Những vấn đề đặt ra trong công tác tư tưởng hiện nay ở nước ta và một số giải pháp khắc phục 

Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi công tác tư tưởng là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vai trò giáo dục, tuyên truyền, vận động, tổ chức để cán bộ, đảng viên và Nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật Nhà nước. Công tác tư tưởng đã tích cực góp phần trực tiếp cho tổng thể công tác xây dựng Đảng. Công tác xây dựng Đảng được tiến hành trên tất cả các lĩnh vực về tư tưởng, chính trị, đạo đức và tổ chức, cán bộ; gắn chặt nhiệm vụ chỉnh đốn, xây dựng Đảng với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Khi tập trung cho nhiệm vụ nói trên, công tác xây dựng Đảng về tư tưởng đã chú trọng đồng thời cả bốn nội dung: Tư tưởng, chính trị, đạo đức và tổ chức, cán bộ trong hoạt động xây dựng Đảng, trong đó, đặc biệt tập trung gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Để thực hiện nhiệm vụ này, các cơ quan chức năng làm công tác tư tưởng đã triển khai các giải pháp lớn như: Trên cơ sở các kết quả mới trong nghiên cứu lý luận đã tổ chức việc học tập, vận dụng những nhận thức mới về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân; xây dựng và thực hiện cơ chế giám sát đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Có chính sách bảo đảm việc sử dụng các sản phẩm, giá trị văn hoá, văn nghệ trong hoạt động tư tưởng, nâng cao hiệu quả giáo dục đảng viên; triển khai thường xuyên, bảo đảm thực chất, hiệu quả phương châm tự phê bình và phê bình, “xây” và “chống” trong sinh hoạt Đảng, chú trọng nêu gương tốt và phê phán các biểu hiện xấu trong công tác xây dựng Đảng...

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cùng với sự chủ động, tích cực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, việc triển khai trên thực tế về công tác tư tưởng đã đạt được nhiều thành quả quan trọng. Tuy nhiên, công tác tư tưởng cũng còn nhiều hạn chế, cụ thể:

Một là, chưa thống nhất trong nhận thức cũng như giữa nhận thức và tổ chức thực hiện.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chăm lo đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bởi: “Trong Đảng và ngoài Đảng có nhận rõ tình hình mới, hiểu rõ nhiệm vụ mới thì tư tưởng mới thống nhất, tư tưởng thống nhất thì hành động mới thống nhất”; “Lãnh đạo quan trọng nhất là lãnh đạo tư tưởng, phải hiểu tư tưởng của mỗi cán bộ để giúp đỡ thiết thực trong công tác; vì tư tưởng thông suốt thì làm tốt, tư tưởng nhùng nhằng thì không làm được việc”.

Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn đặt ra yêu cầu rất cao đối với công tác tư tưởng; xác định rõ công tác tư tưởng là nhiệm vụ của toàn Đảng, của tất cả đảng viên, trước hết là cấp uỷ các cấp và đồng chí bí thư cấp uỷ, của cả hệ thống chính trị với sự tham gia, đóng góp của Nhân dân, trong đó, lực lượng nòng cốt là đội ngũ chuyên trách làm công tác tư tưởng, lý luận...

Tuy nhiên, trên thực tế, “Công tác tư tưởng có nơi, có lúc chưa thực sự được cấp ủy coi trọng, chưa kịp thời, tính thuyết phục chưa cao”; “một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự coi trọng công tác lý luận, công tác giáo dục lý luận chính trị”, dẫn đến tình trạng ở nhiều nơi, công tác tư tưởng “được” cấp ủy “khoán trắng” cho ban tuyên giáo - coi đó là chức năng, nhiệm vụ mà ban tuyên giáo phải đảm nhận và thực thi.

Hai là, phương thức truyền đạt thông tin của công tác tư tưởng chưa thực sự đổi mới.

Phương thức truyền đạt thông tin hiệu quả là nền tảng cho mọi hoạt động của đời sống và công việc. Đó không chỉ đơn giản là việc chia sẻ những ý tưởng của chủ thể với người khác mà quan trọng hơn là chia sẻ những góc nhìn và tạo mối liên hệ với mọi người xung quanhPhương thức truyền đạt thông tin hiệu quả vừa tiết kiệm được thời gian, vừa đạt hiệu quả giao tiếp sẽ mang lại lợi ích lớn hơn trong cuộc sống cũng như công việc. Đối với công tác tư tưởng, phương thức truyền đạt thông tin chính là phương tiện quan trọng để đưa quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với hiện thực xã hội; tham gia xây dựng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; thường xuyên tương tác với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, xét trên nhiều khía cạnh, phương thức thông tin của công tác tư tưởng ở nước ta còn có những bất cập. “Phạm vi tác động, ảnh hưởng của công tác tư tưởng có dấu hiệu bị thu hẹp”, “Nội dung, phương pháp công tác tư tưởng chậm đổi mới, công tác tư tưởng trở nên lạc hậu so với yêu cầu của thực tiễn trong tình hình mới”; “Công tác thông tin, tuyên truyền một số chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa phong phú, thường xuyên, kịp thời, chưa đáp ứng được sự mong đợi của Nhân dân” (Văn kiện Đại hội XIII của Đảng).

Ba là, về cơ bản, phương thức tư duy trong công tác tư tưởng vẫn theo cách cũ, lối mòn

Đảng ta đã nhấn mạnh: “Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp. Cần có cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo”.

Trước đây, “mặt bằng” tư duy cơ bản vận hành theo số lượng, tuần tự, thứ bậc, dẫn đến phương thức hoạt động chủ yếu là theo hình thức, quán tính. Vì vậy, các hoạt động, nhất là tư duy trong công tác tư tưởng thường là theo kinh nghiệm, thói quen, thậm chí là cảm tính, tức là theo tính thường biến của tư duyTrong bối cảnh hiện nay, sự bùng nổ của công nghệ số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đưa đến những “bản chất mới” cho quá trình phát triển. Các hoạt động của con người đều phải tiệm cận, thích ứng với tính phi truyền thống, linh hoạt hoá, trí tuệ hóa. Theo đó, phương thức tư duy của công tác tư tưởng cũng phải đổi mới theo phương thức: chất lượng, không tuần tự, không thứ bậc, dám nghĩ khác và làm khác... Có như vậy chúng ta mới tránh được sự lạc hậu và khắc phục được những hạn chế, bất cập trong giảng dạy lý luận chính trị. Điều này đúng với tư tưởng của Ph.Ăngghen về sự cần thiết phải bổ sung, làm mới và phát triển lý luận mác-xít: “Lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc”.

Bốn là, công tác tư tưởng vẫn chưa được quy trình hóa

Để đảm bảo được sự vận hành thông suốt, đúng định hướng và mang lại hiệu quả cao thì bất cứ một loại hình hoạt động xã hội nào cũng cần phải xây dựng được quy trình tác nghiệp cho chính nó. Đây cũng là sự cần thiết phải có quy trình hóa trong bất cứ hoạt động xã hội nào. Công tác tư tưởng không là ngoại lệ, cũng phải được quy trình hóa, tức là phải thiết lập được quy trình mang tính chuẩn mực trong hoạt động.

          Quy trình hóa trong công tác tư tưởng là quá trình xác định, lựa chọn và tạo dựng được những yếu tố, thao tác, tiêu chí, trình tự các bước thực hiện tác nghiệp tối thiểu và bắt buộc mà những cá nhân hay tổ chức thực thi công tác tư tưởng phải tuân thủ. Điều này giúp công tác tư tưởng được thực hiện thống nhất, hạn chế các khác biệt có thể gây ra những hệ quả không mong muốn.

Tuy nhiên, chúng ta chưa làm được đầy đủ điều này, vì vậy Đảng ta đã chỉ ra: “Công tác tư tưởng còn thiếu sắc bén, thiếu sức thuyết phục, tính chiến đấu còn hạn chế, chưa sát thực tiễn và chưa linh hoạt; chưa làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, những quan điểm mơ hồ, sai trái…” (Văn kiện Đại hội XIII của Đảng).

Năm là, còn có những bất cập trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng

Đảng ta xác định: “Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ chuyên trách, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kĩ thuật cho công tác tư tưởng theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của hoạt động tư tưởng trước những đòi hỏi mới trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Khẩn trương xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng từ Trung ương đến cơ sở, cả cán bộ cấp chiến lược, các chuyên gia đầu ngành, đội ngũ kế cận và cán bộ trẻ. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, có chế độ, chính sách đãi ngộ thoả đáng đối với đội ngũ này”.

Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta vẫn chưa hiện thực hóa được bao nhiêu so với yêu cầu của Đảng. Vẫn còn quan niệm cho rằng, chỉ có thể bồi dưỡng chứ không thể đào tạo được đội ngũ làm công tác tư tưởng.

Thực trạng đó, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác tư tưởng. Đề cao trách nhiệm của toàn Đảng đối với công tác tư tưởng. Xây dựng và thực hiện quy chế, quy định toàn Đảng, từ Trung ương đến cơ sở và mọi đảng viên có trách nhiệm trực tiếp làm công tác tư tưởng. Bí thư cấp uỷ, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị hàng năm phải lập kế hoạch chỉ đạo công tác tư tưởng, chủ động nắm bắt, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của đơn vị mình và có biện pháp giải quyết kịp thời. Xây dựng cơ chế các cấp uỷ đảng tham gia công tác tư tưởng, tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến cơ sở với cơ quan làm công tác tư tưởng; trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân. Cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin và hoạt động của các loại hình tuyên truyền trong điều kiện bùng nổ phương tiện truyền thông, các trang mạng xã hội hiện nay.

Hơn nữa, đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền lý luận chính trị: Đổi mới nội dung, chương trình, phù hợp với từng đối tượng. Đổi mới giáo dục lý luận chính trị trong hệ thống trường đảng, trường chính trị các cấp; Đổi mới giáo dục chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân; Đẩy mạnh tuyên truyền chính trị trong xã hội.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, cổ động, trong đó tập trung đổi mới nội dung tuyên truyền, tăng cường tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng. Đổi mới phương pháp, phương thức định hướng tuyên truyền trong điều kiện bùng nổ thông tin và phương tiện truyền thông hiện nay (trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông đại chúng; tuyên truyền miệng, báo cáo viên; Tuyên truyền thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp và quần chúng; Phối hợp các phương pháp trong hoạt động tuyên truyền, chú trọng đáp ứng nhu cầu, đối tượng trong công tác tuyên truyền.

Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức công tác tư tưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả định hướng tư tưởng. Đặc biệt, triển khai đồng bộ, chủ động cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng với các định hướng nội đúng đắn.

Cần phải thống nhất nhận thức trong Đảng về quy trình hóa công tác tư tưởng ở nước ta hiện nay. Xác định nội dung của quy trình hóa công tác tư tưởng đó là phải tiên phong , trí tuệ, thiết thực, thuyết phục, trúng và tiên tiến. Tiên phong là không bao giờ lạc hậu với thời cuộc; phải luôn đi đầu, định hướng, dẫn đường cho cán bộ, đảng viên và nhân dân biết phát huy lợi thế và thành quả đã có, vượt qua khó khăn thách thức, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội. Trí tuệ là phải nắm được đặc điểm thời đại và dân tộc, biết phân tích, thâu tóm được bản chất đích thực vấn đề đặt ra, qua đó đề xuất giải pháp thiết thực, hữu hiệu để giải quyết. Trúng là phải bao hàm được cả trên bình diện không gian và thời gian. Trên bình diện không gian là phải phản ánh đúng sự thật về sự việc, sự kiện xảy ra; trên bình diện thời gian là phải thông tin nhanh chóng, kịp thời, không bị chậm trễ, đi sau, “chạy theo”. Thiết thực là luôn phải bám sát thực tiễn để nắm bắt thực tiễn, phục vụ nhu cầu của thực tiễn; không nên và không được viễn vông, xa rời thực tiễn. Thuyết phục là phải nắm được tâm lý, đi vào lòng người, không áp đặt, cưỡng cầu một chiều; không ngoa ngôn và cũng không ngụy ngôn. Tiên tiến là phải ứng dụng và sử dụng thành thạo những thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là internet, mạng xã hội vào quá trình hoạt động, tác nghiệp; biến những ưu thế tiên tiến đó thành lợi thế, hành trang nội tại, không thể thiếu trong “nghề” tuyên giáo.

Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tư tưởng, lý luận: Quan tâm thực hiện quy hoạch đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng từ Trung ương đến cơ sở, cả cán bộ cấp chiến lược, các chuyên gia đầu ngành, đội ngũ kế cận và cán bộ trẻ. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm; có chế độ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ này. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu, điều tra xã hội học, nắm bắt dư luận xã hội phục vụ công tác tư tưởng. Xây dựng chiến lược đào tạo cán bộ làm công tác tư tưởng đáp ứng yêu cầu công tác tư tưởng trước mắt và lâu dài.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bổ sung và nhấn mạnh một số quan điểm chỉ đạo công tác tư tưởng: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi, để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”. Phan Văn Lãn

 

548 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 742
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 742
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76996743