|
Ảnh minh họa |
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ bàn đến một loại im lặng là im lặng khi xin ý kiến bằng văn bản giữa các cơ quan nhà nước.
Quy định của pháp luật về im lặng thế nào?
Tra cứu các quy định của pháp luật hiện hành về các giao dịch hành chính, dân sự (các quy định về tư pháp có thể khác ít nhiều) thấy rất ít quy định về im lặng có là đồng ý hay không. Cả Bộ luật Dân sự 2015 cũng chỉ thấy có hai điều quy định liên quan đến im lặng.
Điều 393 Bộ luật Dân sự quy định chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng: “Sự im lặng của bên được đề nghị không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên”.
Điều 400 quy định thời điểm giao kết hợp đồng: “Trường hợp các bên có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng trong một thời hạn thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm cuối cùng của thời hạn đó”.
Khoản 4, điều 6 Nghị định 118/2015/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư nêu: “Trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời về nội dung được lấy ý kiến trong thời hạn quy định tại Luật Đầu tư và Nghị định này; quá thời hạn quy định mà không có ý kiến thì được coi là đã đồng ý với nội dung dự án đầu tư thuộc phạm vi quản lý của mình”.
Gần đây, một số cơ quan như thuế, hải quan cũng đã đưa ra một số quy định về việc im lặng là đồng ý như việc doanh nghiệp phát hành hóa đơn, gửi cơ quan thuế, sau một thời gian quy định nếu cơ quan thuế không có ý kiến được coi là đồng ý.
Những trường hợp này nếu được áp dụng nghiêm túc, triệt để thì rõ ràng là rất tốt, rất thông thoáng. Tuy nhiên,cũng chưa có tổng kết nào cho thấy có bao nhiêu trường hợp áp dụng được nguyên tắc này và “dám” áp dụng nguyên tắc này?
Để giải quyết vấn đề chậm có ý kiến phản hồi, thậm chí không có ý kiến phản hồi, nhiều văn bản đã phải viết rất rõ là nếu đến một mốc thời gian cụ thể nào đó mà cơ quan phát hành văn bản không nhận được ý kiến thì được hiểu là tổ chức, cá nhân được xin ý kiến đồng ý, có trường hợp còn nhấn mạnh thêm vài chữ là mà người được xin ý kiến vẫn phải chịu trách nhiệm liên quan.Vấn đề cần bàn là việc đưa thêm mấy dòng này vào có giá trị pháp lý hay không? Các cơ quan bảo vệ pháp luật có công nhận hay không?
Tình huống không thể im lặng
Giả định là cơ quan A xin ý kiến cơ quan B, đến hết hạn mà bên A đưa ra mà B không có ý kiến phản hồi thì A hiểu là B đồng ý? Theo trích dẫn trên thì trách nhiệm, nghĩa vụ của hai bên khi A hỏi mà B không trả lời chỉ trong trường hợp A và B có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận.
Tuy nhiên, trong các quan hệ hành chính, dân sự thì không chỉ có việc A hỏi B có đồng ý hay không đồng ý mà với rất nhiều trường hợp, nếu B không trả lời thì A không thể có thông tin để đưa đến quyết định đúng đắn được. Như vậy A hoặc phải đôn đốc lại rất mất thời giờ, hoặc A phải báo cáo cấp trên là B không cho ý kiến nên A không giải quyết được vấn đề.
Trong trường hợp A tích cực, chủ động mà tự quyết định lựa chọn giải pháp đúng thì tốt, tuy nhiên nếu sai thì nguy cơ A phải chịu trách nhiệm cao hơn bởi khi đó B hoàn toàn có thể cãi là không cho ý kiến thì không phải chịu trách nhiệm.
Rõ ràng, sự im lặng đang làm cho rất nhiều công việc, nhất là các công việc hành chính, bị tồn đọng, kéo dài.
Nhiều giải pháp đã được đưa ra như thay thế ngay cán bộ chậm chạp, vô cảm, nhẹ hơn như là nhắc nhở tên tổ chức, cá nhân không kịp thời giải quyết công việc, tuy nhiên việc thực hiện không được rộng khắp, đồng đều ở các cơ quan, có cơ quan làm tốt, có cơ quan làm chưa tốt. Tình trạng “tiếng tôi vang rừng núi, sao không ai trả lời” vẫn tiếp tục diễn ra hàng ngày, hàng giờ.
Vậy giải pháp thế nào?
Thời gian qua, Chính phủ đã hết sức quan tâm tới việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và trong lĩnh vực này, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã làm việc rất hiệu quả. Thay vì những báo cáo chung chung kiểu “hầu hết các công việc được triển khai tốt, nhanh tuy nhiên một số công việc còn chưa tốt, còn chậm”, Tổ công tác đã chỉ rõ những việc các bộ, cơ quan, địa phương đã làm, đang làm, chưa làm, quy ra trách nhiệm cụ thể, mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Đây là kinh nghiệm hay rất cần nhân rộng hơn nữa.
Về mặt luật pháp, cần sớm nghiên cứu việc có luật hóa được không việc im lặng là đồng ý hay không đồng ý, không để quy định ở các văn bản lẻ tẻ nữa. Bởi nếu không được luật hóa thì việc áp dụng sẽ là rất khó khăn và thậm chí gây gây rủi ro cho người mạnh dạn áp dụng.
Trước mắt, cần phải làm mạnh mẽ, quyết liệt để giải quyết vấn nạn im lặng, chậm trễ, đã hỏi là phải có trả lời chứ không thể im lặng, trả lời rõ ràng, rành mạch chứ không phải nước đôi, trả lời mà không hiểu ý tứ trả lời rút cuộc như thế nào.
Điều không kém phần quan trọng là, người hỏi cũng phải rất có trách nhiệm khi hỏi phải rõ ràng, hỏi đúng, hỏi đủ, cũng phải cho người trả lời một khoảng thời gian đủ để trả lời, tính cả thời gian công văn đi, đến, gửi lại.
Văn bản cũng rất cần có tên tuổi người liên hệ, địa chỉ, số điện thoại, email để thuận lợi bởi trao đổi trực tiếp bao giờ cũng nhanh hơn, dễ hiểu hơn rất nhiều khi phải diễn đạt bằng văn bản.
Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử một cách triệt để luôn là một giải pháp hàng đầu.
Lê Xuân Hiền
Trưởng phòng, Sở KH&ĐT tỉnh Hải Dương
Thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư