Khám chữa bệnh từ xa: Làm gì để hiện thực hóa chủ trương đúng đắn?  

(Chinhphu.vn) - Khám, chữa bệnh từ xa là một chủ trương đúng của ngành y tế thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Để hiện thực hóa chủ trương này một cách hiệu quả và bền vững, thì cần phải có các hướng dẫn, tiêu chí, bộ công cụ giám sát, đánh giá thường kỳ… khi thực hiện Đề án.
 
Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ từ xa về chuyên môn chẩn đoán, điều trị COVID-19 đặt tại Bộ Y tế. Ảnh: VGP/Thúy Hà
Theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Y tế là lĩnh vực cần ưu tiên hàng đầu với hoạt động chính như phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo… Đây là một giải pháp quan trọng để thực hiện nhiệm vụ kép vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.

Thực hiện chỉ đạo trên, ngày 22/6/2020, Bộ Y tế đã ban hành Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 – 2025. Sau gần 3 tháng triển khai, ngày mai (25/9) Bộ Y tế sẽ tổ chức lễ khánh thành kết nối 27 bệnh viện (BV) tuyến trên với hơn 1.000 điểm trên cả nước cần hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa. Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Chính phủ đã phỏng vấn với ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế.

Thưa ông, tính tới thời điểm này, Đề án Khám, chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế đang được triển khai tới đâu? Bộ có nhận định như thế nào về hiệu quả bước đầu tới thời điểm này của Đề án?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê:

Mục tiêu của Đề án Khám, chữa bệnh từ xa là mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương. Người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.

Toàn ngành y tế đang đồng loạt triển khai Đề án, kế thừa và phát huy công tác chỉ đạo tuyến, đề án Bệnh viện vệ tinh và phát huy thế mạnh của công nghệ thông tin trong thời đại 4.0.

Sau gần 3 tháng triển khai Đề án, đến nay đã có 27 bệnh viện (BV) tuyến Trung ương và các BV tuyến cuối của Hà Nội, TPHCM tham gia và kết nối được trên 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa.

Tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 1.000 điểm cầu được kết nối. Hàng trăm buổi tư vấn và khám, chữa bệnh từ xa đã được thực hiện góp phần giảm tải cho các BV tuyến trên, đặc biệt phát huy hiệu quả khám, chữa bệnh trong giai đoạn cả nước tiếp tục thực hiện phòng, chống COVID-19 và tái phát triển kinh tế- xã hội.

 

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng tiêu chí, bộ công cụ giám sát, đánh giá để xác định sản phẩm, đầu ra của Đề án theo từng chuyên khoa. Ảnh: VGP

Hiện nay, trong quá trình thực hiện Đề án còn có những khó khăn gì, thưa ông?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Đề án Khám, chữa bệnh từ xa đang ở giai đoạn đầu triển khai, chúng tôi sẽ có tổng kết và rút kinh nghiệm sau khi các BV đồng loạt triển khai từ ngày 25/9 và sẽ có đánh giá về nội dung, cách thức hội chẩn, sự kết nối, tính bảo mật, vấn đề chuyển viện, thanh toán ca hội chẩn,…

Các hoạt động đang ở giai đoạn đầu, toàn ngành y tế vẫn đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản chính sách để đảm bảo Đề án phát triển bền vững, đáp ứng mục tiêu đề ra.

Một trong những điều kiện để thực hiện tốt Đề án là cần có hướng dẫn thực hiện, triển khai. Vậy, Cục đã triển khai những vấn đề gì?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã phối hợp với các Vụ, Cục, các BV trực thuộc xây dựng các quy chế, hướng dẫn trong giai đoạn đầu của Đề án. Đó là hướng dẫn quy trình tổ chức hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa; quy chế hướng dẫn bảo mật thông tin trong tư vấn, hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa; danh mục các kỹ thuật khám, chữa bệnh từ xa; "sách vàng" 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa…

Trước khi Đề án Khám, chữa bệnh từ xa được xây dựng và triển khai, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã được Bộ Y tế cho phép thành lập Trung tâm quản lý và điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán và điều trị COVID-19. Trung tâm đã tập hợp được đội ngũ các chuyên gia đầu ngành, các nhà quản lý để tập trung trí tuệ hội chẩn các bệnh nhân COVID-19 nặng khi dịch bệnh bùng phát và diễn biến phức tạp.

Qua giai đoạn 2, phát huy những kinh nghiệm từ giai đoạn 1, Trung tâm tiếp tục điều hành và chỉ đạo 4 BV tại Đà Nẵng trong giai đoạn cách ly và chỉ đạo điều hành công tác khám, chữa bệnh của các BV tại Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam, Quảng Trị…

Tại Trung tâm, Bộ Y tế thiết lập Văn phòng Ban chỉ đạo thực hiện Đề án Khám, chữa bệnh từ xa và có nhiệm vụ quản lý, điều hành, điều phối để việc hội chẩn diễn ra thuận lợi, hiệu quả, tránh chồng chéo. Có thể sẽ phân chia các ngày trong tuần theo lĩnh vực như nội, ngoại, sản, nhi…..

 

Các chuyên gia y té hỗ trợ từ xa tư vấn điều trị bệnh nhân nặng mắc COVID-19.
Ảnh: VGP/Lê Hảo

Giai đoạn 2020-2021, Đề án ưu tiên đầu tư các chuyên khoa: Tim mạch, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm, ung bướu, huyết học truyền máu, các bệnh không lây nhiễm… Dự kiến, Đề án đầu tư các BV tuyến trên và ít nhất 400 BV tuyến tỉnh, tuyến huyện và BV tư nhân.

Bên cạnh đó, Trung tâm Phát triển năng lực quản lý khám bệnh, chữa bệnh và Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị COVID-19 sẽ tiếp tục hệ thống hóa các tài liệu giảng dạy đưa lên hệ thống đào tạo trực tuyến; xây dựng hệ thống phân quyền, mở và truy cập theo yêu cầu; hình thức học bao gồm tự học, học theo nhóm thông qua diễn đàn thảo luận hoặc các hình thức học trực tuyến khác; kiểm tra theo dõi tiến độ học tập và kết quả học tập của học viên; xây dựng hệ thống tương tác giữa các học viên để trao đổi, thảo luận, học tập lẫn nhau, tổ chức đào tạo nâng cao chuyên môn y tế bằng cầu truyền hình trực tuyến thực hành tại các phòng mổ đầy đủ trang thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu.

Hướng dẫn này có yêu cầu, trách nhiệm như thế nào đối với các bệnh viện tuyến trung ương khi tham gia tư vấn khám chữa bệnh từ xa và đào tạo từ xa cho các cơ sở khám chữa bệnh tham gia Đề án, thưa ông?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Bộ Y tế đã xây dựng Hướng dẫn ban đầu về quy trình hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa. Trong đó sẽ tiếp tục có những hướng dẫn cụ thể để việc hội chẩn đảm bảo đúng chuyên môn, hiệu quả.

Vậy, hướng dẫn có tiêu chí để đánh giá BV nào thực hiện tốt, BV nào thực hiện chưa hiệu quả không, kinh phí khi thực hiện hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Hiện, Bộ Y tế đang xây dựng tiêu chí, bộ công cụ giám sát, đánh giá để xác định sản phẩm, đầu ra của Đề án theo từng chuyên khoa. Hàng năm, Đề án có kiểm tra, đánh giá tổng kết rút kinh nghiệm, bổ sung điều chỉnh các hoạt động phù hợp và hoàn thiện, phát triển mô hình khám, chữa bệnh từ xa.

Đối với các dự án khám, chữa bệnh từ xa mà BV tuyến trên trực thuộc Bộ Y tế, Bộ Y tế sẽ bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định khác. Đối với các dự án BV tuyến trên trực thuộc Sở Y tế Hà Nội và Sở Y tế TPHCM sẽ do ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương hoặc ngân sách của địa phương để thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để các BV tuyến dưới thực hiện Đề án. Đối với BV tư nhân, tự bảo đảm kinh phí đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, đóng góp kinh phí cho BV tuyến trên.

Xin cảm ơn ông!

Thúy Hà (thực hiện)

608 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 609
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 609
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78114735