Việc làm này nhằm chuẩn bị nền tảng kiến thức cơ bản, toàn diện cho các doanh nghiệp và các bên quan tâm khác trong quá trình tìm hiểu để xây dựng, mở rộng thị trường trong chiến lược sản xuất, kinh doanh hàng nông sản xuất khẩu của mình.

Với mục tiêu cung cấp thông tin, giúp doanh nghiệp hiểu rõ, hiểu đúng các cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp của Hiệp định CPTPP và EVFTA, Bộ Công Thương cùng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức Diễn đàn “Từ CPTPP tới EVFTA: Cùng nông dân đi chợ thế giới”.

Đây là Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 4 và trong chuỗi hoạt động của Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam” lần thứ 7. 

Diễn đàn là cơ hội trao đổi tìm cách tạo sức bật cho nông nghiệp Việt
thời kỳ mới (Ảnh: HNV)

Được biết, Hiệp định CPTPP với 10 đối tác, trong đó có những đối tác mà thông qua Hiệp định này, Việt Nam lần đầu thiết lập mối quan hệ thương mại tự do song phương như Ca-na-đa, Chi-lê, Mê-hi-cô và Pê-ru, sẽ mở ra các cơ hội hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và các đối tác CPTPP. Với CPTPP, phần lớn hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm, ví dụ như một số loại thủy sản (cá, tôm), các loại rau quả tươi và rau quả chế biến, gạo, các loại hạt khô ….

Còn với EVFTA, đây là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, góp phần củng cố mối quan hệ song phương theo hướng chiến lược, toàn diện và bền vững. Về góc độ mở cửa thị trường, Hiệp định này sẽ đem lại cơ hội lớn cho lĩnh vực nông nghiệp khi thuế hàng loạt mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU sẽ dần giảm xuống về 0% sau một lộ trình ngắn.

Cụ thể, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%. Sau 7 năm, 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng thuế 0%, một số ít các mặt hàng còn lại sẽ được nhập khẩu vào EU theo hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết.

Diễn đàn thu hút đông đại biểu tham dự (Ảnh: HNV)

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khẳng định, những năm qua, mặc dù, nông nghiệp, nông thôn nước ta đạt được những thành tựu vẻ vang, có đóng góp rất lớn trong sự nghiệp đổi mới của đất nước. Song, trước tiến trình hội nhập quốc tế sâu, rộng; trước tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu và những khó khăn nội tại trong nước; nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đó là: Sản xuất nhỏ - Thị trường lớn; đầu tư cho nông nghiệp thấp mà rủi ro trong nông nghiệp cao; tiếp cận vốn, khoa học kỹ thuật, công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp; thị trường, thương hiệu nông sản và ô nhiễm môi trường; đất đai manh mún, chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch, liên kết vùng và doanh nghiệp trong nông thôn thấp. Nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế, độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang thực thi các hiệp định thương mại tự do-FTA.

Cũng tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Việc tham gia một số FTA thế hệ mới chắc chắn mở ra một giai đoạn hợp tác mới đầy triển vọng, kỳ vọng mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và tạo ra sức bật lớn cho ngành nông nghiệp của cả Việt Nam và các đối tác.

Mặc dù đạt được những thành tựu vượt bậc về xuất khẩu nông sản, nhưng xuất khẩu nông sản cũng đang đối mặt với không ít rào cản, khó khăn. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, khó khăn có thể đến từ bối cảnh kinh tế quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, xu hướng bảo hộ mậu dịch đã nổi lên ở nhiều nước và khu vực. Bên cạnh đó là thách thức đến từ các quy định về kiểm dịch và an toàn động thực vật (SPS), quy định về dán nhãn hàng hóa (TBT) hoặc các quy định liên quan về môi trường, lao động… của các thị trường nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là đối với các thị trường mà ta mới thiết lập quan hệ FTA nhưng có tiêu chuẩn rất khắt khe như EU, Canada.

Dịp này, các đại biểu đã tập trung nội dung thảo luận qua hai phiên đối thoại chính thức để từ đó tìm hiểu rõ những cơ hội và thách thức của Việt Nam khi xuất khẩu nông sản, đặc biệt là các tác động cả tích cực và tiêu cực đến hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản của 11 triệu hộ nông dân ở Việt Nam.

Đến nay, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do, trong đó có 13 hiệp định đã ký và 3 hiệp định đang đàm phán. Trong số 13 hiệp định FTA, nổi lên nhất, tạo sự quan tâm nhất đối với các nhà quản lý, hoạch định chính sách, giới doanh nghiệp, doanh nhân và hội viên, nông dân là Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA. 
Hà Anh