Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII - tổng kết nhiều nghị quyết quan trọng 

Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã diễn ra thành công tốt đẹp từ ngày 04/5 đến ngày 10/5/2022 tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị đã họp bàn và thống nhất các nhiều chủ trương, định hướng cơ bản, quan trọng trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, trong đó có nhiều quan điểm, mục tiêu, giải pháp mới về chính sách, pháp luật về đất đai; về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Cụ thể:

Về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời ký đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới

Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất một số quan điểm chủ yếu sau:

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng và quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra. Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội theo luật định, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình. Quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất công bằng, hiệu quả và bền vững.

Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hoá đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu; quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ. Người sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai; không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân; có chính sách để đất nông nghiệp được sử dụng với hiệu quả cao nhất.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất các mục tiêu chủ yếu sau:

Về mục tiêu tổng quát: Hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đất đai được huy động, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững; được quản lý với hiệu lực, hiệu quả cao; thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả; nguồn lực đất đai được vốn hoá, khai thác, phát huy cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo đảm công bằng, ổn định xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Về mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Ưu tiên thời gian, nguồn lực để sớm hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 vào năm 2023 và một số luật liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông. Hoàn thành việc kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đất đai theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ, thống nhất; có sự phân cấp phù hợp, hiệu quả kèm theo cơ chế kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất và xây dựng kinh tế…

Mục tiêu đến năm 2030: Hệ thống pháp luật về đất đai được hoàn thiện đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khắc phục cơ bản tình trạng sử dụng đất lãng phí, để đất hoang hoá, ô nhiễm, suy thoái.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp chính sau:

Một là: Tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hai là: Hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ba là: Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai.

Bốn là: Đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng.

Năm là: Tập trung giải quyết về cơ bản các tồn tại, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất.

Sáu là: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong quản lý và sử dụng đất.

Về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất các quan điểm chính sau:

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển. Phát triển nông nghiệp, nông thôn phải hướng tới nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và người dân nông thôn, lấy lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất.

 Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm, tích hợp đa giá trị theo hướng sinh thái, khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, phát triển cả thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước.

Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với đô thị; đời sống văn hoá phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; môi trường xanh, sạch, đẹp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân và người dân nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện và vận động hội viên, người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030: Nông dân và người dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông thôn phát triển toàn diện, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, môi trường sống tốt đẹp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; xây dựng tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5 - 6%/năm. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn bình quân trên 10%/năm. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 90%, trong đó, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới trên 70%, trong đó 35% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020. Tỉ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 80%. Tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%; bình quân hằng năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn; tỉ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 60%. Tỉ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%, nâng cao năng suất, chất lượng rừng; tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 90%.

Tầm nhìn đến năm 2045 là: Nông dân và người dân nông thôn văn minh phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, thông minh, sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, quy mô xuất khẩu nông sản đứng hàng đầu thế giới. Nông thôn hiện đại, điều kiện sống tiệm cận với đô thị, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Một là: Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và người dân nông thôn.

Hai là: Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng.

Ba là: Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn.

Bốn là: Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hoá.

Năm là: Hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Sáu là: Tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đào tạo nguồn nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn.

Bảy là: Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.

Tám là: Chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực và khoa học - công nghệ.

Chín là: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp ở nông thôn.

Về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới,phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đưa ra quan điểm chỉ đạo:

 Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển, là thành phần kinh tế quan trọng cùng kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu khách quan trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phải xuất phát từ nhu cầu của thành viên, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên tăng năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững.

Kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao trong đó hợp tác xã là nòng cốt.

 Kinh tế tập thể phát triển dựa trên sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tổ chức; tổ chức hoạt động theo nguyên tắc đối nhân không phụ thuộc vào vốn góp; phân phối theo mức độ tham gia dịch vụ, theo lao động và theo vốn góp.

 Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kinh tế tập thể phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng về chất lượng, bảo đảm sự hài hoà trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn của nền kinh tế... Đánh giá hiệu quả kinh tế tập thể phải toàn diện cả kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, cả hiệu quả của tổ chức và của các thành viên.

Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Liên minh hợp tác xã và các tổ chức đại diện phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia kinh tế tập thể.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đưa ra mục tiêu tổng quát: Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững thực sự là nền tảng của nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và nhiều tổ chức tham gia; không ngừng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống thành viên, hộ gia đình, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đưa ra Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên; xây dựng thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã. Bảo đảm trên 80% tổ chức kinh tế hợp tác hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hoá gắn với liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.

Tầm nhìn đến năm 2045: Thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế hợp tác. Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức kinh tế hợp tác, bảo đảm chất lượng hoạt động ngang tầm phong trào hợp tác xã các nước trong khu vực và trên thế giới. Các hợp tác xã đều áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ; bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế hợp tác hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết. Đẩy mạnh phát triển mô hình liên đoàn hợp tác xã, mô hình doanh nghiệp trực thuộc các tổ chức kinh tế hợp tác. Có ít nhất 3 tổ chức kinh tế hợp tác nằm trong bảng xếp hạng 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu do Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) công nhận.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:

Một là: Nhận thức đúng bản chất, vị trí, vai trò của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Hai là: Bổ sung, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, các tổ chức kinh tế hợp tác

Ba là: Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế hợp tác

Bốn là: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với kinh tế tập thể

Năm là: Đổi mới nội dung, phương thức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp đối với phát triển kinh tế tập thể.

                                                                               Châu Minh  (TH)

750 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 896
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 897
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78216565