Ngày 5/4, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) và một số đơn vị đã tổ chức Hội thảo “Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo: Nắm bắt thời cơ phát triển”.

Ký kết hợp tác giữa các đơn vị và doanh nghiệp hợp tác tại Hội thảo (Ảnh: P.V)

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã tạo ra cơ hội hiếm có để các quốc gia đi sau vươn lên mạnh mẽ và đạt được những mốc phát triển mới về kinh tế. Trong bối cảnh đó, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo (starup) đang đóng vai trò quan trọng để đẩy nhanh quá trình chuyển giao, ứng dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là tiên phong ứng dụng các giải pháp sáng tạo và công trình khoa học công nghệ.

Hơn nữa, Luật Hỗ trợ DNNVV đã quy định nhiều nội dung hỗ trợ các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo như hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật; hỗ trợ tham gia cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; hướng dẫn thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới; hỗ trợ thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ…

Bên cạnh thuận lợi từ những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, về phía các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, theo ông Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), yếu tố quan trọng nhất giúp DNNVV khởi nghiệp sáng tạo thành công không phải là nguồn vốn mà là kinh nghiệm. Kinh nghiệm được đúc rút từ chính những lần khởi nghiệp thất bại trước đó, kinh nghiệm học từ các doanh nghiệp (DN) khác trong cùng ngành nghề…

Liên quan đến vấn đề nguồn vốn cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, ông Lực cho rằng, các DN không nên quá dựa vào nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, bởi những nguồn vốn này có hạn nên chỉ có ý nghĩa là những nguồn vốn mồi, chứ không thể đồng hành với DN trong suốt quá trình hoạt động. Thay vào đó, các DN khởi nghiệp có thể tìm kiếm nguồn vốn từ các quỹ đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm, từ thị trường vốn, các định chế tài chính, công ty tài chính, ngân hàng…

Đồng quan điểm với các chuyên gia của Việt Nam, với kinh nghiệm về tư vấn chính sách, ông Sharath Martin, Chuyên gia của ACCA Khu vực ASEAN, Australia và New Zealand chia sẻ, việc hình thành ý tưởng kinh doanh và ra đời được DN là thành công bước đầu của mỗi một DN khởi nghiệp sáng tạo. Quan trọng hơn, sau giai đoạn bước đầu đó, DN cần phải có những chiến lược hiệu quả để mở rộng quy mô.

Theo đó, ông Sharath Martin cho rằng, để mở rộng quy mô hiệu quả, các DN khởi nghiệp sáng tạo cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm. Trước hết, người lãnh đạo phải xây dựng được văn hóa tăng trưởng trong toàn DN. Khi người lao động chia sẻ và cam kết thực hiện theo mục tiêu và tầm nhìn của DN, họ thường sẽ xem tương lai của DN như là tương lai của chính họ. Vì vậy, cần xây dựng một chiến lược, tầm nhìn và mục tiêu tăng trưởng của DN gắn với xây dựng văn hóa tăng trưởng ở tất cả các cấp của DN. Bên cạnh đó, DN cần thiết lập một khung quản trị tốt ngay từ đầu hành trình kinh doanh của DN, để phát triển bền vững cũng như có khả năng linh hoạt ứng phó trước những biến động rủi ro của thị trường... Đặc biệt, DN cần tăng cường áp dụng các công nghệ mới, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Việc áp dụng công nghệ là yếu tố vô cùng quan trọng giúp DN có thể mở rộng quy mô và đóng góp đáng kể vào việc tăng hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của DN…./.

HA.NV