Nuôi lợn an toàn sinh học, hướng tới lợi ích, an toàn  

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, tổng đàn lợn của tỉnh trong những năm gần đây duy trì khoảng 20 đến 22 vạn con. Tuy nhiên, nhìn chung, việc chăn nuôi còn nhỏ lẻ, chủ yếu chăn nuôi nông hộ, trang trại vừa và nhỏ. Đặc biệt, việc chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm trên bàn tỉnh một số địa phương có thực hiện nhưng còn nhỏ lẻ và chưa được quan tâm một cách bài bản.

Năm 2022, trong một chuyến đi thực tế tại xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh), đồng chí Hồ Đại Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Trường Cao đẳng Kỹ thuật tỉnh phối hợp với UBND huyện nghiên cứu, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Vĩnh Thái. Theo tinh thần đó, cũng đã có nhiều cuộc hội thảo, giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với Trường Cao đẳng Kỹ thuật tỉnh; tham vấn với các trung tâm chuyển giao khoa học công nghệ. Tuy nhiên, đến tháng 5/2023 dự án trên bắt đầu triển khai, tại 03 thôn của xã Vĩnh Thái đó là: Thử Luật, Đông Luật và Tân Hòa, vơi 09 hộ 45 con, bình quân một hộ nuôi 05 con.

Để triển khai mô hình nuôi lợn thịt an toàn sinh học theo hướng hữu cơ, Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng tiêu chí chọn hộ thực hiện mô hình và trực tiếp hướng dẫn các hộ xây dựng chuồng nuôi mới hoặc cải tạo, sửa chữa chuồng nuôi cũ đảm bảo diện tích 1,5 - 2 m2/con; đảm bảo đủ các trang thiết bị như máng ăn, máng uống, dụng cụ phục vụ chăn nuôi,...Cấp phát các loại vật tư như: Chế phẩm sinh học, thuốc sát trùng, vắc xin, mật mía đủ số lượng theo tiến độ. Ngoài ra, Trung tâm còn hỗ trợ và hướng dẫn các hộ thực hiện nghiêm an toàn sinh học, vệ sinh phòng bệnh, kết hợp sử dụng lưới chắn côn trùng để hạn chế tối đa dịch bệnh xảy ra và hướng dẫn lý thuyết kết hợp thực hành tại hiện trường cho các hộ dân tham gia mô hình và tổ khuyến nông cộng đồng xã. Quá trình thực hiện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cử cán có trình độ, kinh nghiệm về lĩnh vực chăn nuôi - thú y và phối hợp tổ khuyến nông cộng đồng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng trừ dịch bệnh cho lợn theo phương pháp mới. Cùng với đó, Trung tâm đã kết nối Zalo với các hộ cũng như tạo nhóm Zalo để thuận lợi trong việc điều hành chỉ đạo, trao đổi, chia sẻ thông tin phù hợp với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Về con giống Trung tâm sử dụng giống lợn ngoại 3 máu cái (Landrace x Yorkshire) x đực Duroc. Giống lợn này mình dài, cân đối, lưng thẳng, bụng thon gọn, mông vai nở, gốc đuôi to, chân thanh, thẳng và chắc chắn; da dẻ hồng hào, lông thưa óng mượt, mắt tinh, đi lại hoạt bát, nhanh nhẹn, phàm ăn. Trước khi thả chuồng, lợn được tiêm đầy đủ các loại vaccine phòng ngừa bệnh như:  thương hàn; tụ huyết trùng; lỡ mồm long móng, dịch tả lợn; kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi do Chi cục Thú Y vùng III cấp ngày 24/5/2023 và Thông báo kết thúc thời gian theo dõi động vật sau tiêm phòng vắc xin do Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị cấp ngày 25/5/2023.Thời gian cấp giống: 25/5/2025. Về thức ăn: Giai đoạn 1, sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh dùng cho lợn từ 10 – 20kg. Giai đoạn 2, thức ăn giàu tinh bột: Sử dụng từ các nguyên liệu địa phương như bột ngô, cám gạo phối trộn ủ men vi sinh làm chín thức ăn đảm bảo thành phần dinh dưỡng. Thức ăn phối trộn ủ từ 12 - 24 tiếng theo công thức và khối lượng ủ phù hợp với lượng ăn vào hằng ngày của đàn lợn (ngô: 50%, cám: 30%, tỷ lệ men vi sinh 1 kg ủ 100 kg hỗn hợp).Thức ăn giàu đạm: Cá : Rỉ mật (tỷ lệ 1:1) sau khi ủ chín lên men là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho lợn. Đồng thời, sử dụng tỏi lên men để phòng bệnh trong quá trình chăn nuôi.

  Với cách làm bài bản như vậy, sau 4 tháng nuôi, nhìn chung đàn lợn sinh trưởng, phát triển tốt tăng trọng bình quân đạt 75 kg/con (cao nhất 90 kg/con; thấp nhất 65 kg/con); bình quân lợn tăng trọng từ 600 gam/con/ngày (đạt yêu cầu đề ra ≥ 600 gam/con/ngày). Tiêu tốn thức ăn bình quân đạt 2,36 kg TĂ/kg TT thấp hơn yêu cầu đề ra (≤ 2,6 kg TĂ). Sau khi tính toán chi phí, chăn nuôi nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Vĩnh Thái tại thời điểm (tháng 9/2023), người chăn nuôi có lãi 717.000 đồng/con cao gấp 1,7 lần so với chăn nuôi truyền thống. Do sử dụng thức ăn là những nguyên liệu có sẵn tại địa phương nên tỷ lệ nạc rất cao và thịt ăn vừa ngọt vừa dòn lại rất an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu tăng quy mô đàn lợn lên 10 con, có điều kiện dữ trữ thức ăn ngay từ dầu vụ (giá thấp) thì bà con nông dân có thu nhập ổn định, cao hơn. Đặc biệt, việc chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ đã tạo thêm việc làm cho các hộ dân trong lúc nông nhàn, cũng như khi thời tiết bất lợi không đi biển được; công nghệ đơn giản, dể thực hiện, đặc biệt mô hình tận dụng tối đa nguồn sản phẩm, phụ phẩm nông nghiệp, ngư nghiệp, tạo nên chuỗi sản xuất khép kín, tuần hoàn, mang lại thu nhập cao cho người nông dân.Việc đưa sản phẩm thịt lợn đảm bảo an toàn, có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng thơm ngon, được đóng gói vào các quầy thực phẩm, chợ,… là hướng thay thế các sản phẩm thịt lợn không rõ nguồn gốc, không an toàn cho người tiêu dùng.

Trong vài thập kỷ lại đây, trên các diễn đàn, hội nghị, hội thảo hay khi đã “trà dư, tửu hậu” người ta hay bàn đến mấy cụm từ mà trước đó trong thế giới ngôn ngữ ít dùng, đó là: Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, canh tác tự nhiên, trong đó tập trung vào cây lúa và con lợn. Âu cũng là chuyện thường tình. Bởi, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước một số thách thức như: quá trình thâm canh nông nghiệp hiện tại đang dẫn đến việc giảm đa dạng về cảnh quan nông nghiệp; suy thoái đất đai và suy giảm đa dạng sinh học, tăng rủi ro sức khỏe cho nông dân và người tiêu dùng; quản lý bền vững độ phì của đất và “sức khỏe” của đất để duy trì năng suất...Tuy nhiên, vấn đề căn cơ là chất lượng thực phẩm, an toàn thực phẩm với sức khỏe con người. Vì vậy, tại một diễn đàn của Quốc hội, có đại biểu thốt lên rằng “Con đường từ dạ dày đến nghĩa trang của mỗi chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế”. Việc chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ tại xã Vĩnh Thái cho thấy đây là phương pháp chăn nuôi mới, đặc biệt sử dụng cao đạm cá thay thế đạm cá thông thường, sử dụng men vi sinh làm chín thức ăn từ những nguyên liệu, phụ phẩm có sẵn tại địa phương giúp nâng cao giá trị dinh dưỡng của thức ăn, cũng như phân giải thức ăn làm thức ăn có mùi thơm nhẹ kích thích lợn ăn vào tốt hơn, giảm chi phí đầu tư. Từ chăn nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp giá thành cao, không chủ động,… chuyển sang sử dụng nguyên liệu thức ăn sẳn có tại địa phương như: ngô, cám gạo, bột sắn, nguồn cá dồi dào,...giúp giảm giá thành, không phụ thuộc. Tạo nên vòng chăn nuôi khép kín, tuần hoàn tại địa phương.

Để việc chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm phát triển bền vững, thiết nghĩ:

- Tiếp tục làm tốt công tác truyền thông để Cấp ủy, chính quyền các cấp nhất là cấp xã; cộng đồng và mỗi người dân phải nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của chăn nuôi trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc sản xuất canh tác tự nhiên và tiêu thụ sản phẩm từ hình thức sản xuất này để góp phần tạo ra nông sản sạch và bảo vệ môi trường. Từ đó, người chăn nuôi là phải chuyển nhận thức từ chăn nuôi quảng canh sang thâm canh; từ chăn nuôi “thả nỗi” sang chăn nuôi có quản lý, chăn nuôi lợn “sạch”.

 - Có cơ chế, chính sách như: hỗ trợ ban đầu một phần kinh phí từ chương trình khuyến nông, từ nguồn đầu tư phát triển của các địa phương giúp người dân xây dựng chuồng trại quy mô hay chế biến, dự trữ thức ăn…để tạo ra sản xuất hàng hóa, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng và quảng bá thương hiêụ cho sản phẩm. Chính quyền địa phương cần quy hoạch vùng chăn nuôi có chứng nhận an toàn sinh học, theo hướng hữu cơ. Thành lập nhóm sở thích, tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi để sản xuất theo chuỗi, liên kết tiêu thụ sản phẩm ra thị trường cho người chăn nuôi theo phương pháp mới, có giá bán tương xứng với giá trị sản phẩm. Hướng tới chứng nhận sản phẩm OCOP của địa phương.

- Các cơ quan chuyên môn cần kiểm tra đánh giá chứng nhận sản phẩm đảm bảo an toàn, chất lượng, truy xuất rõ nguồn gốc của sản phẩm để khuyến khích người dân tiếp tục duy trì và phát triển hình thức nuôi lợn sạch. Đặc biệt. hoàn thiện quy trình kỹ thuật, đưa ra khuyến cáo và nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới

- Người chăn nuôi phải có niềm tin, say mê, chủ động được nguồn giống tại chổ (tự sản xuất, mua tại địa phương,…) nhằm giảm giá thành giống, giảm rủi ro dịch bệnh; dự trữ nguồn thức ăn tại chổ như: ngô, sắn, lúa, khoai, ủ cá,… trong thời gian thuận lợi để sử dụng cho cả năm để chủ động được nguồn thức ăn, giảm giá thành và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

- Và cuối cùng là cần có các liên kết với các doanh nghiệp để có các cam kết trong việc bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Các giải pháp nếu trên, nếu tiến hành một lần chắc khó. Nhưng nếu có quyết tâm và hướng đi; có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp sự đồng lòng của người dân thì việc chăn nuôi lợn sạch theo hướng sản xuất hàng hóa góp phần bền vững phát triển kinh tế hộ, xây dựng nông thôn mới…chắc chắn sẽ thành hiện thực. Trí Ánh

250 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 849
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 849
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77127870