Hỗ trợ tạo môi trường pháp lý cho khởi nghiệp sáng tạo 

(ĐCSVN) – Chất lượng các dự án đổi mới sáng tạo tại Việt Nam có chiều hướng tốt lên với sự đóng góp của các quỹ đầu tư, chương trình thúc đẩy khởi nghiệp, vườn ươm, trường đại học... Đây cũng là hướng đi mà Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia đã nỗ lực triển khai trong nhiều năm qua.

 

  Chương trình "Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia 2022"

Một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo đó là vấn đề pháp lý. Vấn đề này đã được thảo luận với chủ đề "Môi trường pháp lý cho khởi nghiệp sáng tạo" tại Chương trình "Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia 2022", do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 20/12. 

Tại diễn đàn, bà Lê Thị Thu Thủy – Phó Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp (thuộc VCCI) khẳng định, hệ sinh thái khởi nghiệp của chúng ta đang dần hoàn thiện cả về môi trường pháp lý. Nói về pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa là Luật đầu tiên chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã có Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, quỹ mạo hiểm…

Phân tích sâu hơn, đại diện VCCI cho biết, có nhiều diễn giả đã cho rằng chúng ta còn thiếu nhiều khung chính sách. Ví dụ Nghị định số 38/2018/NĐ-CP dù đã khuyến khích nhưng còn điểm nghẽn khi giới hạn số người đầu tư cho quỹ là 30 người, không đầu tư quá 50% vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, vô hình chung làm giới hạn vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong khi đó, nhiều quốc gia cho phép mức này lên tới 80-90%.

Nhắc tới các chương trình Đề án như Đề án 844, hay các chương trình khởi nghiệp như của VCCI, bà Thuỷ cho rằng chương trình đã góp phần hoàn thiện hệ sinh thái doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Ông Từ Minh Hiệu – Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ, (NATEC), Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho biết: Hiện nay Bộ khoa học và Công nghệ không chỉ là đầu mối triển khai đề án 844 về các hoạt động liên quan đến hỗ trợ, đưa các nguồn lực thúc đẩy các tổ chức trung gian trong hệ sinh thái khởi nghiệp, mà việc xây dựng và hình thành hành lang pháp lý cũng rất được quan tâm.

Ông Hiệu cho biết, bên cạnh việc cùng tham gia, Bộ cũng có những sáng kiến góp ý cho rất nhiều văn bản pháp luật, hiện nay chúng ta chưa có văn bản chính sách đầu mối thống nhất về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, mà đang đưa vào luật văn bản pháp lý khác nhau. Vì vậy, thời gian vừa qua, đơn vị đã có sự nỗ lực đưa vào một số văn bản quan trọng như: Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với các Nghị định đi kèm; Luật chuyển giao công nghệ năm 2017 mở ra kênh vốn quan trọng, từ những quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp để đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Bà Ramla Khalidi – Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) 

Việt Nam đã đạt được những bước tiến vượt bậc

Chia sẻ tại diễn đàn, bà Ramla Khalidi – Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) cho biết, UNDP ghi nhận những nỗ lực không ngừng trong việc hỗ trợ các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong hơn 20 năm qua; cảm ơn Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng các đại diện cơ quan liên quan về các cam kết, tinh thần kinh doanh đổi mới.

“Chúng ta có thể thấy được sự nhiệt tình cũng như đam mê và sức sáng tạo của các doanh nghiệp khởi nghiệp có sự hiện diện ở đây ngày hôm nay. Có thể đại diện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trên toàn Việt Nam. Năm 2022 hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam cũng đã đạt được những bước tiến đáng kể và tăng được 5 bậc để vươn lên vị trí thứ 54 trên chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu mới”, bà Ramla Khalidi chia sẻ.

Theo bà Ramla Khalidi, trong 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã nhận được tổng cộng 494.000.000 đô la vốn đầu tư mạo hiểm. Những con số ấn tượng này không chỉ chứng minh các tiềm năng của công ty khởi nghiệp Việt Nam mà còn thể hiện sự quan tâm to lớn mà các nhà đầu tư dành cho thị trường Việt Nam.

Thanh niên là động lực chính cho sự thay đổi tích cực, họ có năng lượng, cam kết và những ý tưởng mới để tạo ra các giải pháp thúc đẩy sự phát triển của đất nước và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Quan trọng hơn, thanh niên cũng là đại diện cho tương lai và do đó đầu tư vào thanh niên có nghĩa là đầu tư vào một tương lai tốt đẹp hơn.

“Kể từ 2017 UNDP và quỹ Citi Foundation cũng đã phối hợp triển khai chương trình Youth CO:LAB trên 28 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp châu Á Thái Bình Dương. Ở cấp quốc gia và địa phương Youth CO:LAB Việt Nam đã thúc đẩy các đối tác công tư, các viện, trường và các tổ chức thanh niên để tạo ra một môi trường thuận lợi và các biện pháp khuyến khích phù hợp hỗ trợ cho các doanh nhân xã hội trẻ và các nhà đổi mới nhằm đẩy nhanh và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”, bà Ramla Khalidi chia sẻ.

Cũng theo đại diện UNDP, cho đến nay, chương trình khởi nghiệp có sự tham gia của hơn 400 doanh nhân trẻ và 150 cố vấn đã tham gia đến từ 29 tỉnh thành và đã qua các lớp đào tạo, 45 công ty đào tạo đã được hỗ trợ tài chính và kỹ thuật thông qua các chương trình hỗ trợ đổi mới… Cùng với đó, hơn 700 doanh nhân trẻ đã tham gia vào các cuộc đối thoại chính sách sách của địa phương, quốc gia, quốc tế.

Bà Ramla Khalidi cũng bày tỏ vui mừng khi các chương trình phối hợp giữa UNDP và các bộ ngành tại Việt Nam đã tạo ra những tác động tích cực trong thời gian qua.

Phát động Chương trình Khởi nghiệp quốc gia 2023

Chính thức phát động chương trình Khởi nghiệp quốc gia 2023.

Tại Diễn đàn Khởi nghiệp quốc gia 2022, thay mặt Ban Tổ chức, ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch VCCI đã chính thức phát động chương trình Khởi nghiệp quốc gia 2023.

Phó Chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa cho biết, tại Festival khởi nghiệp 2023, nhiều kinh nghiệm, thông tin thực tiễn được các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhà trường sẽ được chia sẻ. Cùng với đó là những xu hướng và định hướng chính sách để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng như hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho cộng đồng các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Với niềm tin to lớn về tiềm năng triển vọng phát triển, thông qua hoạt động khởi nghiệp sẽ mang lại giá trị mới, tăng trưởng nhanh, đóng góp cho phát triển kinh tế, phát triển bền vững và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu, thay mặt VCCI và Ban Tổ chức, ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch VCCI phát động chương trình Khởi nghiệp quốc gia 2023.

Tại lễ phát động, Câu lạc bộ Khởi nghiệp Liêm chính ra mắt Ban điều hành nhiệm kỳ 2023 - 2025 do ông Đỗ Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Rain Coffee làm chủ nhiệm CLB.

CLB Khởi nghiệp Liêm chính hoạt động dưới sự bảo trợ của UNDP và Hội đồng cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia VSMA. Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm kì này của CLB là tham gia vào việc thực hiện và lan tỏa tinh thần đạo đức kinh doanh, đạo đức doanh nhân mới của VCCI và xây dựng văn hóa hướng tới sự phát triển bền vững trong doanh nghiệp./.

 
Tin, ảnh: Kim Dung
106 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 809
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 809
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77253782