Phát huy vai trò Phật giáo tham gia xã hội hoá công tác xã hội, từ thiện 

(ĐCSVN) - Trong hai ngày 14 - 15/6, tại Kiên Giang, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trường Đại học Khoa học xã hội - Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và tỉnh Kiên Giang phối hợp tổ chức hội thảo: "Phát huy vai trò Phật giáo tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện".

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn 
phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh:  HD)

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Trần Thanh Mẫn nêu bật vai trò của Phật giáo Việt Nam tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện với những việc làm thiết thực, hiệu quả đã góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước và Ủy ban MTTQ Việt Nam.

“Trong cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu của Phật giáo tham gia trong nhiều lĩnh vực hoạt động, thu hút được nguồn lực hàng nghìn tỷ đồng để cùng Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam chăm lo cuộc sống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là những người gặp hoàn cảnh khó khăn cần sự trợ giúp xã hội ngày càng tốt đẹp” -  Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn nêu.

Tuy nhiên, để Phật giáo Việt Nam đóng góp tốt hơn nữa việc tham gia xã hội hoá công tác xã hội, từ thiện, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn cho rằng cần phải có các giải pháp tích cực, đồng bộ giữa công tác quản lý, hỗ trợ của các ngành chức năng của nhà nước; sự hướng dẫn, chỉ đạo của các cấp Giáo hội và chất lượng tổ chức và hoạt động của các cơ sở, tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện công việc.

Chính vì vậy, Hội thảo lần này nhằm chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm, thống nhất nhận thức về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; trách nhiệm của chức sắc, tín đồ, các cấp Giáo hội, các cơ quan liên quan trong hệ thống chính trị và tìm ra các giải pháp phát huy hơn nữa vai trò của Phật giáo Việt Nam tham gia xã hội hoá công tác xã hội, từ thiện, an sinh xã hội, góp phần thiết thực vào các hoạt động hướng đến tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 9 về công tác tôn giáo; đồng thời tăng cường sự phối hợp, gắn kết giữa công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, lý luận với thực tiễn thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; chương trình hành động của MTTQ Việt Nam về công tác tôn giáo.

Các ý kiến, tham luận của các đại biểu đã khẳng định tinh thần nhập thế hành đạo của Phật giáo Việt Nam được thể hiện thường xuyên qua các hoạt động xã hội hóa công tác xã hội và từ thiện. Theo Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thông qua Ban từ thiện xã hội Trung ương, trong những năm qua, với truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc và phương châm: “Đạo pháp - Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”, Tăng Ni, Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước luôn gắn bó đồng hành trong mọi hoạt động của đất nước, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, triển khai thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động. Đồng thời, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động bảo trợ xã hội, với hạnh nguyện “Từ bi, cứu khổ độ sinh”. Trong cả nước đã có 125 cơ sở Tuệ Tĩnh đường và hàng trăm phòng thuốc nam phát thuốc miễn phí, cùng hàng trăm cơ sở Phật giáo tham gia các hoạt động trợ giúp xã hội, với hàng nghìn đối tượng bảo trợ xã hội như: trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em khuyết tật, người già không nơi nương tựa,...


Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Hương Diệp)

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Khoa Triết học (Trường Đại học Khoa học xã hội - Nhân văn), Giáo hội Phật giáo Việt Nam suốt gần 40 năm qua kể từ ngày thành lập đã tổ chức các hoạt động Phật sự của hơn 30.000 tăng ni trong 15.000 tự viện và trên 40 triệu Phật tử trong cả nước; xây dựng 25 bệnh viện miễn phí, 655 phòng phát thuốc, gần 200 lớp học tình thương cho trẻ em đường phố, 116 nhà từ thiện… Phật tử cả nước đã đóng góp hàng ngàn tỷ đồng làm công tác xã hội, từ thiện nhân đạo, thực hiện tinh thần từ bi của Phật giáo và đạo lý “Bầu ơi thương lấy bí cùng” của dân tộc Việt Nam.

Nhiều tham luận của các đại biểu đã đưa ra những gương điển hình trong công tác xã hội, từ thiện đồng thời đưa ra những kiến nghị tâm huyết nhằm đẩy mạnh công tác xã hội, từ thiện trong thời gian tới. Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về các nội dung: xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện của Phật giáo; vai trò, thực trạng của xã hội hóa công tác xã hội và từ thiện của Phật giáo; các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại các địa phương; xu hướng phát triển và những giải pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả hoạt động của xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện của Phật giáo trên các lĩnh vực hoạt động cụ thể…; qua đó có những cái nhìn mới, những đóng góp thiết thực về lý luận và thực tiễn để phát huy vai trò của Phật giáo tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện.

 Chiều cùng ngày, đại biểu tham dự Hội thảo sẽ đi thăm Trung tâm từ thiện xã hội Phật Quang, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang./.

Hương Diệp
913 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 981
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 981
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76795759