Một số giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở ở Quảng Trị trong giai đoạn hiện nay 

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là công việc hệ trọng mang tính thường xuyên, lâu dài của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, cần phải tiến hành một cách khoa học, thận trọng, thường xuyên, chặt chẽ và hiệu quả. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu tình hình mới nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước góp phần xây dựng được đội ngũ cán bộ có năng lực thực tiễn, chuyên môn sâu và có đạo đức cách mạng trong sáng, hết lòng phục vụ Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Trong những năm qua, Đảng luôn chú trọng đến công tác cán bộ và nâng cao công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy BCH TW khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ nhấn mạnh: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững”. Để làm rõ hơn nhiệm vụ quan trọng của công tác cán bộ trong tình hình mới, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”. Hiện nay, trước yêu cầu, nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi Đảng phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ ngang tầm, góp phần thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong đó “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Đồng thời, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu ra quan điểm: “… nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Xác định được tầm quan trọng đó, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã thường xuyên chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp cơ sở và xem đây là nhiệm vụ quan trọng, là khâu hàng đầu trong công tác cán bộ hiện nay. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, cấp ủy các huyện, thành phố, thị xã, cấp ủy các tổ chức cơ sở đảng và các ban, ngành, đoàn thể các cấp đã phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở tất cả các khâu như: Xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng theo từng loại hình, chức danh, đối tượng; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm và giai đoạn; xác định thời điểm mở lớp; thành lập ban chỉ đạo các khóa đào tạo, theo dõi đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của học viên... Hiệu quả của công tác phối hợp trong thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp cơ sở, theo đó hệ thống chính trị các cấp, nhất là cấp cơ sở cũng từng bước được củng cố vững chắc.

Nhờ làm tốt công tác phối hợp đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và dự nguồn cán bộ các cấp, nhất là cấp cơ sở ngày càng được tăng cường cả số lượng và chất lượng, là cơ sở để các cấp ủy đảng thực hiện tốt công tác quy hoạch, chủ động trong việc đánh giá, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ theo đúng quy trình, tiêu chuẩn. Đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thực hiện tốt công tác phối hợp trong quá trình đào tạo đã tạo ra thế chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện nội dung, chương trình đảm bảo phù hợp với các đối tượng, đúng quy định và đáp ứng được yêu cầu của thực tế địa phương, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn chung công tác phối hợp trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở trong thời gian qua còn bộc lộ một số hạn chế như: một số cấp ủy, lãnh đạo một số ban, ngành và một số cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức lý luận chính trị, do đó chưa quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thiếu chủ động trong việc rà soát xây dựng kế hoạch, bố trí cán bộ đi đào tạo; việc cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng nhiều nơi chưa đảm bảo đúng quy trình, tiêu chuẩn, cử cán bộ đi đào tạo nhưng chưa gắn với quy hoạch, chưa đảm bảo tính tuần từ trong đào tạo, bồi dưỡng.

Một số cán bộ, đảng viên xem nhẹ việc học tập, đào tạo lý luận chính trị, coi mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị là để có bằng cấp, chứng chỉ.

Thời gian tới, để khắc phục những hạn chế nêu trên đòi hỏi cần phải có sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của các cơ quan, ban ngành, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Nhất là tập trung vào thực hiện các giải pháp cơ bản sau:

Một là, cấp ủy, lãnh đạo một số ban, ngành cần phải chủ động xây dựng hệ thống chiến lược về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là quá trình diễn ra thường xuyên, liên tục để đào tạo ra đội ngũ cán bộ có phẩm chất tốt, chuyên nghiệp, tận tụy, phục vụ nhân dân, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới. Cần xây dựng quy chế phối hợp đào tạo nhằm đảm bảo sự thống nhất trong toàn hệ thống đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Quy chế này sẽ phân định rõ trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo cũng như đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, sẽ giúp cho Ban thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; sẽ tạo được sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Trường Chính trị Lê Duẩn với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cấp ủy cấp huyện và Trung tâm chính trị cấp huyện. Việc lựa chọn đối tượng đào tạo, bồi dưỡng phải luôn gắn liền với công tác quy hoạch, bố trí và sử dụng cán bộ của các địa phương, đơn vị. Đồng thời, việc lựa chọn, cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng phải đảm bảo đúng quy trình, đúng tiêu chuẩn.

Hai  là, tăng cường công tác quản lý nhằm đảm bảo chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; siết chặt kỷ cương, kỷ luật học tập; khơi dậy tinh thần ham học, nhất là lý luận chính trị ở đội ngũ cán bộ. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải đề cao trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ của các bên. Cấp ủy, tổ chức đảng, trực tiếp là lãnh đạo, người đứng đầu các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thường xuyên tự kiểm tra, thực hiện kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, bồi dưỡng theo chức năng, nhiệm vụ được giao.Tăng cường theo dõi, giám sát chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một trong những công cụ quan trọng để quản lý đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng như căn cứ kiểm tra, giám sát chất lượng. Việc thực hành đánh giá cần được tiến hành định kỳ để xây dựng cơ sở dữ liệu mô tả quá trình định tính và định lượng kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Ba là, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của nhà trường sẽ đóng một vai trò hết sức quan trọng giúp nhà trường sớm hoàn thiện cơ sở vật chất, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hàng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương.

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện chế độ, chính sách đối với cán bộ tham gia đào tạo, bồi dưỡng. Các cấp ủy, chính quyền trong toàn tỉnh tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định về chế độ, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trong đó có cơ chế ưu tiên, khuyến khích đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ là người sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện khó khăn.

Hải Nam

1932 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 751
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 751
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77467665