Hướng Lập kỳ vọng vào mô hình phát triển kinh tế mới 

Biên phòng - Ngước mắt nhìn lên bầu trời đêm, Trung tá Trần Quang Huy, nhân viên Trạm kiểm soát Cù Bai, Đồn Biên phòng Cù Bai, BĐBP Quảng Trị nói trong niềm vui: “Mây, gió kéo về như ri, tối nay chắc trời sẽ mưa, mong có được cơn mưa để vườn chuối mới bén rễ trên vùng đất mới không còn phải chịu cảnh khát nước”. Trung tá Huy đang nói đến một mô hình sản xuất mới đang manh nha hình thành và rạng rỡ hướng tương lai trên vùng đất biên cương Hướng Lập, thể hiện khát vọng vươn lên trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của quân và dân nơi miền biên viễn còn nhiều gian khó này.
4b8g_14

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cù Bai và bà con bản Cù Bai chăm sóc vườn chuối mật mốc dưới chân núi Cà Tam. Ảnh: Nguyễn Thành Phú

Nỗi trăn trở của người lính với bản làng

Xã biên giới Hướng Lập, huyện vùng cao Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị có 366 hộ dân, trong đó, dân tộc thiểu số Vân Kiều chiếm đa số (98,64%). Những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, nơi đây được ví là “túi bom” trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại, dẫu đạn bom ác liệt, song người dân tộc Vân Kiều xã Hướng Lập vẫn một lòng sát cánh cùng bộ đội và cán bộ, chiến sĩ Đồn Công an vũ trang Cù Bai đánh trả quân thù, giữ vững con đường huyết mạch tiếp tế cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Hướng Lập cũng là địa phương miền núi đầu tiên của tỉnh Quảng Trị mà người dân tộc Vân Kiều biết định canh, định cư, trồng cây lúa nước để xây dựng bản làng thành điểm sáng trên vùng cao và giúp đỡ bộ đội... Dù chiến tranh đã lùi xa, được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư xây dựng, song Hướng Lập vẫn là địa phương trong diện đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo chiếm 59,48%. 

Đất canh tác của Hướng Lập khá nhiều, cơ cấu cây trồng tương đối phong phú, nhưng bao lâu nay, Hướng Lập vẫn loay hoay trong việc chọn một loại cây trồng, vật nuôi để làm chủ lực kinh tế của địa phương. Chứng kiến sự vất vả của người dân, Trung tá Nguyễn Quang Tuấn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cù Bai luôn trăn trở, tìm hướng đi mới cho vùng quê Hướng Lập phát triển.

Kỳ vọng mô hình phát triển kinh tế mới

Trước khi Trung tá Nguyễn Quang Tuấn được cấp trên điều động giữ chức vụ Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cù Bai (tháng 6-2016) thì anh đã có 5 năm công tác tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, nơi được xem là “thủ phủ” cây chuối mật mốc của tỉnh Quảng Trị. Vì vậy, khi nhìn thấy cuộc sống của người dân trên địa bàn còn quá vất vả, do các loại cây trồng bấp bênh về giá và chưa hình thành vùng cây nguyên liệu, anh đã nảy sinh ý tưởng đưa cây chuối mật mốc vào cho bà con trồng, nếu phát triển tốt thì đây sẽ là loại cây chủ lực để người dân xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Tháng 3-2017, anh dùng tiền lương của mình mua 350 gốc chuối ở thị trấn Lao Bảo đem vào trồng thử ở bản Cù Bai và dọc triền đất dưới chân ngọn núi Cà Tam. Cả đơn vị hồi hộp từng ngày dõi theo sự ra rễ, nhú mầm của cây, cho đến khi toàn bộ 350 gốc chuối đủ sức để sống, phát triển tốt, anh mới thở phào nhẹ nhõm. Tiếp đó, anh mua thêm 250 gốc, đem trồng tại đơn vị 100 gốc, số còn lại anh giao cho ông Lê Đình Hoan, ở bản Cù Bai trồng thí điểm trên rẫy của gia đình.

Cứ thế, cây chuối mật mốc dần bám trụ trên vùng đất Hướng Lập xa xôi, đến thời điểm này, đã có hơn 1.000 gốc được gia đình ông Hoan trồng theo sự hướng dẫn của Đồn Cù Bai, với tỷ lệ sống đạt 100%. Đầu năm 2019, 350 gốc chuối trồng đầu tiên đã cho sản phẩm, tuy quả chưa to bằng khu vực Tân Long, Lao Bảo, song chuối ở vùng đất này lại có vị ngọt và thơm hơn.

Trao đổi với chúng tôi, bà Hồ Thị Thiết, Bí thư Đảng ủy xã Hướng Lập khẳng định: “Tuy mới trồng thử nghiệm, song bước đầu, cây chuối mật mốc phát triển và cho năng suất, chất lượng quả rất tốt. Thời gian tới, nếu thấy phù hợp, chúng tôi sẽ vận động, hướng dẫn bà con tích cực trồng theo mô hình cây nguyên liệu để thay thế dần cho một số loại cây khác có giá trị kinh tế không cao, đồng thời, phối hợp với Đồn Biên phòng Cù Bai và các ngành, các cấp tìm đầu ra ổn định cho bà con”.

Còn Trung tá Nguyễn Quang Tuấn lại tâm tư: “Việc trồng thí điểm đã cho kết quả khá tốt, song để tuyên truyền, vận động nhân dân trồng theo hướng sản xuất vùng nguyên liệu thì không phải dễ. Hơn nữa, chỉ mỗi đồn Biên phòng thì không đủ sức, bởi hiện tại, có khá nhiều cán bộ xã và bà con đăng ký cây giống, nhưng chúng tôi không thể đáp ứng được vì eo hẹp về kinh phí”.

Tương lai cho mô hình trồng cây chuối mật mốc trên địa bàn xã Hướng Lập có thể nói bước đầu đã nhìn thấy rõ, song để phát triển mạnh mẽ và thực sự trở thành sản phẩm chủ lực cho đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều nơi vùng cao biên giới theo định hướng “Mỗi xã một sản phẩm” thì cần và rất cần sự vào cuộc, chung tay của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các cấp, các ngành đứng chân trên địa bàn.

Nguyễn Thành Phú

552 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 947
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 947
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77267654