Ngày 16/6/2009 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 823/QĐ-TTg về việc lấy ngày 01 tháng 7 hàng năm là “Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam”. Năm nay, Ngày BHYT Việt Nam lựa chọn chủ đề “Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT tuyến y tế cơ sở”, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cơ sở, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân cũng như tạo thuận lợi cho nhân dân được chăm sóc sức khỏe tốt nhất, nhanh nhất và thuận tiện nhất, giảm chi phí không cần thiết, thực hành tiết kiệm, tập trung nguồn lực đầu tư, sử dụng hiệu quả, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao.

Trải qua 09 năm tổ chức, Ngày BHYT Việt Nam là dịp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay, góp sức thực hiện tốt Luật BHYT với lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội, vì an sinh đất nước. Đây cũng là dịp để quán triệt sâu sắc và nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của BHYT- một bộ phận quan trọng trong chính sách tài chính y tế quốc gia, một trong những phương thức xã hội hóa công tác y tế thông qua huy động đóng góp của người dân cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước tạo nguồn tài chính cho hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Cùng với quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT giai đoạn 2012-2015 và 2020, công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHYT đã được cơ quan BHXH đẩy mạnh cùng với vai trò thiết thực của BHYT trong đời sống đã giúp người dân dần nhận thức đầy đủ hơn về bản chất nhân văn của BHYT từ đó chủ động tham gia như một biện pháp hữu hiệu dự phòng chăm lo sức khỏe cho cá nhân cũng như các thành viên trong gia đình.

Người dân khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Ảnh: Dương Ngọc

Số người tham gia BHYT và số lượt KCB tăng mạnh 

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tốc độ bao phủ BHYT có đà tăng trưởng mạnh mẽ trong khoảng 05 năm gần đây. Cuối năm 2012, tỷ lệ bao phủ BHYT mới chỉ đạt 66,8% dân số thì đến hết năm 2017 đạt 85,6% và hiện đạt gần 87%.

Số người tham gia BHYT theo hộ gia đình - nhóm thuộc diện khó vận động tham gia nhất cũng đã có bước tăng trưởng đáng kể liên tục trong khoảng 10 năm trở lại đây, năm sau luôn cao hơn năm trước. Nếu như năm 2008, số tham gia BHYT hộ gia đình (hay còn được gọi là BHYT tự nguyện - theo quy định của Luật BHYT 2008) mới chỉ đạt 3,67% dân số, tương ứng khoảng 3,1 triệu người tham gia; đến năm 2017, tỷ lệ tham gia đạt gần 16% dân số, tương ứng khoảng 14,9 triệu người; tính đến tháng 3/2018, số tham gia ở nhóm này là gần 15,4 triệu người.

Quyền lợi BHYT của người dân ngày càng được bảo đảm, giúp người dân thấy được vai trò thiết thực của BHYT với an sinh của bản thân, gia đình và xã hội. Điều này được thể hiện qua số lượt khám, chữa bệnh BHYT liên tục tăng qua các năm, tương ứng với đó là số chi phí khám, chữa bệnh được chi từ Quỹ BHYT.

Cụ thể, năm 2017 có 168 triệu lượt KCB BHYT, tăng 14% so với năm 2016, trong đó số lượt khám chữa bệnh (KCB) ngoại trú là 152,8 triệu lượt tăng 15% và số lượt KCB nội trú là 15,3 triệu lượt tăng 9% so với năm 2016. Số chi KCB BHYT tăng thêm 30% so với năm 2016. Năm 2016 tần suất KCB là 1,9 lượt khám/thẻ/năm, năm 2017 là 2,1, trong đó tần suất KCB nội trú năm 2017 tăng 0,01 lượt. Như vậy, số đối tượng tham gia BHYT năm 2017 tăng 4,036 triệu so với năm 2016 nhưng số lượt KCB tăng 21,085 triệu lượt.

Để phục vụ tốt nhất người tham gia BHYT, công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được Ngành BHXH triển khai quyết liệt và đạt kết quả quan trọng. Số thủ tục hành chính giảm từ 115 thủ tục xuống còn 28 thủ tục. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới - Word Bank, chỉ số đo lường về thủ tục nộp thuế và BHXH tại Việt Nam tăng điểm và tăng hạng nhiều nhất so với năm trước, tương ứng tăng 14,78 điểm và tăng 81 bậc, đạt vị trí thứ 86/190 (năm trước xếp ở vị trí 167).

Hệ thống công nghệ thông tin quản lý của Ngành từng bước được xây dựng đồng bộ, hiện đại; kho dữ liệu lớn về người tham gia, quá trình đóng, hưởng BHXH, khám, chữa bệnh BHYT được xây dựng và quản lý tập trung với thông tin từ hơn 92 triệu dân, 24 triệu hộ gia đình thuộc diện tham gia BHYT, 13 triệu người tham gia BHXH; ngoài ra còn có dữ liệu thu, cấp sổ, thẻ, tài chính, hồ sơ, thủ tục hành chính giao dịch giữa cơ quan BHXH và các đơn vị, kết nối với khoảng 13.000 cơ sở y tế và các đơn sử dụng lao động.

Đến nay, BHXH Việt Nam đã cung cấp 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; số đăng ký và thực hiện giao dịch điện tử là trên 236 nghìn đơn vị, doanh nghiệp; hoàn thành tin học hóa việc quản lý và lưu trữ đối với 4,5 triệu hồ sơ hưởng BHXH. Với những cố gắng không ngừng, cuối năm 2017, BHXH Việt Nam được ghi nhận, xếp thứ 2/20 trong số các bộ, ngành về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin, tăng 18 bậc so với năm trước.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam đã tổ chức đấu thầu thuốc tập trung trong toàn quốc, qua đấu thầu tập trung đã lựa chọn được các nhà cung cấp thuốc uy tín, chất lượng, góp phần giảm giá thuốc hàng ngàn tỷ đồng, phát huy hiệu quả sử dụng Quỹ BHYT, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Với chủ đề truyền thông Ngày BHYT Việt Nam năm nay “Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT tuyến cơ sở”, BHXH Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông BHYT, hướng người tham gia BHYT khám, chữa bệnh BHYT tại tuyến y tế cơ sở để được chăm sóc sức khỏe kịp thời, giảm các chi phí hành chính, đồng thời phối hợp với Ngành y tế nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế tuyến cơ sở, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước thực hiện cấp thẻ BHYT điện tử... nhằm giúp người tham gia BHYT tiếp cận dịch vụ được dễ dàng và thuận tiện ngay từ tuyến y tế cơ sở, vì mục tiêu phát triển BHYT toàn dân bền vững.

Tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế của người có thẻ BHYT ngay tại tuyến cơ sở

Theo Bộ Y tế, năm 2018 là năm thứ tư triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT với nhiều quy định mới có tính đột phá, thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy phát triển chính sách BHYT và thể hiện sự quyết tâm trong tổ chức thực hiện, hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân. Phát huy những kết quả, kinh nghiệm trong phát triển BHYT, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với những văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện của Bộ Y tế đã mang lại những kết quả quan trọng.

Theo đó, ước đến 31/5/2018 đã có 81,3 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 86,6% dân số, hoàn thành chỉ tiêu của Đảng, Quốc hội giao trước 4 năm (Đảng, Quốc hội giao tỷ lệ bao phủ BHYT năm 2020 là trên 80%), vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 (năm 2017 Thủ tướng giao 82,2%), trong đó người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT.

Với kết quả này, mục tiêu đến năm 2020 có trên 90,7% dân số tham gia BHYT là hoàn toàn có khả năng thực hiện được và phấn đấu tới năm 2025 có trên 95% dân số có bảo hiểm y tế theo mục tiêu mà Nghị quyết 20-NQ/TW đã đề ra.

Để nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 39/2017/TT-BYT ngày 18/10/2018 quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở. Theo đó, gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ bảo hiểm y tế chi trả bao gồm 78 dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và 241 thuốc mà Trạm y tế tuyến xã phải cung cấp được (áp dụng tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn và tương đương, phòng khám bác sĩ gia đình độc lập, Trạm y tế quân dân y và phòng khám quân dân y). Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm: Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức cung cấp gói dịch vụ y tế cơ bản cho người có thẻ bảo hiểm y tế trên địa bàn quản lý; Chỉ đạo Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội tỉnh thanh toán chi phí của các dịch vụ thuộc gói dịch vụ y tế cơ bản cho các cơ sở y tế theo quy định tại Thông tư số 39/2017/TT-BYT.

Cùng với đó, thực hiện Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, Bộ Y tế có Chương trình hành động số 1379/CTr-BYT ngày 19/12/2017 triển khai thực hiện Đề án Xây dựng và Phát triển mạng lưới y tế cơ sở giai đoạn 2018 - 2020 và Hướng dẫn triển khai Mô hình điểm Trạm y tế xã, phường, thị trấn giai đoạn 2018 - 2020. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế đã lựa chọn và tổ chức các đoàn do Lãnh đạo bộ trực tiếp khảo sát tại 26 Trạm y tế xã, phường của 8 tỉnh, thành phố: Lào Cai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Long An, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, Yên Bái, Hà Tĩnh.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện Mô hình 26 Trạm y tế chuẩn để nhân rộng trên phạm vi cả nước với mục tiêu: Đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ cở, đảm bảo cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh cho từng người dân trên địa bàn, cung ứng dịch vụ theo hướng toàn diện, liên tục, phối hợp và lồng ghép chặt chẽ giữa dự phòng và điều trị, giữa cơ sở y tế trên địa bàn và với tuyến trên, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, bảo đảm công bằng, hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Ngành y tế phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 90% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 95% trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện; 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; phấn đấu 90% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe; hoàn thiện việc đầu tư trạm y tế các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Đến năm 2025, 100% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện được đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 100% trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện; 100% xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe.

Bộ Y tế cho biết, Bộ đã trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định số 105/2014/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật BHYT. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị bỏ quy định giao quỹ khám chữa bệnh (KCB) cho trạm y tế tối đa bằng 20% quỹ KCB BHYT ngoại trú, việc bỏ quy định giao quỹ sẽ nâng mức chi trả chi phí KCB tại trạm y tế tuyến xã kể cả chi phí điều trị bệnh Tăng huyết áp, Đái tháo đường, chi trả chi phí thuốc điều trị HIV, Lao…, qua đó nâng cao chất lượng KCB BHYT tại tuyến y tế cơ sở, tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế của người có thẻ BHYT ngay tại tuyến cơ sở, giảm tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến trên./.

Đỗ Thoa