Nguyên tắc về lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh và việc vận dụng vào thực tiễn hiện nay 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Cán bộ là gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém. Phát biểu trong cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về thực hiện Kết luận số 24-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh: Công tác cán bộ cực kỳ quan trọng, qua thực tiễn càng ngày càng thấy quan trọng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là gốc của mọi công việc, then chốt của then chốt1. Như vậy để thấy rằng, công tác cán bộ có tầm quan trọng quyết định đến sự phát triển của đất nước. Vì vậy, việc lựa chọn, bố trí, sử dụng đúng cán bộ sẽ phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, là điều kiện để cán bộ cống hiến, phát huy năng lực, đồng thời sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về lựa chọn, bố trí và sử dụng cán bộ bao gồm những quan điểm sau:

Một là: Hiểu và đánh giá đúng cán bộ để lựa chọn và sử dụng đúng cán bộ. Hồ Chí Minh cho rằng, cứ mỗi lần xem xét lại cán bộ, một mặt sẽ tìm thấy những nhân tài mới, mặt khác thì những người yếu kém sẽ bị lòi ra. Hiểu và đánh giá đúng cán bộ và tình hình công tác cán bộ phải có những yêu cầu riêng. Đồng thời, hiểu và đánh giá đúng cán bộ phải có có những chuẩn mực phù hợp với từng thời kỳ, từng địa phương, từng lĩnh vực, đánh giá một cách hoàn toàn công minh, khách quan.

Người làm công tác cán bộ khi đánh giá, xem xét cán bộ phải “tự biết mình”, tức là biết được “sự phải trái của mình”, sửa chữa những khuyết điểm của mình, để “mình càng ít khuyết điểm thì cách xem xét cán bộ càng đúng”, như thế mới không phạm những căn bệnh: Tự cao tự đại; Ưa người ta nịnh mình; Do lòng yêu, ghét của mình mà đối với người; Đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau. Hồ Chí Minh cho rằng, nếu phạm một trong bốn bệnh đó thì người làm công tác cán bộ cũng như mắt đã mang kính có màu, không bao giờ thấu rõ cái mặt thật của những cái mình trông.

Hai là: Phải “khéo dùng cán bộ”, “dùng người đúng chỗ, đúng việc”. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: dùng người như dùng gỗ, người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được. Hồ Chí Minh phê bình rằng, thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người, thí dụ: thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao, thành thử hai người đều lúng túng, nếu biết tùy tài mà dùng người thì hai người đều thành công.

Hồ Chí Minh phê bình nghiêm khắc tệ “kéo bè kéo cánh” trong công tác cán bộ. Tệ này phát sinh từ bệnh bè phái, ai hợp với mình thì thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau; ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là người xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. Khuyết điểm này, như Hồ Chí Minh chỉ ra, nó rất tai hại, nó làm Đảng bớt mất nhân tài và không thực hành được đầy đủ chính sách của mình, làm hại sự thống nhất, nó làm mất sự thân ái, đoàn kết đồng chí, gây ra những mối nghi ngờ…

Hồ Chí Minh nêu ra quan điểm toàn diện khi xem xét để đề bạt, bổ nhiệm cán bộ: Khi cất nhắc một cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gụi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không. Lại phải xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc. Nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người bô lô ba la, chỉ nói mà không biết làm, vào những địa vị lãnh đạo, như thế rất có hại.

Hồ Chí Minh phê phán những bệnh sau đây: Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, vì cho họ tốt hơn người bên ngoài; Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình mà chán ghét những người chính trực; Ham dùng những người tính tình hợp với mình mà tránh những người tính tình không hợp với mình.

Ba là: Phải chống chủ nghĩa biệt phái, cục bộ, địa phương, hẹp hòi. Hồ Chí Minh hay nhấn mạnh đến việc chống cánh hậu, họ hàng, thân quen trong công tác cán bộ nói chung cũng như trong chính sách cán bộ nói riêng. Người phê bình một cách nghiêm khắc việc ưa kẻ nịnh người làm công tác cán bộ, tìm cách lợi dụng chức quyền để đưa anh em, họ hàng, bạn bè thân quen vào chức này chức nọ. Hồ Chí Minh chỉ rõ tác hại của bệnh hẹp hòi, bệnh địa phương cục bộ. Theo Người, những bệnh chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, v.v. đều do bệnh hẹp hòi mà ra.

Trong vấn đề này, Hồ Chí Minh cũng đề cập việc kết hợp cán bộ tại chỗ với cán bộ do cấp trên điều về. Người phê bình do hẹp hòi mà cán bộ cấp trên phái đến và cán bộ địa phương không đoàn kết chặt chẽ. Hồ Chí Minh cho rằng, phải chữa cho “tiệt nọc” bệnh hẹp hòi, khắc phục kèn cựa, mất đoàn kết giữa cán bộ trên điều về và cán bộ tại chỗ. Người viết: “Phải biết rằng: chỉ có hai hạng cán bộ đó đoàn kết chặt chẽ và chỉ có cán bộ địa phương ngày càng thêm nhiều, thì nền tảng của Đảng mới phát triển vững vàng. Cán bộ phái đến, trình độ thường cao hơn, kinh nghiệm nhiều hơn. Nhưng cán bộ địa phương lại biết rõ nhân dân, quen thuộc công việc hơn. Hai hạng cán bộ phải giúp đỡ nhau, bồi đắp nhau, thì công việc mới chạy”1. Theo quan điểm của Người, tốt nhất là kiếm cán bộ tại chỗ, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, sử dụng cán bộ tại chỗ; song nếu không có hoặc thiếu thì điều động cán bộ ở nơi khác về. Chúng ta thấy rằng, đây chính là thực hiện quan điểm coi Đảng ta là một cơ thể sống, đội ngũ cán bộ là một đội ngũ thống nhất, cán bộ có thể và cần phải được bố trí công tác ở bất cứ địa bàn nào miễn là người cán bộ đó có đủ đức và tài, có tính đến đặc điểm, yêu cầu của từng vùng, từng lĩnh vực.

Bốn là: Phải chú trọng đến công tác đề bạt cán bộ. Hồ Chí Minh lưu ý việc phải xem xét thật kỹ trước khi đề bạt cán bộ, sau khi đã đề bạt rồi thì phải theo dõi, giúp đỡ, kiểm tra người cán bộ đó; nếu không như thế thì hỏng việc. Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm quý trọng cán bộ khi cho rằng: “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”2.

Vận dụng đúng đắn và sáng tạo quan điểm, tư tưởng của Hồ Chí Minh về lựa chọn, bố trí và sử dụng cán bộ, công chức, Đảng ta hiện nay đã đưa ra những nguyên tắc lựa chọn, bố trí và sử dụng cán bộ, công chức như sau:

Thứ nhất: Bảo đảm đúng tiêu chuẩn. Có tinh thần yêu nước, tận tụy phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội phấn đấu thực hiện có kết quả đường lối của đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước; cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư; có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước; có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực và sức khỏe để làm việc có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; coi trọng cả đức và tài, đức là gốc. Ngoài các tiêu chuẩn chung, cán bộ lãnh đạo đảng, nhà nước, đoàn thể; cán bộ lãnh đạo lực lượng vũ trang; cán bộ khoa học, chuyên gia còn phải đảm bảo các tiêu chuẩn cụ thể theo quy định của đảng và pháp luật của nhà nước.

Thứ hai, Đảm bảo khách quan, công bằng. Đòi hỏi việc lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức phải căn cứ vào nhu cầu thực tế của công việc, căn cứ theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ ba: Đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ. Tạo điều kiện dân chủ, minh bạch trong lựa chọn cán bộ, đảm bảo cán bộ đúng tiêu chuẩn, có phẩm chất và năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác được giao.

Thứ tư: Đảm bảo tương xứng với yêu cầu công việc. Đòi hỏi xem xét phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm hiện có của người cán bộ, công chức có đáp ứng được yêu cầu.

Thứ năm: Đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa các nhóm cán bộ, công chức. Đòi hỏi trong lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ cần phải kết hợp tốt để có cơ cấu hợp lý giữa người già với người trẻ, người tại địa phương và người nơi khác; cán bộ, công chức nam và nữ và giữa các ngạch bậc.

Thứ sáu: Đảm bảo lựa chọn, bố trí và sử dụng cán bộ, công chức phải dựa trên quy hoạch cán bộ, công chức. Đòi hỏi cơ quan, tổ chức phải xây dựng các chính sách, biện pháp tạo nguồn cán bộ, công chức.

Cụ thể hóa các nguyên tắc trên, Hội nghị Trung ương 6, khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Nghị quyết đã chỉ ra các nhiệm vụ, giải pháp chung cho cả hệ thống chính trị. Ðó là các vấn đề như: Nghiên cứu hoàn thiện để sớm thực hiện mô hình tổng thể cả hệ thống chính trị phù hợp với điều kiện mới; hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế làm việc các cơ quan, đơn vị; hoàn thiện các quy định, chế độ hợp lý, chặt chẽ về tổ chức bộ máy, vị trí, trách nhiệm công việc; xây dựng cơ chế, phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm, các điều kiện, tiêu chuẩn và chế độ đào tạo, sử dụng bãi nhiệm, miễn nhiệm cán bộ, công chức, viên chức; quy định chặt chẽ về thành lập mới tổ chức;... Ðặc biệt, Nghị quyết nhấn mạnh giải pháp phân cấp, phân quyền mạnh mẽ giữa các cấp, gắn với trách nhiệm giải trình, phát huy dân chủ, công khai và cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ.

Đối với tỉnh ta, trong tiến trình thực hiện cải cách, sắp xếp, bố trí lại tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, chúng ta đã và đang tiến hành xây dựng khung năng lực; soạn thảo các bản mô tả công việc, vị trí việc làm, xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của tổ chức nói chung và của hệ thống chính trị; phân cấp, ủy quyền trong lựa chọn, giới thiệu ứng cử các chức danh bầu cử và bổ nhiệm vào các cơ quan, tổ  chức trong hệ thống chính trị, tuyển dụng, thi tuyển, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức; nghiên cứu và triển khai các đề án như: Thí điểm thi tuyển qua máy tính, thí điểm thi tuyển lãnh đạo, quản lý, thu hút và trọng dụng người có tài năng trong hoạt động công vụ nhằm tuyển chọn đúng người, đúng việc vào đúng thời điểm, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở nước ta. Thời gian tới, nếu thực hiện tốt có thể xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, có ý thức thái độ phục vụ đúng đắn, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỷ cải cách, đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Châu Minh – Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 

1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 236.

2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 273.

27925 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 745
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 745
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76861749