PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÂY HỒ TIÊU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH 

Với tiềm năng gần 20.000 ha đất đỏ bazan là điều kiện thuận lợi để Quảng Trị phát triển cây hồ tiêu. Trong những năm qua, cây hồ tiêu đã được xác định là một trong những cây công nghiệp dài ngày chủ lực của tỉnh.

Tính đến tháng 7/2019, toàn tỉnh có 2.505 ha hồ tiêu, tập trung chủ yếu ở 04 địa phương: Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và Hướng Hóa, trong đó diện tích cho sản phẩm khoảng trên 2.040 ha, sản lượng bình quân đạt khoảng 2.000 tấn/năm. Hiện tại, hồ tiêu Quảng Trị chủ yếu sử dụng giống địa phương như tiêu Vĩnh Linh, tiêu Cùa Cam Lộ... Trong đó, giống tiêu Vĩnh Linh được Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đánh giá là một trong năm giống tiêu có chất lượng hàng đầu Việt Nam, do đó, Quảng Trị cũng là nơi cung cấp giống tiêu cho một số địa phương trong cả nước. Với đặc trưng khí hậu đặc thù của vùng nhiệt đới, nên sản phẩm hồ tiêu Quảng Trị có mùi vị đặc trưng riêng, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng; được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa cho sản phẩm hạt tiêu Quảng Trị. Tỉnh Quảng Trị cũng đã ban hành được quy trình kỹ thuật sản xuất hồ tiêu mang chỉ dẫn địa lý Quảng Trị.

Hiệu quả từ cây hồ tiêu đã khẳng định đây là cây trồng “xóa đói giảm nghèo” của người nông dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, cũng như các địa phương trong cả nước, diện tích, sản lượng và chất lượng sản phẩm hồ tiêu Quảng Trị đã bị tác động rất lớn của dịch bệnh, giá cả, cây giống, phương thức canh tác... nên việc phát triển cây hồ tiêu có những khó khăn nhất định. Mặc dù Quảng Trị có nhiều tiềm năng và thuận lợi để phát triển cây hồ tiêu, nhưng cũng chính bị ảnh hưởng của chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa nên cây tiêu dễ phát sinh dịch bệnh gây hại, nhất là các bệnh chết nhanh, chết chậm, bệnh do vi nấm, bệnh thối gốc rễ... làm thiệt hại nhiều diện tích hồ tiêu, có những năm diện tích hồ tiêu nhiễm bệnh lên đến 1.000 ha, trong đó có gần 200 ha chết trên 70%... Điều đó đã gây hoang mang cho người trồng tiêu. Bên cạnh đó, giống tiêu Quảng Trị phần lớn đã bị thoái hóa, trong khi đó chưa có vườn ươm giống chuẩn, giống chủ yếu được tuyển chọn qua quá trình canh tác nên giống dễ bị lai tạp, người trồng tiêu tự lấy giống tiêu trên các vườn tiêu cũ để trồng lại... đã ảnh hưởng đến chất lượng cây tiêu. Giá cả hồ tiêu lên xuống bấp bênh, hiện nay giá tiêu đang giảm mạnh, nếu như giá bán bình quân của giai đoạn 2008 - 2017 đạt từ 80.000 - 200.000 đồng/kg thì đến nay giảm còn khoảng 50.000 đồng/kg. Phương thức canh tác hồ tiêu của người nông dân vẫn chủ yếu theo phương thức truyền thống... Khó khăn nhất hiện nay vẫn là vấn đề liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu, Quảng Trị chưa xây dựng được chuỗi giá trị bền vững trong sản xuất và tiêu thụ. Trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở chế biến có quy mô lớn (mới có 03 cơ sở thu mua, chế biến, tiêu thụ của Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị, HTX Hồ tiêu Vĩnh Linh, HTX Hồ tiêu Cùa đang ở quy mô nhỏ), chủ yếu là người trồng tự thu hái, ủ, tuốt, phơi khô và tiêu thụ tự do trên thị trường hoặc bán cho các thương lái, các đại lý trung gian. Mặc dù chất lượng tiêu Quảng Trị được đánh giá cao, nhưng hiện nay vẫn tiêu thụ trong nước là chủ yếu, mới có một số ít sản phẩm tiêu đen, tiêu trắng, tiêu ngũ sắc được xuất khẩu ủy thác để tiêu thụ ở một số thị trường nước ngoài như Mỹ, Pháp, Hà Lan, Ấn Độ, nhưng số lượng không đáng kể, tuy nhiên đã được ghi nhận về chất lượng tại Mỹ và Châu Âu, đây là tín hiệu vui cho hồ tiêu tỉnh nhà trong chiến lược phát triển cây hồ tiêu trong thời gian tới.

Trước thực trạng về sản xuất và tiêu thụ cây hồ tiêu như vậy, các cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương đã có nhiều cố gắng, tìm hướng phát triển bền vững hơn cho cây hồ tiêu. Với định hướng hồ tiêu là một trong 06 cây trồng chủ lực, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm cơ cấu lại sản xuất cho cây hồ tiêu theo hướng hữu cơ, có chứng nhận, để nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tăng thu nhập cho người trồng tiêu. Đã chỉ đạo Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai nhân rộng một số mô hình bước đầu khá thành công như mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây hồ tiêu, mô hình sử dụng chế phẩm sinh học chức năng MT1, SH1, chế phẩm Tricoderma, mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao như tưới tiết kiệm, hữu cơ, ứng dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Châu Âu và Mỹ... Nhiều người trồng tiêu cũng đã áp dụng tưới nước tiết kiệm, tự động cho cây tiêu kết hợp với bón phân; một số vườn tiêu đã được thiết kế giải pháp chắn gió bão, thoát nước mưa... Các cơ sở thu mua, chế biến cũng đã chủ động tham gia nhiều hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm hồ tiêu Quảng Trị với kỳ vọng mở rộng thị trường cho hạt tiêu Quảng Trị đến với thị trường trong và ngoài nước... Nhưng đây mới chỉ là những bước khởi đầu. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững hơn nữa thì rất cần sự vào cuộc tích cực hơn, có sự đồng hành, liên kết của 04 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) để giải quyết những vấn đề căn cơ nhất trong sản xuất, kinh doanh, chế biến cũng như tiêu thụ hồ tiêu. Trong đó, cần quan tâm làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch vùng trồng tiêu. Đối với những diện tích đã có, tiếp tục chỉ đạo các địa phương hướng dẫn nông dân triển khai thực hiện đúng quy trình vệ sinh vườn tiêu, quy trình phòng, chống các dịch bệnh để kiểm soát tình hình nhiễm bệnh trên cây hồ tiêu, áp dụng biện pháp canh tác bền vững theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm trên cây hồ tiêu... để cây hồ tiêu đạt cao nhất về năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường; đồng thời quy hoạch phát triển hồ tiêu ở những vùng thích hợp để đến năm 2020, diện tích cây hồ tiêu đạt 2700 ha như định hướng phát triển cây hồ tiêu của tỉnh.

Nghiên cứu để xây dựng vườn nhân giống tiêu, hỗ trợ chọn tạo giống tiêu kháng bệnh từ những vườn tiêu trên địa bàn; bảo tồn được nguồn gen và phục tráng giống, đặc biệt là giống tiêu Vĩnh Linh đang có dấu hiệu bị thoái hóa.

Đẩy mạnh hơn nữa khâu thông tin thị trường, trong đó phải thiết lập được các kênh thông tin thị trường về vật tư phân bón, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu để giúp nông dân, doanh nghiệp chủ động hơn trong đầu tư sản xuất.  Các địa phương sớm tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết lại để dễ dàng tiếp nhận các tiến bộ kỹ thuật, các nguồn vốn tín dụng và các đơn vị cung cấp vật tư đầu vào.

Tập trung xây dựng chuỗi giá trị sản xuất hồ tiêu bền vững, tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp, nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ, có chứng nhận xuất xứ vùng trồng, giảm bớt trung gian trong khâu thu mua nguyên liệu để kiểm soát chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường lớn, có giá trị gia tăng tốt như Mỹ, các nước Châu Âu... Giải quyết được bài toán đầu ra cho sản phẩm hồ tiêu.

Cần có sự nghiên cứu để xây dựng các quy trình trồng, chăm sóc phù hợp với từng vùng, các quy trình về sơ chế, chế biến hồ tiêu đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Tiến tới xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm hồ tiêu, có chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm từ hồ tiêu như thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm... đi kèm chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và phát triển về lĩnh vực này để gia tăng giá trị hồ tiêu.

Định hướng phát triển cây hồ tiêu đã có, mong muốn các doanh nghiệp, người nông dân, nhà khoa học và các ngành chức năng cùng đồng hành để từng bước xây dựng và phát triển sản phẩm hồ tiêu Quảng Trị khởi sắc và bền vững hơn trong thời gian tới. Thanh Lan

2494 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 884
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 884
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76407419