Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dự Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 

(Chinhphu.vn) - Nhận lời mời của Bộ trưởng thứ hai Bộ Ngoại giao Brunei Dato Erywan Pehin Yusof, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ tham dự Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vào ngày 21/1 theo hình thức trực tuyến.

Ngoài cho biết thông tin trên tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao tổ chức vào chiều 14/1, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết thêm: Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN là cuộc họp đầu tiên cấp bộ trưởng mở đầu cho năm 2021 của Brunei với chủ đề “Cùng quan tâm, cùng chuẩn bị, cùng thịnh vượng”.

Tại hội nghị lần này, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN sẽ trao đổi nhiều nội dung quan trọng, bao gồm triển khai kết quả của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 tháng 11/2020 tại Hà Nội, thống nhất những trọng tâm và ưu tiên của ASEAN năm 2021, thảo luận các vấn đề liên quan tới quan hệ đối ngoại của ASEAN, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

* Cũng tại họp báo, khi được hỏi về bình luận của Việt Nam đối với Tài liệu giải mật của Hoa Kỳ về chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: Việt Nam mong muốn và hoan nghênh các sáng kiến liên kết, kết nối ở khu vực góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực, dựa trên luật lệ và tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng tất cả các nước, bao gồm vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.

Lập trường này đang được Việt Nam và các nước ASEAN chia sẻ trong tài liệu Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP).

* Khi được hỏi Việt Nam bình luận gì về việc Hoa Kỳ vừa đề ra kế hoạch kích hoạt lực lượng hải quân và hải quân lục chiến trở thành lực lượng quân sự chung trên biển nhằm ứng phó các thách thức mới, trong đó có khu vực Biển Đông, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết: Lập trường nhất quán của Việt Nam, là các quốc gia trong và ngoài khu vực đều cần đóng góp có trách nhiệm vào mục tiêu chung duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

Thùy Dung

201 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 838
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 838
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86331374