Nên có nghị quyết riêng để thúc đẩy đổi mới giáo dục 

(ĐCSVN) - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng cần có nhất lúc này là một Nghị quyết giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị và trình Chính phủ, trình Quốc hội các phương án tăng cường các điều kiện đảm bảo cho đổi mới giáo dục, đặc biệt làm sao thu nhập đủ để giáo viên thực sự sống bằng nghề...

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, chiều ngày 14/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn  phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Phạm Thắng)

Ngành giáo dục đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách để tạo nên những chuyển biến có thực trong thực tế

Phát biểu tại phiên họp, thay mặt cho ngành giáo dục và đào tạo, toàn thể giáo viên, cán bộ và học sinh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội vì đã thể hiện sự quan tâm to lớn, kịp thời, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trước đất nước và Nhân dân qua việc tổ chức và triển khai hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với việc đổi mới giáo dục phổ thông, triển khai thực hiện các Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội.

“Chúng tôi chờ đón đợt giám sát này vì chúng tôi hiểu rằng, tự mình truyền thông và giải thích trước xã hội và trước Quốc hội rất nhiều cũng khó bằng sự ghi nhận và lan tỏa một cách khách quan thông qua hoạt động giám sát của Quốc hội- cơ quan đại diện cao nhất cho toàn thể Nhân dân. Chúng tôi tự tin nói như vậy còn vì ngành giáo dục với hơn một triệu nhà giáo đã làm rất nhiều việc rất thực chất, đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách để tạo nên những chuyển biến có thực trong thực tế”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là tinh thần lớn của toàn đảng, toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW. "Đổi mới giáo dục phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 là cuộc đổi mới có chiều sâu, toàn diện và triệt để nhất so với các lần đổi mới trước đây đã thực hiện, kể từ giữa thế kỷ 20. Khác về tư tưởng chỉ đạo, về tinh thần và triết lý giáo dục, mục tiêu, phương pháp, cách thức… trong đó lấy phát triển toàn diện con người làm chỉ hướng, trên cơ sở đó cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, làm khởi đầu để có những thế hệ con người Việt Nam mới biết sống và sống hạnh phúc và cùng nhau truy cầu hạnh phúc cho cả cộng đồng, cho sự phát triển đất nước. Kỳ vọng vào đổi mới rất lớn, nhiệm vụ rất nặng nề, cường độ và tốc độ đổi mới rất nhanh, phương pháp có nhiều điều phi truyền thống, điều kiện triển khai khó khăn mọi bề…

Từ năm 2019 tới năm 2023, ngành giáo dục vừa triển khai ứng phó với đại dịch COVID - 19 vừa tiến hành cải cách giáo dục. Trong mục tiêu kép, nhiệm vụ kép, đạt được những gì như báo cáo của Đoàn giám sát đã ghi nhận là một nỗ lực phi thường của hàng triệu giáo viên và học sinh; là sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, của 63 tỉnh, thành trên cả nước; là sự quan tâm của Quốc hội kịp thời quyết định các chính sách cho giáo dục và đào tạo trong suốt thời gian vừa qua.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cảm ơn các nhận xét, góp ý, nêu các vấn đề bất cập còn tồn tại, những điểm cần điều chỉnh, những việc cần làm và làm tốt hơn nữa mà các bộ ngành thuộc Chính phủ, ngành giáo dục và đào tạo,  các địa phương cần phải làm và sẽ nghiên cứu tiếp thu, xử lý và triển khai.

“Chúng tôi sẽ nghiên cứu tiếp thu, xử lý và triển khai. Nhiều điểm lưu ý và yêu cầu, Chính phủ đã chỉ đạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã thấy và đang tiến hành điều chỉnh. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang triển khai đánh giá giữa kỳ việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhưng chủ yếu ở góc độ chuyên môn và góc độ chính sách. Các đánh giá bước đầu cũng khiến ngành giáo dục tự thấy cần có một số điều chỉnh trong thời gian tới cho phù hợp. Triển khai chương trình là quá trình linh hoạt, là phát triển chương trình chứ không chỉ là triển khai thực hiện” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Có cần Bộ sách giáo khoa của nhà nước?

Theo Bộ trưởng, Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đang điều chỉnh Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT về việc lựa chọn sách giáo khoa; đang cải thiện việc kiểm soát quá trình biên soạn, thử nghiệm sách, chất lượng của việc thẩm định sách, việc hướng dẫn giáo viên cũng đã và đang được điều chỉnh dần. Các hoạt động xuất bản và phát hành sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã và đang được điều chỉnh mạnh trong vài năm trở lại đây, theo hướng tăng chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sách và tăng các biện pháp hỗ trợ học sinh. Đặc biệt là lưu ý giảm giá thành, giảm tỷ lệ chiết khấu, chi phí phát hành…

Năm 2023, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tổ chức tặng trên một triệu bản sách giáo khoa bộ mới cho học sinh các tỉnh vùng khó khăn. Chính phủ cũng đang chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong việc xuất bản sách giáo khoa dạy tiếng các dân tộc thiểu số, tháo gỡ khó khăn trong xuất bản tài liệu giáo dục địa phương. Chính phủ cũng đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương xây dựng thông tư thực hiện việc định giá tối đa sách giáo khoa để thực hiện khi Luật giá sửa đổi có hiệu lực năm 2024.

Chính phủ cũng đang giao Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai xây dựng Luật Nhà giáo để trình Quốc hội trong năm 2024 xem đó là giải pháp căn cơ để phát triển đội ngũ nhà giáo. Nhiều biện pháp cũng đang được áp dụng để giảm tình trạng giáo viên nghỉ việc, thiếu giáo viên…

“Riêng với ý kiến của Đoàn giám sát nêu trong nhóm giải pháp về nâng cao năng lực hiệu quả, hiệu quả quản lý nhà nước về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông: “nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước”…, Bộ trưởng một lần nữa đề nghị Đoàn giám sát và Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết sức cân nhắc điều này, cân nhắc bỏ điều này khỏi nội dung Nghị quyết.

Bộ trưởng cho biết, trong phiên làm việc giữa Đoàn giám sát và Chính phủ cuối tháng 7, cũng đã nêu một số ý kiến phân tích và kiến nghị về việc này. Dường như vẫn đang còn tồn tại những quan điểm khác nhau về bản chất và vai trò của sách giáo khoa trong hoạt động dạy và học theo chương trình mới. Nhà nước (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc, đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh, còn sách giáo khoa là học liệu, là công cụ, là cái hỗ trợ giáo viên để chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học.

Bộ trưởng cho biết, Chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ sách giáo khoa - tức một bộ học liệu của nhà nước hay không. Trong số hàng trăm bài giảng trên truyền hình, giáo viên đã dạy theo chương trình với sự chuẩn bị riêng, không theo bất cứ bộ sách giáo khoa nào.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang ra sức hướng dẫn, điều chỉnh, yêu cầu giáo viên thay đổi quan niệm về sách giáo khoa, thay đổi cách mà giáo viên sử dụng sách giáo khoa và coi đó là trọng tâm của đổi mới phương pháp dạy học. Việc này không chỉ ảnh hưởng lớn tới chủ trương xã hội hóa trong việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa, mà còn hệ trọng hơn, có thể tác động tới tinh thần đổi mới mà toàn ngành đang hướng tới về mặt phương pháp.

"Nếu lo lắng về an toàn an ninh sách giáo khoa thì điều này cũng không thành vấn đề, vì Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang nắm bản quyền 2 bộ sách giáo khoa. Sách giáo khoa cho các lớp 5-9-12 là những bộ sách cuối cùng cũng đã soạn xong và đang thẩm định… Và xem ra, điều này cũng rất khác với nội dung Nghị quyết số 122/2020/QH14 cho phép Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ tổ chức biên soạn khi không có tổ chức và cá nhân nào biên soạn. Hiện nay, tất cả các môn học còn lại đều đã có một số sách được các tập thể và cá nhân biên soạn, vậy thì tổ chức chuẩn bị nội dung một bộ sách không giải quyết được mấy vấn đề” - Bộ trưởng chia sẻ.

Nên có nghị quyết riêng để thúc đẩy đổi mới giáo dục

Vấn đề lớn lúc này là tiến hành đổi mới theo chiều sâu, đổi mới phương pháp dạy, học, kiểm tra đánh giá, gia tăng chiều chất lượng của đổi mới, tăng cường các điều kiện cho đổi mới thành công, cố gắng ổn định chính sách cho tới hết chu kỳ đổi mới, sau năm 2025 khi có những sản phẩm đầu ra thực sự của chương trình mới rồi tính tới những điều chỉnh chính sách lớn nếu có.

Bộ trưởng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngoài Nghị quyết giám sát chuyên đề này, nên có nghị quyết riêng để thúc đẩy đổi mới giáo dục, cần có nhất lúc này là một Nghị quyết giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị và trình Chính phủ, trình Quốc hội các phương án tăng cường các điều kiện đảm bảo cho đổi mới giáo dục, đặc biệt và quan trọng nhất làm sao cho đủ giáo viên, làm sao thu nhập đủ để giáo viên thực sự sống bằng nghề, thấy được động viên và tiếp tục phấn đấu đổi mới và tự đổi mới, hết lòng vì học trò, gánh vác tốt và yên tâm với công việc nặng nhọc nhiều áp lực.

"Nhân tố quyết định thành công đổi mới là yếu tố con người, là thầy cô giáo. Giới hạn của số lượng và chất lượng nhà giáo, giới hạn của năng lực và trình độ của nhà giáo là giới hạn của đổi mới và giới hạn chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, cũng cần đủ trường lớp, trường lớp được kiên cố, khang trang, đủ nhà công vụ cho giáo viên vùng xa, đủ nhà vệ sinh cho trường học, đủ trang thiết bị cho giáo dục, đủ đầu tư tài chính cho các hoạt động… Nếu không có những yếu tố tối thiểu đó, thì ngành giáo dục, các nhà giáo có nỗ lực mấy cũng khó đạt được các kỳ vọng và mục tiêu lớn” - Bộ trưởng nhấn mạnh./.

 
Minh Duyên
82 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1065
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1065
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77065926