Nhiều mô hình hay trong nghiên cứu lý luận chính trị 

(Chinhphu.vn) - Ngày 27/9, Đoàn kiểm tra, khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương về thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới; Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030 đã có buổi làm việc với Thành ủy TPHCM. Đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn.

Nhiều mô hình hay trong  nghiên cứu lý luận chính trị - Ảnh 1.

Đoàn kiểm tra, khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với Thành ủy TPHCM

Tiếp đoàn có các đồng chí: Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố; Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố.

Đồng chí Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Công tác tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW và Nghị quyết số 37-NQ/TW của Thành ủy đảm bảo yêu cầu, mục đích đề ra với tinh thần nghiêm túc, thiết thực và hiệu quả.

Thông qua việc triển khai thực hiện, đã có nhiều mô hình hay trong việc vận dụng, phát triển chủ nghĩa Marx-Lenin, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với triển khai nhiệm vụ chính trị ở địa phương như: mô hình Câu lạc bộ Lý Luận trẻ Thành phố nhằm trang bị, cung cấp thông tin, nâng cao khả năng lý luận cho đội ngũ cán bộ đoàn, đoàn viên; hội thi Olympic các môn khoa học Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh; hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh nhằm làm cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nếp sống, đặc trưng văn hóa của đảng viên và nhân dân thành phố.

Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh luôn chú trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Kết quả, giai đoạn 2018 - 2023, Đảng bộ Thành phố đã tổ chức đào tạo trình độ cao cấp lý luận chính trị cho 3.237 học viên, đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho 22.300 học viên; tổ chức 26.856 lớp bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ với 2.872.739 lượt cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia học tập. Thành ủy cũng thường xuyên quan tâm đào tạo, bố trí và sử dụng cán bộ trẻ trên các lĩnh vực, nhất là thực hiện có hiệu quả 3 chương trình đột phá về công tác cán bộ (Chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi; Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; Chương trình quy hoạch, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân), các chính sách thu hút nguồn nhân lực cao vào các lĩnh vực trọng điểm của thành phố.

Nhiều mô hình hay trong  nghiên cứu lý luận chính trị - Ảnh 2.

Đoàn kiểm tra, khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương khảo sát tại Quận ủy Quận 8

Khảo sát tại Quận ủy Quận 8, đồng chí Đỗ Hữu Trí, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy cho biết, Đảng bộ quận đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả như: Mỗi tháng viết 01 bài lý luận chính trị ngắn để cán bộ, đảng viên học tập; tuyên dương mỗi tháng 01 gương người tốt, việc tốt, điển hình như chi bộ chung cư Phường 5, hàng tháng tổ chức cho cư dân chào cờ đầu tháng, kể chuyện về gương học tập, làm theo Bác và tuyên dương những gương người tốt, việc tốt; xây dựng lực lượng báo cáo viên gồm 30 đồng chí, tổ tuyên truyền gồm 12 đồng chí; Trung tâm chính trị quận được đầu tư thỏa đáng về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động; những vấn đề khó, vướng mắc từ thực tiễn nảy sinh được đưa vào tọa đàm, thảo luận để bàn giải pháp tháo gỡ; duy trì thường xuyên chế độ thông tin, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên.

Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được tăng cường; chủ động theo dõi chặt chẽ thông tin trên báo chí và các trang mạng xã hội; tích cực đăng tải, chia sẻ các tin, bài đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, các thông tin xấu độc trên các trang mạng xã hội.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết thêm, từ Chỉ thị số 23-CT/TW và Nghị quyết số 37-NQ/TW, rất nhiều mô hình hay trong nghiên cứu lý luận được các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện như: Định kỳ hàng quý, thay vì tổ chức lên lớp học tập lý luận chủ nghĩa Marx-Lenin, quán triệt nghị quyết theo chuyên đề thì một số nơi thực hiện diễn đàn đối thoại, trao đổi với các bạn trẻ và thanh niên tiên tiến ở địa bàn dân cư, trường học. Qua đó, tìm hiểu các nét hay, yếu tố có tính chất cách mạng của các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương cũng như các chuyên đề chính trị lồng ghép với việc thực hiện nghị quyết tại địa phương. Việc học tập lý luận trong các trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh những năm gần đây có nhiều chuyển biến. Trên cơ sở Chỉ thị số 23-CT/TW và Nghị quyết số 37-NQ/TW, Ban Thường vụ Thành ủy đã quán triệt, việc học lý luận là điều kiện cần phải có đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp, từ đó, các đơn vị đã tập trung triển khai có hiệu quả.

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy khẳng định: Chỉ thị số 23-CT/TW và Nghị quyết số 37-NQ/TW là những văn bản có giá trị sinh hoạt chính trị rộng lớn, rất quan trọng, được tổ chức triển khai chặt chẽ, khoa học, trở thành nề nếp trong hoạt động của Đảng và trong đời sống xã hội. Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện các chủ trương trên trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ, thúc đẩy mọi người tiếp nhận nhiều tri thức hơn, trong đó có lý luận.

Trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục là động lực, đầu tàu dẫn dắt với vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa… đồng chí Nguyễn Hồ Hải cho biết, Thành phố đã chủ động nghiên cứu, đề xuất với Trung ương các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy Thành phố phát triển. Kết quả của quá trình chủ động vươn lên, bền bỉ tìm kiếm các đột phá của thành phố được tiếp tục ghi nhận tại Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã cung cấp cho đoàn nhiều thông tin, kinh nghiệm hay để đoàn tổng hợp báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Qua khảo sát thực tế và các ý kiến tại buổi làm việc cho thấy, Thành phố Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW và Nghị quyết số 37-NQ/TW một cách chủ động, trách nhiệm, quá trình triển khai sôi nổi, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đồng chí Lê Hải Bình lưu ý, trong quá trình triển khai, Thành ủy cần tiếp tục có những kiến nghị về định hướng nghiên cứu liên quan đến kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phương thức lãnh đạo của Đảng, dành ngân sách thỏa đáng cho công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận. Cùng với đó, cần đánh giá việc thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW và Nghị quyết số 37-NQ/TW đã tác động đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ như thế nào để đáp ứng được yêu cầu, vững vàng trước những thách thức rất lớn trong thực hiện nhiệm vụ; đồng thời cần có nguồn lực tương xứng cho nghiên cứu lý luận chính trị. Đội ngũ cán bộ, giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị cần truyền cảm hứng, mục đích sống cho học viên, sinh viên; trang bị thế giới quan, nhân sinh quan, hệ giá trị, chuẩn mực đạo đức cách mạng và ý thức chính trị đối với đất nước, với Đảng trong giai đoạn hiện nay./.

56 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 722
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 722
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77410754