Những chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn tác động đến phong trào cách mạng ở Quảng Trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975) 

Quảng Trị trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nằm ở địa đầu giới tuyến của Việt Nam Cộng hòa, sát với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, là chiến trường đặc biệt quan trọng, một trong những nơi đụng đầu quyết liệt giữa lực lượng cách mạng và lực lượng phản cách mạng. Đối với Mỹ và chính quyền tay sai Việt Nam Cộng hòa, miền Nam Việt Nam là tiền đồn ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản lan xuống khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, tại Quảng Trị, Mỹ và ngụy quyền Việt Nam Cộng hòa đã thiết lập một hệ thống chính trị - quân sự mạnh để chặn đứng sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, khi cần thiết sẽ “lấp sông Bến Hải” tiến công ra miền Bắc. Đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quảng Trị trong thời gian dài là “khu đệm”, có nhiệm vụ giữ gìn hòa bình, bảo vệ tuyến đầu miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đồng thời là địa bàn để miền Bắc thực hiện các hoạt động chi viện cho miền Nam.

Vượt qua những hiểm nguy, gian khổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, quân và dân Quảng Trị đã chiến đấu anh dũng, kiên cường, góp phần xứng đáng vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thông qua bài viết này, chúng tôi góp thêm một số phân tích, đánh giá về những đóng góp trong chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn đối với phong trào cách mạng ở Quảng Trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975).

1. Giai đoạn 1954 - 1960

Sau Hiệp định Genève (21-7-1954), đồng chí Lê Duẩn nhận được lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở lại miền Nam để cùng với Xứ ủy Nam Kỳ lãnh đạo phong trào cách mạng. Với kinh nghiệm nhiều năm lăn lộn với thực tiễn hoạt động cách mạng, cộng với sự sắc sảo trong tư duy, đồng chí đã sớm dự đoán được việc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm muốn phá hoại Hiệp định Genève, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Theo đồng chí Lê Duẩn, chủ trương đấu tranh hòa bình đòi thi hành Hiệp định Genève của Trung ương từ sau tháng 7-1954 đến lúc này đã không còn phù hợp, nhất là khi thời hạn Tổng tuyển cử tháng 7-1956 qua đi. Vì thế, đồng chí đã chủ động, sáng tạo, xác định hướng đi đúng đắn cho cách mạng miền Nam thông qua Đường lối cách mạng miền Nam Việt Nam, sau đổi thành Đề cương cách mạng miền Nam (8-1956).

Trong Đề cương cách mạng miền Nam, sau khi phân tích ba nhiệm vụ của cách mạng cả nước, đồng chí chỉ rõ: “Nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống lại Mỹ - Diệm để cứu nước và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng. Ngoài con đường đó, không còn con đường nào khác”.

Tháng 10-1957, Tỉnh ủy Quảng Trị mở hội nghị tại ngôi nhà số 55, phố Hàng Chuối, Hà Nội. Đồng chí Lê Duẩn trực tiếp đến dự hội nghị, truyền đạt Đề cương cách mạng miền Nam. Đồng chí thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại của phong trào, nhấn mạnh ở Quảng Trị không thể có những hoạt động vũ trang lớn như ở các địa phương khác của miền Nam; để bảo vệ miền Bắc, Quảng Trị phải kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang một cách khôn khéo[1].

Bản Đề cương cách mạng miền Nam chính là cơ sở để Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (năm 1959) thông qua Nghị quyết khẳng định phải dùng bạo lực cách mạng của quần chúng nhân dân, kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang để đánh đổ chính quyền của đế quốc và tay sai. Dưới ánh sáng của Nghị quyết 15, phong trào “Đồng khởi” bùng lên mạnh mẽ ở miền Nam trong những năm 1959 - 1960.

Tại Quảng Trị, năm 1960, phong trào “Đồng khởi” ở miền núi Hướng Hóa phát triển mạnh, mở đầu là phong trào “Chạy làng”, dời đi chỗ khác sinh sống để không bị ngụy quyền Việt Nam Cộng hòa kìm kẹp, khống chế. Qua phong trào “Đồng khởi” miền núi ta đã giải phóng 3 xã Nam Hướng Hóa, 5 thôn của Ba Lòng và một số thôn của xã Hải Phúc (Hải Lăng)[2]. Tại các địa điểm này, chính quyền tay sai Việt Nam Cộng hòa bị giải tán, chính quyền cách mạng được thành lập[3].

2. Giai đoạn 1961 - 1965

Sau thắng lợi của ta trong phong trào “Đồng khởi” ở miền Nam (1959 - 1960), Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961 - 1965). Ngày 11/11/1960, đồng chí Lê Duẩn cùng Bộ Chính trị chỉ đạo Liên Khu ủy V[4]: “Lúc này cần phải động viên lực lượng to lớn của quần chúng, phối hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Nhưng phải tùy tương quan lực lượng từng vùng mà định việc kết hợp các hình thức đấu tranh cho thích hợp”[5]. Sau cuộc đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm (ngày 1/11/1963), tháng 12-1963, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 9. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình trong nước và quốc tế, Hội nghị ra Nghị quyết xác định: “Kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang một cách linh hoạt tùy theo từng vùng và từng thời kỳ khác nhau”[6].

Sự chỉ đạo kịp thời đó của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân Quảng Trị đứng lên đấu tranh chính trị đòi dân sinh, dân chủ và chống phá “ấp chiến lược”; đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo; chống độc tài, quân phiệt; giành thắng lợi ở Ba Lòng (9-2-1964), chống phá “ấp tân sinh”, tiến hành “Đồng khởi” nông thôn đồng bằng (1964 - 1965), góp phần làm phá sản về cơ bản Quốc sách “ấp chiến lược” - “ấp tân sinh” của Mỹ và ngụy quyền Việt Nam Cộng hòa. 

3. Giai đoạn 1965 - 1968

Thất bại trong việc thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”[7], năm 1965, Mỹ chuyển sang tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam Việt Nam, đồng thời tiến hành chiến tranh phá hoại chống miền Bắc. Ngay trong tháng 5-1965, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã rất trăn trở đối với sự phát triển của phong trào cách mạng tại Quảng Trị: “Riêng đối với Khu V và Trị - Thiên thì chúng ta cần nghiên cứu kĩ lưỡng hơn. Chúng tôi đang cùng Quân ủy Trung ương nghiên cứu biện pháp đấu tranh quân sự, nhằm buộc quân Mỹ tiếp tục bị hãm trong thế phòng ngự, hạn chế khả năng phản công của chúng, nghiên cứu các cách đánh để làm giảm tác hại của phi pháo”[8].

Phát biểu tại Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (tháng 12-1965), đồng chí Lê Duẩn nhận định cho dù Mỹ có tăng quân nhiều hơn nữa thì tương quan lực lượng vẫn không thể thay đổi có lợi cho chúng. Về nhiệm vụ của cách mạng miền Nam, đồng chí Lê Duẩn chủ trương tiếp tục đẩy mạnh cả hai mặt trận quân sự và chính trị, khẳng định khả năng tiến tới tổng công kích, tổng khởi nghĩa ở miền Nam vẫn còn tồn tại, mặc dù đế quốc Mỹ đã và còn có thể tăng quân nhiều hơn nữa vào miền Nam.

Chấp hành những chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, nhân dân Quảng Trị anh dũng đấu tranh trên cả hai mặt trận quân sự và chính trị chống các hành động phản cách mạng của Mỹ và ngụy quyền Việt Nam Cộng hòa, đòi thành lập chính phủ dân sự, chống phá bầu cử Quốc hội, đánh bại các cuộc phản công của địch trong hai mùa khô 1965 - 1966, 1966 - 1967, khôi phục và phát triển lực lượng, thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, tiêu biểu là trận chiến Khe Sanh lẫy lừng.

4. Giai đoạn 1969 - 1975

Bị bất ngờ và choáng váng bởi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, Mỹ buộc phải xuống thang chiến tranh, chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969 - 1973, 1973 - 1975). Trong bức thư đề ngày 6/7/1969, đồng chí Lê Duẩn lưu ý Khu ủy và Quân khu ủy Trị - Thiên: “Sắp tới ta cần phải khắc phục khó khăn, đẩy mạnh mọi hoạt động, tạo nên biến chuyển lớn có lợi cho ta trên chiến trường Trị - Thiên. Những khó khăn về tiếp tế, hậu cần nhất định sẽ khắc phục được, vì Trị - Thiên ở sát liền với miền Bắc, nên dù có khó khăn, vẫn còn thuận lợi hơn so với các chiến trường khác”[9].

Đầu năm 1971, quân đội ta phối hợp với quân đội nước bạn Lào đập tan cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của Mỹ và ngụy quân Việt Nam Cộng hòa. Cuối năm 1971, tình hình so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam thay đổi có lợi cho phía cách mạng, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 20 họp (từ ngày 27/1 – 11/2/1972), yêu cầu “đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị và binh vận, phát triển thế tiến công chiến lược mới trên toàn chiến trường miền Nam”[10]. Chấp hành nghị quyết của Trung ương Đảng, ngày 11/3/1972, Thường vụ Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết tiến hành cuộc Tiến công chiến lược năm 1972, hướng chủ yếu là chiến trường Trị - Thiên.         

Ngày 30/3/1972, cuộc Tiến công chiến lược đánh vào Quảng Trị mở màn, quân giải phóng phá vỡ tuyến phòng thủ của địch trên Đường 9, giải phóng hoàn toàn hai huyện Gio Linh và Cam Lộ. Ngày 27/4/1972, quân giải phóng mở đợt tiến công thứ hai vào phòng tuyến Đông Hà - Ái Tử - La Vang, phối hợp với hướng tiến công và nổi dậy ở đồng bằng Triệu Phong, Hải Lăng và hướng tiến công của bộ đội chủ lực trên Đường 12 - Tây Huế. Sau 5 ngày chiến đấu, quân giải phóng đã tiêu diệt cụm Đông Hà - Ái Tử, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị (1/5/1972). Cuộc chiến đấu của quân và dân ta trên mặt trận Quảng Trị, đặc biệt là 81 ngày đêm bám trụ kiên cường, chiến đấu quyết liệt ở khu vực Thành cổ (28/6 – 16/9/1972) là “bản anh hùng ca bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của con người Việt Nam, của tuổi trẻ Việt Nam trong đấu tranh vì nền tự do, độc lập và thống nhất non sông”[11].

Ngày 12-10-1972, ngay sau khi ta và Mỹ đạt được thoả thuận về bản dự thảo Hiệp định Paris, đồng chí Lê Duẩn đã gửi điện cho Trung ương Cục miền Nam nêu rõ những nhiệm vụ cấp bách của ta khi công bố Hiệp định, đặc biệt nhấn mạnh việc phát động và tập hợp quần chúng thành những lực lượng chính trị mạnh mẽ, dấy lên một cao trào hành động cách mạng rộng khắp. Do sự lật lọng của Mỹ và ngụy quyền Việt Nam Cộng hòa, nhân dân ta còn trải qua một cuộc đọ sức quyết liệt, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của địch vào Hà Nội và Hải Phòng, tạo nên một trận Điện Biên Phủ trên không vang dội thì Mỹ mới chịu ký kết Hiệp định Paris, với nội dung cơ bản không có nhiều thay đổi so với bản Dự thảo tháng 10-1972. Những chỉ thị của đồng chí Lê Duẩn về các nhiệm vụ cấp bách cho cách mạng miền Nam vẫn giữ nguyên giá trị.

Từ sau khi Hiệp định Paris 1973 có hiệu lực, đồng chí Lê Duẩn cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị dự kiến hai khả năng: hoặc là hòa bình được duy trì, Hiệp định được thực hiện từng bước, phong trào cách mạng miền Nam sẽ có những bước phát triển mới; hoặc là chiến tranh sẽ tiếp tục. Tháng 5-1973, Hội nghị Bộ Chính trị nhận định, tình hình miền Nam sau mấy tháng thi hành Hiệp định đã cho thấy xu hướng phát triển theo khả năng thứ hai.

Nhằm tạo thêm một đòn chính trị, ngoại giao, đồng chí Lê Duẩn cùng Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định đặt trụ sở làm việc của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam tại thôn Tây Hòa (sau này là khu phố Tây Hòa, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; năm 2019, khu phố Tây Hòa sáp nhập với khu phố Thượng Viên thành khu phố 7 theo quyết định số 2585/QĐ-UBND ngày 26 tháng 9 năm 2019)[12].

Tháng 7-1973, Hội nghị Trung ương lần thứ 21 khẳng định: Con đường của cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực. Bất kể trong tình hình nào, ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công, chỉ đạo linh hoạt, đưa cách mạng miền Nam tiến lên. Tháng 7-1974, đồng chí Lê Duẩn trực tiếp hướng dẫn Bộ Tổng tham mưu khởi thảo kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Tiếp đó, Bộ Chính trị đã họp liền hai đợt (tháng 10 và tháng 12) để thống nhất quyết tâm chiến lược và thông qua kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam.

Kết luận Hội nghị Bộ Chính trị đợt II (tháng 1-1975), đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh phải gấp rút chuẩn bị mọi mặt để kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong năm 1975 hoặc năm 1976; kế hoạch tiếp theo cho năm 1976 sẽ do kết quả thực hiện kế hoạch năm 1975 quyết định, phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975.

Đầu năm 1975, chấp hành chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn và Bộ Chính trị, các lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị tại Quảng Trị đồng loạt tấn công lực lượng địch ở các địa phương còn lại trong tỉnh. Chỉ trong một thời gian ngắn (12 ngày, từ ngày 8-3-1975 đến ngày 19-3-1975), phía cách mạng liên tục tấn công khu vực giáp ranh và đồng bằng, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực ngụy quân Việt Nam Cộng hòa (tiêu diệt và bức rút 36 đồn bốt, tiêu diệt 1 chi khu, 9 phân chi khu xã, 2 trung đội dân vệ, 1 đại đội và 3 trung đội bảo an). Các đội công tác phát động quần chúng nổi dậy cùng bộ đội làm công sự, treo băng cờ, tổ chức mít tinh, biểu tình chống chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Trước tình thế bị tấn công từ nhiều phía, đến chiều ngày 19-3-1975, ngụy quyền và ngụy quân Việt Nam Cộng hòa ở địa phương rút chạy, tỉnh Quảng Trị hoàn toàn giải phóng.

Kỷ niệm 116 năm ngày sinh của Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 – 07/4/2023), chúng ta càng nhận thức rõ hơn, sâu sắc hơn tác động tích cực của những chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt, kịp thời của đồng chí đối với phong trào cách mạng miền Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975). Từ đó, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm từ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng của Tổng Bí thư Lê Duẩn (bài học về phân tích bối cảnh lịch sử và âm mưu của địch; bài học về xác định nhiệm vụ trọng tâm; bài học về chiến lược tiến công và nghệ thuật biết thắng từng bước; bài học về vấn đề bám sát thực tiễn, sáng tạo, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng...) để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh... của tỉnh nhà hiện nay; quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, với mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao và năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước”[13]. Trần Thanh Thủy-Trường Chính trị Lê Duẩn

 

 

[1] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị (2022), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, Tập II (1954 - 1975), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 54.

[2] Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đakrông (2006), Lịch sử Đảng bộ huyện Đakrông (1930 - 2005), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 137-138.

[3] Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Quảng Trị (1974), Những sự kiện lịch sử Đảng (1954 - 1973), Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị, tr. 15.

[4] Sau Hiệp định Genève (21-7-1954), Trung ương Đảng chủ trương hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên tạm thời giao cho Khu ủy IV phụ trách. Từ năm 1955 đến năm 1966, Trị - Thiên là Liên tỉnh 1 trực thuộc Liên Khu ủy V.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 21 (1960), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 1015.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 24 (1963), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 827.

[7] Thất bại của Mỹ trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961 - 1965) gây ra hậu quả rất nghiêm trọng đối với ngụy quyền Việt Nam Cộng hòa tại Quảng Trị. Đến tháng 7-1965, ngụy quyền Việt Nam Cộng hòa tại Quảng Trị chỉ còn kiểm soát được hơn ¼ số thôn và trên ⅓ số dân; tỉnh lỵ, các quận lỵ, nhiều cứ điểm, ngay cả hậu cứ quan trọng như La Vang, Đông Hà đều rơi vào thế bị bao vây, hoặc ba phía hoặc một phía giáp vùng giải phóng.

[8] Lê Duẩn (2005), Thư vào Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr. 93.

[9] Lê Duẩn (2005), Thư vào Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr. 192.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam (2004), Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 33 (1972), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 135-136.

[11] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (2015), Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Tập VII - Thắng lợi quyết định năm 1972, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr. 181-182.

[12] Công trình được hoàn thành trong tháng 5-1973 và khánh thành vào ngày 6-6-1973, nhân dịp kỉ niệm 4 năm ngày thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam (6-6-1969 - 6-6-1973).

[13] Đảng bộ tỉnh Quảng Trị (2020), Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Quảng Trị, tr. 161.

1289 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 791
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 791
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77045326