Nông nghiệp Quảng Trị sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI 

Quảng Trị, một tỉnh ở vùng Bắc Trung Bộ, có điều kiện thuận lợi về giao thông trên trục Bắc - Nam cũng như trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Với điều kiện tự nhiên khá thuận lợi để phát triển nông nghiệp, xác định được những lợi thế của mình, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra mục tiêu là đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội, tính đến thời điểm này, nhiều chỉ tiêu đề ra đã đạt và vượt. Để đạt được kết quả trên, trong nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cụ thể hóa thành nhiều chủ trương, chính sách để lãnh đạo, chỉ đạo[1]... Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp đã chủ động cụ thể hóa thành kế hoạch của ngành để tập trung triển khai thực hiện. Hưởng ứng chủ trương trên, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, đoàn thể các cấp và nhân dân trên địa bàn cũng đã tích cực vào cuộc. Nhờ vậy, kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Quảng Trị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nông nghiệp đã có bước phát triển khá ổn định và toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trước mắt và lâu dài; kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề. Tốc độ tăng trưởng của ngành nông, lâm, ngư nghiệp bình quân giai đoạn 2015-2020 dự kiến đạt 3,7% (đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra 3,5-4%).

Sản lượng lương thực bình quân hàng năm ước đạt 27,5 vạn tấn (vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết 2,5 vạn tấn). Việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để xây dựng các vùng chuyên canh được đẩy mạnh. Đã hình thành các vùng sản xuất cánh đồng lớn; sản xuất có liên kết, áp dụng khoa học công nghệ mới, công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ. Nhiều nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh đã được cấp chứng nhận, nhãn hiệu như: Chỉ dẫn địa lý cho Hồ tiêu Quảng Trị; nhãn hiệu tập thể: cam K4 Hải Phú, cà phê Khe sanh, Gạo sạch Hải Lăng, ném Vĩnh Linh, ném Hải Lăng,...

Chăn nuôi chuyển mạnh sang hình thức trang trại, gia trại, theo hướng thâm canh bán công nghiệp, gắn với an toàn dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường. Các hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; việc chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật; hoạt động khuyến nông tiếp tục được đẩy mạnh đã góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.

Diện tích rừng trồng tập trung từ năm 2016 đến năm 2020 ước đạt 35.600 ha, vượt 29% so với chỉ tiêu đề ra. Diện tích rừng có chứng chỉ FSC năm 2019 đạt 23.429 ha, tăng 144% so với năm 2015, là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước. Độ che phủ rừng năm 2020 ước đạt 50% (Nghị quyết 49,5%). Công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng được tăng cường.

Thuỷ sản được chú trọng nuôi trồng và khai thác gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. Năng lực tàu thuyền phát triển nhanh, đặc biệt là khối tàu trên 90cv. Tính đến tháng 9/2019, tổng công suất tàu cá là: 127.266cv; tàu cá công suất trên 90cv có 229 chiếc, tăng 37 chiếc so với năm 2015 (tăng 19,2%). Đã hình thành 2 trung tâm nghề cá lớn là Cửa Việt và Cửa Tùng, đáp ứng nhu cầu chế biến thủy sản của người dân.

Xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Đã huy động được nguồn lực khá lớn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ năm 2016 đến nay tổng kinh phí đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn 34.021 tỷ đồng. Hiện trạng nông thôn mới thay đổi rõ nét. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa được nâng cao hơn về chất. Môi trường khu vực nông thôn ngày càng được cải thiện. Hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 52/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Cam Lộ đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là Cam Chính, Vĩnh Kim và Vĩnh Thủy. Dự kiến đến năm 2020 có từ 66-68 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 6-8% so với chỉ tiêu Nghị quyết.

Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn có những bước chuyển biết rõ rệt. Tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh năm 2018 đạt 93,44%, tăng 3,4% so với năm 2016 (vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra trước 02 năm).

Tuy vậy, một số chỉ tiêu của Nghị quyết đề ra vẫn chưa đạt được như: Tỷ trọng ngành chăn nuôi, sản lượng thủy sản, diện tích nuôi trồng thủy sản, diện tích cao su, cà phê...còn thấp. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do giá cả thị trường thiếu ổn định, lụt bão, hạn hán, sâu bệnh, dịch bệnh liên tục xảy ra; nguồn vốn đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn hàng năm còn ít, bố trí dàn trải; sự phối hợp trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của một số cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể thiếu chặt chẽ; một bộ phận dân cư nông thôn còn mang nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại...

Để tiếp tục thúc đẩy ngành nông nghiệp tỉnh nhà ngày càng phát triển trong thời gian tới cần tiếp tục có sự vào cuộc đồng bộ cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong việc đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; nâng cao năng lực hoạt động của hình thức kinh tế tập thể; nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả nhưng phải tính đến nhu cầu thị trường; chủ động có các giải pháp ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu; tiếp tục thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được; rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển; tăng cường thu hút, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và nông thôn. Nâng cao năng lực đánh bắt thủy sản. Làm tốt công tác trồng và bảo vệ, phát triển rừng. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa...Hồng Bốn

 

[1] Cụ thể là Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 20/4/2017 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025; Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025; Chương trình hành động số 6053/CTHĐ-UBND của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 20/4/2017 của Tỉnh ủy Quảng Trị về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến 2025

1884 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 878
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 879
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76758712