Quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định CPTPP được chuẩn bị kỹ lưỡng 

(Chinhphu.vn) – Trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan sáng 2/11 tại Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định CPTPP được chuẩn bị kỹ lưỡng; đã xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị.
Theo báo cáo thuyết minh của Chính phủ, 11 nước tham gia CPTPP có quy mô dân số 502,2 triệu người, chiếm 6,7% dân số thế giới, quy mô GDP chiếm 13,5% GDP toàn cầu, tổng kim ngạch thương mại 10.000 tỷ USD.

Việc tham gia Hiệp định là động lực giúp Việt Nam nâng cao nội lực, đa dạng hóa thị trường để ứng phó với các tác động của kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp với chiều hướng bảo hộ thương mại gia tăng của các nền kinh tế lớn.

Tham gia Hiệp định, GDP của Việt Nam có khả năng tăng thêm 1,32% tính đến năm 2035, trong trường hợp đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ, GDP có thể tăng thêm 2,01%. Với mức độ cam kết của các nước trong CPTPP, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông, thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 4,04% và nhập khẩu tăng thêm 3,8% vào năm 2035; tổng số việc làm tăng thêm hàng năm từ 20.000 đến 26.000 lao động.

Bên cạnh đó, việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP là thể hiện cam kết hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khẳng định vai trò, vị trí của nước ta trong khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương và sẽ là cơ sở gia tăng sự tin cậy, tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam thúc đẩy đàm phán, ký kết thành công các Hiệp định thương mại tự do khác, nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Về việc tuân thủ trình tự, thủ tục đề xuất phê chuẩn Hiệp định CPTPP, ông Nguyễn Văn Giàu khẳng định, trình tự, thủ tục đề nghị phê chuẩn Hiệp định CPTPP đúng với quy định tại Khoản 14 Điều 70, Khoản 6 Điều 88 Hiến pháp năm 2013; Điều 18, Điều 78 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 và các quy định khác của Luật Điều ước quốc tế.

Hồ sơ kèm theo Tờ trình của Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP cơ bản bảo đảm theo quy định tại Điều 31 Luật Điều ước quốc tế về hồ sơ trình phê chuẩn điều ước quốc tế.

Về tính hợp hiến và mức độ phù hợp của Hiệp định CPTPP với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết đa số ý kiến cho rằng các quy định của Hiệp định CPTPP, các Thư song phương và Bản ghi nhớ không có quy định trái với Hiến pháp năm 2013, nhưng có một số nội dung chưa được quy định tại một số đạo luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan của nước ta.

Theo báo cáo thuyết minh, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành rà soát 265 văn bản quy phạm pháp luật ở cấp Trung ương và kiến nghị sửa đổi, bổ sung phù hợp với các cam kết trong Hiệp định CPTPP.

Ủy ban Đối ngoại đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan; đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành tiếp tục Báo cáo đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP theo phương pháp tính toán định lượng trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời, nghiên cứu đề xuất hoàn thiện các chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng chịu ảnh hưởng, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ nông dân nhằm giảm tác động rủi ro phát sinh khi Hiệp định có hiệu lực.

Ngoài ra, cần bổ sung đánh giá tác động đa chiều với các đối tác khác nhau, các đối tác cùng tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương với Việt Nam, bảo đảm lợi ích quốc gia của Việt Nam khi tham gia Hiệp định CPTPP.

Đồng thời, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kế hoạch sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi Hiệp định, đảm bảo khi hết thời hạn tạm hoãn, các nghĩa vụ cam kết được thực thi một cách đầy đủ, không phát sinh tranh chấp, khiếu kiện.

Xác định thời gian nộp lưu chiểu sau khi hoàn thành bộ hồ sơ; thông báo hiệu lực đảm bảo không gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội do xung đột các quy định pháp luật; xây dựng đề án tuyên truyền, phổ biến đến các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân trước khi thông báo Hiệp định có hiệu lực; chuẩn bị nguồn nhân lực có khả năng đáp ứng quá trình triển khai Hiệp định.

Nguyễn Hoàng

1054 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 444
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 444
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86612770