Đảm bảo quyền bình đẳng cho nạn nhân bom mìn

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn lớn, chịu hậu quả nặng nề nhất trên thế giới. Theo Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC), số bom đạn quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam khoảng 15,35 triệu tấn. Trong đó, có 7,85 triệu tấn thả từ máy bay và 7,5 triệu tấn sử dụng trên mặt đất. Tỷ lệ bom đạn chưa nổ chiếm khoảng 5% số lượng bom đạn đã sử dụng. Con số này, theo các tài liệu nước ngoài, là 10%.

Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng số lượng bom mìn, vật nổ hiện còn nằm rải rác nhiều nơi. Theo số liệu thống kê, đến tháng 12/2020 nước ta vẫn còn 5,640 triệu héc-ta diện tích bị ô nhiễm bom mìn, chiếm 17,1% diện tích đất tự nhiên cả nước. Tất cả các loại bom, mìn, vật nổ còn sót lại đều rất nguy hiểm, có thể gây nổ do nhiều nguyên nhân.

Theo thống kê, từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hơn 40 nghìn người tử vong, 60 nghìn người bị thương. Phần lớn nạn nhân là lao động chính trong gia đình và trẻ em.

 Ðảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm khắc phục hậu quả, giúp đỡ nạn nhân của bom, mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh  (Ảnh minh họa: Mạnh Dũng)

Thực hiện chính sách an sinh xã hội, trong nhiều năm qua, các hoạt động trợ giúp nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học được Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo thường xuyên. Mỗi năm, Nhà nước chi hàng nghìn tỷ đồng cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học, đồng thời tích cực kêu gọi, huy động sự chung tay của cả cộng đồng trong nước và quốc tế.

Đáng chú ý, việc xây dựng khuôn khổ pháp lý trợ giúp nạn nhân bom mìn được lồng ghép với chính sách trợ giúp người khuyết tật. Tại kỳ họp thứ Bảy và kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XIV đã thông qua 03 luật sửa đổi, bổ sung trong đó có lồng ghép các quy định nhằm bảo vệ quyền của người khuyết tật, gồm: Luật Kiến trúc ngày 13/6/2019, Luật Giáo dục ngày 14/6/2019, Bộ luật Lao động 2012 (sửa đổi) ngày 20/11/2019.

Cùng với đó, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01/11/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật; Chủ tịch nước ban hành Quyết định số 383/2019/QĐ-CTN ngày 11/3/2019 phê chuẩn Công ước 159 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về phục hồi chức năng lao động và việc làm cho người khuyết tật; các bộ, ngành ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác người khuyết tật trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo nghề, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, giao thông, y tế.

Các văn bản quy phạm pháp luật này đã đảm bảo cho nạn nhân bom mìn có quyền bình đẳng tham gia các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, tạo việc làm, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin phù hợp với từng dạng tật và mức độ khuyết tật.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, đến nay cả nước có trên 1,1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, trên 125.000 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc người khuyết tật tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và hơn 10.000 trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội.

Trong công tác chăm sóc y tế và phục hồi chức năng (bao gồm nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học), năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó quy định về Phục hồi chức năng tại cơ sở và Phục hồi chức năng tại cộng đồng; sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế trong đó có mục tiêu tăng phạm vi và độ bao phủ chi trả bảo hiểm y tế cho người khuyết tật, nhất là dụng cụ chỉnh hình.

Giai đoạn 2016-2020, cả nước giải quyết việc làm mới cho 8 triệu lao động, trong đó khoảng 10% là người khuyết tật, nạn nhân bom mìn, riêng năm 2019 đã hỗ trợ cho 2.277 người khuyết tật vay vốn để tạo, duy trì và mở rộng việc làm khoảng 7.000 người khuyết tật.

Phát triển mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho nạn nhân bom mìn

Có thể nói, với sự nỗ lực, cố gắng của ngành LĐ-TB&XH nói riêng, các bộ, ngành và toàn thể xã hội, trong giai đoạn vừa qua, mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội đã có sự phát triển nhất định. 

Đến nay, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã được hình thành và phát triển trên phạm vi cả nước với 425 cơ sở trợ giúp xã hội; trong đó, có 73 cơ sở chăm sóc người khuyết tật (bao gồm nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học) và 45 trung tâm công tác xã hội chuyên biệt.

 Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã tiếp nhận, nuôi dưỡng và chăm sóc nhiều loại đối tượng bảo trợ xã hội khác nhau. Đáng chú ý, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng, triển khai hiệu quả mô hình chăm sóc, hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm vay vốn tín dụng để sản xuất kinh doanh cho người khuyết tật bao gồm cả nạn nhân bom mìn tại một số tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hưng Yên, Quảng Trị, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh.

Cả nước có 07 Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng cho người khuyết tật, nạn nhân bom mìn thuộc ngành LĐ-TB&XH quản lý, đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Định, Cần Thơ, Ninh Bình, Thái Nguyên và thành phố Hồ Chí Minh; 2 Trung tâm Phục hồi chức năng cho người khuyết tật, nạn nhân bom mìn Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ khuyết tật Thụy An, Trung tâm Phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ khuyết tật thành phố Hồ Chí Minh; 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt và 2.500 trường phổ thông tiến hành giáo dục hoà nhập, 04 trường đại học sư phạm mở mã ngành sư phạm giáo dục đặc biệt và 3 trường cao đẳng sư phạm thành lập khoa giáo dục đặc biệt, đào tạo giáo viên trình độ cử nhân và cao đẳng sư phạm tật học. Hệ thống giáo dục này cùng các cơ sở trợ giúp xã hội đã giúp 1,1 triệu trẻ em khuyết tật, trong đó có nạn nhân bom mìn ở độ tuổi đi học được đến trường.

 Bộ LĐ-TB&XH cho biết, vào ngày 8/4/2021, trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 4/2021, Việt Nam sẽ tổ chức phiên họp cấp Bộ trưởng trực tuyến về chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững, tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn”. Là một nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, Việt Nam mong muốn có thể chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp thúc đẩy vấn đề này tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chung tay cùng cộng đồng quốc tế khắc phục hậu quả bom mìn./.

 Hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bom mìn 4/4/2021, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) tổ chức cuộc thi trực tuyến trên trang thông tin điện tử VNMAC với chủ đề: “Nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại ở Việt Nam”. Thời gian dự thi: Từ 12.00 ngày 04/4/2020 đến 12.00 ngày 04/5/2021

 

 
Tú Giang