như tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ hiện đại nước ngoài.

Năm là, giải quyết tốt được nguồn dữ liệu đầu vào là nền tảng căn bản để tạo lợi thế cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước, từ đó giúp họ có thể tìm ra lời giải cho bài toán Việt Nam và cạnh tranh sòng phẳng với các dịch vụ công nghệ xuyên biên giới.

Sáu là, ban hành các quy định bảo đảm an toàn, an ninh mạng, nhà nước cần có chính sách khuyến khích phát triển hạ tầng số, đồng thời nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp trong tự bảo vệ khi hoạt động trên môi trường mạng.

Bảy là, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế thông qua các hiệp định thương mại và đầu tư, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các đối tác có trình độ phát triển cao. Bên cạnh đó cần khuyến khích các doanh nghiệp cập nhật thông tin, thành tựu mới công nghệ, thu hút trí tuệ, kinh nghiệm… của các chuyên gia giỏi, nhân viên có kinh nghiệm từ bên ngoài để thực hiện kế hoạch đổi mới công nghệ. Đây cũng là cơ sở để có thể tiếp nhận công nghệ chuyển giao từ bên ngoài và từ đó đầu tư nghiên cứu phát triển, từng bước tự chủ công nghệ nguồn, tham gia vào thị trường công nghệ số thế giới vừa bảo đảm cơ sở vững chắc cho phát triển kinh tế số vừa gia tăng nguồn thu từ trao đổi công nghệ. Lê Thị Liên (tổng hợp)

-------------------------

1.Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tr.46.

2. Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng, ngày 31/3/2022  phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

3. Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet vạn vật...

4. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm, sớm có nhiều chủ trương, giải pháp thực hiện Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi sang nền kinh tế số. Các chủ trương này được thể hiện trong các văn bản như: Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 41/NQ-CP, ngày 26/5/2016 về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 04/5/2017 về tăng cường năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0. Tháng 8/2018, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử được thành lập do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Chủ tịch Ủy ban; Nghị quyết số 52/NQ-TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; Quyết định số 749/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng, ngày 31/3/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Như vậy có thể thấy, Việt Nam thuộc nhóm ít các nước trên thế giới sớm ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia, chiến lược về một quốc gia số và phát triển kinh tế số.

5. Hiện nay, có khoảng 72% dân số đang sử dụng điện thoại thông minh, 68% số người Việt Nam xem video và nghe nhạc mỗi ngày trên thiết bị di động, có 70% số thuê bao di động đang sử dụng 3G hoặc 4G… Ngành viễn thông công nghệ thông tin đã tạo ra hạ tầng viễn thông 3G, 4G phủ 95% cả nước, hiện đang bắt đầu triển khai 5G, đây là một nền tảng quan trọng của nền kinh tế số ở Việt Nam. Cùng với đó quyết tâm chính trị, nền tảng thể chế và công nghệ được đánh gía ở mức khá tích cực so với khu vực, chính là những cơ sở để Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi thành công từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số (Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương).

163 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 672
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 672
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77151310