Ngày 29/1, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Đại sứ quán Australia tổ chức Hội thảo “Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc thị trường". Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).

 Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: HNV)

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu khẳng định, để có cơ sở đề xuất giải pháp nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Báo cáo “Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN theo nguyên tắc thị trường” đã được triển khai thực hiện trong khuôn khổ Aus4Reform.

Cũng theo ông Phan Đức Hiếu, Báo cáo “Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN theo nguyên tắc thị trường” tập trung vào: hệ thống hóa và làm rõ những vấn đề cơ bản về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN theo nguyên tắc thị trường; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN theo nguyên tắc thị trường và rút ra bài học cho Việt Nam; phân tích thực trạng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN theo nguyên tắc thị trường ở Việt Nam trên bình diện pháp lý và trên thực tế; so sánh, đánh giá với thông lệ quốc tế phổ biến; đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN ở Việt Nam trong thời gian tới.

Tại Hội thảo, đa số đại biểu là các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế đã thống nhất cao rằng, nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN theo nguyên tắc thị trường là chủ trương quan trọng trong tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN được Đảng và Nhà nước đề ra thời gian qua. Thực tế, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN theo nguyên tắc thị trường đã được đảm bảo nhưng chưa đầy đủ. Hệ thống thể chế, pháp luật đã được hoàn thiện nhằm đảm bảo DNNN có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo nguyên tắc thị trường nhưng vẫn tạo ra nhiều ràng buộc, gây khó khăn cho DNNN và bộ máy quản lý DNNN. So với thông lệ và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Việt Nam đã có nhiều cải thiện trong tạo lập khuôn khổ đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN theo nguyên tắc thị trường theo hướng tiệm cận với thông lệ quốc tế phổ biến nhưng nhiều nội dung còn có khoảng cách khá xa.

Trên cơ sở nghiên cứu thông lệ, kinh nghiệm quốc tế và thực trạng, Báo cáo đề xuất hệ thống giải pháp nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN theo nguyên tắc thị trường ở Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, vấn đề quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN theo nguyên tắc thị trường vẫn là vấn đề khó, còn nhiều tranh luận, không chỉ ở Việt Nam và nhiều nước khác. Hơn nữa, do hạn chế về thời gian cũng như bối cảnh năm 2020 nên có thể Báo cáo chưa bao trùm được hết các vấn đề liên quan.

Phân tích về câu chuyện quản trị DNNN, các đại biểu đề cập tới việc tự chủ huy động vốn, lấy ví dụ từ thực tế hoạt động của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã nhấn mạnh, Điều 25, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp quy định DN được quyền cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản cố định theo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn (không giới hạn mức). Tuy vậy, Nghị định 10/2017/NĐ-CP lại quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hợp đồng thế chấp, cầm cố tài sản không vượt quá mức vốn của dự án nhóm B… Điều này làm cho DNNN đặc biệt là EVN đang bị "cầm chân" và loay hoay trong huy động vốn. 

Liên quan tới nội dung trách nhiệm giải trình về quản lý tài sản DNNN, các đại biểu cũng đề cập tới quy trình ra quyết định còn phức tạp, vướng mắc. Theo đó, toàn bộ DNNN hoạt động kinh doanh chuyển thành công ty cổ phần (trừ công ích, an ninh, quốc phòng, xổ số kiết thiết…). Thực tiễn trong nước, quốc tế cũng đã khẳng định: DNNN là công ty cổ phần có điều kiện tốt hơn để áp dụng các thông lệ quản trị tốt.

ThS Phạm Đức Trung (nghiên cứu viên CIEM) đã nêu kiến nghị của nhóm nghiên cứu, đó là: Phải thể chế hóa những yêu cầu của Nghị quyết số 12-NQ/TW mà đến nay chưa làm được gồm: tách bạch nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ chính trị - xã hội, hạn chế tối đa cấp bảo lãnh của Chính phủ đối với DNNN; triển khai cơ chế trả lương, thưởng theo thỏa thuận đối với Tổng giám đốc và một số chức danh quản lý chủ chốt của DN; thực hiện việc tách người quản lý DN khỏi chế độ viên chức, công chức. Triển khai rộng rãi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch đối với các chức danh quản lý, điều hành và các vị trí công việc khác trong DN...

 
Lê Anh