Kết quả phổ biến, quán triệt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Trị 

Việc thực hiện pháp luật nói chung và Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở nói riêng được tổ chức thường xuyên, trong những điều kiện và đối tượng khác nhau và cũng chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, như: trình độ dân trí, văn hóa, ý thức pháp luật, truyền thống, phong tục tập quán, lối sống, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội… Trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và việc thực hiện Luật này trên thực tế sẽ góp phần thể chế hóa các quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 13/11/2022, có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2023, gồm có 6 chương, 91 điều, quy định nội dung, cách thức thực hiện, quyền và nghĩa vụ công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Luật quy định mọi công dân thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn, tại thôn, tổ dân phố nơi mình cư trú; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị nơi mình công tác; công dân là người lao động thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động nơi mình có giao kết hợp đồng lao động.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ban hành là cơ sở vững chắc cho thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của Nhân dân; tiếp tục khẳng định và góp phần thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.

Sau khi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được ban hành, thực hiện kết luận của Thường trực Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND tỉnh ban hành Công văn số 436/UBND-NC, ngày 10/2/2023, chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Kế hoạch số 88/KH-UBND, ngày 24/4/2023 về triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở từ tỉnh đến cơ sở và Kế hoạch số 21/KH-UBND, ngày 29/01/2023 về công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở trên địa bàn tỉnh; Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh đã tổ chức hội nghị phổ biến Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Luật thanh tra; ngày 28/11/2023, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và Nghị định số 59/2023/NĐ-CP, ngày 14/8/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Nghị định số 61/2023/NĐ-CP, ngày 16/8/2023 quy định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư, nhằm hướng dẫn thực hiện đồng bộ, thống nhất nội dung quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo sở, ban, ngành và lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, lãnh đạo các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp; cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người lao động về thực hiện dân chủ ở cơ sở được biết và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và thống nhất. Sau khi tiếp thu các nội dung văn bản chỉ đạo, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện và tổ chức các hội nghị quán triệt, phổ biến Luật và các văn bản có liên quan tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Công văn số 5398/UBND-NC, ngày 18/10/2023 của UBND tỉnh  chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị định số 59/2023/NĐ-CP, ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở đến các cơ quan, tổ chức, địa phương trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tổ chức tuyên truyền Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức khác: đăng tải tin, bài, tài liệu giới thiệu, tuyên truyền Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành trên Cổng thông tin điện tử các địa phương, cơ quan, đơn vị minh. Trong năm 2023, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ các cấp chủ động tham mưu cấp uỷ đảng củng cố, kiện toàn BCĐ; bổ sung, điều chỉnh quy chế hoạt động, ban hành chương trình công tác, kế hoạch kiểm tra, giám sát và tiến hành kiểm tra, giám sát tại 115 địa phương, cơ quan, đơn vị. Thông qua kiểm tra nhằm đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân; đồng thời yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai sâu rộng Luật và Nghị định số 59/2023/NĐ-CP, ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo các LĐLĐ cấp huyện, công đoàn ngành chủ động nghiên cứu các quy định mới, phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp tuyên truyền, triển khai, phổ biến luật, Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cùng các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dân chủ ở cơ sở hiện hành.

Kết quả, đến nay, đã có 96% cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp (có CĐCS) tổ chức hội nghị CBCCVC, NLĐ. Hầu hết ở các cơ quan, đơn vị, quá trình triển khai thực hiện được sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy đảng, sự phối hợp chặt chẽ giữa chuyên môn và công đoàn. Công đoàn Viên chức tỉnh đã áp dụng những điểm mới của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở vào công tác tổ chức hội nghị CBCCVC, NLĐ, đảm bảo quy trình, thành phần, nội dung, trình tự theo quy định pháp luật hiện hành. Các hội nghị còn thảo luận và quyết định các nội dung được CBCCVC, NLĐ bàn và quyết định theo quy định tại Điều 49 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (quy định mới) như: việc thu, chi, quản lý, sử dụng các khoản đóng góp của CBCCVC, NLĐ tại cơ quan, đơn vị ngoài các khoản đã được pháp luật quy định; các công việc tự quản khác trong nội bộ cơ quan, đơn vị.

Đối với khu vực DN, có 100% DN nhà nước, 62% doanh nghiệp ngoài nhà nước (có CĐCS) đã tổ chức hội nghị NLĐ năm 2024. Về cơ bản các DN đã cập nhật, bổ sung, thực hiện đúng theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở... Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vẫn chưa rà soát, sửa đổi và tổ chức thực hiện dân chủ theo quy định mới.

Việc triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở góp phần tăng cường pháp chế, kỷ cương xã hội, tính công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; là phương thức quan trọng phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, qua đó giúp cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua thảo luận, đóng góp ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp, pháp luật./. Hoàng Thanh Vũ

88 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 603
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 603
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77437404