Học tập tấm gương tinh thần trách nhiệm, phong cách khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh  

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, suốt đời luôn hy sinh, tận tụy cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho tự do và hạnh phúc của nhân dân, cho lý tưởng cách mạng cao cả của thời đại. Một nhà văn nước ngoài đã từng gọi Bác Hồ là một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng. Người tiêu biểu nhất cho tư tưởng, đạo đức cộng sản chủ nghĩa ở Việt Nam và kết tinh những đức tính tốt đẹp nhất của dân tộc ta. Đấy là tư tưởng, phẩm chất và đạo đức của Người mãi mãi là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta noi theo.

Cuộc đời và sự nghiệp của Người đã trở thành di sản lớn lao của dân tộc Việt Nam. Do vậy, việc học tập và làm theo Bác, đặc biệt học tập và làm theo tấm gương tinh thần trách nhiệm, phong cách khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa vô cùng quan trọng và yêu cầu cấp thiết đối với toàn Đảng, toàn dân ta.

* Tấm gương tinh thần trách nhiệm

Xuất phát từ ý chí dân tộc, từ hoài bão cứu nước, năm 1911, Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc sang phương Tây tìm đường cứu nước. Với khát vọng cháy bỏng giành độc lập tự do cho dân, cho nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh kiên trì chịu đựng mọi khó khăn gian khổ, Người chú ý xem xét tình hình các nước, suy nghĩ về những điều mắt thấy, tai nghe, hăng hái học tập và tham gia các cuộc diễn thuyết của nhiều nhà chính trị và triết học. Người đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người bôn ba khắp năm châu bốn biển, vừa lao độnghọc tập, vừa quan sát, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm các nước để tìm đường cứu nước, cứu dân, tìm ra con đường đúng đắn giải phóng cho dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách đô hộ, áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản thực dân Pháp và chế độ phong kiến.

Bác Hồ khái quát về “Tinh thần trách nhiệm là nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ(1), là “khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy, v.v., là không có tinh thần trách nhiệm”(2).

Ngay sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân. Người nêu rõ các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu cầu tự do hạnh phúc cho mọi người… phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh, đồng thời nhấn mạnh các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Đó là tấm lòng yêu nước sâu sắc, yêu thương con người vô hạn của Bác đối với Nhân dân.

Trong công việc, Người đòi hỏi mỗi người phải có trách nhiệm đối với đơn vị, tổ chức mình tham gia, đó là phần việc được giao, là điều phải làm, phải gánh vác theo cương vị, chức trách. Đồng thời, Đảng và từng tổ chức đảng, cán bộ và đảng viên phải nêu cao tính tiền phong gương mẫu trong đạo đức, lối sống, thái độ và trách nhiệm với công việc, thật sự nêu gương nhằm tạo những tấm gương sáng cho quần chúng tin tưởng, noi theo.

Chúng ta nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với người phương Đông, nhất là với người Việt Nam giàu tình cảm, “Một tấm gương sống còn có giá hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(3). Bác khẳng định, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên chăm lo tu dưỡng đạo đức như việc rửa mặt hàng ngày, đây là công việc phải làm kiên trì, bền bỉ suốt đời. Theo Người, đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Việc rèn luyện, tu dưỡng, nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên phải được thông qua hoạt động thực tiễn sinh hoạt, học tập, lao động, chiến đấu.

Ở Người còn thể hiện tinh thần trách nhiệm trong công việc là hài hòa và đúng đắn nhất mực giữa lời nói và việc làm; nói đi đôi với làm, nói được làm được, sẽ mang lại những hiệu quả lớn, được nhiều người hưởng ứng và làm theo. Không được nói nhiều làm ít hoặc nói mà không làm, không được “nói một đằng làm một nẻo”. Nếu chính mình tham ô nhưng nói người khác liêm khiết là không được. Nếu nói rằng phải cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, mà bản thân mình lại lười biếng, không tiết kiệm, sống xa hoa… lời nói không có tác dụng giáo dục.

 Bác rất công tâm trong xử lý công việc, luôn đặt lợi ích của tập thể, của nhân dân lên trên hết. Theo Người, phải kiên quyết dẹp bỏ chủ nghĩa cá nhân, phải chiến đấu và chiến thắng chủ nghĩa cá nhân, vì “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô…” (4), là kẻ thù bên trong của mỗi con người. Đồng thời, Người cảnh báo: “Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”(5).

Về thời gian làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm việc chấp hành thời gian làm việc, phải đúng giờ. Người rất quý thời gian, không chỉ thời gian của bản thân mà cả thời gian của tập thể, người khác. Theo Người, đi trễ 5 phút là chuyện to chứ không phải chuyện nhỏ, vì 5 phút đó phải được nhân lên cho sự chờ đợi của nhiều người. Ở Người không chỉ tiết kiệm về thời gian mà còn tiết kiệm cả về của cải, vật chất, từ hạt cơm rơi, thức ăn thừa... nhằm thực hành tiết kiệm cho dân, cho nước.

* Phong cách khoa học

Ở phong cách Hồ Chí Minh có lẽ bất cứ một người dân Việt Nam nào cũng ít nhiều biết được đức tính “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, tác phong khiêm tốn, giản dị, rất quần chúng, bao dung của Người. Ở Hồ Chí Minh với cái tâm trong sáng, cái trí mẫn tuệ, với hành động vĩ đại đã thực sự trở thành Người hơn tất cả mọi người, chưa từng có trong lịch sử nhân loại.

Người đã dạy: “Muốn quyết định đúng, trước tiên phải kiểm tra, nghiên cứu rõ ràng. Phải hiểu rằng, Đảng có hiểu rõ tình hình thì đặt chính sách mới đúng. Mà muốn hiểu rõ tình hình thì Đảng nên phải điều tra và báo cáo rõ ràng tình hình từng xã, từng huyện, từng khu. Nếu không biết rõ tình hình mà đặt chính sách thì kết quả là nồi vuông úp vung tròn, không ăn khớp gì hết”.

Ngay từ những ngày đầu, khi Đảng mới nắm chính quyền, Người đã lên án tội “báo cáo láo”. Làm được ít suýt ra nhiều để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ thì rỗng tuếch… Thế là dối trá với Đảng, có tội với Đảng. Làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà, cũng là bệnh rất nguy hiểm.

Để nắm được tình hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở chúng ta phải lắng nghe ý kiến của đảng viên và quần chúng. Nhưng nghe như thế nào, làm thế nào nghe được tiếng nói chân thực của những người trung thực? Thực tế cuộc sống cho ta thấy giá trị chân thật của lời nói tùy thuộc vào tính trung thực của người nói, song một phần còn tùy thuộc ở thái độ của người nghe. Do đó, người cán bộ phải học cách nghe, rèn luyện thái độ nghe, làm thế nào để động viên khuyến khích người nói phản ánh đúng sự thật.

Theo Hồ Chí Minh, phong cách làm việc khoa học, bài bản, có kế hoạch đòi hỏi người cán bộ phải “đặt kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ, thiết thực”, đồng thời phải có “óc tổ chức”, chia công, xếp việc cho rõ ràng. Người đã dạy chúng ta hai cách lãnh đạo rất cơ bản khi thi hành các chủ trương công tác: phải gắn chặt với quần chúng và phải tổ chức chỉ đạo kiểm điểm rút kinh nghiệm rồi mở rộng ra. Người nói: “Bất cứ việc gì, chúng ta phải bắt đầu từ gốc, dần dần đến ngọn, từ ít đến nhiều, từ hẹp đến rộng, chớ nên tham mau, tham nhiều trong một lúc”. Đồng thời, khi làm xong một công việc, dù thành công hay thất bại đều có tổng kết thực tiễn rút kinh nghiệm những việc làm được, chưa làm được, phát hiện những khó khăn, vướng mắc để tiến hành những công việc khác tốt hơn. Người nhắn nhủ: “Công việc gì bất kì thành công hoặc thất bại, chúng ta cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là cái thìa khoá phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới”(6).

Trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề cán bộ và Người cho nhiều chỉ dẫn có ý nghĩa phương pháp luận khoa học để giải quyết đúng vấn đề cán bộ. Điều quan trọng trước tiên theo Người, là phải hiểu biết đúng cán bộ. Do vậy phải chí công, vô tư trong việc xem xét cán bộ. Trong sử dụng cán bộ, Người phê phán gay gắt những bệnh: lạm dụng người bà con, anh em quen biết, bạn bè, ham dùng bọn nịnh hót, ghét những người chính trực, tránh những người không hợp ý mình. Người căn dặn: phải có độ lượng, mới có thể đối với cán bộ một cách chí công, vô tư, không thành kiến, khiến cán bộ khỏi bị bỏ rơi. Phải chịu khó dạy bảo mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp họ tiến bộ, phải sáng suốt mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây mà xa cách cán bộ tốt, phải có thái độ vui vẻ, thân mật thì các đồng chí mới vui lòng gần gủi mình.

Về vấn đề học tập, Hồ Chí Minh quan niệm “Học để làm người trước, sau đó mới học làm cán bộ” và Người đã không ngừng mở rộng tầm nhìn ra thế giới, tiếp thu tinh hoa văn hóa - khoa học của nhân loại, nâng cao trình độ bằng phương pháp tự học.

Trong phong cách diễn đạt, bất cứ đối tượng nào, ở bất cứ trình độ nào khi nghe Bác nói chuyện đều cảm thấy thoải mái, kính nể. Đặc biệt, Người khi là một nhà thơ, nhà văn, nhà báo, khi là người chính luận sâu sắc, tác giả của những áng hùng văn, những lời kêu gọi cả dân tộc, đồng bào, cho đến những lá thư giản dị cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Trong cách ứng xử của Người cũng rất văn hóa, lịch lãm mà bình dị, tự nhiên, cởi mở và chân tình. Nói đến phong cách Hồ Chí Minh bất cứ ai cũng có thể nhận thấy ở Người có một phong cách rất riêng, rất Hồ Chí Minh thể hiện trong lĩnh vực tư duy, làm việc, ứng xử cũng như trong sinh hoạt cuộc sống đời thường. Thực tế đã chứng minh tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là dấu cộng những tư tưởng sẵn có của người khác. Từ những vấn đề mang tính quy luật vận động của xã hội, Hồ Chí Minh đã đặt vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của nước ta, đưa ra những câu trả lời không có trong kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin. Tư tưởng cách mạng khoa học của Người là sản phẩm của quá trình tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo.

Trong thời điểm hiện nay cả nước quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, do đó mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm với công việc, trước hết học và làm theo Bác bằng những lời nói, việc làm, nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều. Từng cán bộ, đảng viên phải tự soi xét bản thân để xây dựng nội dung phù hợp vị trí công tác; tự sửa mình theo lời dặn của Bác để việc học và làm theo Người đạt kết quả đúng mực; trở thành tấm gương cho đồng chí, đồng nghiệp và nhân dân noi theo. Xây dựng, rèn luyện phong cách, tác phong công tác, ý thức tôn trọng nhân dân, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, chăm lo đời sống cho nhân dân. Không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khả năng nắm bắt nhanh nhạy với cái mới, kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng, dư luận để xử lý công việc chính xác, kịp thời. Có kế hoạch làm việc khoa học, xử lý công việc luôn “chí công vô tư”, phải đặt lợi ích tập thể, lợi ích nhân dân lên trên hết, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, đồng thời luôn dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, luôn tự phê bình để cùng nhau tiến bộ… nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên “vừa hồng, vừa chuyên”, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới.

Học tập và làm theo tấm gương tinh thần trách nhiệm, phong cách khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải trở thành ý thức tự giác trong mọi cán bộ, đảng viên, cần đạt được trong công tác, đạo đức, lối sống và lời nói, việc làm cụ thể hiện nay, có vậy mới tạo ảnh hưởng lan tỏa trong Đảng và ngoài xã hội.

Nguyễn Thanh Hoàng

 

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.7, tr. 249.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.7, tr. 248.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.1, tr. 284.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.13, tr.90.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.6, tr.127.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.5, tr. 699.

 

25604 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 708
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 708
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78084232