Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính phát biểu tại buổi thuyết trình
 
Buổi thuyết trình được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tại 73 điểm cầu trong cả nước. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương tham dự buổi thuyết trình tại điểm cầu Hà Nội.

 

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tham dự tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh.

Tham dự tại điểm cầu Hà Nội còn có các đồng chí: Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành đoàn thể ở Trung ương.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ, buổi thuyết trình được tổ chức nhằm trao đổi, tham khảo một số kinh nghiệm của Nhật Bản về cải cách hành chính tổ chức bộ máy của chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương, phục vụ cho việc nghiên cứu xây dựng Đề án trình Hội nghị Trung ương 6 về "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả"; tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở Trung ương và địa phương tham khảo những kinh nghiệm của Nhật Bản.

Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính cho biết, tham gia buổi thuyết trình có hai Giáo sư của Nhật Bản là Hisao TSUKAMOTO, Giáo sư Trường Quản lý công, Đại học Waseda chia sẻ về kinh nghiệm đánh giá chính sách và tổ chức bộ máy chính quyền Trung ương.

Giáo sư TAKADA Hirofumi, Phó Giám đốc Chương trình Lãnh đạo trẻ, Học viện Chính sách Quốc gia Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm về Nghiên cứu so sánh về quản lý địa phương, phát triển nguồn nhân lực tại chính quyền địa phương.

 

Các đại biểu tham dự buổi thuyết trình tại điểm cầu Hà Nội
 
Tại buổi thuyết trình, chia sẻ về cải cách hành chính chính quyền Trung ương Nhật Bản, Giáo sư Hisao TSUKAMOTO cho rằng cải cách hành chính là thách thức đối với mọi chính phủ. Mục tiêu của việc cải cách hướng tới cung cấp dịch vụ công thiết yếu, hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động của công dân và doanh nghiệp thông qua lắng nghe những khó khăn và tạo dựng lòng tin của họ đối với chính phủ.

 

Giáo sư Hisao TSUKAMOTO cho biết, đạt được mục tiêu này không dễ dàng, bởi hoạt động của chính phủ có xu hướng bị đình trệ và suy thoái nếu chúng không được kiểm tra, vì hoạt động của chính phủ thiếu một mục tiêu tối thượng và xuyên suốt là tạo ra lợi nhuận và thiếu môi trường cạnh tranh như trong khu vực tư nhân. Điều này đòi hỏi những nhà lãnh đạo cao cấp trong chính phủ phải thường xuyên chú ý đến những thay đổi trong môi trường xung quanh và hoạt động của nó, chỉ đạo quyết liệt để khởi xướng và thúc đẩy cải cách bộ máy chính phủ và cơ quan hành chính để đối phó với những thay đổi đó.

Chia sẻ kinh nghiệm trong cải cách hành chính chính quyền Trung ương Nhật Bản, Giáo sư Hisao TSUKAMOTO cho rằng, Nhật Bản đã cải tổ cơ bản thể chế và cơ cấu Chính phủ theo hướng tinh gọn bộ máy, chọn lọc, sắp xếp, phân loại chức năng; phân định lại mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và địa phương. Nhật Bản xây dựng khung pháp lý và chính sách cơ bản quy định cơ cấu tổ chức và biên chế.

Theo đó, mỗi bộ được thành lập sau khi Luật thành lập bộ đó được ban hành và Luật này liệt kê cụ thể nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của mỗi bộ. Mặt khác, Luật tổ chức Chính phủ quy định chính phủ phải được cơ cấu một cách hệ thống trong đó xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của mỗi bộ trong phạm vi quản lý của mình và không có sự chồng chéo. Số lượng biên chế tối đa giao cho mỗi bộ sẽ do Chính phủ quyết định bằng Chỉ thị của Chính phủ. Trong điều kiện ngân sách khó khăn, tổng chi nhân sự cần được cắt giảm thông qua việc cắt giảm chi phí nhân sự do cơ cấu như nhân sự già hóa và thu hẹp khoảng cách giữa tuổi nghỉ hưu và tuổi được nhân lương hưu, đảm bảo cơ quan chính phủ tinh gọn và hiệu quả đến mức tối đa.

 

Giáo sư Hisao TSUKAMOTO trình bày tại buổi thuyết trình
 
Giáo sư Hisao TSUKAMOTO cho rằng, nguyên lý thiết kế bộ máy tổ chức theo hướng chọn lọc và phân loại bộ phận thực hiện nhằm tạo điều kiện cho các bộ tập trung vào hoạch định chính sách, cũng như đảm bảo sự cân bằng, phù hợp giữa các bộ về mô hình tổ chức, ngân sách và quyền lực…

Trong buổi chiều cùng ngày, Giáo sư TAKADA Hirofumi, Phó Giám đốc Chương trình Lãnh đạo trẻ, Học viện Chính sách Quốc gia Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm về Nghiên cứu so sánh về quản lý địa phương, phát triển nguồn nhân lực tại chính quyền địa phương.

Đồng thời, các giáo sư Nhật Bản cũng giải đáp 1 số câu hỏi của các tỉnh, thành phố về chính sách và chế độ của Nhật Bản đối với các chuyên viên cao cấp, những tiêu chí khoa học để Nhật Bản chia tách cũng như sáp nhập các Bộ, chính sách đối với các nhân viên trong diện tinh giản biên chế và thù lao đối với nhóm người làm việc bán thời gian…/.

tin, ảnh: Phạm Cường