Hội nghị báo cáo viên Tỉnh ủy lần thứ 12, nhiệm kỳ 2020-2025 

Sáng ngày 20/3, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị báo cáo viên Tỉnh ủy lần thứ 12, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Thành phần tham dự là Báo cáo viên Tỉnh ủy, cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh; cán bộ, chuyên viên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Quốc Khánh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thông tin chuyên đề: Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, sáng tạo, có tính cạnh tranh cao theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Công nghiệp văn hóa đã và đang trở thành ngành kinh tế trọng điểm của nhiều quốc gia trên thế giới. công nghiệp văn hóa bao gồm các lĩnh vực sử dụng năng lực sáng tạo, nguồn vốn văn hóa, kết hợp chặt chẽ với ứng dụng công nghệ và kỹ năng kinh doanh, để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa. ​Hiện nay, công nghiệp văn hóa được Chính phủ xác định bao gồm 12 lĩnh vực: quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình, phát thanh và du lịch văn hóa.

Trong giai đoạn từ năm 2018 - 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỉ đồng (tương ứng 44 tỉ USD). Trong 5 năm qua, bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21%/năm.

Về quan điểm phát triển: Theo Nghị quyết Đại hội XII, XIII của Đảng và 02 nghị quyết chuyên đề, xác định 4 quan điểm phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam. Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy được lợi thế của Việt Nam, phù hợp với quy luật cơ bản của kinh tế thị trường Phát triển công nghiệp văn hóa phải gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam,.

 Mục tiêu chung đến năm 2030, phát triển các ngành CNVH Việt Nam trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm... Đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng của Việt Nam.

          Tại hội nghị sáng nay, đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thông tin chuyên đề: Một số kết quả nổi bật trong “Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và trong phong trào “Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; tình hình, kết quả triển khai chủ trương xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.

Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh đã có 69/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), chiếm tỉ lệ 68,3%. Trong đó, có 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; bình quân tiêu chí toàn tỉnh là 15,8 tiêu chí/xã (tăng 1,7 tiêu chí/xã, so với cuối năm 2022); có 4 thôn đặc biệt khó khăn, thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt chuẩn thôn NTM; 78 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu.

Từ năm 2004 đến nay, thông qua nguồn kinh phí của Nhà nước và các nguồn hỗ trợ của xã hội, toàn tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ xây dựng trên 23.000 nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng khó khăn; xây mới và sửa chữa 12.835 nhà ở cho người có công với cách mạng. Trong năm 2024, dự kiến huy động nguồn lực hỗ trợ xây dựng trên 500 nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo.

Về định hướng tuyên truyền trong thời gian tới, đề nghị Ban Tuyên giáo các huyện, thị, thành ủy; Tuyên huấn các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, đội ngũ báo cáo viên các cấp, tuyên truyền viên cơ sở tập trung quán triệt, tuyên truyền một số nội dung trọng tâm sau: Quán triệt Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 05/02/2024 của Ban Bí thư về công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhấn mạnh: triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa. Phát triển công nghiệp văn hóa phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa.

 Tuyên truyền kết quả chuyến công tác, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Australia, thăm chính thức Australia và thăm chính thức New Zealand từ ngày 05 đến 11/3. Chuyến công tác, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính góp phần tích cực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 59-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng tham gia ASEAN đến năm 2030 và Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Việc tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử của đất nước trong năm 2024, nhất là sự kiện trọng đại 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay nhằm khơi dậy lòng yêu nước, truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng; ý chí tự lực, tự cường và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Đội ngũ báo cáo viên các cấp, tuyên truyền viên cơ sở tăng cường báo cáo, nói chuyện truyền thống vào dịp kỷ niệm. Lê Liên, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

34 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 519
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 519
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77486656