Hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta 6 tháng đầu năm 2022 

6 tháng đầu năm 2022, hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta tiếp tục được triển khai đồng bộ, toàn diện, chủ động, linh hoạt và đạt được những kết quả quan trọng, đó là:

1. Tiếp tục củng cố, thúc đẩy quan hệ với các nước, nhất là các nước láng giềng, nước lớn và các đối tác quan trọng; xử lý hài hòa, cân bằng quan hệ giữa các nước.

1.1. Quan hệ với Lào, Campuchia và Trung Quốc tiếp tục được củng cố, tăng cường thông qua trao đổi đoàn các cấp và tiếp xúc dưới nhiều hình thức linh hoạt.  

1.2. Quan hệ với các nước ASEAN khác, các nước lớn và các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống tiếp tục được thúc đẩy thông qua các hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc trực tiếp và trực tuyến ở cấp cao và các cấp.

2. Trong các vấn đề liên quan đến xung đột Nga - Ucraina, trên cơ sở bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí Lãnh đạo chủ chốt, ta đã triển khai đồng bộ các biện pháp phù hợp nhằm bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, cụ thể:

- Ta đã nhanh chóng cơ bản hoàn thành công tác sơ tán và giải cứu công dân, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của công dân, trụ sở và thành viên Cơ quan đại diện và các lợi ích của ta tại Ucraina.

- Ta đã ứng xử đối ngoại cả song phương và đa phương một cách khéo léo, phù hợp, cân bằng, thận trọng, góp phần bảo đảm các lợi ích chiến lược và kinh tế của đất nước trong quan hệ với Nga, Ucraina, Mỹ và các đối tác quan trọng ở châu Âu.

- Ta đã tham gia đóng góp, xây dựng các Tuyên bố Bộ trưởng ASEAN, đóng góp ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ về tình hình nhân đạo Ucraina; đồng thời, thể hiện trách nhiệm, đóng góp 500.000 USD hỗ trợ nhân đạo cho Ucraina.

3. Chủ động, tích cực thúc đẩy đối ngoại đa phương, góp phần bảo đảm lợi ích của đất nước và đóng góp vào giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới; tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến Việt Nam đề xuất trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 gắn với nỗ lực chung xây dựng Cộng đồng ASEAN, ứng phó với dịch Covid-19, thúc đẩy phục hồi kinh tế; đóng góp tích cực để Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ đạt nhiều kết quả thiết thực; cùng Mỹ và Canada đồng chủ trì tổ chức Hội thảo ARF về An ninh y tế, ứng phó và phục hồi sau Đại dịch (Guam, 04 - 06/5). Đồng thời ta cũng tham gia và đóng góp tích cực cho nhiều hội nghị đa phương khác về các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, qua đó tiếp tục khẳng  định vị thế và uy tín của Việt Nam.

4. Theo dõi sát tình hình, kịp thời báo cáo, tham mưu phục vụ đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển.

- Trên biển, ta tiếp tục theo dõi sát tình hình và triển khai đồng bộ các biện pháp cả trên thực địa và về ngoại giao; thúc đẩy đàm phán COC giữa ASEAN với Trung Quốc, đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế với các nước láng giềng. Trong đó, với Trung Quốc, ta đã gửi Công hàm phản đối Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc tại Biển Đông; tham dự cuộc họp Nhóm công tác chung ASEAN - Trung Quốc về thực hiện DOC lần thứ 36 (24-27/5). Ta cũng hợp tác, trao đổi với Australia và Mỹ về một số vấn đề liên quan tài nguyên biển và pháp lý trên biển; cùng Indonesia tiến hành đàm phán đặc biệt phân định vùng đặc quyền kinh tế (14-16/3).

Trên bộ, ta phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc, Lào và Campuchia trong quản lý biên giới đất liền, triển khai các thỏa thuận biên giới đã đạt được, thúc đẩy hợp tác phát triển ở khu vực biên giới song song với bảo đảm phòng chống dịch Covid-19, đồng thời, giải quyết ổn thỏa các vụ việc phát sinh (Ta và Trung Quốc duy trì hợp tác quản lý biên giới, cửa khẩu theo 03 văn kiện pháp lý trên cơ sở bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của cả hai nước, giải quyết bài bản, hợp lý các sự việc phát sinh, nhất là việc Trung Quốc xây dựng hàng rào biên giới. Trong đó, ta tích cực yêu cầu giải quyết dứt điểm vi phạm trong xây dựng hàng rào khống chế, ngăn chặn tại hai tỉnh Lào Cai và Điện Biên; thống nhất với Trung Quốc về việc áp dụng phương thức mới trong giao nhận hàng, góp phần nâng cao đáng kể năng lực thông quan và giải quyết tình hình ách tắc hàng hóa tại khu vực cửa khẩu biên giới).

Ta và Lào phối hợp tốt trong công tác quản lý biên giới theo quy định của 02 văn kiện pháp lý về biên giới năm 2016, tiến hành cải tiến mô hình “một cửa, một lần dừng”; phối hợp tổ chức khảo sát song phương mốc quốc giới 585, 606(1) và 607(1) tại tỉnh Quảng Trị - Sạ Vẳn Nạ Khệt; khảo sát và làm việc với Lào về vị trí dự kiến xây dựng Quốc môn cửa khẩu quốc tế Phu Cưa - Bờ Y...

Ta và Campuchia tiếp tục phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến canh tác, sản xuất của người dân vượt quá đường biên giới đã phân giới cắm mốc; chuẩn bị đàm phán vòng 2 cấp Chủ tịch Ủy ban Liên hiệp giữa hai nước về giải quyết 16% chưa phân giới cắm mốc. Ta đã khảo sát, đánh giá thực trạng các mốc biên giới bị hư hại, xuống cấp, sạt lở nghiêm trọng tại tuyến biên giới tỉnh Đắk Lắk; xem xét đề xuất mở cửa khẩu tại xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước…

5. Tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế và ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, thúc đẩy ngoại giao vắc-xin, phục vụ thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế.

- Nổi bật là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham gia Lễ công bố khởi động thảo luận về ý tưởng IPEF (23/5), chuyển thông điệp của Việt Nam về xây dựng một khuôn khổ dựa trên các nguyên tắc mở, bao trùm, minh bạch, phù hợp với luật pháp quốc tế, vai trò trung tâm của ASEAN và bổ sung cho các liên kết kinh tế hiện có.

- Công tác hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp với phương châm “lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ” tiếp tục được đẩy mạnh với một số hoạt động như: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm với Tổng Giám đốc Adidas, Chủ tịch điều hành WEF.

- Hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục được thúc đẩy, nhất là việc triển khai hiệu quả các FTA đã ký kết, qua đó tăng cường thúc đẩy hợp tác kinh tế với các nước, tận dụng tốt đà phục hồi của kinh tế thế giới, góp phần đạt được nhiều kết quả khởi sắc về kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm.

- Ta cũng tham gia và đóng góp tích cực các các cơ chế hợp tác đa phương và khu vực như APEC, ACMECS, khuôn khổ quan hệ đối tác Mê Công - Mỹ (MUSP), Quỹ Á – Âu; tranh thủ hiệu quả nguồn viện trợ của các đối tác thông qua các cơ chế hợp tác Mê Công - Lan Thương, Mê Công - Hàn Quốc, Mê Công - sông Hằng và ACMECS để hỗ trợ các địa phương về quản lý nguồn nước, nâng cao năng lực, xóa đói giảm nghèo và phát triển cơ sở hạ tầng.

6. Triển khai kịp thời, hiệu quả công tác về người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân.

- Đặc biệt, trong bối cảnh chiến sự bùng phát và diễn biến căng thẳng tại Ucraina, ta đã cơ bản hoàn tất việc sơ tán công dân Việt Nam, kiều bào tại Ucraina và thành viên gia đình (khoảng 5200 người), trong đó đã tổ chức được 07 chuyến bay đưa gần 1700 công dân về nước, thu xếp cho hàng chục người khác về nước trên các chuyến bay thương mại, bảo đảm công khai, minh bạch và thuận lợi tối đa cho người dân

- Công tác người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được chú trọng, triển khai hiệu quả Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, Kết luận số 29-KL/TW ngày 25/02/2022 của Bộ Chính trị về vấn đề người gốc Việt tại Campuchia

7. Làm tốt công tác thông tin đối ngoại và ngoại giao văn hóa; xử lý thỏa đáng các vấn đề nhân quyền. Công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại được triển khai kịp thời, đồng bộ, đáp ứng tốt các mục tiêu và yêu cầu đề ra. Công tác ngoại giao văn hóa được thúc đẩy, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước. Trong vấn đề dân chủ nhân quyền, ta tích cực trao đổi, tham vấn với các nước, cũng như tiến hành các biện pháp đấu tranh cần thiết cả về song phương và đa phương. Ta tiếp tục công tác vận động ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.

Dự báo trong 6 tháng cuối năm 2022, tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động lớn đến môi trường an ninh và phát triển của ta. Xung đột giữa Nga - Ucraina sẽ tiếp tục tác động phức tạp, lâu dài đến quan hệ chính trị, kinh tế - thương mại quốc tế. Cạnh tranh, đối đầu tiếp tục là xu thế chủ đạo trong quan hệ nước lớn; mức độ phân tuyến, tập hợp lực lượng rõ ràng hơn (Các diễn đàn đa phương toàn cầu có Nga tham gia thời gian tới sẽ bị chính trị hóa, gặp nhiều khó khăn, thậm chí tạm thời tê liệt do đối đầu). Dịch Covid-19 chưa có thời điểm dự báo kết thúc và có nguy cơ bùng phát trở lại nếu xuất hiện biến chủng trội mới. Đặc biệt, triển vọng phục hồi của kinh tế thế giới bấp bênh, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thậm chí đã xuất hiện nguy cơ suy thoái. Tình hình Biển Đông dự báo phức tạp cả về ngoại giao, pháp lý và thực địa, không loại trừ có sự cố trên thực địa. Các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh mạng, an ninh nguồn nước diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường.

Trong nước tập trung đẩy mạnh triển khai Nghị quyết Đại hội XIII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2015. Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong 6 tháng cuối năm 2022 tiếp tục tập trung vào một số trọng tâm sau:

- Đẩy mạnh thực hiện nghị quyết Đại hội XIII và kết luận của Hội nghị
đối ngoại toàn quốc năm 2021; triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động
đối ngoại; tăng cường hiệu quả phối hợp đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước,
đối ngoại nhân dân; phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, huy động nguồn lực cho phát triển và nâng cao vị thế đất nước.

- Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược về đối ngoại, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc. Tập trung nghiên cứu, dự báo sự vận động của cục diện thế giới và khu vực, các xu thế phát triển về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội trên thế giới. Tiếp tục thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, nắm chắc và dự báo đúng tình hình để có chiến lược, sách lược, bước đi phù hợp trong đối ngoại, tham mưu chủ trương ứng xử của ta trước các tập hợp lực lượng trong khu vực. Hoàn thành các đề án, chiến lược quan trọng trong quan hệ song phương, đa phương.

- Tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình đối ngoại cấp cao 2022; đôn đốc triển khai các đề án phát triển quan hệ, thỏa thuận, hiệp định, nhận thức chung đạt được ở cấp cao với các đối tác; tăng cường phối hợp ký kết các văn kiện cơ sở, khuôn khổ pháp lý cho hợp tác song phương, đa phương.

- Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Trong đó, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; triển khai hiệu quả các hiệp định FTA đã ký và tiếp tục thúc đẩy đàm phán FTA với các đối tác; xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu; vận động, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi; tổ chức các hoạt động thu hút FDI, quảng bá môi trường đầu tư của Việt Nam; theo dõi, tham mưu về xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng, dịch chuyển đầu tư; tranh thủ những cơ hội do Cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số, dịch chuyển đầu tư mang lại; thúc đẩy các dự lớn hợp tác trọng điểm và xử lý các vướng mắc kinh tế với các nướctăng cường gắn kết, tranh thủ nguồn lực trên các lĩnh vực đang là xu hướng chuyển đổi trên thế giới...

- Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Chuẩn bị tốt cho việc tham gia, đóng góp, định hình trong khuôn khổ ASEAN, LHQ, APEC, ASEM, hợp tác tiểu vùng Mê Công, các hội nghị về biến đổi khí hậu và các diễn đàn khác. Tham gia chủ động, tích cực vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và định hướng hợp tác sau 2025; góp phần nâng cao năng lực xử lý các thách thức nảy sinh, phát huy vai trò, vị thế của ASEAN. Hoàn thành tốt trách nhiệm điều phối quan hệ ASEAN - Hàn Quốc 2021-2024. Tiếp tục phát huy kết quả, vị thế uy tín sau nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ; xây dựng và đẩy mạnh triển khai Kế hoạch đăng cai các sự kiện đa phương đến 2030; thúc đẩy hợp tác với các cơ quan của LHQ, các tổ chức quốc tế trong một số lĩnh vực cụ thể phù hợp với nhu cầu của ta.

- Theo dõi sát tình hình Biển Đông, kịp thời tham mưu có giải pháp hiệu quả nhằm bảo vệ chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích chính đáng của Việt Nam; đóng góp tích cực, chủ động và đàm phán xây dựng COC hiệu lực, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. Phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý biên giới trên bộ theo các văn kiện pháp lý đã được ký kết, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.

- Đẩy mạnh công tác bảo hộ công dân, nhất là tại các địa bàn xảy ra xung đột quân sự. Tăng cường công tác thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa, trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số. Tích cực triển khai Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới và Chương trình hành động của Chính phủ; đề xuất các nhiệm vụ, đột phá về tăng cường sức mạnh mềm Đề án Ngoại giao Văn hóa đến 2030.

- Kiện toàn bộ máy, bổ sung, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, lực lượng làm công tác đối ngoại, đáp ứng yêu cầu đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng cao trong tình hình mới./. Phan Văn Lãn (Tổng hợp từ nguồn Ban Tuyên giáo Trung ương)

 

 

 

 

2210 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 405
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 405
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77969610