NHNN triển khai kế hoạch tài chính toàn diện để phát triển bền vững 

(Chinhphu.vn) - Ngày 10/9, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

 

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh:VGP.

Ngày 22/1, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là một dấu mốc quan trọng đối với ngành Ngân hàng Việt Nam và mang tầm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.

Việc ban hành và thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia được xem là một bước tiến quan trọng, không chỉ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được trong thời gian vừa qua mà còn hướng tới mục tiêu toàn diện hơn, mở rộng hơn cho toàn nền kinh tế.

Theo đó, trên cơ sở phối hợp đồng bộ và hiệu quả nhiều nhóm giải pháp, huy động tối đa các nguồn lực nhà nước và tư nhân, trong tương lai, mọi người dân và doanh nghiệp Việt Nam đều sẽ “được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững”. Đây cũng đồng thời là cơ sở quan trọng cho sự phát triển lành mạnh, hiệu quả, an toàn và bền vững của ngành Ngân hàng.

 
 

Về những kết quả, năm 2020, dự kiến cả nước có khoảng 89 triệu tài khoản cá nhân, tương đương 70% người trưởng thành có tài khoản. Tuy nhiên, 30% khách hàng chưa có tài khoản còn lại là những khách hàng khó mở rộng, tiếp cận nhất, đây cũng là đối tượng rất cần tới tài chính toàn diện… 

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, việc phủ sóng tài chính toàn diện đang gặp nhiều khó khăn tại các vùng sâu, vùng xa, nơi người dân sống xa chi nhánh ngân hàng.
 
 

Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, Chính phủ cũng đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách cụ thể hướng đến đối tượng của tài chính toàn diện như Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (theo Nghị quyết số 30a/2008/NĐ-CP), Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg)…

 

Lãnh đạo NHNN nhận định, trong bối cảnh nền kinh tế đang đứng trước rất nhiều yếu tố bất định, khó có thể dự đoán trước. Đại dịch COVID-19 là một thách thức chưa từng có đối với toàn thế giới, trong đó, mặc dù Việt Nam đã có những thành công trong công tác phòng chống dịch được cả thế giới ghi nhận, nhưng những tác động về mặt kinh tế thì mới chỉ đang dần bộc lộ và sẽ còn diễn tiến phức tạp trong thời gian tới. Chúng ta cũng đã nhìn nhận rõ những tác động đối với hệ thống ngân hàng trong 6 tháng đầu năm với nhiều nguy cơ tiềm ẩn, đặc biệt là nợ xấu có thể gia tăng...

 

 

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu taị Hội nghị. Ảnh:VGP.

Trong bối cảnh đó, để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ ngành liên quan thì quan trọng hàng đầu là sự quyết tâm và nỗ lực của toàn ngành ngân hàng.

 

Về phía NHNN, ngày 24/7/2020, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 1309/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Kế hoạch hành động là căn cứ để các đơn vị, vụ/cục, các tổ chức tín dụng xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của đơn vị mình; đồng thời là căn cứ để tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết và đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện Chiến lược trong mỗi giai đoạn, đề xuất xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn tiếp theo.

 

Theo mục tiêu của NHNN nhà nước đưa ra, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính (chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng (TCTD) và đại lý ngân hàng, ngoại trừ điểm cung ứng dịch vụ tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH); có ít nhất 25% - 30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại TCTD; số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20% - 25% hàng năm. Đặc biệt dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 25%.

 
 
 
 

“Yêu cầu tất cả các đơn vị trực thuộc NHNN, các TCTD, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức tài chính vi mô cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược, đảm bảo đúng yêu cầu và lộ trình đề ra”, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đề nghị.

 

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) phân tích thêm, chiến lược tài chính toàn diện sẽ khó đạt mục tiêu nếu người dân không được mở tài khoản trực tuyến, không có hệ thống tài khoản đa cấp độ, không có hệ thống đại lý ngân hàng - cánh tay nối dài của ngân hàng – để làm điểm nạp và rút tiền...

“Để góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, có ba nội dung phải xử lý gồm: xác thực điện tử (eKYC), điện toán đám mây, tín dụng cho khách hàng cá nhân. Do đó, NHNN đang gấp rút hoàn thiện Thông tư hướng dẫn, khả năng sẽ ban hành trong tháng 9 này”, Vụ trưởng Vụ Thanh toán chia sẻ.

 

Tài chính toàn diện (financial inclusion) hay còn gọi là tài chính bao trùm, được hiểu khái quát là các dịch vụ tài chính được cung ứng tới mọi thành viên trong xã hội, đặc biệt là đối với nhóm người dễ bị tổn thương, theo cách thức thuận tiện và phù hợp với nhu cầu, nhằm thông qua đó góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Tài chính toàn diện được coi là một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững.

 

Anh Minh

273 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 573
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 573
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78106444